Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Du lịch y tế: Cơ hội mới cho du lịch Việt Nam trong tương lai gần?

    Trở thành một điểm sáng thành công về phòng ngừa, ngăn chặn và chiến thắng đại dịch Covid 19, Việt Nam được cả thế giới chú ý, ngành y tế Việt Nam cũng bước lên một nấc thang mới – sánh vai các quốc gia có nền y học phát triển. Điều này đã mở ra cơ hội cho thị trường du lịch y tế tại Việt Nam.
    Du lịch y tế
    Theo Tổ chức Y tế thế giới: Du lịch y tế (medical tourism) là hình thức đi du lịch kết hợp mục đích khám chữa bệnh bằng hình thức phẫu thuật và không phẫu thuật (chỉ khám và điều trị), khác với du lịch sức khỏe (wellness tourism) thiên về nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ thư giãn tăng cường sức khỏe cả thể chất, tinh thần.
    Du lịch y tế hiện nay tập trung phổ biến với một số hình thức gồm: phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị sinh sản, chăm sóc nha khoa, điều trị ung thư…

    Du lịch Y tế là một trong sáu xu hướng của du lịch thế giới theo dự báo của UNWTO
    Du lịch Y tế là một trong sáu xu hướng của du lịch thế giới theo dự báo của UNWTO

    Du lịch y tế là một trong sáu xu hướng phát triển của du lịch thế giới, cùng với du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo, theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO).
    Du lịch y tế trên thế giới
    Không phải là loại hình mới, trên thực tế du lịch y tế đã bùng nổ khoảng 10 năm trở lại đây. Ước tính có đến 14-16 triệu người đã lựa chọn và sử dụng dịch vụ du lịch y tế trong năm 2017 và chi phí trung bình của một lần điều trị khoảng 3.800$ – 6.000$.
    Theo thống kê năm 2019 của Global Market Insights, quy mô thị trường du lịch y tế được định giá 19 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng 6,5% từ năm 2019 đến năm 2025, đạt mức 30 tỷ USD năm 2025.

    Biểu đồ
    Biểu đồ

    Bởi nguồn cung cao và lợi nhuận lớn, nhiều quốc gia đã tập trung đầu tư vào thị trường tiềm năng này. Hiện nay, Châu Á và Bắc Mỹ đang nổi lên là khu vực tiềm năng cho du lịch y tế bởi sự cạnh tranh về giá cả. So với Mỹ thì Ấn Độ cung cấp các dịch vụ về du lịch y tế với chi phí thấp hơn 20%, Thái Lan thấp hơn 30%. Trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu về du lịch y tế năm 2019 được trang web Medical tourism công bố có đến 06 quốc gia Châu Á, cụ thể 10 quốc gia được bình chọn gồm: Ấn Độ, Brazil, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Costa Rica, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore.

    Ba điểm đến hàng đầu của du lịch y tế tại Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia, Singapore
    Ba điểm đến hàng đầu của du lịch y tế tại Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia, Singapore

    Thậm chí, báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về điều kiện phát triển thị trường du lịch y tế của từng khu vực trên thế giới được công bố trên trang Market Watch đã chỉ ra thị trường triển vọng của xu hướng này là Bắc Mỹ, Châu Á, trong đó cũng nhấn mạnh về tiềm năng của Đông Nam Á. Châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 40% thị phần toàn cầu của thị trường du lịch y tế. Tính riêng năm 2018, thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đã mang về khoảng 7,8 tỷ đô la doanh thu từ du lịch y tế.
    Thành công này có được bởi chính phủ một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, coi du lịch y tế như là một nguồn lực để phát triển kinh tế. Nhận thấy tiềm năng và sự hỗ trợ, ưu đãi từ chính phủ, các nhà đầu tư cũng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào khối bệnh viện tư nhân. Một yếu tổ quan trọng nữa đó là sự phát triển mạnh của du lịch tại Đông Nam Á, Châu Á vài năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt vé máy bay giá rẻ, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại cho người bệnh và người nhà không chỉ đơn giản mà còn đa dạng trong lựa chọn.
    Du lịch y tế ở Việt Nam
    Theo trang The Asean Post, đã có 80.000 người nước ngoài đến Việt Nam năm 2018 để tìm kiếm dịch vụ và điều trị về y tế mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đô la. Còn theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2018, Việt Nam thu về hơn 1 tỷ đô la từ du lịch y tế tính riêng với bệnh nhân nước ngoài.

    Thành phố HCM được du khách quốc tế đánh giá cao về nha khoa
    Thành phố HCM được du khách quốc tế đánh giá cao về nha khoa

    Thành phố Hồ Chí Minh chiếm thị phần lớn nhất về du lịch y tế tại Việt Nam với sản phẩm chính được du khách lựa chọn là y học cổ truyền, nha khoa và thẩm mỹ. Vài năm gần đây, để phát triển thị trường khách du lịch này, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng cẩm nang du lịch y tế, tạo app riêng cho dịch vụ khám chữa bệnh, tăng cường truyền thông, quảng bá, phát triển những gói dịch vụ chuyên sâu. Hà Nội được du khách quốc tế chấm điểm cao trong việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với hàng loạt bệnh viện tuyến đầu và hệ thống trang thiết bị được đầu tư hiện đại. Các chuyên gia IVF ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 ca IVF và Việt Nam hiện là quốc gia thực hiện IVF nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

    Trong khi Hà Nội được tin tưởng với nhiều trung tâm uy tín thực hiện IVF
    Trong khi Hà Nội được tin tưởng với nhiều trung tâm uy tín thực hiện IVF

    Tạp chí International Living của Úc đã bình chọn Việt Nam là một trong ba quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được khách Úc ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao với chi phí thấp. Cụ thể, dịch vụ làm cầu cho răng tại Úc có giá khoảng 4.500 đô la Úc, trong khi đó ở Việt Nam chỉ giao động từ 500-800 đô la Úc. Mức chi phí cho dịch vụ làm răng sứ tại Việt Nam rẻ hơn 1/3 nếu so sánh với Mỹ và Úc. Tạp chí Fosbes cho biết chi phí thực hiên một ca IVF tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á, còn nếu so với chi phí trung bình 20.000 đô la thực hiện IFV tại Mỹ thì mức giá ở Việt Nam chỉ bằng ¼.
    Không chỉ cạnh tranh về giá cả, thời gian cũng là một yếu tố khiến cho du lịch y tế tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam chiếm ưu thế. Trong khi tại Mỹ, Úc hay các quốc gia Châu Âu, để thực hiện việc làm răng sứ phải mất từ 2-3 tháng thì tại Thái Lan hay Việt Nam, dịch vụ này sẽ được hoàn thiện chỉ trong 2 tuần.
    Mặc dù đã được du khách quốc tế nhìn nhận và lựa chọn nhưng với danh sách dài các bệnh viện lớn cùng đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao ngang tầm thế giới như: Bạch Mai, Viện E, Răng hàm mặt Trung Ương, Y học cổ truyển Trung ương, Hữu Nghị, Bưu điện, Xanh-pôn tại Hà Nội. Bệnh viện Chợ Rẫy, viện 115, Đại học Y dược, Từ Dũ tại thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể đến nhiều bệnh viện tư nhân có trang thiết bị hiện đại và dịch vụ cao cấp như Hồng Ngọc, Thu Cúc, An Sinh, Hoàn Mỹ, Vạn Hạnh, Việt Pháp…thì thực tế phải nhìn nhận rằng thị trường du lịch y tế tại Việt Nam còn quá khiêm tốn so với tiềm năng.
    Có rất nhiều rào cản khiến du lịch y tế tại Việt Nam chưa thể phát triển, trong đó phải kể đến như: chưa có chính sách khuyến khích phát triển, chưa có sự phối kết hợp giữa ngành y tế và ngành du lịch. Các bệnh viện cũng chưa có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực phục vụ thị trường khách này, bởi không như khách nội địa, để phục vụ khách quốc tế thì bác sĩ, y tá cũng cần thông thạo ngoại ngữ. Khó khăn lớn nhất chính là việc để thu hút khách các bệnh viện cần phải có chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
    Tất cả các bệnh viện uy tín được khách quốc tế lựa chọn tại khu vực Đông Nam Á đều có chứng nhận của Ủy ban Quốc tế (Joint Commission International – JCI). Được JCI công nhận đồng nghĩa với việc có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ vụ du lịch y tế đạt tiêu chuẩn cả về chuyên môn và trang thiết bị. Thái Lan là quốc gia có số bệnh viện được JCI công nhận nhiều nhất tại Đông Nam Á với 67 bệnh viện, Indonesia 31 bệnh viện, ít nhất là Myanmar chỉ có duy nhất 01 bệnh viện được công nhận. Việt Nam có 4 bệnh viện được JCI công nhận, một con số còn quá khiêm tốn so với số lượng các bệnh viện tại Việt Nam hiện nay.

    Bản đồ số lượng bệnh viện được JCI công nhận tại Đông Nam Á
    Bản đồ số lượng bệnh viện được JCI công nhận tại Đông Nam Á

    Theo cáo của Bộ Y tế, năm 2018 mặc dù thu về hơn 1 tỷ đô từ bệnh nhân nước ngoài, song Việt Nam lại “chảy máu” hơn 2 tỷ đô với 60.000 lượt người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, một thị trường khách tiềm năng không thể không nhắc đến chính là hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Số liệu này đủ để ngành y tế và ngành du lịch cần sớm có sự phối hợp, xây dựng các chương trình hợp tác không chỉ thu hút khách quốc tế mà còn khai thác thị trường lớn khách nội địa và bà con kiều bào.
    Trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với vô vàn khó khăn bởi đại dịch Covid 19, Việt Nam trở thành đã trở thành điểm sáng trong công tác kiểm soát dịch bệnh và chữa bệnh. Có được thành công đó là nhờ sự dẫn dắt đúng hướng của Chính phủ và năng lực của ngành y tế Việt Nam. Đã và đang chiến đấu chống dịch, cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức để phục hồi kinh tế và các hoạt động sản xuất sau dịch, song nếu nhìn vào mặt tích cực thì đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế của ngành y tế Việt Nam đối với thế giới, cũng có nghĩa là cơ hội cho du lịch y tế Việt Nam cất cánh có thể thực hiện từ hôm nay nếu có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể.

    * Tài liệu tham khảo:
    https://theaseanpost.com/article/medical-tourism-rise
    https://www.amjmed.com/article/S0002-9343(18)30620-X/fulltext
    https://www.magazine.medicaltourism.com/article/top-10-medical-tourism-destinations-world
    https://www.gminsights.com/industry-analysis/medical-tourism-market
    https://www.marketwatch.com/press-release/medical-tourism-market-sharesize-2020-industry

    Ths.Nguyễn Lan Hương
    Trung tâm TVĐT Du lịch – Viện NCPTDL

    Bài cùng chuyên mục