Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

    Cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam, trong đó có du lịch. Xu thế của công nghệ sẽ làm thay đổi các phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Bài viết được thực hiện trên cơ sở phân tích nguồn nhân lực du lịch trong cách mạng công nghệ số, những thành tựu và những hạn chế, đồng thời đặt ra yêu cầu và cơ hội cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tạo sự đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn lực du lịch chất lượng cao thời kỳ hội nhập, để góp phần đưa ngành Du lịch của Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

    1. Bối cảnh phát triển và những tác động của cách mạng công nghiệp đến ngành du lịch

    Được xác định là một ngành kinh tế trọng điểm, trong những năm qua, du lịch nhận được mối quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Phát triển du lịch được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Nhiều chính sách đã được ban hành tạo điều kiện cho du lịch nói chung, nhân lực du lịch nói riêng phát triển. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn cũng đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Nghị quyết đã nêu rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch” và “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh làn sóng CMCN 4.0 lan rộng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, trong đó đặt ra nhiệm vụ cho ngành Du lịch: “Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm của ngành để tổ chức triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
    Là sự hội tụ của một loạt các công nghệ mới, ra đời dựa trên nền tảng kết nối và công nghệ số được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống, CMCN 4.0 đã nhanh chóng tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có du lịch. Internet kết nối vạn vật (Internet of thing- IoT) có thể ứng dụng trong dịch vụ lưu trú và ăn uống như: tạo ra các phòng lưu trú thông minh – tự điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, các trang thiết bị tự động trong phòng; dự đoán bảo trì, bảo dưỡng, phát hiện hỏng hóc của hệ thống các thiết bị phục vụ; theo dõi quản lý thực phẩm tồn kho… Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI) có thể ứng dụng trong vai trò trợ lý ảo để cung cấp thông tin, chăm sóc khách du lịch, giải quyết phàn nàn, đặt chỗ tự động… để gia tăng chất lượng trải nghiệm và tiết kiệm thời gian cho khách. Dữ liệu lớn tập trung (Big data) có thể ứng dụng trong việc phân tích và lựa chọn thị trường mục tiêu, thậm chí giúp doanh nghiệp cá nhân hoá được từng sản phẩm và dịch vụ du lịch để đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của du khách. Có thể thấy, những công nghệ mới của CMCN 4.0 ứng dụng trong lĩnh vực du lịch sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi trong phương thức quản lý, kinh doanh, tiêu dùng và gắn với những đòi hỏi mới về trình độ, kỹ năng, phẩm chất của nhân lực lao động trong ngành du lịch. CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiếp cận du lịch của thị trường khách, thay đổi một số vị trí việc làm trong ngành du lịch và làm thay đổi một số tiêu chuẩn nghề nghiệp trong ngành du lịch.

    CMCN 4.0 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiếp cận du lịch của thị trường khách

    CMCN 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ kỹ năng quản trị, kinh doanh, làm giảm giá thành và tăng chất lượng dịch vụ du lịch nên sẽ là động lực mạnh mẽ để kích cầu du lịch. Sự bùng nổ của công nghệ trực tuyến giúp du khách dễ dàng tiếp cận trực tiếp với sản phẩm và dịch vụ du lịch ở bất cứ địa điểm nào trên phạm vi toàn cầu với chi phí thấp hơn. Thói quen du lịch, hành vi du lịch, thời gian du lịch… đều có thể thay đổi. Đồng thời, nhu cầu về tính cá nhân hoá trong các sản phẩm du lịch có xu hướng gia tăng sẽ buộc ngành du lịch và nhân lực lao động trong ngành phải chủ động thay đổi để đáp ứng. CMCN 4.0 làm thay đổi một số vị trí việc làm trong ngành du lịch: Kết quả của việc áp dụng những công nghệ mới trong ngành du lịch đã hình thành nên những xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo… từ đó tạo ra các vị trí công việc mới như nhân viên marketing trực tuyến, tư vấn và bán hàng trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, kỹ thuật viên phân tích và xử lý dữ liệu trực tuyến… Trong khi đó, một số khâu trong quy trình “sản xuất” sản phẩm và dịch vụ du lịch sẽ dần được thay thế bằng robot thông minh và tự động hoá như đón khách, soát vé, vận chuyển hành lý, hỗ trợ thanh toán tự động, bảo vệ an ninh… nên có thể làm mất đi một số vị trí công việc truyền thống trong ngành như nhân viên soát vé, hướng dẫn viên du lịch, tư vấn viên và nhân viên chăm sóc khách du lịch, nhân viên an ninh…

    Ứng dụng công nghệ để tái cấu trúc ngành du lịch

    CMCN 4.0 làm thay đổi một số tiêu chuẩn nghề nghiệp trong ngành du lịch

    Việc ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến trong công việc cũng như sự xuất hiện của các vị trí nghề nghiệp mới đòi hỏi nhân lực lao động trong ngành phải có trình độ và kỹ năng sử dụng thành thạo các công nghệ gắn với từng vị trí nghề nghiệp cụ thể. Vì thế, tiêu chuẩn của các vị trí nghề nghiệp chắc chắn sẽ có những thay đổi, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, của thực tế ứng dụng công nghệ vào các vị trí công việc cụ thể. Trong bối cảnh này, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao sẽ trở thành yếu tố quyết định trong cạnh tranh và đảm bảo sự thành công trong công tác điều hành, quản lý, kinh doanh du lịch.

    2. Hiện trạng phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

    Năm 2019, tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch chiếm khoảng 42%/tổng số lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Trong tổng số 42% lao động được đào tạo về du lịch thì chỉ có 10% lao động có trình độ đại học và sau đại học (chiếm 3,5%); 50% lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm 20%); 40% còn lại là lao động được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn. Khoảng 60% lao động trong lĩnh vực biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau. Trong đó, tiếng Anh chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 50% nhân lực toàn ngành. Theo đó, năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Bên cạnh đó, Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu, như: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, Điểm đến hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á…
    Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số về nhân lực và thị trường lao động lại sụt giảm 10 bậc, từ vị trí 37 xuống vị trí 47. Trong khối ASEAN, chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của Du lịch Việt Nam xếp thứ 6, xếp trên Lào (hạng 67) và Campuchia (hạng 95), xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 15), Thái Lan (hạng 27), Philippines (hạng 37) và Indonesia (hạng 44). Điều đáng nói là chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của hầu hết cả quốc gia khối ASEAN đều tăng, chỉ có Việt Nam và Lào bị sụt giảm thứ bậc trên bảng xếp hạng.
    Tính đến ngày 15/12/2019, hệ thống doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên có 720 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mới. Hiện cả nước có 2.648 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, với 26.864 hướng dẫn viên, trong đó cấp mới 6161 thẻ hướng dẫn viên. Cũng tại thời điểm này có 118 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 4-5 sao được công nhận. Cơ sở lưu trữ cả nước có 30.000 với 650.000 buồng, tăng hơn 2.000 cơ sở lưu trú so với năm 2018. Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch được hình thành, phân bố khá đều khắp theo các vùng du lịch. Cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng (trong đó có 10 trường chuyên về đào tạo du lịch, các trường còn lại có đào tạo ngành Du lịch) và 75 trường trung cấp, trung tâm dạy nghề.

    Đào tạo nguồn nhân lực du lịch (nguồn: dulichsaigon)

    Qua những số liệu phân tích trên, có thể nhận thấy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam trong giai đoạn qua đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện ở sự gia tăng ổn định về lượng và sự cải thiện đáng kể về chất. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức: sự phân bố lao động du lịch không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa giữa các vùng, miền và địa bàn trọng điểm du lịch; lao động chưa qua đào tạo chính quy và lao động trái ngành đang chiếm tỷ trọng lớn hơn số lao động được đào tạo chính quy về du lịch; ngoài ra, nhân lực ngành có khả năng sử dụng thành thạo máy tính và các thiết bị công nghệ phục vụ công việc, nhưng chủ yếu là các công việc giản đơn và số này tập trung chủ yếu ở khối cơ quan quản lý du lịch cấp cơ quan, chính quyền và ở các doanh nghiệp đặt tại các thành phố lớn,…
    Chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Theo Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF, chỉ số cạnh tranh về nguồn nhân lực và thị trường lao động của Việt Nam chỉ đạt 4,8 điểm, xếp hạng 47/140 quốc gia, thuộc nhóm trung bình cao trên thế giới và chỉ cao hơn Lào và Campuchia trong khu vực ASEAN. Chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông chỉ đạt 4,3 điểm, xếp hạng 83/140, thuộc nhóm trung bình thấp (WEF, 2019). Trong khu vực ASEAN, các thứ hạng này chỉ được xếp trước trước Lào và Campuchia. Các chỉ số xếp hạng phản ánh khá chính xác thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn về du lịch chỉ chiếm 42% tổng số lao động trực tiếp trong toàn ngành, 38% lao động được chuyển sang từ các ngành khác và khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ mà không qua đào tạo chính quy. Trong số lao động qua đào tạo chuyên môn về du lịch, chỉ có 10% có trình độ đại học và sau đại học, 50% có trình độ từ sơ cấp đến trung cấp và 40% chỉ được bồi dưỡng thông qua các lớp ngắn hạn. Về trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực du lịch, toàn ngành có khoảng 60% nhân lực lao động du lịch biết và sử dụng được ngoại ngữ, nhưng chỉ 15% trong số này có thể sử dụng thành thạo. Về trình độ công nghệ, toàn ngành có khoảng 60% lao động có khả năng sử dụng máy tính và các thiết bị phục vụ công việc, nhưng chủ yếu gắn với các công việc giản đơn. Như vậy, có thể thấy nguồn nhân lực du lịch còn thiếu hụt rất lớn về số lượng và còn nhiều hạn chế về mặt chất lượng. Trước sự phát triển nhanh chóng của dòng khách du lịch, trước những tác động của làn sóng công nghệ mới trên toàn cầu, việc chủ động phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về số lượng lẫn chất lượng là hết sức cấp thiết.

    3. Một số giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0

    Thứ nhất, nâng cao nhận thức về CMCN 4.0 và yêu cầu mới về năng lực của nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch để chủ động học tập và đổi mới: Đội ngũ nhân lực trong toàn ngành phải nhận thức được đúng đắn về CMCN 4.0 và ý thức được sự tác động của làn sóng công nghệ mới lên ngành du lịch, lên từng vị trí việc làm là tất yếu. Từ đó, mỗi nhân lực làm việc trong ngành cần chủ động, nỗ lực trong học tập và đổi mới, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ sử dụng công nghệ mới. Theo đó, đổi mới tư duy và phương thức làm việc để thích ứng với những đòi hỏi mới, đảm bảo hiệu quả lao động.
    Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều chỉnh quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch phù hợp với tình hình mới: Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh CMCN 4.0 như các chính sách về đào tạo, đãi ngộ, khen thưởng… nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch cần được cập nhật, điều chỉnh trên kết quả dự báo và tính toán những tác động của CMCN 4.0 đến thị trường khách, đến các đối thủ cạnh tranh, đến thị trường lao động (định lượng các nhóm vị trí việc làm mới xuất hiện, các nhóm việc làm bị triệt tiêu, năng lực cần thiết đối với từng nhóm nghề nghiệp) để xác định những yêu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới.
    Thứ ba, nâng cao năng lực đào tạo cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch đối với các cơ sở đào tạo: Áp dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch, thực hiện đổi mới nội dung chương trình, phương pháp và phương thức đào tạo gắn với các yêu cầu mới của thị trường lao động. Tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong đào tạo nhân lực du lịch, đồng thời gắn nội dung đào tạo với yêu cầu cụ thể, cập nhật của các nhóm vị trí việc làm trong ngành. Các cơ sở đào tạo cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý các cấp. Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp và triển khai các mô hình đào tạo trong doanh nghiệp du lịch, đảm bảo hiệu quả của hoạt động đào tạo và đào tạo lại.
    Thứ tư, cải thiện hệ thống hạ tầng công nghệ và hệ thống thông tin của ngành du lịch: Cải thiện hệ thống hạ tầng công nghệ đảm bảo tính liên thông và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ của nhân lực lao động trong ngành. Đồng thời cần hình thành, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động du lịch để đẩy mạnh sự kết nối cung – cầu, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động trong lĩnh vực du lịch.
    Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác công tư: Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác công tư trong phát triển nhân lực du lịch thông qua các chương trình trao đổi chuyên gia, đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác đầu tư hạ tầng đào tạo, hạ tầng công nghệ… nhằm nâng cao trình độ nhân lực, cải thiện khả năng ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, kinh doanh du lịch và các công việc khác. Du lịch phát triển và sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0 không chỉ mang lại cơ hội mà còn tạo ra những thách thức rất lớn cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với tình hình mới. Bằng cách chủ động đổi mới tư duy và hành động trong công tác phát triển nhân lực du lịch – vừa đảm bảo đủ số lượng vừa đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực, du lịch Việt Nam mới thực sự có nền tảng vững chắc để khẳng định vai trò “mũi nhọn” trong nền kinh tế quốc dân và phát triển một cách bền vững.

    Kết luận

    Trong xu thế hội nhập và phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch có ý nghĩa quyết định để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hội nhập với quốc tế. Thời gian qua, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, đã xây dựng được hệ thống đào tạo nguồn nhân lực từ sơ cấp đến đại học, sau đại học – đã xây dựng được mã ngành đào tạo về Tiến sĩ trong ngành Du lịch. Đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo đã góp phần quan trọng đưa ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, đem hình ảnh của Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, hình thành nhiều lĩnh vực du lịch mới thì nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế. Những giải pháp quan trọng cần thực hiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như: có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực du lịch; thay đổi mục tiêu đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đổi mới nội dung chương đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiếp cận dần yêu cầu năng lực làm việc trong các lĩnh vực của ngành, trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, hướng tới đạt chuẩn quốc tế về chất lượng đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, nhất là công nghệ thông tin phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập là yếu tố rất quan trọng trong thời kỳ công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2017), Nghị quyết số 08-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
    2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2016), Đề án tăng cường đào tạo theo nhu cầu xã hội lĩnh vực du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
    3. Phạm Xuân Hậu (2019), Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập- sự lựa chọn những giải pháp phù hợp” ISBN- 978-604-73-7107-5, NXB ĐHQG Thành Phố Hồ Chí Minh.
    4. Lê Anh Tuấn (2019), Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch. ” ISBN- 978-604-73-7107-5. NXB ĐHQG Thành Phố Hồ Chí Minh.
    5. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội.
    6. Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020, Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030

    Bùi Thị Hạnh – Phòng Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách và Môi trường Du lịch

    Bài cùng chuyên mục