Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Công nghệ số – tương lai mới của ngành du lịch

    Mở đầu
    Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch ngày càng ghi nhận rõ sự thay đổi của ngành “công nghiệp không khói” bởi những ảnh hưởng từ cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Ngành kinh doanh du lịch trở đang dần trở thành ngành kinh doanh công nghệ, thậm chí một chuyến đi nhỏ nhất cũng được tổng hợp bởi một lượng lớn các dữ liệu công nghệ. Thu thập dữ liệu, lập ra các chỉ mục và hiểu được những thông tin này là cách mà công nghệ đang góp phần nâng cao những trải nghiệm của mỗi du khách trong mỗi chuyến đi và tạo cảm hứng đổi mới thật sự cho tương lai của ngành du lịch. Những nghiên cứu gần đây của Saber Labs đã ghi nhận 3 điểm cốt lõi quan trọng nhất định hình nên tương lai của du lịch đó là tự động hóa, tính xác thực và công nghệ blockchain. Chính từ những công nghệ này sẽ sáng tạo nên những điểm đến thông minh, xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phát triển bền vững cho điểm đến, tăng cường lượng thông tin truyền tải và cách thức truyền tải đến du khách một cách nhanh chóng, kịp thời, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao giá trị trải nghiệm trong chuyến đi.

    (Nguồn: https://urbannext.net/technology-disruptive-innovation-tourism-industry-2/)

    Sự tự động hóa – bước tiến trong cách tiếp cận và nâng cao trải nghiệm du lịch
    Sự tự động hóa không còn là một khái niệm mới mẻ. Tuy nhiên, những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI), công nghệ thực tế ảo, máy móc tự động đang làm thay đổi từng bước cách chúng ta phục vụ du khách trong môi trường kĩ thuật số, đem lại những trải nghiệm cực kì mới lạ. Chính tự động hóa đã làm thay đổi sự nhận thức của những người làm du lịch, kích thích sự sáng tạo để tiếp cận với du khách theo một cách hoàn toàn mới. Tại Việt Nam, Aime Hotel là sản phẩm phần mềm nhân viên lễ tân ảo đầu tiện được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu về trải nghiệm dịch vụ của khách trong lĩnh vực lưu trú. Công nghệ này đem đến cho du khách một trải nghiệm vô cùng mới mẻ từ việc phục vụ mang tính cá nhân hóa, lưu giữ thông tin của khách trong thời gian dài, quan tâm tới từng trải nghiệm, từng sở thích cá nhân của khách. Lễ tân ảo có khả năng nhân diện khuôn mặt khách hàng, gợi ý những dịch vụ, trải nghiệm quen thuộc của khách thông qua cơ sở dữ liệu đã có trước đó, giao tiếp với khách bằng văn bản, giọng nói, hỗ trợ khách check-in/out, tư vấn và cung cấp những thông tin hữu ích cho khách. Các chuyên gia công nghệ tại Aimesoft và các giảng viên ngành Du lịch tại Việt Nam đều nhận định: Trí tuệ nhân tạo đa thể thức có thể đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp du lịch/khách sạn như: thông tin về sản phẩm dịch vụ đến gần hơn, sống động hơn với khách hàng, giúp tăng doanh thu; phục vụ khách hàng nhanh chóng, tiện dụng ở tất cả thời gian trong ngày; hỗ trợ các bộ phận nghiệp vụ trong khách sạn phục vụ chính xác những yêu cầu của khách hàng, tránh những sai sót trong phục vụ (http://vtr.org.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-hoat-dong-khach-san-du-lich.html)

    Lễ tân ảo phục vụ khách tại khách sạn Henn na Hotel – Tokyo
    (Nguồn: https://asia.nikkei.com/Business/Robot-staff-make-Japan-s-Henn-na-Hotels-quirky-and-efficient)

    Tính xác thực và tính ảo của công nghệ số
    Tính xác thực là vấn đề cần được cho là cốt lõi khi ứng dụng công nghệ trong ngành kinh doanh du lịch. Bởi lẽ mặt trái của công nghệ, internet,.. vẫn luôn được cho là những hình thức “ảo” – nguyên nhân của tính không xác thực, các hoạt động lừa đảo, gian lận hay đánh cắp thông tin cá nhân. Chính vì thế, đồng hành cùng việc ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch cũng có nghĩa là phải đảm bảo tính xác thực của thông tin, của dữ liệu. Các công ty phụ thuộc càng nhiều vào công nghệ và số hóa để tương tác với khách hàng trên quy mô rộng lớn thì càng phải đảm bảo tính xác thực của dữ liệu, cũng như tính an toàn trong bảo mật các dữ liệu về khách. Một câu hỏi đặt ra là, vậy có phải công nghệ trái ngược với tính xác thực? Có phải mọi thứ kỹ thuật số đều có thể không gắn với thực tế. Chính vì thế, một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của công nghệ sẽ giúp làm sáng tỏ những câu hỏi phức tạp này là khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu (https://www.tourism-review.com/the-future-of-travel-is-shaped-by-technology-news10584)
    Công nghệ Blockchain – Chìa khóa chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin cho tương lai của ngành du lịch
    Blockchain được hiểu là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tìn bằng các khối được kiên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và liên kết với các khối trước đó ( http://vneconomy.vn/cong-nghe-blockchain-la-gi-20171212122328932.htm). Các block tồn tại vĩnh viễn và không thể thay đổi nếu không có sự đồng thuận từ toàn bộ mạng lưới, tuy nhiên chúng cũng độc lập với nhau, có khả năng xác thực thông tin (http://www.didulich.net/tin-tuc-su-kien/du-an-dau-tu-du-lich/cong-nghe-blockchain-se-tac-dong-toi-nganh-du-20418). Công nghệ này giúp loại bỏ đi những lỗ hổng trung tâm hoặc lỗi thất bại đồng thời cung cấp cho bản thân dữ liệu khả năng chống lại những sửa đổi và giả mạo ngoài ý muốn (http://www.didulich.net/tin-tuc-su-kien/du-an-dau-tu-du-lich/cong-nghe-blockchain-se-tac-dong-toi-nganh-du-20418).
    Blockchain được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó, đối với lĩnh vực du lịch, công nghệ này sẽ đem đến những thay đổi tích cực trong phục vụ khách du lịch. Theo đó, trong lĩnh vực du lịch, công nghệ Blockchain có thể được ứng dụng trong việc theo dõi hành lý; dịch vụ nhận dạng giúp giảm thời gian làm thủ tục check-in, xếp hàng ở sân bay, thông qua dấu vân tay hay quét võng mạc thay vì phải trình diện các giấy tờ thủ tục; dịch vụ thanh toán an toàn, dễ dàng theo dõi, nhất là trong ngành du lịch khách sạn, giúp quá trình thanh toán trở nên nhanh chóng, thuận tiện, đơn giản và an toàn; ứng dụng trong chương trình khách hàng thân thiết để thu hút sự quay trở lại tiêu dùng các dịch vụ du lịch, lưu trú, giống như một công cụ hỗ trợ giúp đơn giản hóa quy trình truy nhập của khách vào thông tin điểm thưởng, đồng thời cũng chống việc gian lận. Một số ví dụ điển hình về áp dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực du lịch có thể kể đến như: Winding Tree: hỗ trợ theo dõi hành lí, tích hợp đặt phòng; ShoCard & SITA: quản lý nhận dạng; Trippki: Hệ thống khách hàng thân thiết…

    Điểm đến thông minh – Công nghệ gắn với cơ sở hạ tầng
    Không phải tất các các điểm đến đều cần trở thành một điểm đến du lịch thông minh. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng du lịch, điều kiện cơ sở hạ tầng kĩ thuật, đặc điểm phát triển du lịch của điểm đến, giai đoạn phát triển du lịch của điểm đến, nguồn lực về tài chính, đầu tư, xu hướng cầu du lịch tại điểm đến… Tuy nhiên, đối với những điểm đến tiềm năng cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông minh có thể ứng dụng một số công nghệ phổ biển như:
    – Trung tâm thông tin du lịch: ứng dụng công nghệ trong tiếp thị điểm đến du lịch thông qua các màn hình cảm ứng để khách có thể truy cập tìm kiếm thông tin về chuyến đi, về các phần mềm ứng dụng phục vụ du lịch, đặt hàng, dịch vụ…Các trung tâm thông tin du lịch này có thể xây dựng dưới dạng “box” thông tin, tích hợp thêm các tính năng như sạc nhanh điện thoại, kết nối wifi, trợ giúp khẩn cấp…
    – Kết nối wifi miễn phí: đây là một trong những dịch vụ cần thiết đối với các du khách trong thời đại công nghệ số để khách có thể nhanh chóng tiếp cận được với các thông tin về hành trình, chuyến đi, điểm đến ở bất cứ đâu như trên đường đi bộ, trên tàu điện, xe buýt, bên tàu, bến xe, nhà ga, sân bay…

    (Nguồn: https://hackernoon.com/5-most-promising-blockchain-based-tourism-projects-4d5bad0ab471)

    – Các ứng dụng di động: Những ứng dụng này được tải miễn phí vào các thiết bị di động của du khách, có kết nối với các cơ sở hạng tầng, vật chất kĩ thuật của điểm đến để họ có thể nhanh chóng tiếp cận các thông tin du lịch, giao thông thông minh, hướng dẫn, chỉ dẫn, sản phẩm, dịch vụ, ưu đãi…
    – Ứng dụng thực tế ảo tăng cường: Đem đến cho du khách những trải nghiệm được phục dựng trong môi trường số hết sức sống động thông qua thiết bị di động hoặc kính thực tế ảo. Ứng dụng này hết sức hữu ích trong việc tái hiện lại các không gian văn hóa, kiến trúc, lịch sử giúp cho du khách cảm nhận được rõ hơn, và chân thực hơn những giá trị của điểm đến.
    – Dịch vụ an toàn và sức khỏe: Một điểm đến thông minh nhất thiết cần đầu tư công nghệ để ngăn chặn bất kì sự cố y tế mà khách có thể gặp phải, đem đến cho du khách những thông tin về y tế, sức khỏe tại điểm đến, nhanh chóng kết nối với các cơ sở y tế, chính quyền địa phương khi có những sự cố y tế xảy ra với khách. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bao phủ toàn cầu, thì những ứng dụng theo dõi tiếp xúc các ca lây nhiễm như “Blue zone”, thông tin về các ca bệnh, hướng dẫn chính thức về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh… là hết sức cần thiết đối với du khách.
    Kết luận
    Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu của kĩ thuật số được ứng dụng trong lĩnh vực du lịch làm thay đổi cách thức vận hành, quản lý, xu hướng, hình thái tiêu dùng dịch vụ trong du lịch, đem đến nhiều hơn những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo đầy tính sáng tạo cho du khách, sự nhanh chóng, tiện lợi, bảo mật, an toàn, đồng thời với đó, việc quản lý thông tin, dữ liệu về du khách cũng như nhu cầu của họ trong các chuyến đi cũng trở nên đơn giản, dễ dàng và có tính hệ thống hơn. Có thể nói, công nghệ đã mang đến cho du lịch những bước chuyển mình mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi của nhiều yếu tố, làm thay đổi nền tảng hoạt động cũng như nhận thức của con người, từ đó định hình nên một tương lai hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp du lịch.
    Tài liệu tham khảo:
    1. http://vtr.org.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-hoat-dong-khach-san-du-lich.html
    2. http://vneconomy.vn/cong-nghe-blockchain-la-gi-20171212122328932.htm
    3. http://www.didulich.net/tin-tuc-su-kien/du-an-dau-tu-du-lich/cong-nghe-blockchain-se-tac-dong-toi-nganh-du-20418
    4. http://www.didulich.net/tin-tuc-su-kien/du-an-dau-tu-du-lich/cong-nghe-blockchain-se-tac-dong-toi-nganh-du-20418

    Tông hợp: TS. Trần Phương Mai – Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế

    Bài cùng chuyên mục