Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn – Tiềm năng du lịch Quảng Nam trong quá trình hội nhập và những đề xuất cho quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

       3.DisanHoi An-My Son chu Hien Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, điểm đầu của không gian du lịch Hành lang Đông –Tây nên có điều kiện thuận lợi để liên kết vùng và liên kết quốc tế phát triển du lịch.
    Nằm ở khu vực ven biển miền Trung, có bờ biển trải dài hơn 125 km và sở hữu hai di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.
       1) Di sản văn hoá thế giới Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn – Tiềm năng du lịch Quảng Nam trong quá trình hội nhập  
       Phố cổ (hay đô thị cổ) Hội An và Khu di tích (hay Thánh địa) Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam là hai trong 8 di sản văn hóa Thế giới tại Việt Nam (được UNESCO công nhận tháng 12/1999) là tài nguyên du lịch nhân văn nổi bật không chỉ của Quảng Nam mà còn cho toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
       Phố cổ Hội An nằm cách thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ 60 km về phía Đông Bắc.
       Từ cuối thế kỷ 16, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông – Tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong – Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan,… thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá.
       Phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình  nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ,… những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An với một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
       Ngoài những giá trị văn hoá được thể hiện qua lối kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản,…làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
     Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
       Những di tích tiêu biểu của phố cổ Hội An như Chùa Cầu – Biểu tượng của Hội An; Nhà cổ Quân Thắng (77 Trần Phú, Hội An);  Nhà cổ Tấn Ký (101 Nguyễn Thái Học, Hội An);  Nhà cổ Phùng Hưng (04 Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An); Hội quán Phúc Kiến (46 Trần Phú, Hội An);  Hội quán Triều Châu (157 Nguyễn Duy Hiệu, Hội An);  Hội quán Ngũ Bang (64 Trần Phú, Hội An); Chùa Ông (24 Trần Phú, Hội An); Quan âm Phật tự Minh Hương (07 Nguyễn Huệ, Hội An); Nhà thờ tộc Trần (21 Lê Lợi, Hội An),…đã và đang trở thành những điểm tham quan thu hút khách du lịch.

    3.DisanHoi An-My Son chu Hien1

       Khu di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, nằm cách thành phố Hội An 45 km về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 70 km về phía Tây Nam.
       Mỹ Sơn là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1000 năm. Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông – Tây, các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông – hướng mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh. Thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
    Do thời gian, thiên tai và chiến tranh, đến nay Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Tuy nhiên, tất cả tài liệu bia ký, kết quả khảo cổ, dấu tích vật chất còn lưu lại tại Mỹ Sơn và một số bảo tàng trong nước như bảo tàng Chămpa Đà Nẵng, bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh,… cũng đủ minh chứng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đặc biệt, cho đến nay kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn luôn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu và đam mê khám phá của các nhà khoa học cũng như đối với khách du lịch.
       Thực tế cho thấy, các di sản thế giới của Việt Nam sau khi được công nhận luôn được đánh giá cao và được định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển du lịch Hệ thống di sản là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực châu Á, thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân.
    Những con số thống kê sơ bộ thời gian qua tại các di sản thế giới đã phản ánh một cách sinh động lượng khách du lịch tại các khu di sản tăng vọt ngay trong năm đầu tiên trở thành di sản thế giới, và hàng năm lượng khách du lịch đều tăng càng ngày càng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước.

    3.DisanHoi An-My Son chu Hien2

       Theo thống kê chưa đầy đủ của UNESCO cho thấy ở những nơi có di sản thế giới được công nhận đã thu hút du khách đến thăm đông hơn, ở lại lâu hơn 2,5 lần so với nơi khác có đặc điểm tương đương. Tuy nhiên ở những nơi này phải đối mặt với nguy cơ mai một bản sắc, môi trường ô nhiễm, quá tải du khách so với sức chứa của di sản, gây tổn hại cho di sản.
    Năm 2015, Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã công bố về số lượng khách tham quan các điểm du lịch Việt Nam, theo đó dẫn đầu là Quần thể danh thắng Tràng An đón hơn 5 triệu lượt khách, tiếp theo là vịnh Hạ Long đón trên 2,5 triệu lượt khách, Cố đô Huế đứng thứ ba với hơn 2,3 triệu lượt khách, Phố cổ Hội An (kể cả Cù lao Chàm) đón khoảng 2,1 triệu lượt khách; Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đón gần 1 triệu lượt khách.
       Đối với du lịch Quảng Nam, từ những đánh giá về giá trị du lịch của các di sản văn hóa, những năm gần đây tỉnh luôn quan tâm đến đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cấp tuyến đường huyết mạch từ Đô thị cổ Hội An đến Khu di tích Mỹ Sơn và các điểm du lịch của tỉnh. Quảng Nam đã không ngừng đổi mới các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch, nhằm thu hút khách tham quan. Các sự kiện như: “Đêm phố cổ”, “Phố không có tiếng động cơ xe máy”; “Phố đi bộ”, “Sông xưa thuyền cổ”, “Đêm Cù Lao Chàm” cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền… đã trở thành thương hiệu thu hút và giữ chân khách đến với Hội An và các điểm du lịch lân cận ở địa phương.
    Chính vì vậy, trong năm 2015, tuy lượng khách du lịch đến các tỉnh, thành phố trong khu vực giảm, nhưng lượng khách đến Quảng Nam vẫn tăng nhẹ. Theo số liệu của ngành, năm 2015, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt gần 3,9 triệu lượt, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,9 triệu lượt, tăng 6,67%; khách nội địa đạt khoảng 1,96 triệu lượt, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hội An trong năm 2015, có hơn 2,1 triệu lượt khách đến tham quan khu phố cổ và Cù Lao Chàm. Ở Khu di tích Mỹ Sơn đón được 270 nghìn lượt khách. Điều đáng ghi nhận nữa là, lượng khách lưu trú đạt 1,22 triệu lượt, tăng gần 5% so với năm 2014; góp phần đưa doanh thu du lịch toàn tỉnh lên khoảng 2.570 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2014, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn sáu nghìn tỷ đồng. Nhờ mạng giá trị sản phẩm du lịch từ Hội An và Mỹ Sơn, lượng khách đến tham quan ngày càng tăng, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách và tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, tỷ trọng du lịch-dịch vụ chiếm 42%, công nghiệp chiếm 42% và nông nghiệp giảm xuống còn 16% trong GRDP.
       Trong xu quá trình hội nhập, khi mà khả năng liên kết phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới ngày càng rộng mở, thì các giá trị di sản thế giới càng được nâng cao và phát huy hơn bao giờ hết. Từ các di sản thế giới Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn có thể liên kết phát triển du lịch văn hóa di sản với các quốc gia trong khu vực ASEAN và rộng hơn theo hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không và đường biển.
       Trên cơ sở đánh giá những giá trị về tài nguyên du lịch và khả năng liên kết phát triển du lịch của Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn, Chiến lược và Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng phát triển Hội An thành đô thị du lịch quốc gia, Mỹ Sơn thành điểm du lịch quốc gia và giữ vai trò động lực phát triển du lịch cho tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.
       1.2) Những đề xuất cho quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
       Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch của các di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, công tác quy hoạch xây dựng vùng cần có những định hướng với mục tiêu lấy du lịch văn hóa di sản, du lịch đô thị làm mũi nhọn.
       Để thực hiện được mục tiêu đó các định hướng phát triển vùng tỉnh Quảng Nam cần thể hiện được các định hướng không gian du lịch sau làm tiền đề phát triển:
       1) Phát triển trục không gian Mỹ Sơn – Hội An – Cù lao Chàm trở  thành không gian du lịch văn hóa di sản của tỉnh và làm trọng tâm để phát triển các điểm du lịch khác trên phạm vi toàn tỉnh.
       2) Phát triển chuỗi du lịch ven biển từ Điện Bàn đến Hội An, kết hợp với đảo Cù Lao Chàm, khu vực Nam Hội An; Cùng khu vực ven biển Duy Xuyên, Thăng Bình được phát triển theo mô hình Dịch vụ, Du lịch cao cấp và Du lịch biển. Với trọng tâm phát triển Hội An trở thành là trung tâm Dịch vụ, Du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trở thành Đô thị chuyên ngành Du lịch, văn hóa của Tỉnh và Quốc gia.
       3) Mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong vùng như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang,…trong đó đặc biệt chú trọng khai thác sự gắn kết du lịch di sản Huế – Đã Nẵng – Hội An.
       4) Định hướng phát triển tuyến du lịch dọc sông Cổ Cò, kết nối với thành phố Đà Nẵng; tuyến Du lịch ven sông Thu Bồn, cùng các làng nghề dọc hai bên bờ sông; các điểm du lịch dọc tuyến Quốc lộ 14B, đường Hồ Chí Minh.
       5) Định hướng phát triển khu vực Mỹ Sơn, kết hợp tuyến du lịch ven Sông Thu Bồn qua các điểm du lịch thuộc huyện Nông Sơn, các làng nghề truyền thống, các làng văn hóa phía Tây của tỉnh theo mô hình du lịch văn hóa, dã ngoại, hình thành khu vực Mỹ Sơn như một thị tứ về du lịch kết nối với chuỗi đô thị du lịch ven biển.
       6) Đồng thời, phát triển các trung tâm du lịch phụ trợ như: Hồ Phú Ninh, hồ Thái Xuân và các khu du lịch gắn với di tích văn hóa, lịch sử như: địa đạo Kỳ Anh, tháp Khương Mỹ, tháp Chiên Đàn, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ (nước Oa).
       7) Mở rộng không gian kết nối du lịch với các di sản thế giới các nước ASEAN trong đó đặc biệt chú trong khai thác chương trình du lịch di sản ba nước Việt Nam-Lào-Cămpuchia bằng đường bộ.
       Đi đôi với định hướng phát triển du lịch cần xác định được vùng bảo tồn và hạn chế phát triển, cụ thể như sau:
       1) Khu vực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường như Cù Lao Chàm và vùng dự trữ sinh quyển; khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ngọc Linh, Bà Nà; các khu vực rừng phòng hộ, sông đầm.
       2) Các di tích lịch sử văn hóa: Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh.
       3) Vùng hạn chế phát triển gồm các vùng đất trồng lúa nước, vùng chuyên canh nông nghiệp; vùng địa chất không ổn định, các vùng bảo vệ nguồn nước, Quân sự, bảo vệ an ninh quốc phòng. Vùng cấm phát triển gồm các khu vực rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ.
       Trên cơ sở những định hướng về du lịch, cần gắn với quy hoạch vùng để bảo đảm phát triển trong tổng thể kinh tế-xã hội một cách bền vững.
       Tóm lại, với các giá trị về du lịch của hai di sản văn hóa Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn, quy hoạch vùng cần thể hiện được sự gắn kết về không gian, gắn kết giữa các ngành trong đó Hội An với vai trò là Đô thị du lịch quốc gia, Mỹ Sơn là Điểm du lịch quốc gia để làm động lực phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung cho tỉnh Quảng Nam ./.

    TS.KTS Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục