Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đánh giá sức chịu tải môi trường của khu du lịch biển Sầm Sơn

    Tóm tắt
    Đánh giá sức chịu tải môi trường tại khu, điểm du lịch nhằm xác định mức độ ô nhiễm và khả năng tự phục hồi của môi trường tự nhiên cũng như khả năng đáp ứng của môi trường kinh tế – xã hội. Hiện nay, đã có một số công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế về đánh giá sức chịu tải của môi trường tại các khu, điểm du lịch với các tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, mỗi khu, điểm du lịch có đặc điểm khác nhau về tính chất tài nguyên, phạm vi và khả năng khai thác cũng như điều kiện về kinh tế – xã hội… do vậy, quá trình đánh giá cần lựa chọn các phương pháp tính toán phù hợp. Nghiên cứu này áp dụng các phương pháp tính toán đã có để đánh giá sức chịu tải môi trường tại khu du lịch biển Sầm Sơn trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị để phát triển du lịch bền vững trong giới hạn của sức chịu tải môi trường
    Từ khóa: Du lịch, môi trường, sức chịu tải, ô nhiễm
    ĐẶT VẤN ĐỀ
    Trong những năm qua, hoạt động du lịch đã đem lại nhiều kết quả to lớn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2019, Việt Nam đón khoảng 18 triệu khách quốc tế tăng 16% so với năm 2018, đồng thời phục vụ 85 triệu khách nội địa tăng 6.3% so với năm 2018. Du lịch phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng giá trị tổng sản phẩm quốc dân, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động, tăng thu nhập đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện giao lưu văn hoá và hội nhập với khu vực và thế giới.
    Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ lụy nhất định đến môi trường tự nhiên. Sự tăng trưởng cao của lượng khách du lịch cùng với xu hướng du lịch đại trà và tính thời vụ của hoạt động du lịch tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã dẫn đến nhiều khu, điểm du lịch bị quá tải trong sử dụng hạ tầng; không đủ năng lực thu gom và xử lý rác thải, nước thải; không kiểm soát tốt những tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái. Đối với môi trường xã hội, du lịch phát triển làm gia tăng các tệ nạn xã hội, văn hoá truyền thống của địa phương bị thay đổi. Các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể bị xâm hại hoặc thay đổi tính nguyên bản của di sản để phục vụ lượng khách du lịch ngày càng nhiều. Tất cả những vấn đề trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của du lịch Việt nam nói chung và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế. Việc khai thác du lịch vượt quá sức chịu tải môi trường (SCTMT) sẽ gây ra những ảnh hưởng, đôi khi không thể khắc phục được.
    Ở góc độ ngành du lịch, môi trường bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Do vậy, khả năng chịu tải của môi trường tại khu, điểm du lịch cần được tiếp cận đầy đủ ở cả hai khía cạnh về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đưa ra thuật ngữ sức chịu tải về môi trường: “SCTMT đối với khu, điểm du lịch là khả năng đáp ứng lượng khách tối đa trong không gian khu điểm du lịch và trong phạm vi giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại khu, điểm đó”.
    Khả năng đáp ứng lượng khách tối đa trong không gian khu điểm du lịch còn gọi là sức chiụ tải của không gian tài nguyên, là số khách du lịch tối đa mà các không gian dành cho hoạt động du lịch của khu, điểm du lịch có thể tải được.
    Giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên là giới hạn chịu đựng của các thành phần môi trường (đất, nước, không khí, hệ sinh thái và đa dạng sinh học…) tại khu, điểm du lịch đối với số lượng khách du lịch tối đa mà môi trường vẫn có thể tự phục hồi.
    Giới hạn chịu đựng của môi trường xã hội là giới hạn chịu đựng của hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội (hạ tầng cấp nước, hạ tầng môi trường, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch,…) để đáp ứng tối đa số lượng khách đến khu, điểm du lịch mà vẫn đảm bảo sự hài lòng của cộng đồng địa phương và khách du lịch.
    Sức chịu tải môi trường là căn cứ để quản lý và kiểm soát nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đến môi trường do hoạt động du lịch gây ra. Đây là nội dung hết sức cần thiết và cần thực hiện sớm trước khi triển khai các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển du lịch.
    Khu du lịch biển Sầm Sơn nằm ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 16 km. Sầm Sơn có tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng, gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Với hệ thống bãi biển đẹp (A, B, C, D) kéo dài 3.5 km, bằng phẳng, độ dốc thoải, bãi cát mịn, nước trong xanh có nồng độ muối dưới 30%, ngoài ra còn có Canxidium và nhiều khoáng chất khác có tác dụng chữa bệnh… rất phù hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí nên từ lâu đã là khu nghỉ mát nổi tiếng của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, với tốc độ phát triển nhanh, trong khi khả năng đáp ứng về hạ tầng cấp nước, xử lý môi trường và hệ thống cơ sở vật chất chưa theo kịp đã gây ra hiện tượng quá tải khách du lịch vào mùa cao điểm gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách du lịch.
    Đánh giá sức chịu tải môi trường tại khu du lịch biển Sầm Sơn nhằm xác định mức độ vượt tải về không gian du lịch, môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội tại Sầm Sơn. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng sức chịu tải đồng thời phát triển du lịch nằm trong giới hạn của sức chịu tải môi trường.

    PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Phương pháp thu thập tài liệu: Thu thập các thông tin, tư liệu cần thiết trên cơ sở kế thừa các số liệu, công trình nghiên cứu, số liệu điều tra cơ bản đã có để tổng hợp, phân tích phục vụ quá trình đánh giá.
    Phương pháp điều tra, khảo sát: Điều tra, khảo sát thực địa nhằm xác định các nguồn thải; đánh giá, nhận định thực tế về khả năng chịu tải môi trường của khu du lịch Sẩm Sơn.
    Phương pháp điều tra xã hội học: Điều tra xã hội học về mức độ chấp nhận của cộng đồng địa phương và sự hài lòng của khách du lịch về môi trường tự nhiên, xã hội và số lượng khách du lịch và mùa cao điểm.
    Phương pháp đánh giá, tổng hợp: Đây là phương pháp quan trọng được tổng hợp từ phương pháp trên thông qua kết quả điều tra thực địa, kết quả phân tích các tài liệu thu thập, báo cáo điều tra, các bản đồ chuyên đề… để đánh giá sức chịu tải môi trường và đề xuất giải pháp nhằm phát triển du lịch trong giới hạn của sức chịu tải môi trường tại khu du lịch biển Sầm Sơn.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
    1. Đánh giá chung về hiện trạng phát triển du lịch và hiện trạng môi trường tại Sầm Sơn
    1.1. Hiện trạng phát triển du lịch tại Sầm Sơn
    a. Khách du lịch
    Giai đoạn 2015 – 2019, khách du lịch đến Sầm Sơn tăng trưởng đều, ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt 5,04%. Năm 2015, Sầm Sơn phục vu 4.066.100 lượt khách lưu trú, đến năm 2019, số lượt khách lưu trú đạt 4.950.000 lượt, tăng gần 100.000 lượt so với năm 2015. Khách du lịch đến với Sầm Sơn chủ yếu là khách nội địa, chiếm 99,2%, cơ cấu khách đến Sầm Sơn chủ yếu là từ thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đi theo đoàn do các công ty lữ hành tổ chức, tuy nhiên, những năm gần đây, khách quốc tế đến Sầm Sơn không ngừng gia tăng với tốc độ khá cao đạt 9.6%, cao hơn so với mức tăng trưởng tổng lượng khách trung bình/năm. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch đến Sầm Sơn đạt 1.9 ngày.

    Bảng 1.1: Hiện trạng khách du lịch lưu trú tại Sầm Sơn giai đoạn 2015 – 2019

    So với toàn tỉnh, trong tổng số hơn 9 triệu lượt khách du lịch đến Thanh Hóa mỗi năm, khách du lịch đến Sầm Sơn chiếm trên 50%. Dự báo trong thời gian tới, với nhiều dự án đầu tư du lịch cao cấp của các tập đoàn lớn như FLC, Sun Group…, lượng khách du lịch đến Sầm Sơn sẽ có mức tăng trưởng mạnh và thu hút được nhiều khách quốc tế.

    b. Tổng thu từ du lịch
    Giai đoạn 2015 – 2019, tổng thu từ du lịch của Sầm Sơn tăng trưởng rất nhanh, đạt trung bình 29%/năm. Năm 2015, tổng thu từ du lịch đạt 3.450.000 tỷ đồng, năm 2019 đạt 7.920.000 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần.

    Bảng 1.2: Tổng thu từ du lịch của Sầm Sơn giai đoạn 2015 – 2019

    Đơn vị: Triệu đồng

    So sánh với Thanh Hóa, tổng thu từ du lịch của Sầm Sơn có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn gấp 1.8 lần. Giai đoạn 2015 – 2019, tổng thu từ du lịch Sầm Sơn đạt 26.410 tỷ đồng, chiếm 59% toàn tỉnh.

    1.2. Hiện trạng môi trường khu du lịch Sầm Sơn
    a. Môi trường đất
    Theo kết quả quan trắc môi trường giai đoạn 2015 – 2019 của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thanh Hóa, hàm lượng các kim loại nặng (As, Cd, Cu, Pd, Zn) nằm trong QCVN 03:2008/BTNMT, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật có giá trị thấp và nằm trong giới hạn so với QCVN 15:2008/BTNMT, các thông số quan trắc có sự biến động không đáng kể giữa các năm.
    b. Môi trường nước
    Nước thải tại Sầm Sơm chủ yếu là nước thải sinh hoạt của người dân và nước thải từ hoạt động du lịch. Ngoài ra, còn có một phần nước thải từ quá trình sản xuất công nghiệp chế biến thủy, hải sản, hoạt động vận tải đường thủy, nước mưa chảy tràn… Theo kết quả quan trắc môi trường giai đoạn 2015 – 2019 của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thanh Hóa, chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm và nước biển ven bờ tại Sầm Sơn đã có dấu hiệu ô nhiễm tại một số thời điểm. Về chất lượng nước biển ven bờ khu vực gần các bãi tắm, thông số về hàm lượng Asen (As) và Xyanua (CN) vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT: 2015/BTNMT. Bên cạnh đó, hàm lượng oxy hòa tan (DO) và pH của nước biển thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, hiện tượng này không duy trì liên tục và chỉ ô nhiễm cục bộ tại một số thời điểm.

    Bảng 1.3: Kết quả phân tích chất lượng nước biển ven bờ khu du lịch biển Sầm Sơn

    c. Môi trường không khí

    Kết quả quan trắc môi trường giai đoạn 2015 – 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho thấy, nhìn chung chất lượng môi trường không khí tại Sầm Sơn khá tốt, hầu hết các chỉ tiêu đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép.
    2. Đánh giá sức chịu tải môi trường tại khu du lịch biển Sầm Sơn
    2.1. Sức chịu tải không gian du lịch
    Sức chịu tải của không gian tài nguyên bãi biển Sầm Sơn được tính toán theo công thức của Boullón (1985).

    TCC = RT/PCC

    Trong đó: – TCC: Sức chịu tải của không gian tài nguyên
    – RT: Số lượt khách thực tế
    – PCC: Số lượt khách tiêu chuẩn (PCC = A/D)
    – A là tổng diện tích khu vực tắm biển (m2)
    – D là diện tích tiêu chuẩn cho 1 khách (m2/người)
    Nếu chỉ số TCC = 1 (sức tải = 100%) đã chạm ngưỡng chịu tải; TCC < 1 (sức tải <100%) nằm trong giới hạn chịu tải cho phép, và TCC > 1 (sức tải >100%) đã vượt quá sức chịu tải.
    Khu vực biển Sầm Sơn gồm 04 bãi tắm: A, B, C, D với tổng chiều dài 3.500 m, chiều rộng 200 m, trong đó khu vực có khả năng tắm biển chiếm khoảng 80% (20% còn lại là khu vực khai thác dịch vụ, chuyển giao địa hình và neo đậu thuyền bè của ngư dân). Bãi biển Sầm Sơn được xác định là bãi bãi tắm công cộng, bình dân, do vậy tiêu chuẩn không gian của mỗi khách du lịch tắm biển tại Sầm Sơn (Fred Lawson, Manuel Baud Bovy và ESCAP, 1997) khoảng 15 – 20 m2.
    Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Sầm Sơn, 60% khách du lịch đến với Sầm Sơn tập trung vào các ngày cuối tuần của 6 tháng mùa nóng, tương đương với 52 ngày, như vậy vào dịp cao điểm Sầm Sơn đón 57.115 lượt/ngày.

    Bảng 2.1: Sức chịu tải không gian tài nguyên bãi biển Sầm Sơn

    Theo bảng 1.5: Vào những ngày thường, TCC = 0.42 (42%) < 1, bãi tắm Sầm Sơn chưa vượt quá sức chịu tải; Vào mùa cao điểm, TCC = 1.78 (178%) > 1, bãi tắm Sầm Sơn đã vượt quá sức chịu tải về không gian 1.78 lần. Việc vượt quá sức chịu tải về không gian tắm biển đã làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của khách du lịch, thay vì mỗi khách du lịch có khoảng 17.5 m2 để tắm biển thì vào mùa cao điểm trung bình mỗi khách chỉ còn 9.8 m2. Trên thực tế, vào ngày cao điểm nhất (dịp 30/4 – 1/5, năm 2019), số lượt khách đến Sầm Sơn đạt 146.000 lượt khách/ngày, vượt quá sức tải về không gian 4.56 lần, tuy nhiên hiện tượng này không diễn ra thường xuyên.
    2.2. Sức chịu tải môi trường tự nhiên (môi trường nước biển)
    2.2.1. Kiểm kê nguồn thải
    Nước thải tại Sầm Sơn được xác định và kiểm kê từ các hoạt động dân sinh và kinh tế – xã hội tại địa phương, cụ thể như sau:
    Nguồn nước thải từ người dân: Năm 2019, dân số của thành phố Sầm Sơn 108.320 người, với tiêu chuẩn sử dụng trung bình 115 lít/ngày.đêm, lượng nước thải của người dân: 10.500 m3/ngày.đêm.
    Nước thải từ khách du lịch: Theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn, năm 2019 Sầm Sơn phục vụ 9.750.000 ngày khách (UBND TP. Sầm Sơn, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020), với tiêu chuẩn mỗi lượt khách sử dụng trung bình 320 lít/ngày.đêm, lượng nước thải từ khách du lịch được xác định: 8.548 m3/ngày.đêm.
    Các nguồn thải khác: Nguồn thải từ các khu công nghiệp và nước thải từ các công trình công cộng được xác định bằng 10% lượng nước thải sinh hoạt của người dân tương đương: 1.050 m3/ngày.đêm. Riêng nguồn nước thải từ các khu công nghiệp tại Sầm Sơn được xử lý tại chỗ bởi hệ thống xử lý nước thải của mỗi khu công nghiệp.
    Như vậy, nguồn thải gây ô nhiễm tại Sầm Sơn được xác định chủ yếu là nước thải sinh hoạt từ người dân, khách du lịch và các công trình công cộng, với tổng lượng nước thải: 20.098 m3/ngày.đêm. Hiện nay, tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải tại Sầm Sơn đạt xấp xỉ 60% (thông qua hệ thống xử lý tại lắng sinh học tại khu xử lý nước thải tập trung của Thành phố và các công trình bể tự hoại), do vậy sẽ còn lại trên 40% lượng nước thải chưa được xử lý thải ra môi trường, tương đương: 8.399 m3/ngày.đêm. Lượng nước thải chưa được xử lý trên được xác định bởi các nguồn:
    (1) Nước thải từ các hoạt động dân sinh của người dân tại 06 phường xã các xã mở rộng, khu vực chưa có hệ thống thu gom, lượng nước thải này được thải trực tiếp ra khu vực các cánh đồng và ao hồ xung quanh. Dân số tại 06 phường xã mở rộng khoảng 39.760 người (Báo cáo của Công ty Môi trường đô thị thành phố Sầm Sơn, 2019). Lượng nước thải tương đương 3.887 m3/ngày.đêm.
    (2) Nước thải từ các hoạt động dân sinh, du lịch và công cộng tại các khu vực trung tâm được thu gom chung với hệ thống nước mưa như do quá tải bị chảy tràn ra 02 miệng cống đẩy ra biển.
    Theo đó, lượng nước thải ra biển trung bình: 8.399 – 3.887 = 4.512 m3/ngày.đêm.

    2.2.2. Tải lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải ra biển
    Hiện nay, tổng dân số khu vực trung tâm thành phố Sầm Sơn: 68.560 người; Lượng khách lưu trú trung bình/ngày tại Sầm Sơn: 9.750.000/365 = 26.712 (lượt), tỷ lệ của khách lưu trú trung bình ngày/người dân: 26.712/68.560 = 0.39. Theo tiêu chuẩn xả thải khách du lịch, người dân và tỷ lệ xả thải của các nguồn khác (công trình công cộng 10% lượng xả thải của người dân) có thể xác định khối lượng thải của mỗi đối tượng.
    Giả sử gọi K là số lượt khách lưu trú trung bình/ngày ta có phương trình khối lượng xả nước thải của mỗi đối tượng như sau:

    (0,32 x K + 0.115 x K/(0.39) + 0,115 x K/(0.39) x 10%) x 85% = 4.512

    K = 8.238, như vậy lượng nước thải 4.512 m3/ngày.đêm ra biển do 8.238 lượt khách lưu trú/ngày, 17.797 người dân, và 10% còn lại do các công trình công cộng, hàm lượng và tỷ lệ phát thải như sau:

    Bảng 2.2: Hàm lượng và tỷ lệ phát sinh nước thải ra biển tại Sầm Sơn

    Qua bảng 2.2 cho thấy, lượng nước thải chưa được xử lý, chảy ra biển do khách du lịch lưu trú/ngày tại Sầm Sơn chiếm xấp xỉ 50%; Do người dân chiếm 45.7% và các nguồn khác chiếm 4.6%.
    Tải lượng các chất gây ô nhiễm môi trường nước chưa được xử lý, thải ra biển Sầm Sơn được xác định đựa trên hệ số ô nhiễm và khối lượng các nguồn thải.
    Hệ số ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt được căn cứ theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới tại Bảng 2.3 (World Heath Organization, Gevera, (1993), Assessment of sources of Air, Water, and Land pollution).

    Bảng 2.3. Hệ số ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt

    Tải lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải theo từng nguồn cụ thể theo Bảng 2.4.

    Bảng 2.4. Tải lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, thải ra biển Sầm Sơn

    Như vậy, có thể thấy tải lượng các chất ô nhiễm thải ra môi trường nước biển chủ yếu là do hoạt động sinh hoạt của người dân, chiếm 67.1%; do khách du lịch chiếm 26.32%, còn lại là các nguồn khác chiếm 6.58%.

    2.2.3. Sức chịu tải môi trường nước biển Sầm Sơn
    Sức chịu tải của môi trường nước biển tại Sầm Sơn được áp dụng tính toán theo công thức của (GESAM, 1986):

    Ltn = (Ctc – Cht) x V x (1+R)

    Trong đó: Ltn: Khả năng tiếp nhận của môi trường nước
    Ctc: Nồng độ giới hạn cho phép của thông số ô nhiễm (kg/m3)
    Cht: Nồng độ hiện tại của thông số ô nhiễm (kg/m3)
    V: Thể tích trung bình của thủy vực (m3)
    R: Tỷ lệ trao đổi nước %
    Nếu khả năng tiếp nhận Ltn ≤ 0 tức là khu vực biển đó đã đủ hoặc quá tải, không thể tiếp nhận thêm các chất gây ô nhiễm.
    Nồng độ giới hạn của thông số ô nhiễm được căn cứ theo QCVN 10-MT: 2015/BTNMT và quy đổi về đơn vị kg/m3.
    Nồng độ hiện tại của thông số ô nhiễm được căn cứ trên kết quả phân tích môi trường nước biển ven bờ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa tại Bảng 1.3, và quy đổi về đơn vị kg/m3.
    Đối với bãi biển Sầm Sơn, thể tích trung bình của thủy vực được xác định trong phạm vi ven bờ (cách bờ 3 hải lý), độ sâu trung bình đạt 8 m, chiều dài bãi biển khu vực tiếp nhận nguồn thải 2.5 km, tỷ lệ trao đổi nước khoảng 30%.

    Bảng 2.5: Sức chịu tải môi trường nước biển Sầm Sơn

    Qua bảng 2.5 cho thấy, khả năng tiếp nhận của bãi biển Sầm Sơn đối với chất rắn lơ lửng (TSS) và Amoni (NH4+) đã vượt tải (Ltn< 0), đối với Phospho có thể tiếp nhận thêm 113 kg/ngày. Lượng chất rắn lơ lửng thải ra biển Sầm Sơn do sinh hoạt của người dân, khách du lịch và các công trình công cộng đã vượt khả năng tiếp nhận 2.691 kg/ngày.đêm. Lượng Amoni, vượt khả năng tiếp nhận 95kg/ngày.đêm.

    Hình 1.1: Biểu đồ khả năng tiếp nhận các chất ô nhiễm môi trường nước biển tại Sầm SơnDựa theo hệ số phát thải và tỷ lệ phát thải giữa các đối tượng có thể phân chia tải lượng phát sinh các chất ô nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường nước biển Sầm Sơn theo các nguồn phát sinh như sau:

    Bảng 2.6: Phân chia tải lượng các chất ô nhiễm vượt tải theo các nguồn phát sinh

    Như vậy, đối với hoạt động du lịch hiện tại của Sầm Sơn, việc đón tiếp 26.712 lượt khách du lịch lưu trú/ngày.đêm đã vượt quá sức chịu tải của môi trường nước biển. Số lượng khách du lịch lưu trú/ngày.đêm có thể đón tiếp để đảm bảo khả năng tự phục hồi của môi trường nước biển: 26.712 – 6.946 = 19.226 lượt/ngày.đêm, tương đương 3.562.726 lượt khách lưu trú/năm, đạt 72% so với hiện tại.

    Mức độ vượt SCTMT nước biển: 26.712/19.266 = 1.39 (139%)

    2.3. Sức chịu tải môi trường kinh tế xã hội
    2.3.1. Khả năng đáp ứng của hệ thống cấp nước
    Khả năng đáp ứng hệ thống cấp nước được xác định dựa trên tỷ lệ giữa công suất cấp nước (Phc ) và mức độ tiêu thụ nước (Pyc). Nếu Phc/Pyc > 1, hệ thống cấp nước chưa bị quá tải.
    Về công suất cấp nước: Nước tại Sầm Sơn được cung cấp bởi hệ thống cấp nước tập trung được dẫn từ thành phố Thanh Hoá bằng tuyến ống truyền tải D400 đặt dọc Quốc lộ 47 và được tăng áp bởi trạm bơm tăng áp tại Quảng Hưng với công suất: Phc = 10.000 (m3/ngày.đêm).
    Về mức độ tiêu thụ nước: Theo thống kê của Chi nhánh Cấp nước Sầm Sơn, tổng lượng nước tiêu thụ của khách hàng địa bàn thành phố 150.000 m3/tháng (vào mùa đông, thời điểm vắng khách du lịch) tương đương 5.000 m3/ngày.đêm và 210.000 m3/tháng tương đương 7.000 m3/ngày.đêm (vào mùa hè). Theo đó, công suất nước cấp cần có tại Sầm Sơn vào ngày cao điểm Pyc = 7.000 (m3/ngày.đêm).
    Khả năng đáp ứng hệ thống cấp nước: Phc/Pyc = 10.000/7.000 = 1.43 > 1
    Như vậy, hiện nay với công suất cấp nước 10.000 m3/ngày.đêm của Thành phố Sầm Sơn đủ cho phục vụ cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và du lịch ngày bình thường. Bên cạnh đó, với khả năng cấp nước hiện tại còn lại còn có thể đáp ứng thêm số lượt khách lưu trú/ngày: 3.000/0.32 = 9.735 lượt/ngày.đêm. Số lượt khách lưu trú tối đa/ngày: 26.712 + 9.375 = 36.087 (lượt/ngày.đêm)
    Vào những ngày cao điểm, số lượt khách lưu trú tại Sầm Sơn lên đến 57.155 lượt/ngày. SCTMT của hệ thống cấp nước ngày cao điểm đạt: 57.115/36.087 = 1.58. Tuy nhiên, Sầm Sơn chưa xảy ra hiện tượng thiếu nước, do ngoài nguồn nước cấp của Thành phố, 75% người dân và các cơ sở còn sử dụng thêm nguồn nước ngầm tự khai thác.
    2.3.2. Khả năng đáp ứng của hệ thống thu gom và xử lý chất thải
    a. Đối với nước thải
    Khả năng đáp ứng của hệ thống thu gom xử lý nước thải được tính toán theo công thức:

    Lhtmtl = M – N

    Trong đó: Lhtml: Khả năng đáp ứng của hệ thống xử lý nước thải
    M: Tổng lượng nước thải
    N: Công suất xử lý nước thải
    Về tổng lượng nước thải: Theo tính toán của phần trên, tổng lượng nước thải tại Sầm Sơn: M = 20.098 m3/ngày.đêm.
    Về công suất thu gom và xử lý nước thải: Hiện nay, nước thải sinh hoạt được thu gom và bơm qua hệ thống hồ lắng tại xã Trung Sơn để xử lý, tỷ lệ thu gom nước thải đạt xấp xỉ 60%. Theo đó, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý: N = 11.699 m3/ngày.đêm.
    Khả năng đáp ứng của hệ thống thu gom, xử lý nước thải: Lhtmtl = 20.098 – 11.699 = 8.399 (m3/ngày.đêm)
    Lhtmtl > 0, như vậy hệ thống thu gom và xử lý nước thải của Sầm Sơn hiện tại không đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải.
    Với khả năng xử lý nước thải như trên, có thể đáp ứng được số lượt khách lưu trú/ngày tối đa: 19.226 lượt/ngày.đêm
    b. Đối với chất thải rắn
    Khả năng đáp ứng của hệ thống thu gom và xử lý CTR tại Sầm Sơn được đánh giá thông qua tổng lượng phát sinh CTR và khả năng thu gom xử lý rác thải.
    Về lượng phát sinh CTR: Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Sầm Sơn hiện nay, M = 145 m3/ngày.đêm
    Về hệ thống thu gom và xử lý rác thải: Hiện nay, tổng lượng CTR sinh hoạt tại Sầm Sơn được thu gom và vận chuyển đi xử lý, N = 50m3/ngày.đêm.
    Khả năng đáp ứng của hệ thống xử lý chất thải được xác định như sau:
    Lhtmtr = 145 – 50 = 95 (m3/ngày.đêm)
    Lhtmtr > 0, như vậy hệ thống thu gom và xử lý CTR của Sầm Sơn hiện tại không đáp ứng được nhu cầu xử lý CTR.
    Với công suất 50 m3/ngày.đêm hiện tại, hệ thống thu gom và xử lý rác thải tại Sầm Sơn chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu xử lý, số lượt khách lưu trú/ngày tối đa: 11.486 (lượt/ngày.đêm).

    2.3.3. Khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở lưu trú
    Số lượt khách lưu trú tối đa (công suất sử dụng phòng là 100%) có thể phục vụ trong năm với số phòng hiện tại Sầm Sơn:
    Số lượt khách lưu trú tối đa/năm = (Tổng số giường x 365 ngày) / Số ngày lưu trú trung bình
    Trong đó, tổng số giường = Số phòng x Số giường/phòng
    Số phòng tại Sầm Sơn: 19.000 phòng, số ngày lưu trú trung bình tại Sầm Sơn: 1,97 ngày.
    Theo đó, số lượt khách lưu trú tối đa/năm tại Sầm Sơn:

    Số lượt khách lưu trú tối đa/năm =  (38.000 x 365)/1,97 = 7.040.609

    Theo thống kê của UBND thành phố Sầm Sơn, số lượt khách lưu trú cao nhất tại Sầm Sơn những năm qua đạt 4.950.000 lượt khách/năm. Như vậy, hệ thống cơ sở lưu trú Sầm Sơn hiện chưa quá tải.

    4. Đánh giá chung về sức chịu tải môi trường tại Khu du lịch Sầm Sơn
    Trên cơ sở kết quả đánh giá sức chịu tải từng thành phần môi trường, SCTMT của khu du lịch Sầm Sơn được tổng hợp tại Bảng 2.7.

    Bảng 2.7: Tổng hợp sức chịu tải môi trường của KDL Sầm Sơn

    Ghi chú:
    – (*) Chỉ tính cho khách lưu trú
    – (**) Chỉ tính khả năng thu gom
    – (***) Chỉ đánh giá chung cho cả năm

    Với tính chất là khu du lịch biển, mục đích chính của khách du lịch đến Sầm Sơn là nghỉ dưỡng biển. Bởi vậy, SCTMT tổng hợp của khu du lịch được xem xét là SCTMT không gian bãi biển. SCTMT hạ tầng kinh tế – xã hội và SCTMT xã hội là các điều kiện giới hạn.
    – Kết quả tính toán cho thấy: Thực tế số lượng khách đến tham quan Sầm Sơn trong cả năm vẫn thấp hơn SCTMT không gian bãi biển. Tuy nhiên vào mùa cao điểm, bên cạnh SCTMT không gian bãi biển đã vượt sức tải 178%, sức chịu tải của môi trường kinh tế – xã hội đã vượt tải ở mức cao. Trong đó, sức tải của hệ thống thu gom, xử lý CTR vượt đến 497% gây ô nhiễm rác thải, sức chịu tải của hệ thống thu gom xử lý nước thải vượt tải 297%, kéo theo sức chịu tải môi trường nước biển vượt tải 139% gây ô nhiễm môi trường nước biển khu vực các bãi tắm và ảnh hưởng đến sự trải nghiệm của khách du lịch.
    – Về mặt lý thuyết, khu du lịch Sầm Sơn có thể đón tối đa 32.000 lượt khách du lịch/ngày. Trong số 32.000 lượt khách/ngày, nếu xét các điều kiện vể khả năng phục hồi chất lượng nước biển, khả năng cấp nước, thu gom và xử lý chất thải tại Sầm Sơn thì chỉ có thể có tối đa 11.486 lượt khách du lịch lưu trú/ngày.
    So với số lượt khách lưu trú năm 2019 của Sầm Sơn: 26.712 lượt khách du lịch lưu trú/ngày, SCTMT hiện tại của Sầm Sơn chỉ đáp ứng được 43%.
    Tuy nhiên, SCTMT tại Sầm Sơn có thể tăng lên rất nhiều nhằm khai thác hiệu quả hoạt động du lịch tại Sầm Sơn nhưng vẫn đáp ứng được sức chịu tải về không gian tài nguyên bãi biển, nếu hệ thống thu gom, xử lý chất thải (đặc biệt hệ thống xử lý CTR) và hệ thống cấp nước được đầu tư, nâng cao công suất.
    Hiện nay, thành phố Sầm Sơn triển khai và hoàn thiện một số dự án hạ tầng xử lý chất thải đưa vào vận hành trong năm 2021, như vậy SCTMT tại khu du lịch Sầm Sơn sẽ được tăng lên góp phần khai thác du lịch hiệu quả và bền vững.

    KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
    Kết quả đánh giá cho thấy, vào mùa cao điểm, sức chịu tải môi trường tại khu du lịch Sầm Sơn đã bị vượt tải. Bên cạnh không gian bãi biển không đủ phục vụ khách du lịch, nguyên nhân chủ yếu gây vượt tải là do hệ thống thu gom và xử lý chất thải chưa đáp ứng được lượng thải ra hàng ngày. Để nâng cao khả năng chịu tải và khai thác hiệu quả tài nguyên bãi biển tại Sầm Sơn, báo cáo khuyến nghị một số nội dung sau:
    Tổ chức phân luồng khách du lịch nhằm giảm tải cho không gian bãi biển vào dịp cao điểm.
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường, tổ chức quản lý theo hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và vệ sinh môi trường.
    Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng xử lý môi trường nhằm nâng cao công suất xử lý để đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Sầm Sơn. Đối với hạ tầng xử lý nước thải cần tách riêng hệ thống thu gom nước thải ra khỏi hệ thống nước mưa để tránh gây tràn các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt ra biển. Đối với hạ tầng xử lý chất thải rắn cần được ưu tiên đầu tư và sớm xây dựng đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải tại xã phía Tây xã Quảng Minh để đảm bảo toàn bộ rác thải tại Sầm Sơn và khu vực lần cận được xử lý.
    Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với người dân và khách du lịch như phân loại chất thải rắn tại nguồn, sử dụng tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần… nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường khu du lịch đồng thời giảm tải cho các hệ thống thu gom và xử lý chất thải.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Báo cáo số liệu quan trắc môi trường khu vực Sầm Sơn giai đoạn 2016 – 2020.
    2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Báo cáo hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Thanh hóa giai đoạn 2015 – 2020.
    3. Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn (2018), Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
    4. Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn (2020), Bao cáo thực trạng phát triển du lịch, môi trường, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Sầm Sơn.
    5. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2018), “Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
    6. Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (2016), Sức tải môi trường các thủy vực tiêu biểu ven bờ Việt Nam
    7. Fred Lawson và Manuel Baud-Bovy (1977 và 1998), Tourism and recreation development.
    8. GESAM, (1996), Monitoring the ecological effects of coastal aquaculture wastes. GESAM reports and studies.
    9. World Heath Organization, Gevera, (1993), Assessment of sources of Air, Water, and Land pollution

    Trương Sỹ Vinh(1), Lê Thanh Xuân(2), Dư Văn Toán(3), Nguyễn Thùy Vân(1)

    1. Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, 58 Kim Mã, Hà Nội
    2. Bộ Văn hóa. Thể thao và Du lịch, 51 Ngô Quyền, Hà Nội
    3. Viện nghiên cứu biển và hải đảo, 67 Chiến Thắng, Hà Nội

    Bài cùng chuyên mục