Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đánh giá hiện trạng một số thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng

    Thành Phố Đà Nẵng nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, trên trục giao thông huyết mạch Bắc Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và cả đường hàng không, cách Thủ đô Hà Nội 764km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 964 km về phía Nam, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền trung lẫn Tây Nguyên và cũng là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây đi qua các nước Myanmar, Lào, Thái, Việt Nam. Ngoài ra, Đà Nẵng còn là trung điểm của 3 di sản văn hóa thế giới nổi tiếng là Cố đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh Địa Mỹ Sơn.
    Đà Nẵng là một thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Trải qua quá trình phát triển vượt trội, học tập phương thức xây dựng thành phố hiện đại của châu Âu, Đà Nẵng dần vươn lên trở thành thành phố có chỉ số cạnh tranh phát triển cao nhất cả nước, trở thành thành phố xanh, thành phố đáng sống.
    Những địa điểm được du khách trong và ngoài nước thường lựa chọn khi đến Đà Nẵng như: Asia Park (công viên châu Á), Fantasy Park, Bãi biển Mỹ Khê, Bãi tắm Non Nước, Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Thác nước Hòa Phú Thành, Cầu Rồng, Khu làng Pháp trên Bà Nà Hills, Làng hoa tình yêu, Đèo Hải Vân, Cầu Tình Yêu, Cù Lao Chàm, Rạn Nam Ô, Làng Vân, Ghềnh Bàng, Làng cổ Phong Nam, Làng Bích Họa, Rừng ngập mặn nguyên sinh Tam Giang, Giếng trời, Đỉnh Bàn Cờ, Hồ Hòa Trung, Bà Nà Hills, Chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Thánh địa Mỹ Sơn. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên Con đường di sản miền Trung.

    Cầu Vàng trên mây ở Bà Nà Hills (Đà Nẵng)
    Cầu Vàng trên mây ở Bà Nà Hills (Đà Nẵng)

    Trong những năm vừa qua, khách du lịch đến Đà Nẵng liên tục tăng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Cùng với sự phát triển của mạng lưới đường bay quốc tế và thu hút du lịch tàu biển (100 chuyến năm 2018), thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2018 tiếp tục tăng trưởng 23,3% so với năm 2017 với 2,875 triệu lượt, chiếm 37,53% tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng (7.660.000 lượt). So với năm 2010, thị trường khách quốc tế tại Đà Nẵng từ 370.000 khách đã tăng lên gấp 7,8 lần vào năm 2018, tuy nhiên lại phụ thuộc lớn vào 02 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm hơn 64% trong tổng lượng khách quốc tế năm 2017 và hơn 82 % trong năm 2018, các thị trường tiếp theo lần lượt là Nhật, Mỹ, Thái Lan, Malaysia…

    Hiện trạng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015

    Đơn vị tính: Lượt khách

    Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm  2015
    Khách quốc tế đến Đà Nẵng 440.390 532.112 708.981 847.253 974.546
    Tăng trưởng hàng năm 20,83% 33,24% 19,50% 15,02%
    Tăng trưởng theo giai đoạn 21,97%

    Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng

    Hiện trạng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng giai đoạn 2016-2019

    Đơn vị tính: Lượt khách

    Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019(*)
    Khách quốc tế đến Đà Nẵng 1.198.393 2.030.000 2.807.700 3.190.000
    Tăng trưởng hàng năm 22,97% 69,39% 38,31% 13,62%
    Tăng trưởng theo giai đoạn 38,59%

    (*): Số liệu ước đạt
    Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng

     Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng

    Theo thống kê, năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng đạt 8,69 triệu lượt, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: khách quốc tế đạt 3,52 triệu lượt, tăng 22,5%, khách nội địa đạt 5,17 triệu lượt, tăng 8%. Số lượng khách tại một số thị trường có sự tăng trưởng cao: Thái Lan (213.549 lượt khách, vươn lên đứng vị trí thứ 3), Đài Loan (81.114 lượt khách, tăng trưởng hơn gấp 2 lần, vượt lên 2 bậc đứng vị trí thứ 6), Nhật Bản (183.572), Mỹ (95.656), Malaysia (77.619), Úc (46.897)… tăng trưởng đồng đều từ 1,2 đến 1,5 lần.

     Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng

    1. Thị trường khách quốc tế trọng điểm: Hàn Quốc và Trung Quốc
    Hàn Quốc và Trung Quốc là 02 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu hiện nay và chiếm tỉ trọng >50% liên tục 05 năm qua tại Đà Nẵng. Từ năm 2013, thị trường khách Hàn có sự tăng trưởng đột phá với lượng khách tăng gấp đôi theo từng năm và tăng gấp 30 lần từ 55.000 lượt (năm 2013) lên hơn 1.600.000 lượt (năm 2018), vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia dẫn đầu về lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng. Sự bùng phát của thị trường Hàn đã khẳng định vai trò quan trọng của kết nối đường bay và mức độ quảng bá điểm đến mới tập trung, chuyên sâu của hàng không và lữ hành Hàn Quốc. Tính đến hết năm 2018, có 173 chuyến bay/ tuần trực tiếp từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng và 64 chuyến/tuần từ các tỉnh, thành của Trung Quốc.
    Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào 02 thị trường Trung, Hàn cũng có thể dẫn đến rủi ro đối với du lịch Đà Nẵng như:
    + Trung Quốc là thị trường có sự ổn định không cao do các biến động chính trị. Thêm vào đó, hiệu quả khai thác khách Trung chưa cao vì chưa kiểm soát tốt tour giá rẻ và việc thanh toán dịch vụ bằng Wechat, không dùng tiền mặt của khách Trung có thể gây thất thu thuế.
    + Hàn Quốc có xu hướng du lịch theo phong trào nên sự thoái trào của khách Hàn được dự đoán có thể xảy ra trong 3 năm tới. Thời gian gần đây, do mâu thuẫn chính trị giữa Trung – Hàn nên một bộ phận khách Hàn chuyển
    hướng đến Việt Nam, tuy nhiên xu hướng này thay đổi trong tương lai cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng khách Hàn đến Việt Nam. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có thể bị cạnh tranh bởi các điểm đến như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt.

    2. Thị trường khách quốc tế tăng trưởng tốt: Nhật Bản và Đông Nam Á
    a) Thị trường Nhật Bản
    Thị trường Nhật Bản tăng trưởng tốt. Năm 2014, lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng là 52.671 lượt, đến năm 2018 ước đạt 132.000 lượt, tăng 2,5 lần. Doanh nghiệp Nhật Bản chủ động tiếp cận thị trường và phát triển các thị trường ngách như du lịch học đường, du lịch tuần trăng mật. Theo Hiệp hội lữ hành Nhật Bản (JATA), 3 phân khúc khách hàng Nhật quan trọng cần quan tâm là nhóm khách gia đình, nhóm khách trung niên và giới trẻ. Trong số này, nhóm khách trung niên là lượng khách quan trọng vì có thu nhập tốt và có thời gian để du lịch. Nhóm khách gia đình là thị trường tiềm năng vì xu hướng du lịch nước ngoài của nhóm này đang tăng lên. Nhóm khách giới trẻ không đi tour hạng sang nhưng lại tạo nên sức mạnh truyền thông mạnh mẽ cho điểm đến. Nhật Bản là thị trường khách quốc tế truyền thống cần được xúc tiến chuyên sâu theo kế hoạch hằng năm. Đến nay, có 16 chuyến bay/tuần từ Toyko và Osaka, Nhật Bản trực tiếp đến Đà Nẵng do Vietnam Airlines và Jetstar khai thác.
    b) Thị trường các nước Đông Nam Á
    Các thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore thường xuyên có mặt trong top 10 thị trường. Đáng chú ý, lượng khách Malaysia và Thái Lan tăng mạnh năm 2018:
    + Năm 2018, khách Thái ước đạt 56.174 lượt, chiếm 2.1% tổng lượt khách quốc tế, tăng 2,4 lần so với 2017 (23.282).
    + Khách Malaysia ước đạt 50.937 lượt, chiếm tỉ trọng 1.9%, tăng 1,69 lần so với năm 2017 (29.974).
    + Khách Singapore ước đạt 19.753 lượt, chiếm tỉ trọng 0.74%, tăng 0,48 lần so với năm 2017 (13.308).
    Các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia dù thuận lợi khai thác về nhiều mặt nhưng chưa thu hút hiệu quả, hiện cũng được xác định là thị trường trọng điểm cho kế hoạch quảng bá hằng năm.
    3. Thị trường có tăng trưởng nhưng chưa cao, chiếm tỷ lệ còn thấp trong tỷ trọng khách quốc tế đến Đà Nẵng: Tây Âu, Mỹ và Úc
    Theo sau Hàn Quốc, Trung Quốc, và Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 3, các thị trường gửi khách từ các quốc gia Tây Âu, Mỹ, Úc có mức tăng trưởng nhưng chưa cao từ 2014 đến nay. Khác với sự tăng trưởng ổn định của khách Nhật Bản, thị trường Mỹ và Úc có sự thay đổi.
    a) Thị trường Tây Âu
    Hiện nay thị phần khách Tây Âu đến Đà Nẵng chưa nhiều, chiếm tỷ trọng ước tính 2.12% trong cơ cấu khách quốc tế của thành phố năm 2018 (năm 2017 chiếm 2.29% và năm 2016 chiếm 3%). Khách du lịch của thị trường này chủ yếu đến từ 03 quốc gia là Anh, Pháp và Đức và nếu so sánh với lượng khách Tây Âu đến Việt Nam thì vẫn còn thấp và chưa có sự thay đổi đột biến trong các năm qua (cụ thể theo bảng sau).

    2016 2017 2018
    Việt Nam Đà Nẵng Chiếm tỷ lệ Việt Nam Đà Nẵng Chiếm tỷ lệ Việt Nam Đà Nẵng Chiếm tỷ lệ
    Anh 254.841 21.900 0.86% 283.537 25.496 0.89% 298.114 26.317 0.88%
    Pháp 240.808 13.618 0.57% 255.369 14.603 0.57% 279.659 16.070 0.57%
    Đức 176.015 199.872 13.576 0.68% 213.986 14.192 0.66%

    Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng

    Với tình hình chính trị ổn định và lợi thế về các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, golf, Đà Nẵng có thể trở thành điểm đến yêu thích của khách Âu. Theo báo cáo của Cộng đồng chung châu Âu và Hội đồng Du lịch Châu Âu ETC, lý do chính để khách Tây Âu quyết định đi du lịch là để tắm biển/tắm nắng (lựa chọn bởi 44% khách Anh, 36% khách Ý, 40% khách Pháp, 37% khách Tây Ban Nha, và 37% khách Đức). Tuy nhiên, cũng như với thị trường Mỹ, Úc, trải nghiệm văn hóa là một trong những yếu tố quyết định chuyến đi của khách Tây Âu. Đà Nẵng hiện vẫn thiếu sản phẩm trải nghiệm văn hóa cần phải chú trọng phát triển.
    Hiểu biết thị trường và kết nối với đối tác lữ hành Tây Âu cần được quan tâm hàng đâu. Việc mở rộng thị trường Tây Âu có thể thông qua các công ty lữ hành với phân khúc chuyên biệt, đơn vị này sẽ vừa là quảng bá, vừa làm sản phẩm. Ví dụ như Sport Lived, chuyên mở các khóa huấn luyện về CNTT và thể thao kết hợp du lịch cho giới trẻ tại Anh và Úc.
    – Phân khúc thị trường mục tiêu: Khách trung niên (baby boomer) có thu nhập cao thích du lịch, khách du lịch văn hóa, khách nghỉ dưỡng cặp đôi/ honeymoon, FIT trẻ, MICE – golf
    – Sản phẩm du lịch: Du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng miền núi, du lịch MICE – golf, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng
    b) Thị trường Mỹ
    Số lượng khách du lịch outbound của Mỹ rất tiềm năng với khoảng 50 triệu lượt khách qua các năm và có xu hướng tăng nhanh từ năm 2014. Năm 2017, số lượng người Mỹ đi du lịch nước ngoài đã đạt 87.7 triệu lượt (theo Statica). Số lượt khách Mỹ đến Đà Nẵng năm 2018 theo thống kê ước đạt 74.000 lượt, tăng 3,5 lần so với năm 2014 và chiếm tỷ trọng 10.7% so với tổng lượt khách Mỹ đến Việt Nam (687.226 lượt). Năm 2017 là 7.8% (48.172 lượt/ 614.117 lượt) và năm 2016 là 10.3% (54.250 lượt/ 522.644 lượt).
    Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Việt Nam không phải là cái tên xa lạ đối với khách Mỹ. Tuy nhiên việc thu hút khách Mỹ tại Việt Nam đến Đà Nẵng chưa thật sự hiệu quả. Ví dụ, lượng khách Mỹ du lịch đến VN năm 2015 đạt 328.000 lượt, chiếm tỉ trọng 1% tổng lượt khách Mĩ du lịch outbound và Việt Nam xếp thứ 33/39 các quốc gia điểm đến của khách Mỹ (nwitimes). Tuy nhiên lượt khách Mỹ đến Đà Nẵng, cùng thời điểm năm 2015 chỉ đạt khoảng 36 ngàn lượt, chiếm tỷ trọng chỉ khoảng 11% tổng lượt khách Mỹ đến Việt Nam. Điều này cho thấy điểm đến Đà Nẵng vẫn chưa được đề cập nhiều, hoặc chưa được thiết kế trong lộ trình tour tại Việt Nam.
    – Phân khúc thị trường mục tiêu: khách Việt kiều thăm thân, khách trung niên (baby boomer) cặp đôi/ gia đình, khách cao tuổi theo nhóm nhất là các cựu binh Mỹ, khách du lịch văn hóa.
    – Sản phẩm du lịch: Du lịch thăm chiến trường xưa, du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng miền núi.
    c) Thị trường Úc
    Lượng khách Úc đến Đà Nẵng từ sau năm 2015 đạt hơn 30 ngàn, số lượt khách gấp đôi so với các giai đoạn trước đó nhưng tăng giảm biến động, không rõ xu hướng nên cần những biện pháp tác động thị trường. Số lượt khách Úc đến Đà Nẵng năm 2018 theo thống kê ước đạt 40.100 lượt, chiếm tỷ trọng 10.3% so với tổng lượt khách Úc đến Việt Nam (386.934 lượt). Năm 2017 là 8.1% (30.107 lượt/ 370.438 lượt) và năm 2016 là 13.2% (42.649 lượt/ 320.678 lượt).
    Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Sở Du lịch Đà Nẵng năm 2017, tỉ lệ tiếp cận thông tin về du lịch Đà Nẵng từ Internet và mạng xã hội chiếm đến 93% mặc dù họ không chủ đích tìm kiếm. Mục đích chuyến đi: 90% khách du lịch Úc đến Đà Nẵng với mục đích đi du lịch thuần túy, tiếp theo là đi du lịch kết hợp kinh doanh, hội nghị hội thảo chiếm 10%. Tuy nhiên, khả năng thu hút nguồn khách từ các công ty lữ hành Úc vẫn còn hạn chế, nhiều lữ hành hoặc chuyên gia tư vấn du lịch còn chưa biết đến Đà Nẵng và bỏ qua điểm đến này trong chương trình tour xuyên Việt của họ. Thực tế này yêu cầu phải tăng cường quảng bá trực tiếp đến lữ hành Úc để khai thác các thị trường mục tiêu, trong khi vẫn thúc đẩy truyền thông trực tuyến để nhắm vào các đối tượng khách du lịch tự do (Frequent Independent Travelers-FIT) là người trẻ năng động.
    Tương tự thị trường Mỹ, Đà Nẵng thiếu sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cho khách Úc nên đa số khách Úc chọn điểm đến Hội An. Trong khi đó, sản phẩm biển nghỉ dưỡng rất có lợi thế khi các điểm đến yêu thích của khách Úc như Bali trở nên bão hòa lại chưa được truyền thông đúng mức.
    Đà Nẵng có cảng biển Tiên Sa định hướng phát triển thành cảng du lịch, đồng thời sở hữu những khu vực mặt nước cực đẹp dọc theo sông Hàn rất lý tưởng cho các du thuyền cỡ nhỏ, một thú chơi phổ biến và là tài sản của giới nhà giàu Úc. Vì vậy, trong định hướng phát triển du lịch biển, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển CLB du thuyền và thu hút khách sở hữu du thuyền của Úc.
    – Phân khúc thị trường mục tiêu: khách Việt kiều thăm thân, khách trung niên (baby boomer) có thu nhập cao thích du lịch, khách du lịch văn hóa, khách nghỉ dưỡng cặp đôi/honeymoon, FIT trẻ, MICE, khách sở hữu du thuyền.
    – Sản phẩm du lịch: Du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng miền núi, du lịch MICE – golf, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng
    4. Thị trường tiềm năng: Khách Hồi Giáo từ các quốc gia như Ấn Độ, các nước Trung Đông và Malaysia, Indonesia thuộc Đông Nam Á)
    Thị trường khách Hồi giáo hiện có tổng sức mua được định giá 180 tỉ USD và dự kiến tăng lên 300 tỉ USD đến năm 2026. Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 156 triệu khách đạo Hồi du lịch, tăng gần 30% so với năm 2016. Trong đó, định hướng 03 thị trường chính theo thứ tự ưu tiên lần lượt là Malaysia, Indonesia và Ấn Độ và các nước Trung Đông. Malaysia là thị trường khách đạo Hồi outbound thứ 2 thế giới, chỉ sau Ả rập Saudi, Indonesia thứ 6 và Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 12 . Điều kiện thuận lợi để khai thác các thị trường này là đã có đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Kuala Lumpur do Air Asia khai thác với tần suất 10 chuyến/tuần và đường bay trực tiếp Doha – Đà Nẵng (Qatar Airways) với tần suất 4 chuyến/tuần.
    Đối với thị trường Ấn Độ, đây là thị trường đông dân và chưa được khai thác nhiều. Tuy nhiên, thị trường này rất chặt chẽ trong chi tiêu và cũng bị cảnh báo có thể là “thị trường Trung Quốc” thứ hai nếu quản lý kém. Khách Ấn ào ạt đổ vào sẽ làm giảm chất lượng điểm đến. Việc thu hút khách Ấn Độ nên tập trung vào phân khúc khách MICE và yêu cầu phải kết nối tốt với các người mua dịch vụ MICE & các doanh nghiệp. Khách Ấn Độ đến Đà Nẵng năm 2018 ước đạt 8.000 lượt, chiếm tỉ lệ 0,2% trong cơ cấu khách quốc tế.
    Tuy nhiên, hạn chế của việc khai thác thị trường này chính là thiếu đường bay trực tiếp, các chuyến bay từ Ấn Độ đến Đà Nẵng có giá cao thậm chí ngang với giá bay trực tiếp đi Mỹ từ Mumbai, New Delhi. Ngay cả các chuyến bay thuê chuyến cũng khó triển khai vì vấn đề kinh phí. Vì vậy, khách Ấn sẽ chọn các điểm đến khác, đặc biệt, Thái Lan là điểm đến yêu thích của khách Ấn với thị trường xếp thứ 5 trong các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu không xác định khách phổ thông là thị trường mục tiêu mà là dòng khách công vụ thì yêu cầu về đường bay trực tiếp chưa cấp thiết bằng việc kết nối và truyền thông đúng đối tác.
    Hiện năng lực phục vụ khách đạo Hồi tại Đà Nẵng hầu như chưa có, không có thánh đường, nơi cầu nguyện và các nhà hàng với chứng nhận Halah… Vì vậy, để nhắm đến thị trường khách Hồi giáo tiềm năng, Đà Nẵng cần phải định hướng và đặt mục tiêu cụ thể đối với thị trường này để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm cho khách đạo Hồi; đồng thời có chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ chuyên biệt.

    Đánh giá chung: Những năm qua Đà Nẵng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của nguồn khách đến từ khu vực Đông Bắc Á, trong đó lớn nhất là thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ sự hấp dẫn về tài nguyên, về cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch. Việc chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu thị trường của 2 nguồn khách này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể tạo ra sự sụt giảm nhanh chóng khi có các biến động về chính trị, về cơ chế chính sách, về sản phẩm thị trường… ảnh hưởng cho cả cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Và thực tế, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng kinh doanh du lịch ở Đà Nẵng ý thức rất rõ việc này và đã triển khai nhiều giải pháp để cân bằng và mở rộng nguồn khách.
    Hiện nay, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những thuận lợi về cơ sở vật chất, điều kiện tự nhiên và chất lượng dịch vụ phù hợp đáp ứng nhu cầu đối với đối tượng khách quốc tế đi theo mục đích du lịch công vụ (MICE) hoặc sự kiện chính trị – kinh tế – văn hóa – thể thao mang tầm quốc tế. Thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai công tác nghiên cứu thị trường, áp dụng công nghệ thông tin cho việc thu thập thông tin thị trường lâu dài; xây dựng ứng dụng hỗ trợ du khách với khả năng tương tác theo định vị tốt hơn, kết hợp hệ thống theo dõi hành trình và đánh giá dịch vụ để thu về cơ sở dữ liệu đánh giá điểm đến; tiếp tục phát triển website du lịch, cải tiến, hoàn thiện trang tiếng Anh để sử dụng cho các thị trường quốc tế, mở rộng trang thông tin cơ bản cho các ngôn ngữ của các thị trường trọng điểm; tăng cường xúc tiến tại chỗ; tổ chức các đợt quảng bá về du lịch M.I.C.E Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm…

    Tài liệu tham khảo từ các nguồn:
    – Tổng cục Du lịch
    – Sở Du lịch TP Đà Nẵng
    – Trung tâm thông tin Du lịch
    – Tài liệu: Sự dịch chuyển khách Quốc tế đến Nha Trang – Đà Nẵng
    – Báo cáo du lịch Hồi giáo thế giới – GMTI 2018 của tổ chức Mastercard-Crescentrating

    ThS. Nguyễn Quốc Hưng

    Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch du lịch

    Bài cùng chuyên mục