Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Du lịch chuyển đổi cuộc sống – Những thông điệp mạnh mẽ của ngành du lịch năm 2020

    I. Mở đầu
    Ngày 28/8/2020, Tổng Thư ký tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili đã đưa ra thông điệp du lịch đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất và kinh doanh. Báo cáo tổng quan về chính sách của Liên hiệp quốc về Du lịch và Covid-19 đã xác định cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã gây ra mối đe dọa làm mất đi hàng chục triệu việc làm du lịch trực tiếp, tác động tới những đối tượng và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, nhưng cũng là những người trông đợi nhất vào nguồn thu từ du lịch. Hơn thế nữa, các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đứng trước nguy cơ thực sự mất đi các nguồn lực quan trọng để bảo vệ giá trị di sản của mình. Để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại cần phải thực hiện nới lỏng hoặc dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại một cách kịp thời và có trách nhiệm. Các quốc gia cần phối hợp để thiết lập các giải pháp chính sách để giải quyết thách thức này. Thông điệp của ông Zurab Pololikashvili về báo cáo “Covid-19 và du lịch chuyển đổi” là du lịch có khả năng chuyển đổi để mang lại nguồn hy vọng và cơ hội cho tất cả mọi người. Do đó, khi các chính phủ có hành động mạnh mẽ trong việc mở cửa trở lại các điểm đến, chúng tôi sẽ trực tiếp đến thăm để thể hiện sự hỗ trợ, học hỏi và xây dựng lòng tin đối với du lịch quốc tế. Các phái đoàn của UNWTO đã thực hiện các chuyến đi tới các điểm đến ở châu Âu và Trung Đông, tận mắt chứng kiến các điểm đến sẵn sàng khởi động lại du lịch một cách an toàn và có trách nhiệm. Tại Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi và chính phủ của ông đã thể hiện rõ mức độ hỗ trợ có mục tiêu, cụ thể là hỗ trợ doanh nghiệp giữ việc làm cho người lao động. Hiện tại, các địa điểm mang tính biểu tượng như Kim tự tháp đã sẵn sàng chào đón khách du lịch trở lại, đồng thời, ưu tiên đảm bảo an toàn cho cả nhân viên và khách du lịch. Tương tự, chính phủ Ả Rập Xê-út đã tích cực hưởng ứng và bày tỏ cam kết chắc chắn sẽ xây dựng ngành du lịch của Vương quốc này tiếp tục phát triển, trước tiên là đối với du lịch trong nước và sau đó là du khách quốc tế. Chắc chắn đại dịch sẽ còn diễn biến dai dẳng. Nhưng tình hình các điểm đến trên thế giới đã rõ ràng, chúng ta phải sẵn sàng hành động một cách kịp thời bằng các hành động quyết định để bảo vệ việc làm cho người lao động và bảo vệ những lợi ích mà du lịch mang lại cho cả con người và hành tinh (Pololikashvili, 2020).

    Tổng Thư ký tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili

    II. Thực trạng và xu hướng, chính sách du lịch 2020
    2.1. Báo cáo Hàn thử biểu du lịch tháng 7/2020 của UNWTO
    Báo cáo Hàn thử biểu du lịch tháng 7/2020 là ấn phẩm hàng quý của UNWTO thông tin cập nhật tình hình du lịch, bao gồm phân tích dữ liệu mới nhất về các điểm đến du lịch (quốc tế đến) và thị trường nguồn (quốc tế đi). Báo cáo cho biết xu hướng mới trong du lịch, chỉ số niềm tin dựa trên khảo sát của Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO và những nhận định về triển vọng du lịch trong tương lai:
    – Nhu cầu của khách du lịch hiện nay là lập kế hoạch ngắn hạn và thực hiện các chuyến đi ngắn, ít sử dụng CSLTDL hơn. Theo số liệu báo cáo của các điểm đến trên toàn thế giới, lượng khách du lịch quốc tế có sử dụng CSLTDL giảm 56% trong 5 tháng đầu năm 2020. Trong bối cảnh việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, lượng khách quốc tế giảm 98% trong tháng 5. Số liệu khách du lịch quốc tế toàn cầu tính từ tháng 1 đến tháng 5/2020 ít hơn 300 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2019, tương đương với thất thu khoảng 320 tỷ USD từ du lịch quốc tế. Thiệt hại về doanh thu này lớn hơn gấp hơn 3 lần so với con số thất thu năm 2019 do do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương phải chịu tác động đầu tiên và lớn nhất với sự sụt giảm 60% lượng khách đến từ tháng 1 đến tháng 5/2020, tương đương với khoảng 33 triệu lượt. Châu Âu ghi nhận mức giảm mạnh thứ hai với lượng khách sụt giảm tới 58%, tức là thấp hơn khoảng 22 triệu lượt, tiếp theo là khu vực Trung Đông (-51%), châu Mỹ và châu Phi (-47%).
    – Một số quốc gia trên thế giới đã dỡ bỏ dần các quy định về việc hạn chế đi lại qua biên giới, đặc biệt là ở châu Âu, đồng thời nối lại một số chuyến bay quốc tế và khởi động lại một số thị trường trong nước, liên vùng và nội vùng. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO, chỉ số niềm tin đã giảm mạnh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2020. Hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021, số ít hơn cho rang hoạt động du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa đầu năm sau. Du lịch trong nước sẽ phục hồi nhanh hơn.
    – Nhận định về triển vọng trong tương lai, báo cáo của UNWTO cho biết du lịch quốc tế giảm 22% trong quý I và dự báo có thể giảm 58 – 78% trong cả năm. Tùy vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, UNWTO xây dựng các kịch bản khác nhau về phát triển du lịch trong tương lai (UNWTO, 2020).
    2.2. Chuyển đổi số và đảm bảo tính bền vững
    Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) xác định các yếu tố chính ảnh hưởng tới tính bền vững của ngành du lịch gồm biến đổi khí hậu, số hóa, khủng hoảng y tế và các khủng hoảng khác. Trong dài hạn, ngành du lịch vẫn sẽ có triển vọng khả quan về sự phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, tại thời điểm này OECD cho rằng các chính phủ cần điều chỉnh chính sách và đưa ra các chiến lược thúc đẩy phát triển cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp nhỏ trong du lịch và các điểm đến còn chưa phát triển để có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ du lịch. Mặc dù việc nhận thức tầm quan trọng của hoạch định chiến lược là quan trọng, nhưng việc đảm bảo thực thi hành động để hiện thực hóa các chính sách còn quan trọng và khó khăn hơn. Theo đó, các quốc gia cần áp dụng các biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phát huy hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa các cấp chính quyền, quản lý điểm đến, chuyển đổi kỹ thuật số và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân và xã hội dân sự trong hoạch định chính sách. Hoạt động thương mại trực tuyến của ngành du lịch toàn cầu vượt trội hơn so với các ngành khác. Trung bình, 77% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống ở các nước OECD có trang web hoặc trang chủ phục vụ kinh doanh và 70% sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung các công nghệ để tăng cường hiệu suất sản phẩm du lịch như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu còn chưa nhận được ngành du lịch chú trọng ở mức độ cao nhất. (OECD, 2020).
    Du lịch là động lực chuyển đổi thế giới của chúng ta là một thông điệp mạnh mẽ mà các quốc gia đang hướng tới, gắn với sự thay đổi tích cực nhằm ứng phó với những biến động và phủ định cách tiếp cận thông thường của kinh doanh thụ động. Du lịch bền vững được đề cập nhiều lần trong Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Ngành du lịch có vai trò quan trọng đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu này, nhưng đồng thời ngành cũng cần phải chuyển đổi mô hình du lịch hiện tại. Du lịch không chỉ dừng lại ở các mục tiêu điều chỉnh các hình thức du lịch như du lịch sinh thái hay du lịch bền vững mà còn cần những chuyển đổi mạnh mẽ hơn để đáp ứng được cả hai mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030: tính bền vững và phát triển.

    III. Kết quả
    3.1. Kịch bản phát triển du lịch trong tương lai
    Diễn biến tình hình dịch bệnh đã khiến cho việc dự báo viễn cảnh du lịch quốc tế 2020 trở nên khó khăn hơn. Kịch bản hiện tại cho thấy lượng khách đến có thể giảm từ 58% đến 78%. Kịch bản 1: lượng khách quốc tế giảm 58% nếu quy định về hạn chế đi lại của các quốc gia được nới lỏng và biên giới quốc tế mở cửa dần từ tháng 7; Kịch bản 2: lượng khách quốc tế giảm 70% nếu tình trạng trên bắt đầu vào tháng 9; Kịch bản 3: lượng khách quốc tế giảm 78% cho việc mở cửa biên giới và điều kiện đi lại giữa các quốc gia vào tháng 12. UNWTO lưu ý các kịch bản này không phải là dự báo mà chỉ là cách thể hiện sự thay đổi tương ứng với tình trạng mở dần biên giới của các quốc gia và dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại vào các thời điểm khác nhau. Theo các kịch bản này, tác động của tỷ lệ sụt giảm nhu cầu về du lịch quốc tế (biểu hiện bằng số lượng khách giảm từ 850 triệu đến 1,1 tỷ khách du lịch quốc tế) sẽ dẫn tới thiệt hại về kinh tế, tương ứng với thâm hụt doanh thu xuất khẩu tại chỗ du lịch quốc tế từ 910 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD; gây rủi ro cho 120 triệu việc làm du lịch trực tiếp.
    Ngành du lịch đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng về dịch bệnh và suy thoái kinh tế nhưng thường có khả năng phục hồi mạnh mẽ. Chuyên gia UNWTO dự kiến các loại hình sản phẩm du lịch giải trí sẽ phục hồi nhanh hơn, đặc biệt là du lịch thăm bạn bè và người thân, so với du lịch công vụ. Về phục hồi du lịch tại các khu vực khác nhau, châu Phi và Trung Đông được cho là có khả năng phục hồi tích cực hơn. Ngược lại, các chuyên gia châu Mỹ là những người hoài nghi nhất vào sự phục hồi năm 2020. Trong khi đó, đối với khu vực Châu Âu và châu Á, một nửa chuyên gia kỳ vọng du lịch sẽ phục hồi vào cuối năm nay, số còn lại thì không tin tưởng vào viễn cảnh này (UNWTO, 2020).

    Hình 1: Chuyên gia trả lời câu hỏi về kỳ vọng khi nào nhu cầu du lịch sẽ bắt đầu phục hồi tại điểm đến của họ

    Nguồn: UNWTO

    3.2. Tầm nhìn: Du lịch chuyển đổi
    Khi tình hình dịch bệnh ở một số điểm đến đã được đánh giá một cách rõ ràng hơn, có thể cần một bước đột phá đối với các điểm đến gần và dễ tiếp cận. Ngay lúc này, có vẻ như tình hình không có nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, theo thời gian, những trải nghiệm từ Covid-19 sẽ dần dần được chấp nhận và trở thành các giá trị mới cho du lịch. Có thể nhiều du khách sẽ hứng thú với trải nghiệm mới và sáng tạo về một “thực tế thay thế”, bao gồm các mô hình kinh doanh và chính sách mới của chính phủ. Các giá trị trong thời kỳ tới được đánh giá là có sức chuyển đổi mạnh mẽ các hệ thống xã hội sau Covid-19 bao gồm: Hòa bình (trong và giữa các quốc gia và dân tộc); Tình yêu, Sức khỏe và Hạnh phúc (quyền cơ bản của con người); Bình đẳng, Công bằng và Hợp tác (trong các chính sách và quan hệ của chính phủ và doanh nghiệp, kể cả trong việc đảm bảo quan tâm bảo vệ cho những người dân và những khu vực dễ bị tổn thương nhất); và Nền kinh tế xanh (ví dụ như xác định chính sách về giá và sử dụng nguồn cung ứng địa phương cho toàn bộ vòng đời sản phẩm), và cuối cùng có lẽ là Nền kinh tế quà tặng (nơi người ta có thể trả giá với đúng khả năng họ có thể mua được) (Lew et al., 2020).
    IV. Bàn luận
    Trong cuốn Tầm nhìn du lịch và lữ hành sau chuyển đổi toàn cầu của dịch Covid-19 năm 2020 đã tổng kết các quan điểm khác nhau của các học giả quanh chủ đề này. Tại thời điểm này, chưa thể xác định được thực tế sẽ chứng minh du lịch chuyển đổi sẽ đạt được các giá trị nêu trên như thế nào. Liệu xu thế phát triển ồ ạt và sự dịch chuyển quốc tế bùng nổ có làm giảm đi khả năng về việc chuyển đổi ngành du lịch thành hiện thực (Brouder, 2020) hay quá trình phi toàn cầu hóa sẽ ngăn cản khả năng phục hồi (Niewiadomski, 2020). Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng dịch Covid-19 đang định hình một hướng đi mới. Tomassini và Cavagnaro đề cao vai trò du lịch có thể mang lại cơ hội cho người dân địa phương và tin tưởng chủ nghĩa tân tự do sẽ giúp định hình lại ngành du lịch sau dịch Covid-19 với sự thay đổi hành vi du lịch.Cave và Dredge khuyến nghị cần phải xây dựng đa dạng thể chế cho các nền kinh tế sau Covid-19, cụ thể là thiết lập các khuôn khổ trong đó có “các hệ thống trao đổi hợp tác để các giá trị được tạo ra, tiêu dùng và tích lũy”. Mặc dù nhiều học giả quan tâm tới việc dự báo tình trạng “bình thường mới của đại dịch” về yêu cầu cải cách ngành và hoạch định chính sách, nhưng vai trò của khách du lịch lại ít được chú trọng, cụ thể là việc thay đổi hành vi của khách. Trong đó, yếu tố khách du lịch có ý thức trách nhiệm được nhấn mạnh (Stankov, Filimonau và Vujicic). Prideaux, Thompson và Pabel lập luận rằng biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với nhân loại, và ngành du lịch có thể chuyển đổi sang hướng phát triển thành ngành kinh tế carbon trung tính (Lew et al., 2020).
    V. Kết luận
    Chính quyền địa phương có vai trò là cơ quan thúc đẩy sự chuyển đổi theo hướng có lợi cho cộng đồng địa phương. Bất kỳ tình hình bình thường mới nào diễn ra thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc này. Sự chuyển đổi đòi hỏi các các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra giải pháp thực tế, khả thi hoặc chấp nhận được và người thực hiện phải có hành động cụ thể và còn phải tăng cường sự tham gia của công chúng đi du lịch.
    TÀI LIỆU THAM KHẢO:
    Lew, A. A., Cheer, J. M., Haywood, M., Brouder, P., & Salazar, N. B. (2020). Visions of travel and tourism after the global COVID-19 transformation of 2020. Tourism Geographies, 22(3), 455–466. https://doi.org/10.1080/14616688.2020.1770326
    OECD. (2020). OECD Tourism Trends and Policies 2020. https://doi.org/10.1787/e9b6c197-fr
    Pololikashvili, Z. (2020). World Tourism Statement General Covid-19 Statement. 34, 33–34. https://www.unwto.org/news/covid-19-statement-zurab-pololikashvili
    UNWTO. (2020). Market Intelligence. UNWTO World Tourism Barometer. https://www.unwto.org/market-intelligence

    Vũ Chiến Thắng – Phòng Quản lý khoa học & Hợp tác quốc tế

    Bài cùng chuyên mục