Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Cơ sở khoa học về mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch

    Mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt kể từ sau khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bùng nổ. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về KTCS nói chung và mô hình KTCS ở một số lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách hệ thống về cơ sở khoa học của mô hình KTCS trong lĩnh vực du lịch. Bài viết này tập trung luận giải một số vấn đề lý thuyết có liên quan đến mô hình KTCS trong du lịch, tạo nền tảng lý luận cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng sau này.

    1. Kinh tế chia sẻ và mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch

    Kinh tế chia sẻ đôi khi được gọi với những tên gọi khác nhau như “kinh tế ngang hàng” (peer-to-peer), “kinh tế nền tảng” (platform economy), “kinh tế truy cập” (access economy), “kinh tế cho thuê” (renting economy), “kinh tế theo cầu” (on-demand economy), hay “tiêu dùng cộng tác” (collaborative consumption).

    Theo Richardson (2015), kinh tế chia sẻ đề cập đến các phương thức trao đổi (hàng hóa và dịch vụ) được thực hiện thông qua các nền tảng trực tuyến, với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức đa dạng (vì lợi nhuận và phi lợi nhuận) tất cả nhắm đến mục đích chung là được quyền truy cập và sử dụng các tài nguyên chưa được sử dụng hoặc được sử dụng chưa hết thông qua những gì được gọi là “chia sẻ”. Theo Hamari (2016), kinh tế chia sẻ được hiểu một cách chung nhất là một hoạt động trên cơ sở ngang hàng để đạt được, cho hoặc chia sẻ quyền truy cập (sử dụng) hàng hoá và dịch vụ, được điều phối thông qua các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng cộng đồng. Theo Sundararajian (2019), kinh tế chia sẻ là giá trị của việc lấy những tài sản sử dụng không hết, làm cho nó có thể tiếp cận được trên mạng internet, thông qua các nền tảng trao đổi ngang hàng.

    Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), kinh tế chia sẻ là khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây và gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số. Mô hình kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc phải trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet. Đây là một phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế. Theo Hà Quang Thanh (2020), nền kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà xã hội được xây dựng dựa trên việc chia sẻ của con người và các nguồn lực vật chất, bao gồm chia sẻ trong sự tạo lập, sản xuất, phân phối, thương mại và tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ bởi các cá nhân, tổ chức khác nhau. Theo Nguyễn Thị Thu Trang (2021), mô hình kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí với tính chất điển hình là thông qua các công cụ internet. Đây là phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với hoạt động kinh tế.

    Theo quan điểm hiện đại, kinh tế chia sẻ chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ khi cuộc CMCN 4.0 bùng nổ với việc ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ số; kinh tế chia sẻ được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số hiện nay (Chu Thị Hoa, 2019). Với sự can thiệp của công nghệ đã biến kinh tế chia sẻ trở thành một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 2021). Như vậy, bằng công nghệ và thông qua công nghệ, mô hình kinh tế chia sẻ trở nên rộng lớn hơn, vượt ra ngoài không gian lãnh thổ quốc gia, xoá mờ ranh giới địa lý và các quan niệm truyền thống trước đây về mô hình kinh tế này.

    Cũng cần xác định rằng, khó để phân định ranh giới rõ ràng giữa kinh tế chia sẻ với kinh doanh điện tử (e-business) và thương mại điện tử (e-commerce). Cả ba loại hình này đều dựa vào các nền tảng công nghệ và internet. Trong khi kinh doanh điện tử đề cập đến tổng thể các hoạt động kinh doanh, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm thì thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ lại chỉ quan tâm đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm; thương mại điện tử đề cập nhiều đến mua – bán quyền sở hữu đối với tài sản, sản phẩm và dịch vụ còn kinh tế chia sẻ lại đề cập nhiều hơn đến chia sẻ mua – bán quyền sử dụng.

    Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao. Vì thế, kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch khá đa dạng, bao gồm cả những hoạt động chia sẻ trực tiếp như: chia sẻ phòng nghỉ, chia sẻ kỳ nghỉ (trong lĩnh vực lưu trú); chia sẻ tour, tuyến, chương trình du lịch (trong lĩnh vực lữ hành); chia sẻ hành trình, thuê chung xe, phương tiện vận chuyển (trong lĩnh vực vận chuyển khách du lịch) và những hoạt động chia sẻ trong những lĩnh vực có liên quan đến du lịch như ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khoẻ,…

    Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch là một cấu phần của mô hình kinh tế chia sẻ nói chung, các quan hệ kinh tế diễn ra trong lĩnh vực du lịch và một số lĩnh vực có liên quan đến du lịch. Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch cũng mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng vài năm trở lại đây. Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia vào mô hình này, bao gồm những doanh nghiệp của Việt Nam như Tripi, iVIVU, Vntrip, Mytour,… và những doanh nghiệp kinh doanh nền tảng từ một số quốc gia trên thế giới tham gia vào thị trường du lịch tại Việt Nam như Airbnb, Agoda, Traveloka, Luxstay, TripAdvisor,…

    Dựa trên các định nghĩa về mô hình kinh tế chia sẻ, căn cứ vào bản chất và những hoạt động kinh doanh du lịch, có thể xác định khái niệm về mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch như sau:

    Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch được hiểu là các hoạt động kinh doanh, giao dịch trong lĩnh vực du lịch và liên quan thông qua các nền tảng công nghệ để chia sẻ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

    Mô hình kinh tế chia sẻ căn bản

    Nguồn: Lê Thanh Thủy, 2018

    1. Các quan hệ kinh tế của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch
    • Quan hệ sở hữu

    Theo quan điểm của Chính phủ Việt Nam (tại Quyết định số 999/QĐ-TTg năm 2019), mô hình kinh tế chia sẻ “không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng biệt trong nền kinh tế”. Điều này có nghĩa là, kinh tế chia sẻ không phải là một “Phương thức sản xuất mới” hay “Thành phần kinh tế mới”. Do đó, kinh tế chia sẻ không có quan hệ sở hữu đặc trưng, riêng biệt. Quan hệ sở hữu của kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch nói riêng là quan hệ sở hữu hỗn hợp, pha trộn giữa quan hệ sở hữu của nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Có thể khái quát thành ba nhóm như sau:

    – Đối với cá nhân, tổ chức cung cấp tài sản, sản phẩm, dịch vụ chia sẻ: có quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản của mình bao gồm thông tin, sản phẩm và dịch vụ du lịch đã đăng ký kinh doanh; có thể trao hoặc không trao quyền sử dụng tài sản, bán hoặc không bán quyền sở hữu tài sản của mình cho bên thứ hai hoặc bên thứ ba (tổ chức trung gian và khách du lịch).

    – Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh nền tảng công nghệ chia sẻ trực tuyến: có quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình bao gồm thông tin, công nghệ, tài nguyên số, các nền tảng chia sẻ và các ứng dụng, tiện ích thông minh; trong phạm vi nhất định, có quyền khai thác, sử dụng thông tin của bên cung (cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch) và bên cầu (khách du lịch) theo những thoả thuận tại hợp đồng dân sự giữa hai bên hoặc điều khoản sử dụng dịch vụ được thiết lập theo quy định của pháp luật.

    – Đối với khách du lịch: sở hữu thông tin cá nhân, có quyền quyết định cho hoặc không cho phép cá nhân, tổ chức khác khai thác, sử dụng thông tin cá nhân của mình. Theo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013), không ai có quyền khai thác, sử dụng, trao đổi thông tin, bí mật cá nhân, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín nếu không được sự đồng ý, cho phép của chủ thể (Điều 21).

    • Quan hệ phân phối

    Quan hệ phân phối của KTCS nói chung và mô hình KTCS trong du lịch nói riêng khá phức tạp. Có thể khái quát thành các nhóm sau:

    – Phân phối trực tiếp (B2C): diễn ra trực tiếp giữa người sở hữu tài sản, sản phẩm, dịch vụ (bên cung) với người tiêu dùng (bên cầu). Theo đó, bên cung sẽ chia sẻ tài sản, sản phẩm, dịch vụ do mình sở hữu, quyết định giá thuê/mua trên nền tảng chia sẻ trực tuyến do chính mình tạo ra (website của doanh nghiệp) hoặc nền tảng chia sẻ miễn phí do công ty công nghệ kinh doanh nền tảng trực tuyến (bên thứ ba) cung cấp (như mạng xã hội Facebook, Twitter, Zalo,…). Bên cầu sẽ tiếp nhận, lựa chọn sử dụng dịch vụ, thực hiện các giao dịch thuê/mua và thanh toán trực tiếp cho bên cung.

    – Phân phối gián tiếp (B2B2C): diễn ra thông qua kênh trung gian (bên thứ ba) là công ty công nghệ kinh doanh nền tảng trực tuyến. Theo đó, bên cung sẽ cung cấp thông tin về tài sản, sản phẩm, dịch vụ, giá cả cho bên thứ ba làm trung gian tiếp thị, quảng cáo, kết nối với bên cầu. Bên cầu sẽ tiếp nhận, lựa chọn sử dụng dịch vụ, thực hiện các giao dịch thuê/mua trên nền tảng chia sẻ trực tuyến. Thanh toán có thể được thực hiện theo hai phương thức: (1) thanh toán trọn gói ngay trên nền tảng trực tuyến (bên trung gian sẽ chuyển lại cho bên cung sau khi trích lại một khoản phí dịch vụ); (2) thanh toán một phần trên nền tảng trực tuyến (tiền đặt cọc) và thanh toán trực tiếp số còn lại cho bên cung khi bàn giao, tiếp nhận sử dụng tài sản, sản phẩm, dịch vụ. Bên cung sẽ phải trả một khoản phí dịch vụ cho bên trung gian.

    – Phân phối cộng tác (B2C2B): diễn ra theo hình thức cộng tác giữa bên cung với bên trung gian để đưa tài sản, sản phẩm, dịch vụ đến bên cầu (người dùng). Theo đó, bên cung sẽ cung cấp dịch vụ trực tiếp nhưng không quyết định giá, bên trung gian sẽ cung cấp dịch vụ nền tảng và quyết định giá, thực hiện quảng bá, tiếp thị và kết nối với người dùng. Thanh toán cũng được thực hiện theo hai hình thức như phân phối gián tiếp. Hình thức phân phối này thường được diễn ra trong hoạt động kinh doanh xe công nghệ như Uber, Grab,…

    – Phân phối lại (C2C): diễn ra giữa những người sử dụng tài sản, sản phẩm, dịch vụ cuối cùng (giữa khách với khách). Theo đó, bên cầu 1 (C1) thuê/mua trọn gói sản phẩm, dịch vụ nhưng sử dụng không hết công suất, muốn chia sẻ quyền sử dụng chung để giảm bớt kinh phí đã thuê/mua cho bên cầu 2 (C2). Kinh phí sử dụng một phần sản phẩm, dịch vụ của C2 sẽ trả cho C1 và C1 có trách nhiệm thanh toán trọn gói cho bên cung. Hình thức phân phối này thường diễn ra trong hoạt động chia sẻ căn hộ khách sạn, nhà nghỉ du lịch; chia sẻ kỳ nghỉ và đi chung xe.

    • Quan hệ cung – cầu

    – Cầu du lịch trong mô hình kinh tế chia sẻ là nhu cầu có khả năng thanh toán (chi trả) của khách du lịch về sản phẩm và dịch vụ du lịch thông qua các nền tảng chia sẻ trực tuyến. Cầu trong mô hình kinh tế chia sẻ là một bộ phận của cầu trong du lịch nói chung.

    – Cung du lịch trong mô hình kinh tế chia sẻ là toàn bộ sản phẩm và dịch vụ du lịch được đưa ra trao đổi, mua bán trên thị trường du lịch nhằm thoả mãn (đáp ứng) cầu du lịch thông qua các nền tảng chia sẻ trực tuyến. Cung trong mô hình kinh tế chia sẻ là một bộ phận của cung trong du lịch nói chung.

    – Mối quan hệ cung – cầu du lịch trong mô hình kinh tế chia sẻ là mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa người bán (doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch) với người mua (khách du lịch) có thể có hoặc không có sự tương tác của bên trung gian (doanh nghiệp kinh doanh nền tảng trực tuyến).

    Mối quan hệ cung – cầu du lịch trong mô hình KTCS diễn ra trên thị trường du lịch điện tử, khi cung gặp cầu. Quy luật cung – cầu du lịch trong mô hình KTCS cũng tuân thủ các quy tắc như quy luật cung – cầu du lịch thông thường. Cụ thể: Khi cầu tăng – cung sẽ tăng, hoạt động kinh doanh du lịch theo mô hình KTCS sẽ được mở rộng. Khi cầu giảm – cung sẽ giảm, hoạt động kinh doanh du lịch theo mô hình KTCS sẽ bị thu hẹp. Khi cung bằng cầu, giá cả hàng hóa và dịch vụ du lịch sẽ ổn định. Khi cung lớn hơn cầu, giá cả hàng hóa và dịch vụ du lịch sẽ giảm. Khi cầu lớn hơn cung, giá cả hàng hóa và dịch vụ du lịch sẽ tăng. Khi giá cả tăng, cung sẽ tăng và cầu sẽ giảm. Khi giá cả giảm, cung sẽ giảm và cầu sẽ tăng.

    • Quan hệ lao động và việc làm

    Quan hệ lao động và việc làm trong kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch nói riêng khá phức tạp, khó để xác định tường minh. Tuy nhiên, có thể phân loại như sau:

    – Căn cứ vào tính chất công việc: có lao động toàn thời gian (full time) và lao động bán thời gian (part time).

    Lao động toàn thời gian: là những người làm việc tại các doanh nghiệp du lịch chuyên trách công việc liên quan đến kinh doanh theo mô hình KTCS và những người làm việc tại các công ty công nghệ kinh doanh nền tảng chia sẻ.

    Lao động bán thời gian: là những người chỉ nhận một công việc hoặc cấu phần công việc trong khoảng thời gian nhàn rỗi của họ. Ví dụ: lái xe công nghệ, hướng dẫn viên du lịch tự do.

    – Căn cứ vào loại hình lao động: có lao động theo hợp đồng và lao động không theo hợp đồng lao động.

    Lao động theo hợp đồng lao động: là những người làm việc tại trụ sở công ty, đại lý, doanh nghiệp, được ký hợp đồng và hưởng lương theo hợp đồng lao động.

    Lao động không theo hợp đồng: là những người làm việc tự do, đăng ký sử dụng dịch vụ nền tảng chia sẻ, nhận và làm những cấu phần công việc theo sở thích, khả năng và thời gian không cố định, không được trả lương cố định, hưởng thu nhập theo công việc hoàn thành.

    Kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình KTCS trong du lịch nói riêng tạo cơ hội rất lớn cho người lao động trong việc tìm kiếm, lựa chọn việc làm theo thời gian và sở thích. Tuy nhiên, nó cũng mang lại thách thức nhất định đối với các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động, bảo hiểm lao động và những vấn đề có liên quan khác.

    1. Các bên liên quan của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch

    Sự tham gia của các bên liên quan trong mô hình KTCS trong du lịch chủ yếu gồm 4 đối tượng:

    – Doanh nghiệp kinh doanh du lịch (bên cung): bao gồm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách du lịch và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch như ăn uống, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ, mua sắm,…

    – Doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ (bên trung gian): bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ chia sẻ trực tuyến chuyên biệt trong lĩnh vực du lịch (như Airbnb, Agoda, Booking, Traveloka, TripAdvisor, iVIVU, các tiện ích du lịch thông minh); các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ trực tuyến không chuyên biệt trong lĩnh vực du lịch (như mạng xã hội, các website bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử).

    – Người dùng (bên cầu): là những người sử dụng các nền tảng chia sẻ trên môi trường internet. Không phải tất cả người dùng đều được coi là khách du lịch. Chỉ khi người dùng thực hiện các giao dịch thuê/mua sản phẩm và dịch vụ du lịch được đăng tải trên các nền tảng chia sẻ, thực hiện thanh toán (chi trả) và thực hiện chuyến đi trên thực tế mới là khách du lịch.

    – Cơ quan quản lý nhà nước: bao gồm các cơ quan trung ương và địa phương quản lý chuyên trách về lĩnh vực du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực du lịch các cấp.

    Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh tế mới đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình vận hành mô hình kinh tế này hiện đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Việc xác định rõ cơ sở khoa học về kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch nói riêng có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong công tác nghiên cứu mà còn hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý đối với các hoạt động kinh doanh theo mô hình này./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    • Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế, kèm theo công văn số 8384/BKHĐT-QLKTTW ngày 18/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
    • Hà Quang Thanh (2020), “Nhận thức về kinh tế chia sẻ và một số giải pháp áp dụng ở Việt Nam”, Tạp chí Công thương, số 3, tháng 2/2020, tr.27-31.
    • Nguyễn Thị Thu Trang (2021), “Phương thức kinh doanh mới – Nền kinh tế chia sẻ”, Tạp chí công thương, số 3, tháng 2/2020, tr.81-84.
    • Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, số 999/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 8 năm 2019, Hà Nội.
    • Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Quản lý nhà nước trong nền kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, tại http://ciem.org.vn, truy cập ngày 20/8/2021.
    • Hamari J. et al (2016), “The sharing economy: Why people participate in collaborative consumption”, Journal of the Association for Information Science and Technology, 67(9):2047-2059.
    • Richardson, L. (2015), “Performing the sharing economy”, Geoforum – Durham University, United Kingdom. pp. 121-129.
    • Sundararajan, Arun (2016), The Sharing Economy: The End of Employment and the Rise of Crowd-Based Capitalism. MIT Press. p. 116.

    TS. Lê Quang Đăng

    Phó trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch

    Bài cùng chuyên mục