Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát huy giá trị văn hóa của hệ thống Nhà thờ công giáo tại Hà Nội phục vụ phát triển du lịch

    Tóm tắt
    Thăng Long – Hà Nội với lịch sử hơn 1000 năm đã tiếp nhận, chọn lọc và hình thành nên một nét văn hóa rất đặc sắc, riêng biệt. Chính nét văn hóa độc đáo ấy là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm gần đây, với nhiều điểm đến văn hóa phong phú, đa dạng, Hà Nội ngày càng đón được nhiều lượng khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa của hệ thống nhà thờ công giáo – một nét văn hóa góp phần tạo nên hồn cốt của Hà Nội đang bị bỏ qua. Thông qua phương pháp nghiên cứu thực địa và phỏng vấn sâu du khách quốc tế đến Hà Nội, bài viết dưới đây đưa ra những phân tích sâu hơn về giá trị văn hóa du lịch của hệ thống nhà thờ công giáo và định hướng khai thác trong phát triển du lịch của thủ đô.
    Key words: Nhà thờ Công giáo, du lịch, văn hóa
    I. GIỚI THIỆU CHUNG
    1.1. Giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội nhìn từ góc độ khách du lịch quốc tế
    Được mệnh danh là thủ đô “ngàn năm văn hiến”, mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng, Hà Nội đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của Tổng cục du lịch, chỉ tính riêng năm 2019, lượng khách quốc tế đến với Hà Nội là 7,2 triệu lượt chiếm 40% tổng khách quốc tế của cả nước. Để có thể níu chân du khách bằng lợi thế vốn có này, Hà Nội đã đưa ra nhiều tour du lịch văn hóa đặc sắc để có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách. Mỗi khách du lịch đến nơi đây đều có cái nhìn rất tích cực về một thủ đô trầm mặc, cổ kính và rất đỗi bình yên này.
    Qua khảo sát khách du lịch quốc tế cũng như thực trạng thu hút khách trong những năm gần đây có thể thấy rằng khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử đang là một thế mạnh trong phát triển du lịch của Hà Nội. Tuy nhiên, con số thống kê cũng cho thấy trong tổng số hơn 7 triệu khách đến Hà Nội chủ yếu là thị trường khách Châu Á, còn thị trường khách Âu chỉ chiếm 17% – một con số khá khiêm tốn. Châu Âu là thị trường khách tiềm năng, có khả năng chi trả cao tuy nhiên họ thường khó tính và đòi hỏi cao hơn các thị trường khác, do đó để có thể đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách này cần đa dạng tour du lịch, sản phẩm du lịch không chỉ tập trung vào những tour du lịch truyền thống đã khai thác trong nhiều năm, phải sáng tạo, kết hợp để đưa vào những điểm du lịch mới, hấp dẫn hơn.
    Trong quá trình khảo sát nhóm tác giả nhận thấy rằng, có một nét văn hóa tạo nên hồn cốt của Hà Nội đang bị “lãng quên” đó chính là những giá trị văn hóa của hệ thống nhà thờ công giáo. Do đó, cần có những định hướng để đưa tài nguyên văn hóa độc đáo này vào phát triển du lịch của thủ đô.
    1.2. Giá trị văn hóa du lịch của hệ thống nhà thờ Công giáo tại Hà Nội
    Ngoài những điểm đến văn hóa truyền thống thường thấy trong các tour du lịch thì Hà Nội còn có hệ thống nhà thờ công giáo rất độc đáo mà hầu như chưa một công ty du lịch nào khai thác. Hà Nội – trung tâm văn hoá lớn của cả nước cũng là mảnh đất được truyền bá Phúc Âm từ rất sớm. Ngay từ năm 1626, L.m. Giuliano Baldinotti, người Ý và Thầy Piani người Nhật là hai thừa sai đầu tiên đã tới Kẻ Chợ (Thăng Long) và được chúa Trịnh Tráng cho tự do truyền giáo. Trong quá trình đạo Công giáo phát triển ở Hà Nội đã để lại cho thủ đô nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú và có giá trị nghệ thuật cao.
    Về kiến trúc, giống như các nhà thờ Công giáo Việt Nam, các nhà thờ Công giáo tại Hà Nội được chia làm hai loại: Loại nghệ thuật kiến trúc châu Âu thời trung cổ và loại Á-Âu hỗn hợp, hay Đông Tây hài hòa. Các nhà thờ với phong cách kiến trúc Gothique có thể kể đến những nhà thờ rất tiêu biểu như nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, nhà thờ Hàm Long hay với lối kiến trúc Tân cổ điển Pháp có thể kể đến nhà thờ Phùng Khoang.

    Nhà thờ Lớn Hà Nội

    Tại các nhà thờ Công giáo trên địa bàn Hà Nội còn mang trong mình những giá trị về mỹ thuật nơi những tác phẩm nghệ thuật được thể hiện trong các nhà thờ. Những tác phẩm mỹ thuật đó mang theo hành trang nghệ thuật biểu hiện đức tin. Đó có thể là những bức tranh vẽ, tranh kính về Chúa Ba ngôi, Đức Mẹ, các Thánh… Các tác phẩm mỹ thuật đó vừa mang giá trị về thẩm mỹ vừa mang giá trị về thần học trong đức tin Công giáo và qua những tác phẩm mỹ thuật nơi nhà thờ giáo dân được chiêm ngưỡng dung nhan của Thiên Chúa trong khi cử hành các nghi lễ. Khi đánh giá về những tác phẩm mỹ thuật đó chúng ta không chỉ nhận thấy được những giá trị về mỹ thuật Công giáo mà còn thấy được sự đóng góp của mỹ thuật Công giáo làm phong phú, đa dạng hơn cho nền mỹ thuật dân tộc.
    Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, các nhà thờ Công giáo trên địa bàn Hà Nội còn mang những giá trị về biểu tượng. Hệ thống biểu tượng đó được thể hiện qua những tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật vừa mang những nét văn hóa phương Đông và phương Tây. Những biểu tượng trong các nhà thờ Công giáo tại Hà Nội được thể hiện như: Thánh đường và những đồ đạc bên trong, những kiểu Thánh giá và Thánh giá chịu nạn, Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Đức Maria Đồng Trinh, các Thánh, động vật, chim và cá, những loài cây, ý nghĩa của các chữ cái…Chính những biểu tượng này đã làm cho những ngôi thánh đường trở nên thiêng liêng, huyền bí không thể diễn tả được bằng lời mà phải dùng đức tin để cảm nhận. Những biểu tượng đó còn diễn tả một cách cụ thể nhất về đức tin của người Công giáo, giúp cho mọi người cảm thấy Thiên Chúa gần gũi hơn.
    Với những giá trị này, những nhà thờ Công giáo tại Hà Nội xứng đáng là những di sản văn hóa tôn giáo cần phải bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất, đưa vào thành những sản phẩm du lịch (Tour tổng hợp, tour chuyên đề) để những du khách inbound có cơ hội tìm hiểu những nhà thờ Công giáo độc đáo này tại Hà Nội.
    II. MỘT SỐ NHÀ THỜ CÔNG GIÁO TIÊU BIỂU TẠI HÀ NỘI
    Hiện nay, số lượng nhà thờ Công giáo của Hà Nội là tương đối nhiều. Tuy nhiên qua khảo sát, chúng tôi chọn ra một số nhà thờ tiêu biểu có vị trí gần với Trung tâm thủ đô Hà Nội, có giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc để đưa vào phục vụ phát triển du lịch.
    2.1. Nhà thờ Chính tòa Hà Nội
    Được Giám mục Puginier khởi công xây dựng từ năm 1882 và đến ngày 24/12/1886 thì khánh thành. Nhà thờ Chính tòa Hà Nội được xây dựng lúc đó để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của hơn 4.000 tín đồ bản xứ, chưa kể các tín đồ người Pháp lúc ấy đã khá đông trong khu phố Tây. Dự kiến nhà thờ Chính Tòa Hà Nội phải có quy mô tương đương với nhà thờ Kẻ Sở và cần có mức kinh phí tương đương 200.000 francs Pháp. Đây là một công trình kiến trúc theo phong cách cổ điển của nhà thờ Công giáo Pháp và là một công trình tiêu biểu cho kiến trúc Gô-tích. Nhà thờ lớn có chiều rộng 20,5m với 5 nhịp, chiều dài 64,5m với 12 bước gian. Hai tháp chuông vuông, bằng cao 31.5m trên phần sảnh ra vào. Sảnh có một cửa đi lớn, và hai cửa đi nhỏ hơn. Các cửa cũng như cửa sổ đều cuốn nhọn theo lối Gô-tích. Vật liệu chủ yếu để xây dựng nhà thờ là gạch đất nung. Nội thất bên trong được trang trí hài hoà, có chạm trổ hoa văn và sơn son thiếp vàng rất tinh vi, kết hợp với những cửa sổ cuốn nhọn theo lối Gô-tích, lắp kính màu (tranh kính) rất sáng sủa. Nhà thờ còn có một chiếc đồng hồ lớn có chuông báo khắc mỗi giờ cùng một lô gồm 4 quả chuông nhỏ và một quả chuông lớn trị giá 20.000 quan Pháp thời đó.
    2.2. Nhà thờ Cửa Bắc
    Tên thường gọi của nhà thờ theo tiếng La-tinh là Regina Martyrum Ora Pro Nobis (Nữ vương các thánh tử đạo). Nhà thờ Cửa Bắc do kỹ sư người Pháp có tên Việt Nam là Cố Hương xây dựng vào năm 1931-1932, tuy nhiên người khởi xướng xây dựng nhà thờ là một kiến trúc sư người Pháp tên là Đê-pô-lít. Đây là công trình nhà thờ được xây dựng muộn ở Hà Nội vì vậy nhà thờ có đường nét kiến trúc kiểu Âu – Á. Khi xây dựng công trình được lược bớt một số chi tiết trang trí như gờ phào, đầu cột hay một số hoa văn trang trí khác. Nhà thờ Cửa Bắc có một không gian phi đối xứng với một tháp chuông vút cao bên phải sảnh chính. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét đặc biệt so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo theo hình thức đăng đối nghiêm ngặt mà người Pháp đã xưng dựng ở Việt Nam. Nhà thờ Cửa Bắc mang nhiều tính chất á Đông, đặc biệt là hệ thống cột trang trí và phần bố trí tổng mặt bằng. Do ảnh hưởng của chiến tranh, cây thánh giá trên đỉnh tháp chuông bị gãy, hiện nay được thay thế bằng cây thánh giá nhỏ hơn.
    2.3. Nhà thờ Hàm Long
    Nhà thờ Hàm Long do ông Docteur Thân – một kiến trúc sư Việt du học ở Pháp về, thiết kế theo yêu cầu của Đê-pô-lít và giáo dân xứ đạo. Nhà thờ được hoàn thành vào tháng 12 năm 1934. Nhà thờ Hàm Long theo dòng Fanxico, thờ thánh An-tôn. Với kỹ thuật thủ công và vật liệu chính là vôi, cát, gạch nung và một phần bê tông ở gác chuông, những người thợ Việt Nam đã tạo ra một công trình cao 17m. Ngoài ra họ còn dùng vật liệu dân gian: rơm, hồ, vôi, nứa, hình thành những vòm cuốn bên trong tạo nên không gian uy nghiêm, trang trọng phù hợp với nghi lễ thánh đường, đồng thời tạo ra sự phản xạ âm thanh hợp lý.
    2.4. Nhà thờ Phùng Khoang
    Được xây dựng năm 1910, theo thiết kế của ông Docteur Thân. Nhà thờ có quy mô không lớn lắm nhưng mặt bằng tổng thể tương đối hoàn chỉnh, với đầy đủ nhà xứ, nhà phòng, tượng Đức Mẹ, sân vườn, hồ nước và cả một quảng trường lớn hướng ra ngã ba đường làng. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển của các nhà thờ Công giáo Pháp, tỷ lệ công trình đẹp mà không phô trương, chi tiết kiến trúc tinh xảo mà không rườm rà, tương quan mặt bên, mặt đứng, tháp chuông, nhà nguyện, nhà phòng là hợp lý. Nhà thờ Phùng Khoang vẫn giữ được nhiều nét truyền thống á Đông trong trang trí kiến trúc và trong trang trí mỹ thuật. Các con chiên đến nhà thờ cũng tìm được cảm giác rất gần gũi, rất Việt Nam bởi ngay tại cổng vào nhà thờ có đôi câu đối bằng tiếng Hán chứ không phải bằng tiếng La-tinh xa lạ như một số nhà thờ khác.

    Nhà thờ Phùng Khoang (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/)
    Nhà thờ Phùng Khoang (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/)

    2.5. Nhà thờ Thái Hà
    Nhà thờ được xây dựng vào năm 1935 do các con chiên ở trong dòng thiết kế. Giáo xứ Thái Hà lúc đầu do các linh mục dòng Chúa Cứu Thế cai quản. Dòng Chúa Cứu Thế mới có mặt ở Việt Nam từ năm 1925. Đây là trường hợp hiếm hoi mà các linh mục Dòng lại cai quản xứ. Đầu tiên đây chỉ là nhà Nguyện (nhà thờ nhỏ). Sau đó nâng lên nhà Xứ, tương đương với các nhà sứ lớn như Hàm Long, Cửa Bắc. Do lúc đầu chỉ là nhà Nguyện, hình dáng của công trình này rất đơn giản. Nhà thờ đã nhiều lần trùng tu, nhưng công trình vẫn phụ thuộc vào cơ sở nhà nguyện trước đó, không thay đổi được toàn diện.
    2.6. Nhà thờ Làng Tám (Nhà thờ Thịnh Liệt)
    Nhà thờ được xây dựng vào năm 1911 do kiến trúc sư Thân thiết kế. Không giống như các nhà thờ Lớn, hay Cửa Bắc, mặt bằng nhà thờ Làng Tám được xây dựng theo lối kiến trúc Basilica (Một phong cách kiến trúc không điển hình cho phong cách kiến trúc của nhà thờ Công giáo tại Hà Nội). Không gian nhà thờ được chia làm 3 phần chính: Tiền sảnh, khu vực lòng nhà thờ và gian cung thánh. Không gian kiến trúc của nhà thờ nổi bật lên nhờ hai tháp chuông nhô cao, tạo ra điểm nhấn cho cả công trình kiến trúc. Trang trí, kiến trúc của nhà thờ là sự hòa hợp, hội nhập rất rõ nét của 2 nền văn hóa Đông – Tây đã được xử lý một cách hài hòa.
    III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
    3.1. Định hướng xây dựng chương trình du lịch tham quan nhà thờ Công giáo Hà Nội
    Như đã nêu ở trên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều nhà thờ đẹp với kiến trúc độc đáo. Đây là những công trình mang giá trị văn hóa đặc sắc và là điểm du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích tìm hiểu về Công giáo. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi thấy rằng hầu như tất cả các công ty du lịch đều bỏ qua điểm du lịch hấp dẫn này. Hiện nay, chương trình của các công ty du lịch Hà Nội chủ yếu tập trung đưa khách đến những điểm sau: Lăng Chủ tịch Hà Chí Minh – Khu di tích Phủ chủ tịch, Văn Miếu, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng dân tộc học, Hồ tây – Chùa Trấn Quốc, Đền Ngọc Sơn, Phố Cổ, Show múa rối nước, các làng nghề truyền thống…
    Sẽ là không trọn vẹn nếu những chương trình du lịch trên đây thiếu một phần hồn cốt của Hà Nội đó là những giá trị văn hóa của Công giáo, một tôn giáo đã gieo mầm, bám rễ vào mảnh đất kinh kỳ từ thế kỉ XVII. Thật tuyệt vời, nếu trong chương trình du lịch chúng ta kết hợp thêm những điểm tham quan về nhà thờ Công giáo để có thể hiểu được sự giao lưu văn hóa Đông Tây (mà cụ thể là văn hóa Pháp tại Hà Nội). Hiểu thêm được những giá trị văn hóa tốt đẹp của Đạo Công giáo, hiểu thêm được những đặc trưng kiến trúc của nhà thờ Công giáo (Roman, Gothique…), hiểu được sự hội nhập văn hóa trong quá trình tiếp xúc văn hóa, văn minh. Nếu có được thêm những điểm du lịch nhà thờ Công giáo vào chương trình City tour, chắc hẳn chương trình du lịch này sẽ đặc sắc hơn.
    3.1.1. Xây dựng chương trình tổng hợp
    Gọi là chương trình tổng hợp, vì trong chương trình này, chúng tôi vẫn giữ lại những điểm tham quan đặc trưng đã làm nên “Thương hiệu” của City Tour Hà Nội. Chúng tôi chỉ thêm vào 2 nhà thờ có giá trị về văn hóa đặc sắc nhất trong hệ thống nhà thờ Công giáo của Hà Nội để làm phong phú, đầy đủ hơn cho chương trình City Tour hiện có. Chương trình được thiết kế như sau:
    8h00 – 8h30: Xe của Công ty du lịch Hà Nội đón quý khách tại khách sạn (Khu vực phố cổ) hoặc đón tại Nhà Hát Lớn khởi hành thăm quan khu quần thể Lăng Bác: thăm nhà sàn Bác Hồ, ao cá Bác Hồ, thăm bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột – (là di tích lâu đời mang tên chùa Diên Hựu với ý nghĩa phúc lành dài lâu).
    10h30: Hành trình tiếp theo sẽ đưa quý khách thăm chùa Trấn Quốc tọa lạc bên Hồ Tây thơ mộng
    11h15: Tiếp tục thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám (ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam)
    12h15: Ăn trưa tại nhà hàng.
    Chiều:
    13h30: Tham quan nhà thờ Cửa Bắc
    14h30 – 15h30: Tham quan nhà thờ Lớn Hà Nội
    16h: Tham quan Hồ Gươm – Đền Ngọc Sơn – Phố Cổ Hà Nội
    18h: Đưa khách trở lại điểm đón. Kết thúc chương trình
    3.1.2. Xây dựng chương trình tham quan theo chuyên đề nhà thờ Công giáo
    Tour này dành cho những khách Inbound đặc biệt thích tìm hiểu chuyên sâu về văn hóa Công giáo Việt Nam nói chung và Văn hóa Công giáo mà cụ thể là nhà thờ Công giáo tại Hà Nội nói riêng. Đối tượng khách hàng mục tiêu cho những tour chuyên đề này tương đối hẹp, nhưng nếu biết khai thác một cách hiệu quả thì chắc chắn sẽ góp phần gia tăng lượng khách du lịch đến với Hà Nội.
    Sáng
    8h30: Đón khách tại điểm đón (Trong nội thành Hà Nội). Khởi hành tham quan nhà thờ Làng Tám (Thịnh Liệt)
    9h15 – 10h15: Tham quan nhà thờ làng Tám. Tiếp tục khởi hành tham quan nhà thờ Phùng Khoang
    10h45 – 11h30: Tham quan nhà thờ Phùng Khoang
    Trưa
    12h: Ăn trưa tại nhà hàng
    13h: Khởi hành đi tham quan nhà thờ Cửa Bắc
    13h30 – 14h15: Tham quan nhà thờ Cửa Bắc. Tiếp tục tham quan nhà thờ Hàm Long
    14h45 – 15h30: Tham quan nhà thờ Hàm Long.
    16h – 17: Tham quan nhà thờ Lớn Hà Nội. Đưa khách trở lại điểm đón. Kết thúc chương trình
    3.2. Định hướng thuyết minh cho hướng dẫn viên
    Hướng dẫn viên chính là cầu nối, người trao truyền giá trị văn hóa đến du khách. Sự thành công của một chuyến tour du lịch phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thuyết minh của hướng dẫn viên. Chương trình du lịch nhà thờ Công giáo là một trong những chương trình du lịch theo chuyên đề vậy nên cần hướng dẫn viên có kiến thức chuyên sâu về đối tượng hướng dẫn tham quan đặc biệt này. Để du khách có thể hiểu được nhà thờ Công giáo tại Hà Nội một cách đầy đủ, hướng dẫn viên cần phải đảm bảo giới thiệu những nội dung cơ bản sau:
    – Lịch sử đạo Công giáo Thế giới
    – Quá trình truyền bá Công giáo vào Việt Nam
    – Những tác động của đạo Công giáo đến văn hóa Việt Nam
    – Giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của của đạo Công giáo ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng
    – Các phong cách nhà thờ Công giáo
    Ngoài ra, một phần đặc biệt quan trọng hướng dẫn viên cần phải nắm được đó là kết cấu nhà thờ Công giáo và hệ thống biểu tượng trong kết cấu của nhà thờ. Nhìn tổng thể mặt bằng kiến trúc từ trên xuống của các ngôi nhà thờ hiện nay giống như một cây thánh giá, được chia thành các hạng mục kiến trúc với từng chức năng khác nhau. Những hạng mục kiến trúc này ngoài những giá trị về công năng sử dụng nó còn hàm chứa những giá trị về biểu tượng, giáo lý, giáo luật, thần học trong văn hóa Công giáo. Hướng dẫn viên cần nắm được những biểu tượng liên quan đến Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Maria, các vị Thánh sử, các Thánh, Thiên thần, 14 đàng thánh giá, bàn thờ, gian cung thánh, nhà tạm, nến phục sinh…Chỉ khi hiểu được những nội dung này, hướng dẫn viên mới có thể truyền tải được giá trị văn hóa – tôn giáo – nghệ thuật của nhà thờ đến với du khách.
    IV. KẾT LUẬN
    Sẽ là thiếu sót nếu trong quá trình phát triển du lịch thủ đô chúng ta bỏ qua một nét văn hóa độc đáo góp phần tạo nên một Hà Nội muôn sắc màu – Hệ thống nhà thờ công giáo. Cần có sự linh hoạt, sáng tạo và đa dạng trong quá trình xây dựng các chương trình du lịch phục vụ du khách, trong đó có sự kết hợp giữa các điểm du lịch truyền thống và những điểm du lịch mới như các nhà thờ công giáo, để Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước mà sẽ trở thành điểm đến của du lịch văn hóa trong tương lai đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách quốc tế.
    Tài liệu tham khảo:
    1. Nguyễn Hồng Dương (2008), KiTô giáo ở Hà Nội, Nxb: Tôn giáo
    2. Vũ Anh Tuấn (1996), “Bảo tồn và tôn tạo kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Hà Nội và vùng phụ cận”, luận văn Thạc sỹ Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

    NCS Đỗ Trần Phương, NCS Phạm Thị Hải Yến
    Khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội

    Bài cùng chuyên mục