Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển hoạt động kinh doanh homestay tại Việt Nam

    Bài viết này tập trung tìm hiểu, phân tích hiện trạng hoạt động kinh doanh homestay ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, đề xuất một số ý tưởng, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển hoạt động của loại hình kinh doanh này trong thời gian tới.
    Homestay là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, khách du lịch lưu trú tại nhà người dân ở địa phương nơi khách đến, để khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, con người và cảnh quan tại địa phương đó một cách chân thật nhất. Tại Việt Nam, homestay được gọi là “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê” (Điều 48, Luật Du lịch 2017), là nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà (Điều 21, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP).
    Đăng ký kinh doanh: Việc đăng ký kinh doanh homestay được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể: Luật Du lịch (năm 2017), Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; các quy định về phòng cháy chữa cháy theo Luật Phòng cháy chữa cháy (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy,…; các quy định về an ninh trật tự theo Nghị định số 72/2009/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; các quy định về bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký công nhận xếp hạng do sở Du lịch, Sở VHTT&DL ở địa phương cấp.
    Cơ sở vật chất: Tùy theo quy mô vốn kinh doanh, chủ nhà có thể kinh doanh homestay theo các mức độ và quy mô khác nhau. Theo TCVN 7800:2017, có 04 loại nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, gồm: nhà ở riêng lẻ, biệt thự, chung cư và nhà sàn; mỗi loại đều có tiêu chí, tiêu chuẩn quy định cụ thể cả về vị trí, thiết kế, kiến trúc, công trình, trang thiết bị, tiện nghi, nội thất,… và các quy định về hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin – truyền thông. Điều kiện tối thiểu của nhà nghỉ có phòng cho khách du lịch thuê phải có, gồm: đèn chiếu sáng, nước sạch; có khu vực sinh hoạt chung; có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh; có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm (Điều 27, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP). Nhìn chung, các homestay kinh doanh theo quy định của pháp luật tại Việt Nam đều đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

    Homestay “Chỉnh Kía” ở Bản Sin Suối Hồ – Lai Châu

    Dịch vụ: Các dịch vụ mà homestay cung cấp cho khách du lịch khá đa dạng, bao gồm: dịch vụ ngủ, nghỉ; dịch vụ ăn, uống, giải trí; dịch vụ hướng dẫn viên; xe ôm; dịch vụ biểu diễn văn nghệ truyền thống; các dịch vụ chữa bệnh – chăm sóc sức khỏe theo phương pháp truyền thống của người bản xứ (ví dụ: tắm thuốc); các hoạt động tập thể và các hoạt động trải nghiệm cộng đồng khác (tham gia canh tác, sản xuất, thu hoạch, làm thủ công, DIY – tự làm…).
    Tuy nhiên, hầu hết các homestay ở Việt Nam hiện nay cung cấp dịch vụ ngủ, nghỉ cho khách là chủ yếu. Việc kết hợp cung cấp các dịch vụ khác cho khách còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân một phần là do kinh phí đầu tư hạn hẹp, một phần do kinh nghiệm tổ chức, quản lý và kinh doanh homestay của một số hộ dân còn hạn chế. Điều này khiến cho phần lớn homestay bị biến tướng thành loại hình lưu trú cung cấp buồng ngủ, giường ngủ rẻ tiền, các đặc sắc của loại hình homestay không được phát huy. Nhiều homestay chỉ giữ chân khách được 01 ngày đêm do thiếu các dịch vụ hấp dẫn, không đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của khách. Tỷ lệ khách quay trở lại rất thấp.
    Nhân lực: Các homestay tại Việt Nam do chủ nhà quản lý, đa số được tập huấn các nghiệp vụ về du lịch và các nghiệp vụ có liên quan đến kinh doanh lưu trú, có thái độ lịch sự, thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách. Chủ homestay và các thành viên gia đình là những người trực tiếp tham gia phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, homestay ở Việt Nam đa số tập trung ở các vùng nông thôn, miền núi, tại các bản dân tộc vùng cao, kinh doanh tự phát, nên chất lượng phục vụ chưa thực sự tốt; kinh nghiệm tổ chức, quản lý và kỹ năng nghiệp vụ về du lịch còn yếu; vấn đề ngoại ngữ cũng là hạn chế rất lớn.

    “L’Amant Homestay and Coffee” ở Hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt

    Thị trường khách: Khách du lịch sử dụng dịch vụ homestay tại Việt Nam khá đa dạng, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở 03 đối tượng khách sau:
    (1) Khách du lịch là giới trẻ: đây là đối tượng khách năng động, thích được trải nghiệm, khám phá, thích giao lưu kết bạn và tham gia các hoạt động tập thể;
    (2) Khách Tây và khách du lịch chuyên đề: đây là nhóm đối tượng khách đi du lịch có mong muốn tìm hiểu văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán, đời sống của người dân bản xứ;
    (3) Khách du lịch bình dân: đây là nhóm đối tượng khách đi du lịch nhưng không quá thoải mái về tiền bạc, lựa chọn ngủ, nghỉ tại homestay để phù hợp với túi tiền.
    Xúc tiến quảng bá: Hầu hết hoạt động quảng bá homestay tại Việt Nam chủ yếu dựa vào truyền thông của địa phương làm du lịch, có địa phương làm rất mạnh, tuy nhiên cũng có nhiều địa phương ít quan tâm đến loại hình này. Truyền thông quảng bá ở cấp Trung ương có giới hạn nhất định, chủ yếu tập trung vào các homestay điển hình. Truyền thông quảng bá của các doanh nghiệp lữ hành chưa đáp ứng được hết nhu cầu và tốc độ phát triển nhanh chóng của loại hình homestay. Một số homestay tự quảng bá thông qua các kênh mạng xã hội. Phần còn lại là dựa vào truyền thông của chính khách du lịch (giới thiệu của khách). Có thể nói, xúc tiến quảng bá cho loại hình homestay ở Việt Nam hiện nay còn rất yếu. Nguyên nhân một phần là do đây là loại hình kinh doanh nhỏ, lẻ, kinh doanh theo hộ gia đình; một phần do loại hình này phát triển ở Việt Nam trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nó vẫn còn là loại hình lưu trú mới mẻ.

    “Hoa và Ếch” là homestay duy nhất ở Làng hoa Sa Đéc – Đồng Tháp

    Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh homestay tại Việt Nam, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp thể hiện tính mới và tính đột phá để khai thông, mở đường cho sự phát triển homestay. Theo tác giả, cần tập trung một số giải pháp sau:

    • Một là: Cần có quy hoạch bài bản và kế hoạch cụ thể
      Để tránh tình trạng “tự phát” trong kinh doanh loại hình homestay, cơ quan quản lý du lịch ở địa phương cần có quy hoạch bài bản, tính toán kỹ lưỡng lượng khách; thời gian lưu trú và sức chứa của các cơ sở lưu trú tại địa phương; khảo sát nhu cầu lưu trú của khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch tại địa phương; khảo sát địa bàn, vị trí, hạ tầng;… để có kế hoạch phát triển homestay cho phù hợp. Không nên phát triển tràn lan về lượng; không nên phát triển tại các vị trí quá xa khu, điểm du lịch thu hút khách, tại những địa bàn nghèo tài nguyên du lịch, cả tài nguyên tự nhiên và những giá trị đặc sắc văn hóa bản địa.
    • Hai là: Quan tâm về chất, tạo sức hấp dẫn
      Để tăng sức hấp dẫn của loại hình homestay, trước hết phải đảm bảo về chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ.
      Với chất lượng dịch vụ: ngoài việc cung cấp dịch vụ chủ yếu là ngủ, nghỉ cho khách du lịch với chất lượng buồng ngủ, giường ngủ đạt chuẩn theo quy định, các homestay cần phát triển đa dạng các dịch vụ khác như: dịch vụ ăn uống mang phong cách và đặc trưng bản địa, ẩm thực phong phú, đa dạng; vui chơi giải trí với các hoạt động tập thể, các trò chơi mang phong cách dân gian, truyền thống; biểu diễn văn nghệ, ca múa nhạc dân tộc, dân ca, dân vũ truyền thống, văn nghệ quần chúng; các hoạt động thể thao kết hợp khám phá, tìm hiểu đặc sắc bản địa như đi xe đạp, đi bộ, leo núi khám phá cảnh quan thiên nhiên; các hoạt động gắn với chăm sóc sức khỏe theo phương pháp của người bản địa như hái thuốc, làm thuốc, tắm thuốc, xông hơi, châm cứu,…; các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham gia canh tác, sản xuất, làm thủ công, tự làm (DTY),…; và các hoạt động cộng đồng khác. Chủ homestay và các thành viên gia đình tham gia làm homestay phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản, cần thiết về du lịch và kinh doanh lưu trú. Đồng thời, cơ quan quản lý du lịch địa phương cũng cần quan tâm, hỗ trợ người dân trang bị các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về tổ chức, quản lý homestay; kinh nghiệm tổ chức các hoạt động tập thể; kinh nghiệm quản lý khách, nắm bắt sở thích của từng đối tượng khách để cung cấp các dịch vụ phù hợp. Đặc biệt, các chủ homestay, thành viên gia đình và cộng đồng dân cư bản địa phải luôn có thái độ lịch sự, thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách.
    • Ba là: Đẩy mạnh liên kết quản lý và phát triển homestay
      Thay vì mỗi homestay kinh doanh độc lập theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như trước đây thì nay cần đẩy mạnh tính liên kết, hợp tác, cùng phát triển. Việc liên kết homestay sẽ tạo ra các “cộng đồng homestay”, “làng homestay” hay các “hội quán homestay” trên cùng một địa bàn. Bên cạnh đó, cần có Ban quản lý chung cho các thành viên tham gia. Điều này mang lại lợi ích rất lớn trong công tác quản lý khách du lịch, cung cấp dịch vụ, và xúc tiến quảng bá:
      Đối với quản lý khách du lịch: liên kết homestay cho phép Ban quản lý nắm bắt được lượng khách đến, có phương án tư vấn, sắp xếp chỗ ở và đặc biệt là sự chia sẻ, điều tiết khách du lịch giữa các homestay.
      Đối với cung cấp dịch vụ: ngoài việc mỗi homestay cung cấp dịch vụ “nội bộ” riêng thì cộng đồng hay làng homestay cũng sẽ có những dịch vụ, những hoạt động chung cho tất cả khách lưu trú tại địa bàn đó. Điều này vừa tạo ra tính gắn kết cộng đồng, vừa tạo ra sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
      Đối với xúc tiến quảng bá: thông qua liên kết homestay, Ban quản lý sẽ có những phương án xúc tiến quảng bá chung cho tất cả các thành viên tham gia. Khách du lịch thay vì chỉ biết đến 1, 2 homestay thì có thể biết đến cả cộng đồng hay làng homestay tại khu vực đó. Điều này sẽ mang đến cho khách du lịch nhiều lựa chọn hơn.
      Đẩy mạnh liên kết không có nghĩa là phá vỡ tính cạnh tranh giữa các homestay. Cạnh tranh sẽ thúc đẩy các thành viên tham gia cộng đồng phải tích cực đổi mới, cải thiện chất lượng dịch vụ của mình để có được sự lựa chọn của khách. Tuy nhiên, liên kết homestay sẽ khắc phục được mặt trái của cạnh tranh bằng việc điều tiết, chia sẻ lợi ích, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để cùng phát triển.
    • Bốn là: Tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch
      Để tăng cường xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch cho các homestay, cần đẩy mạnh kết nối giữa 03 nhà: Nhà dân – Nhà nước – Nhà kinh doanh.
      Nhà nước: Phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương, quan tâm hơn đến công tác xúc tiến, quảng bá đối với loại hình homestay, tăng cường đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá. Thông tin, hình ảnh về homestay tại địa phương cần được đăng tải nhiều hơn trên website của các cơ quản lý, trên các phương tiện truyền thông đại chúng (báo, đài, tivi) và trên các tờ rơi, tờ gấp, cẩm nang du lịch của địa phương.
      Nhà kinh doanh: Trước hết, cần phát huy vai trò cầu nối của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Đây là những đơn vị đưa khách đến tham quan các khu, điểm du lịch của địa phương, có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa khách du lịch với các homestay tại địa phương. Trong các lịch trình tour của mình, doanh nghiệp lữ hành có thể đưa ra các lựa chọn giữa homestay với các loại hình lưu trú khác để khách có nhiều lựa chọn hơn, cơ hội cho các homestay cũng sẽ rộng mở hơn. Tiếp theo, cần liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến. Đây là những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ booking online, đặt phòng trực tuyến. Các sản phẩm của homestay sẽ được cập nhật trên các website booking, qua đó khách du lịch có thể dễ dàng tìm thấy thông tin, lựa chọn và đặt phòng.
      Nhà dân (cung cấp dịch vụ homestay): Một số homestay tự quảng bá thông qua hệ thống mạng xã hội, điều này mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, một phương thức hữu hiệu khác để người dân quảng bá homestay của mình đó chính là “quảng bá tại gia”. Bằng chất lượng dịch vụ của mình, với sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách, homestay đáp ứng được nhu cầu và thỏa mãn được sự hài lòng của khách du lịch – tức là đã thành công trong công tác quảng bá. Bản thân khách du lịch sẽ là một kênh quảng bá rất chất lượng. Khách đăng tải thông tin, hình ảnh của homestay lên mạng xã hội, với tốc độ lan truyền nhanh chóng của internet, hiệu quả quảng bá mang lại là rất lớn. Không chỉ thế, khách giới thiệu trực tiếp homestay đến bạn bè, người thân cũng là một phương thức quảng bá rất tốt./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/QH14, ngày 19/6/2017, Hà Nội.
    2. Chính phủ (2017), Nghị định Quy định một số điều của Luật Du lịch, số 168/2017/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2017, Hà Nội.
    3. Chính phủ (2015), Nghị định về Đăng ký doanh nghiệp, số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14 tháng 9 năm 2015.
    4. Quốc hội (2013), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, số 40/QH13, ngày 22 tháng 11 năm 2013, Hà Nội.
    5. Chính phủ (2014), Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, số 79/NĐ-CP, ngày ngày 31 tháng 07 năm 2014, Hà Nội;
    6. Chính phủ (2009), Nghị định Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, số 72/2009/NĐ-CP, ngày 03 tháng 09 năm 2009, Hà Nội.
    7. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (2017), TCVN 7800:2017 – Tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, Hà Nội.

    TS. Lê Quang Đăng
    Phòng Chiến lược, Chính sách và Môi trường Du lịch

    Bài cùng chuyên mục