Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Chính sách quản lý, phát triển du lịch tại các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam

    I. Giới thiệu chung

    Theo Luật Lâm Nghiệp (2017) và Luật Đa dạng sinh học (2018), các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và khu bảo tồn, được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí (trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng) và cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tính đến năm 2019, Việt Nam có 164 khu rừng đặc dụng với diện tích khoảng 2,1 triệu ha. Bên cạnh hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn loài, sinh cảnh… có nhiều khu đạt các tiêu chí quốc tế bao gồm 8 khu Ramsar[1], 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, 6 khu di sản ASEAN (AHP)[2], 2 khu dự trữ thiên nhiên thế giới[3]. Mặt khác, theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam hướng đến năm 2030 sẽ có 219 khu bảo tồn (tổng diện tích khoảng 3.067 triệu ha). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

    Khung cảnh yên bình, mờ ảo trong biển mây của Vườn quốc gia Xuân Sơn

    Theo báo cáo của Tổng cục Lâm Nghiệp, năm 2019[4], Việt Nam có 61 khu rừng đặc dụng có tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trong đó có 26/33 vườn quốc gia, 35/122 khu bảo tồn thiên nhiên và Khu bảo vệ cảnh quan; có 37 ban quản lý tự tổ chức, 11 ban quản lý có liên doanh, liên kết và 13 ban quản lý cho thuê môi trường rừng. Đặc biệt, có 2 đơn vị là vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và vườn quốc gia Ba Vì kinh doanh cả 3 loại hình dịch vụ du lịch sinh thái (tự tổ chức, liên doanh, liên kết và cho thuê môi trường rừng). 231 ban quản lý rừng phòng hộ chưa tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái. Kết quả năm 2018 đã đón tiếp 2,39 triệu lượt khách, tăng 43 % so 2017, doanh thu lại đạt 155,5 tỷ tăng 7 % so với năm 2017. Năm 2019, đón 2,5 triệu lượt khách, tăng 5% so 2018, doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái năm 2019 đạt khoảng 185 tỷ tăng 12% so với 2018.

    Tuy tổng doanh thu chưa lớn, chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng nguồn thu từ hoạt động du lịch sinh thái có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình xã hội hóa công tác bảo tồn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, bảo vệ các di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử. Đồng thời, nguồn thu từ dịch vụ du lịch sinh thái đã hỗ trợ đáng kể cho các khoản chi thường xuyên của các ban quản lý rừng, giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước; tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên; góp phần khôi phục, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thông qua hoạt động khai thác các giá trị văn hóa phát triển du lịch gắn với bảo tồn.

    II. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu/
    2.1. Cơ sở dữ liệu

    Báo cáo tổng hợp các văn bản pháp quy về quản lý, phát triển du lịch trong hệ thống rừng đặc dụng do các cấp ban hành, nhằm phân tích, đánh giá tình hình thực thi chính sách quản lý, phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.

    Báo cáo thu thập các thông tin, số liệu về hiện trạng hoạt động du lịch, công tác quản lý, phát triển du lịch nhằm đánh giá những tồn tại, sai phạm cụ thể trong quá trình phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước.

    2.2. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp khảo sát thực địa: Khảo sát thực địa nhằm đánh giá, nhận định thực tế về tiềm năng, thực trạng cũng như việc thực thi các chính sách phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.

    – Phương pháp phân tích, tổng hợp: Nhằm xác định được các tồn tại, khó khăn cũng như các thiếu hụt, chồng chéo của hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.

    III. Kết quả và thảo luận
    3.1. Các chính sách quản lý, phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam

    Ở Việt Nam, việc phát triển du lịch trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp quy, do các cấp/các cơ quan chủ quản khác nhau ban hành.

    Về cơ bản, các hoạt động du lịch sinh thái trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên mang tính đặc thù và liên ngành, được điều chỉnh bởi các Luật chuyên ngành liên quan (như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Du lịch…), các văn bản dưới luật (Nghị định, Quyết định, Thông tư…) do Chính phủ và các Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính…) ban hành.

    * Luật Lâm nghiệp số 16/2016/QH14, ngày 15/11/2017: Hoạt động du lịch sinh thái trong các khu bảo tồn (rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) được quy định tại Điều 53 và Điều 56 của Luật Lâm nghiệp, cụ thể:

    – Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải được thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định của pháp luật có liên quan. Không được thực hiện hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

    – Chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

    – Tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải lập dự án theo quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

    – Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng.

    – Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp còn quy định về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại điều 63, theo đó các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng. Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Thông tư số: 22/2017/TT-BNNPTNT, ngày 15/11/2017, hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng.

    * Luật Đa dạng sinh học số 32/VBHN-VPQH, ngày 10/120/2018: Điều 5, quy định về về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

    Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn.

    * Luật Du lịch số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017: Điều 5, về các chính sách phát triển du lịch

    Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du du lịch sinh thái, đặc biệt tại các khu bảo tồn. Trong đó nhấn mạnh, du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.

    * Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

    Về xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái: Đối với các vườn quốc gia và khu bảo tồn muốn kinh doanh du lịch sinh thái cần phải xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được duyệt. Kinh phí lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cân đối trong kế hoạch tài chính hằng năm theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trường hợp liên kết với tổ chức, cá nhân khác thì kinh phí lập dự án du lịch sinh thái do hai bên thỏa thuận. Kinh phí lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí do tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng bảo đảm.

    Về hình thức kinh doanh du lịch sinh thái: Sau khi đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt, chủ rừng chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo 03 hình thức: Tự tổ chức; liên kết; Cho thuê môi trường rừng, phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt. Việc lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ các quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật khác liên quan.

    Về quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn:

    + Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên của khu rừng; phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

    + Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.

    + Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ ở khu rừng ngập nước.

    + Trong phân khu dịch vụ hành chính của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học được xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh bảo đảm các nguyên tắc: (1) Không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12 m; (2) Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; (3) Chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi; (4) Chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng; (5) Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử – văn hóa.

    * Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác

    Ban quản lý các khu bảo tồn là đơn vị sự nghiệp hoạt động theo cơ chế tài chính của tổ chức sự nghiệp công lập được điều chỉnh bởi Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ, được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về nhân sự, tự chủ tài chính. Trong đó, phải kể đến nguồn tài chính từ hoạt động du lịch sinh thái và nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, phần lớn các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên còn đang lệ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ ngân sách nhà nước, khả năng tự chủ tài chính ở mức thấp. Chính sách tự chủ tài chính là cơ sở để khuyến khích các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái, đây cũng là giải pháp bền vững nhằm huy động các nguồn xã hội hóa tham gia đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

    Bên cạnh hệ thống chính sách do Chính phủ ban hành, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các địa phương và Ban quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quy chế, cơ chế tài chính… nhằm khuyến khích hoạt động phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai một số nghiên cứu về đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến môi trường, đánh giá sức chịu tải môi trường tại một số vườn quốc gia như: Cúc Phương, Phong Nha – Kẻ Bàng, Hoàng Liên, Tam Đảo, Phú Quốc… nhằm đưa ra những khuyến nghị hạn chế các tác động của hoạt động du lịch, đồng thời phát triển du lịch trong giới hạn sức chịu tải của môi trường và hệ sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn.

    Một góc VQG Ba Vì nhìn từ trên cao

     3.2. Đánh giá chung về tình hình thực thi các chính sách về quản lý, phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam
    3.2.1. Việc thực thi các quy định của Nhà nước về về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án du lịch sinh thái

    Theo quy định của Luật Lâm Nghiệp, các vườn quốc gia và khu bảo tồn muốn tổ chức hoạt động du lịch sinh thái cần phải xây dựng đề án du lịch sinh thái và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên theo báo cáo kiểm tra hoạt động du lịch sinh thái của Tổng cục Lâm Nghiệp[5], 56/61 các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên tổ chức hoạt động du lịch sinh thái nhưng chưa có đề án du lịch sinh thái được duyệt theo quy định. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái theo các phương thức như cho thuê môi trường rừng; liên doanh liên kết còn mắc phải một số sai phạm.

    Vườn quốc gia Hoàng Liên tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái theo cả ba phương thức nhưng chưa có đề án du lịch sinh thái. Đối với phương thức cho thuê môi trường rừng, đề án cho thuê môi trường rừng đã được duyệt, tuy nhiên hợp đồng cho thuê môi trường rừng chưa được ký nhưng đã tổ chức hoạt động là chưa đúng với quy định; Việc xác định giá cho thuê môi trường rừng tại Quyết định phê duyệt số 1341/QĐ-UBND ngày 21/5/2014 của UBND tỉnh Lào Cai là chưa phù hợp theo quy định tại Quyết định 24/QĐ-TTg, ngày 01/6/2012 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020.

    Vườn quốc gia Ba Bể tự tổ chức DLST nhưng chưa có đề án DLST được duyệt. Việc UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 và Quyết định số 126/QĐ-UBND ngày 22/01/2016, trong đó có nội dung giao giá trị tài sản nhà nước của Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng trực thuộc VQG Ba Bể để tham gia góp vốn liên doanh, thành lập một pháp nhân mới (Công ty Cổ phần Sài Gòn – Ba Bể) là không đúng các quy định hiện hành về tổ chức hoạt động kinh doanh DLST trong rừng đặc dụng.

    Vườn quốc gia Yok Đôn đã có đề án phát triển du lịch được phê duyệt tại quyết định số 3713/QĐ-BNN-TCLN, ngày 09/09/2016, với tổng diện tích sử dụng để kinh doanh du lịch sinh thái là 7.035 ha, trong đó, diện tích tự tổ chức kinh du lịch sinh thái 367 ha, diện tích cho thuê môi trường rừng 4.601 ha, diện tích liên doanh, liên kết 2.067 ha. Tuy nhiên hiện nay, Vườn mới chỉ kinh doanh du lịch sinh thái theo hình thức tự tổ chức. Vườn quốc gia Yok Đôn có vị trí nằm trong vùng phòng thủ chiến lược, có diện tích đất quốc phòng, do vậy quá trình triển khai phát triển du lịch còn gặp phải một số rào cản về an ninh quốc phòng.

    Khu bảo tồn biển Hòn Mun hiện nay đã được tư nhân hóa các bãi biển, hoạt động phát triển du lịch tại Hòn Mun được khai thác phù hợp với các quy hoạch của thành phố Nha Trang (quy hoạch thủy sản, quy hoạch phát triển du lịch, vui chơi giải trí…) và các quy định của ban quản lý Vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, Hòn Mun có diện tích đất quốc phòng nên quá trình khai thác phát triển du lịch phải tuân thủ quy định về an ninh quốc phòng.

    Vườn quốc gia Côn Đảo chưa có đề án du lịch sinh thái nhưng đã tổ chức DLST với phương thức tự tổ chức theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt dự án DLST VQG Côn Đảo đến năm 2020.

    3.2.2. Việc thực thi các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và trình tự, thủ tục xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái.

    Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 08/08/2017 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quy định: “Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định)”. Do vậy, các dự án phát triển du lịch có chuyển mục đích sử dụng đất từ rừng tự nhiên phải được phép của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số vườn quốc gia đã xuất hiện sai phạm.

    Vườn quốc gia Hoàng Liên chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng với diện tích 8,44 ha tại khu vực đỉnh Fansipan trong phân khu phục hồi sinh thái tại Quyết định số 4309/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa tại xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, trong đó, Vườn chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích 0,345 ha rừng đặc dụng là không đúng theo quy định.

    Vườn quốc gia Ba Bể, việc thu hồi và giao đất cho Công ty Cổ phần Sài Gòn – Ba Bể theo Quyết định số 1035/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn nhưng chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp (chưa có ý kiến thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chưa có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ) là không đúng quy định.

    Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chưa tiến hành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác để xây dựng các công trình phục vụ dự án “Xây dựng điểm du lịch suối nước Moọc (giai đoạn 1). Ngoài ra, theo quy định, việc xây dựng các công trình trong rừng đặc dụng phải phù hợp với Quy hoạch khu rừng đặc dụng, tuy nhiên quy hoạch này chưa có, chưa được duyệt nên chưa có cơ sở để triển khai xây dựng.

    Vườn quốc gia Phú Quốc, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc tiến hành triển khai xây dựng các hạng mục công trình phục vụ du lịch sinh thái của dự án “Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc” trên diện tích 3,27 ha tại vườn quốc gia Phú Quốc. Tuy nhiên, Vườn chưa tiến hành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác theo đúng quy định.

    3.2.3. Việc thực thi các quy định của Nhà nước về thu – chi tài chính từ hoạt động du lịch sinh thái

    Chính sách tự chủ tài chính là cơ sở để khuyến khích các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái, đây cũng là giải pháp bền vững nhằm huy động các nguồn xã hội hóa tham gia đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các vườn quốc gia, khu bảo tồn nói riêng được phân loại theo mức độ, khả năng nguồn lực tài chính tự chủ: (i) Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (ii) Tự bảo đảm chi thường xuyên; (iii) Tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (iiii) Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

    Theo thống kê của Tổng cục Lâm Nghiệp, hiện nay chưa có ban quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên nào thuộc nhóm (i) và nhóm (ii), mới chỉ có 8 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thuộc nhóm (iii) là nhóm tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; còn lại hoạt động phụ thuộc 100% vào nguồn ngân sách nhà nước. Như vây, có thể thấy rằng, phần lớn các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên còn đang lệ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ ngân sách nhà nước, khả năng tự chủ tài chính ở mức thấp.

    Tự chủ tài chính là xu thế vận động và phát triển vận động của xã hội, việc tự chủ tài chính mang lại lợi ích cho nhiều bên đồng thời là động lực đẩy phát triển hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.

    Hiện nay, một số vườn quốc gia trên cả nước đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính 1 phần như: vườn quốc gia Ba Vì (tử chủ 80%), vườn quốc gia Cát Tiên (tự chủ 60%), vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng… Việc tự chủ tài chính đã giúp các vườn quốc gia chủ động hơn trong việc sử dụng và trích lập các quỹ phục vụ công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời nâng cao đời sống cán bộ, viên chức và người lao động.

    KẾT LUẬN
    Trên cơ sở các chính sách về quản lý, phát triển du lịch tại các khu bảo tồn Việt Nam, hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG và KBTTN đã có những thành công và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế cũng như công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các chính sách trên còn tồn tại những hạn chế và thiếu sót nhất định.

    – Chưa có các quy định, chế tài cụ thể xử lý sai phạm trong việc phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa.

    – Thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể để triển khai các hoạt động tổ chức liên doanh, liên kết kinh doanh du lịch hoặc cho thuê môi trường rừng khiến cho hoạt động kinh doanh du lịch tại một số vườn quốc gia, khu bảo tồn gặp khó khăn, vướng mắc. Một số các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái khi chưa có đề án được phê duyệt. Ngoài ra, việc thiếu các quy định và chế tài xử lý sai phạm chính là lỗ hổng để các công ty du lịch phát triển loại hình du lịch đại trà tại lấy danh nghĩa là du lịch sinh thái, điều này gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn, thậm chí còn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ sang đất dịch vụ.’

    Bên cạnh đó, các chính sách quản lý, phát triển du lịch tại các khu bảo tồn chưa chú trọng đến nguồn lực phát triển du lịch sinh thái (tài chính, nhân lực, công nghệ…) dẫn tới cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, chất lượng phục vụ thiếu chuyên nghiệp… gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn.

    Một góc VQG U Minh Thượng nhìn từ chòi canh

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Lê Văn Lanh, Bùi Xuân Trường (2018), Du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, tiềm năng và thách thức.
    2. Kỷ yếu Hội thảo (2018), Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực Miền trung – Tây Nguyên.
    3. Trần Quang Bảo (2019), Thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
    4. Tổng cục Lâm Nghiệp (2019), Báo cáo công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2019 và giải pháp phát triển bền vững
    5. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2018), Đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến môi trường sinh thái tại một số vườn quốc gia Việt Nam.
    6. Vườn quốc gia Ba Vì (2018), Phát triển Du lịch sinh thái hướng tới cơ chế tự chủ về tài chính ở Vườn quốc gia Ba Vì
    7. Vườn quốc gia Cát Tiên (2018), Báo cáo cơ chế tự chủ tài chính.

    [1] Xuân Thủy (Nam Định), Ba Bể (Bắc Kạn), Bàu Sấu – Cát Tiên (Đồng Nai), Tràm Chim (Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau), Láng Sen (Long An), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), U Minh Thượng (Kiên Giang).

    [2] VQG Chư Mom Ray (Kon Tum), VQG Kon Ka Kinh (Gia Lai), VQG Hoàng Liên (Lào Cai), VQG U Minh Thượng (Kiên Giang), VQG Ba Bể (Bắc Kạn), VQG Bái Tử Long (Quảng Ninh).

    [3] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

    [4] Báo cáo công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2019 và giải pháp phát triển bền vững

    [5] Tổng cục Lâm Nghiệp 2018, Báo cáo Kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, Khu BTTN trên cả nước

    ThS. Nguyễn Thùy Vân – Phòng NCCLCSMTDL

    Bài cùng chuyên mục