Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Các tác động từ hoạt động du lịch tới môi trường và định hướng phát triển bền vững du lịch tại Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

    Nhận định một số tác động từ hoạt động du lịch tới môi trường

    Trong những năm 90 của thế kỷ trước, thời kỳ mới mở cửa, du lịch được quan tâm như một ngành “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên thực tế phát triển cho thấy, du lịch có thể là một ngành “công nghiệp không khói” nhưng hoàn toàn có thể gây ô nhiễm nếu không được khai thác, phát triển và quản lý một cách thích hợp.

    Tác động từ hoạt động du lịch tới môi trường được phân thành các nhóm: tác động từ các công trình hạ tầng, từ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và từ bản thân hoạt động du lịch.

    Đối với các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tác động có thể được phân thành các nhóm tác động trong giai đoạn đầu tư xây dựng và tác động trong giai đoạn vận hành, khai thác. Giai đoạn đầu tư xây dựng, các tác động chủ yếu do hoạt động thi công xây lắp, giải pháp tổ chức thi công, ứng xử với môi trường, cảnh quan trong tác nghiệp xây dựng. Các tác động chủ yếu (San lấp, chuẩn bị mặt bằng; Khai thác và sử dụng vật liệu xây dựng; Thiết kế công trình và phương pháp tổ chức thi công xây dựng; Công tác quản lý chất thải xây dựng). Trong giai đoạn vận hành công trình du lịch và hoạt động của khách du lịch, các tác động chủ yếu (Tăng áp lực gây ô nhiễm: chất thải sinh hoạt (rắn, lỏng); Ô nhiễm môi trường: không khí, nguồn nước, tiếng ồn, rung chấn; Mật độ giao thông cơ giới cao; Suy thoái tài nguyên tự nhiên, đa dạng sinh học do tác động trực tiếp của du khách tới môi trường tự nhiên).

    Như vậy có thể thấy, tác động của du lịch có thể được nhận định rõ thông qua việc phân loại các tác động theo thời gian, theo từng giai đoạn và các đặc điểm của từng loại tác động.

    Hiện trạng hoạt động du lịch tại bán đảo Sơn Trà

    Sau khi được phép khai thác du lịch trên bán đảo Sơn Trà, các hoạt động du lịch tại đây đã có những bước phát triển tương đối mạnh mẽ. Năm 2019, bán đảo Sơn Trà đón trên 2,6 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách tham quan chùa Linh Ứng chiếm tới 94,12%. Đặc biệt trong giai đoạn 2011-2019 lượng khách du lịch tới bán đảo Sơn Trà tăng trung bình 41%/năm.

    Tuy vậy phần lớn khách đến bán đảo Sơn Trà là khách tham quan trong ngày, hệ thống cơ sở lưu trú còn khiêm tốn, bao gồm: Intercontinetal Sun Peninsula Resort (197 buồng), Sơn Trà Resort and Spa (22 buồng), Navy Đà Nẵng (48 buồng) và Tiên Sa Retreat (50 buồng và 12 lều cắm trại).

    Ngoài chùa Linh Ứng là điểm tham quan thu hút phần lớn khách du lịch thì các điểm tham quan chủ yếu khác là đỉnh Bàn Cờ, cây đa nghìn năm và hải đăng Sơn Trà…

    Mặc dù có nhiều tiềm năng đa dạng, tuy nhiên các hoạt động du lịch chủ yếu trên bán đảo Sơn Trà là tham quan, ngắm cảnh, tham quan chùa Linh Ứng. Ngoài ra còn có một số hoạt động thể thao, dã ngoại khác tuy nhiên phần lớn chưa được tổ chức, phát triển bài bản. Và đặc biệt hầu hết các hoạt động (ngoại trừ các dịch vụ tại 04 khu nghỉ dưỡng đã nêu) đều chưa trở thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chưa mang lại doanh thu trực tiếp cho ngành du lịch.

    Với các hoạt động khai thác du lịch như hiện nay, các tác động tới môi trường của hoạt động chủ yếu do việc khai thác, vận hành và xử lý chất thải của các khu lưu trú; Hoạt động dã ngoại trong khu bảo tồn tự nhiên, tham quan ngắm cảnh của khách du lịch; Vận hành các phương tiện giao thông cơ giới trên bán đảo Sơn Trà.

    Từ thực tế đó, việc kiểm soát và giảm thiểu các tác động của hoạt động du lịch tới môi trường Sơn Trà sẽ tập trung vào các nhiệm vụ quản lý: Tác động trong việc xây dựng và vận hành các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch; Hoạt động tham quan, ngắm cảnh, dã ngoại, thể thao, lặn biển của khách du lịch; Quản lý các dòng, luồng phương tiện cơ giới nhằm đảm bảo giao thông cơ giới gây tác động tối thiểu tới môi trường cũng như tới trải nghiệm du lịch sinh thái (DLST) của du khách.

    Định hướng phát triển du lịch bền vững bán đảo Sơn Trà

    Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Sơn Trà, TP.Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 9/11/2016. Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm đảm bảo phát triển du lịch bền vững trên bán đảo Sơn Trà, khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nói riêng, vùng duyên hải Nam Trung bộ và cả nước nói chung; Phát triển Khu DLQG Sơn Trà bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), gìn giữ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển…

    Về tổ chức không gian, các khu chức năng trên bán đảo Sơn Trà gồm 3 trung tâm dịch vụ cửa ngõ vào bán đảo, 5 cụm lưu trú, nghỉ dưỡng, khu vườn hoa và thuốc Nam, khu cứu hộ động vật, khu cắm trại và sinh hoạt cộng đồng, khu nhà nghỉ sinh thái và các điểm cảnh quan.

    Các khu nghỉ dưỡng trên Sơn Trà được bố trí thành 5 cụm, không trải dài dọc toàn bộ đường bờ biển, chủ yếu trên cơ sở khu vực đã có các công trình hiện trạng, tách biệt nhau để không hình thành các tuyến phố nghỉ dưỡng.

    Một vấn đề quan trọng trong tổ chức không gian là phương án tổ chức giao thông trên đảo theo đó không hình thành các tuyến giao thông cơ giới khép kín mà chỉ còn 3 tuyến tiếp cận độc lập, trên các tuyến đường khác trên bán đảo chỉ cho phép xe đạp và đi bộ. Đây là một giải pháp hết sức quan trọng để hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cơ giới gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến trải nghiệm DLST và mang lại hình ảnh mới, thân thiện với môi trường cho du lịch Sơn Trà.

    Tổng diện tích dành cho việc xây dựng các khu chức năng phục vụ du lịch là 1.056ha (phù hợp với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013) trong đó bao gồm 477ha đất dự trữ phát triển. Như vậy trên diện tích 553ha còn lại, với tổng số buồng khách sạn là 1570 thì mật độ xây dựng buồng phòng khách sạn là rất thấp, chỉ ở mức khoảng 3 buồng/ha chỉ tính tại các khu chức năng lưu trú du lịch.

    Định hướng phát triển này phù hợp với thực tế bán đảo tại thời điểm đó, khi diện tích rừng, đất lâm nghiệp, bao gồm cả khu bảo tồn thiên nhiên được xác định chỉ khoảng trên 2000ha và chỉ nằm trên núi (từ cote 150), không tiếp giáp với bờ biển.

    Tuy nhiên, kể từ thời điểm quy hoạch được phê duyệt đã có nhiều thay đổi:

    – Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ;

    – Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 14/9/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng;

    – Kết quả khảo sát thực tế một số địa điểm tập trung Voọc trà vá chân nâu trên bán đảo, đặc biệt là dọc tuyến Tiên Sa – Bãi Ôm – Hố Sâu – Bãi Bắc.

    Xuất phát từ những vấn đề trên, kế thừa một phần đồ án quy hoạch được phê duyệt, định hướng phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà được đề xuất điều chỉnh với những nội dung điều chỉnh chính bao gồm tổ chức không gian, tổ chức giao thông và để hỗ trợ định hướng phát triển thì vấn đề tổ chức quản lý hoạt động du lịch cũng được đặt ra.

    Tổ chức không gian:

    Ý tưởng chính với 3 trung tâm đón tiếp vẫn được kế thừa trong định hướng được đề xuất, trong đó Trung tâm khu vực Hồ Xanh tập trung đón tiếp luồng khách chính với các dịch vụ đa dạng, Trung tâm số 2 nằm trên tuyến lên đỉnh Bàn Cờ tập trung đón khách du lịch sinh thái và có Trung tâm diễn giải môi trường, Trung tâm số 3 tại Tiên Sa sẽ chú trọng các hoạt động về đêm và phục vụ khách du lịch tàu biển.

    Trên bán đảo sẽ tăng cường phát triển các tuyến cây xanh chuyên đền nwh thàn mát, sim… nhằm góp phần tạo dựng hình ảnh đặc thù của Sơn Trà.

    Ngoại trừ khách sạn Intercon, toàn bộ các cụm lưu trú sẽ chỉ nằm rải rác ở bờ Nam bán đảo, trên trục cảnh quan đô thị đường Hoàng Sa và tại khu vực hiện hữu tại Tiên Sa. Các đề xuất lưu trú trước đó dọc tuyến phía Bắc đảo không còn để tuyến này chỉ dành cho du lịch sinh thái và ngắm voọc.

    Một số đề xuất trước đây như nhà ở trên cây gần bờ Bắc cũng đã chuyển xuống bờ Nam và không còn đề xuất phát triển trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

    Tổ chức giao thông:

    Giao thông đường bộ đối ngoại của khu du lịch bán đảo Sơn Trà theo 3 trục Hoàng Sa, Yết Kiêu và Tiên Sa từ các trung tâm 1, 2, 3 đã được định hướng trong tổ chức không gian khu du lịch. Xuất phát từ các trục chính này, từ các trung tâm du lịch tổ chức các tuyến khác nhau kết nối với hệ thông giao thông đối nội trong khu du lịch. Đây là ba cửa ngõ vào bán đảo Sơn Trà. Tại điểm đầu của 3 trục giao thông tiếp cận này bố trí các bãi đỗ xe chính và là nơi trung chuyển phương tiện cho khách du lịch trong và ngoài khu du lịch.

    Giao thông đường bộ nội bộ của bán đảo Sơn Trà gồm các trục giao thông cơ giới, các tuyến đi bộ dã ngoại, leo núi chuyên đề.

    Tuyến đường Hoàng Sa, với một độ giao thông, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, cũng như thực tế khai thác hiện nay có vai trò là trục cảnh quan đô thị của thành phố.

    Các tuyến giao thông cơ giới: Các phương tiện cơ giới trong khu du lịch gồm: Xe khách du lịch, xe đặc dụng, xe máy,… Để làm giảm mật độ giao thông cơ giới đồng thời không để các luồng giao thông cơ giới ảnh hưởng quá lớn tới môi trường tự nhiên và hoạt động du lịch sinh thái, đề xuất tổ chức các tuyến một chiều và hai chiều phương tiện cơ giới khép kín và chạy vòng quanh bán đảo. Điều này cũng sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế xung đột giao thông, nâng cao giá trị trải nghiệm tại khu du lịch gắn với khu bảo tồn thiên nhiên ở bán đảo Sơn Trà.

    Tuyến một chiều: trên bán đảo Sơn Trà, nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, giảm mật độ giao thông cơ giới, nâng cao giá trị trải nghiệm tự nhiên, đề xuất mở rộng quy định một chiều đối với một số tuyến đường. Cụ thể bao gồm tuyến một chiều đi từ đỉnh Bàn Cờ xuống Intercontinental (hiện trạng), tuyến từ đỉnh Sơn Trà xuống tuyến phía Bắc, và tuyến từ Bãi Bắc quá Suối Ôm tới Tiên Sa (đề xuất tuyến này dừng tiếp nhận phương tiện cơ giới từ 2025).

    Hệ thống sản phẩm du lịch bán đảo Sơn Trà bao gồm:

    – Các sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch sinh thái (núi, biển), du lịch tâm linh, thể thao và thể thao mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp

    – Các sản phẩm du lịch bổ trợ: tìm hiểu văn hóa, lịch sử, cách mạng; tham quan thưởng ngoạn thắng cảnh; chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

    Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú:

    Với đặc điểm nằm trên bán đảo có khu bảo tồn tự nhiên với tính đa dạng sinh học tương đối cao, việc tính toán, đánh giá sức chứa du lịch cho bán đảo Sơn Trà là hết sức quan trọng nhằm bảo vệ ở mức cao nhất các giá trị đa dạng sinh học, đồng thời vẫn có thể khai thác hiệu quả hoạt động du lịch.

    Việc đánh giá sức chứa của du lịch bán đảo Sơn Trà được thực hiện đối với từng hoạt động, bao gồm: sức chứa khu vực chùa Linh Ứng, sức chứa các tuyến đi bộ dã ngoại, sức chứa các tuyến tham quan bằng đi xe đạp và phương tiện cơ giới, các bãi biển và sức chứa của không gian lưu trú.

    Nếu như đối với các tuyến tham quan, chùa Linh Ứng hay các bãi biển thì nhiệm vụ đánh giá sức chứa đơn giản và rõ ràng thì việc đánh giá sức chứa không gian lưu trú là một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều.

    Việc tính toán số lượng buồng ngủ tối ưu đối với một khu vực phát triển du lịch là vấn đề rất phức tạp và hiện đang có nhiều tranh luận về cách tiếp cận, phương pháp tính toán. Về nguyên tắc, số lượng buồng ngủ tối ưu được hiểu là sức chứa về lưu trú của khu du lịch, là khả năng đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu lưu trú của một lượng khách du lịch, trong giới hạn nguồn tài nguyên và dịch vụ cho phép tại nơi khách đến.

    Tính toán sức chứa không gian lưu trú (số buồng lưu trú) dựa trên tổng diện tích dành cho việc phát triển các dự án du lịch và mật độ xây dựng (buồng/đơn vị diện tích) phù hợp, với điều kiện khu vực có phát triển, xây dựn nằm bên cạnh ranh giới hu bảo tồn tự nhiên. Vận dụng kết quả nghiên cứu của Machado (1990)[1] và Moisés Simancas Cruz (2019)[2], theo đó, số lượng buồng tối ưu cho các khu vực sinh thái biển được xác định trong khoảng 0,2 – 10 buồng/ha tuỳ theo tính chất của khu vực. Bán đảo Sơn Trà được định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bởi vậy chỉ số mật độ buồng/đơn vị diện tích lấy ở nửa dưới của ngưỡng tối ưu nêu trên, trong khoảng 3- 4 buồng/ha.

    Với phương pháp đánh giá này, quy mô hệ thống cơ sở lưu trú của Sơn Trà sẽ nằm trong khoảng 950-1300 buồng, kể các các buồng lưu trú đã được xây dựng từ trước.

    Đối chiếu với quy mô hệ thống lưu trú khoảng 1500-1600 buồng được tính toán trong quy hoạch trước đây theo phương pháp tính toán dựa trên diện tích các phần bãi biển được xác định dành riêng cho khách lưu trú thì có thể thấy là quy mô đề xuất cũng tương đối hợp lý. Với khu vực phân bố lưu trú chỉ còn khoảng hơn 1/2 so với đề xuất trước, tổng số buồng phòng chỉ còn khoảng gần 2/3 và chỉ nằm chủ yếu phần ta luy âm dọc trục cảnh quan đô thị, có khoảng cách tương đối tới ranh giới khu bảo tồn và đặc biệt là không nằm gần các khu vực sinh hoạt thường xuyên của voọc chà vá chân nâu.

    Về định hướng mô hình quản lý khu du lịch:

    Có nhiều phương án tổ chức quản lý khu du lịch có thể được xem xét đề xuất, trong đó bao gồm một số phương án đột phá như giao toàn bộ nhiệm vụ quản lý phát triển du lịch cho doanh nghiệp, hoặc nâng cấp bộ máy quản lý hiện trạng lên thành cơ quan quản lý trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, hoặc kiện toàn, bổ sung chức năng, nâng cao năng lực nhưng giữ ổn định vị thế của cơ quan quản lý hiện nay.

    Một số chức năng có thể được đề xuất bổ sung bao gồm: tham gia xem xét, thẩm định các dự án đầu tư và giám sát triển khai thực hiện các dự án đầu tư; kiểm tra, giám sát hoạt động các công trình cung cấp dịch vụ du lịch, đặc biệt về vấn đề quản lý chất thải; đề xuất phương án và thực hiện quản lý hoạt động của khách du lịch, phương tiện giao thông… Một chức năng quan trọn có thể xem xét bổ sung là chức năng “chủ rừng”. Với phương án này nhiệm vụ chủ rừng vốn được giao cho Hạt Kiểm lâm hiện nay sẽ được chuyển cho đơn vị quản lý nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ, khai thác tài nguyên tự nhiên, đồng thời khắc phục bất cập khi Hạt Kiểm lâm hiện nay vừa đóng vai trò quan rlsy nhà nước vừa làm nhiệm vụ chủ rừng.

    Với định hướng phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà như trên, có thể sơ bộ xác định các tác động từ phát triển du lịch tới môi trường tại đây gồm: Do xây dựng và vận hành các công trình du lịch; Hoạt động vận chuyển khách du lịch và cung ứng cho các cơ sở dịch vụ du lịch…

    Tác động do việc xây dựng các công trình xây dựng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: quy mô xây dựng (quy hoạch tổng thể và quy hoạch chung xây dựng); lựa chọn vị trí xây dựng và bố trí các công trình (quy hoạch mặt bằng); hình thức công trình và giải pháp kết cấu, vật liệu xây dựng (thiết kế công trình); phương pháp thi công xây dựng các công trình (giải pháp thi công).

    Trong khi đó, tác động do việc vận hành các công trình du lịch phụ thuộc vào giải pháp thiết kế kiến trúc thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng và tài nguyên tự nhiên; quản lý chất thải.

    Tác động do hoạt động vận chuyển, vận tải phụ thuộc vào yếu tố tổ chức giao thông liên quan tới các lĩnh vực quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung và quản lý phương tiện, hoạt động giao thông vận tải, khách du lịch (tham quan, dã ngoại, thể thao, bơi, lặn…).

    Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, trong đó đặc biệt coi trọng yếu tố bảo vệ môi trường, nhiều biện pháp, giải pháp và các khuyến nghị đã được đưa ra trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, cụ thể:

    Xây dựng, ban hành và áp dụng các chính sách, quy định cụ thể đối với nhiệm vụ BVMT, tài nguyên và ĐDSH; Quy định hạn chế quy mô các cơ sở lưu trú tại bán đảo Sơn Trà; Số lượng khách trên các tuyến DLST, lặn biển; Xác định phương án tổ chức không gian, tổ chức giao thông phù hợp để hạn chế tối đa việc hình thành các cụm công trình xây dựng kiên cố quy mô lớn cũng như việc hình thành các tuyến giao thông cơ giới khép kín (tuyến có mật độ giao thông cơ giới cao); Bố trí các công trình đầu mối hạ tầng môi trường tại các khu lưu trú.

    Khuyến nghị giải pháp thiết kế công trình, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xây dựng các quy định về quản lý hoạt động của khách du lịch, quy tắc ứng xử của khách du lịch với môi trường.

    Việc nâng cao nhận thức là một giải pháp quan trọng trong BVMT.Tại Sơn Trà, đối tượng chính gồm doanh nghiệp du lịch, người lao động tại các cơ sở du lịch, cộng đồng dân cư địa phương và bản thân khách du lịch. Đối với các doanh nghiệp, đóng vai trò chủ động trong BVMT trong tất cả giai đoạn đầu tư – xây dựng – vận hành cơ sở du lịch và khai thác các hoạt động du lịch sinh thái; người lao động trong các cơ sở dịch vụ du lịch, cần được nâng cao nhận thức về BVMT trong từng hoạt động của cán bộ, nhân viên; cộng đồng dân cư, phải coi môi trường là tài sản quý báu của thành phố và chính mình. Kinh nghiệm thú vị về nhận thức về môi trường của khách du lịch là trong các khu du lịch thậm chí không cần bố trí các thùng rác dọc các tuyến đi dạo vì khách cần tự mang rác về nơi tập kết theo quy định.

    Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, đánh giá các tác động của môi trường để có thể điều chỉnh quy mô và tính chất các hoạt động du lịch một cách phù hợp.

    Đề xuất Khung đánh giá tác động môi trường từ hoạt động du lịch được đưa ra trong bảng dưới đây:

    Các tác động từ du lịch đến môi trường Vấn đề môi trường cần quan tâm Mức độ nghiêm trọng Biện pháp loại bỏ/giảm thiểu tác động
    Áp lực chất thải:

    – Từ các cơ sở dịch vụ du lịch

     

    – Trên các tuyến du lịch sinh thái

     

    Thu gom chất thải rắn, nước thải

     

     

    – Cao

     

    – Cao

     

    – Có hệ thống thu gom, vận chuyển/xử lý chất thải

    – Bố trí thùng rác, nhà vệ sinh, nâng cao nhận thức (ZERO TRASH)

    Sử dụng nguồn tài nguyên nước Khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước Thấp Sử dụng nguồn nước từ quận Sơn Trà
    Sử dụng đất Sử dụng đất khu BTTN Không bố trí các khu chức năng trong khu BTTN
    Cảnh quan

    – Cảnh quan tự nhiên

    – Thiết kế công trình

    – Vật liệu xây dựng

     

    – Vị trí công trình du lịch

    – Thiết kế kiến trúc

    – Sử dụng vật liệu xây dựng

     

    – Cao

    – Cao

    – Trung binh

     

    – Các công trình có mật độ thấp, tầng cao thấp

    – Thiết kế phù hợp với cảnh quan tự nhiên

    Địa hình tự nhiên – Thay đổi địa hình tự nhiên

    – Sạt lở

    – Cao

    – Cao

    – Bố trí các công trình ở vị trí phù hợp

    – Giải pháp thi công thân thiện với môi trường

    Môi trường không khí, tiếng ồn, rung chấn:

    – Trong xây dựng các cơ sở dịch vụ

    – Giao thông cơ giới

    – Trong hoạt động của khách du lịch sinh thái

     

    – Rung chấn, tiếng ồn khi thi công

    – Ô nhiễm khói bụi

    – Phương tiện cơ giới

    – Tiếng ồn do khách du lịch

     

    – Cao

     

    – Cao

    – Cao

    – Trung bình

     

    – Xây dựng các công trình quy mô nhỏ

    – Giải pháp thi công phù hợp

    – Các biện pháp ngăn bụi khi thi công

    – Sử dụng thiết bị mới hoặc thiết bị dùng điện khi thi công

    – Tổ chức giao thông hợp lý

    – Quy định và nhận thức của khách du lịch

    Sử dụng năng lượng, tài nguyên tự nhiên:

    – Điện

    – Nước

     

    Sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên

     

    – Cao

    – Trung bình

     

    – Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo

    – Thiết kế tiết kiệm năng lượng và nước

    – Nhận thức của nhân viên và khách du lịch

    Môi trường sinh học:

    – Rác thải

    – Quà lưu niệm, đặc sản địa phương

    – Bố trí các cơ sở lưu trú

    –  Hoạt động dã ngoại, đi xe đạp trong khu BTTN

     

    – Rác thải ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên

    – Khai thác cạn kiệt một số loại sản vật địa phương

    – Khu lưu trú ảnh hưởng đến khu BTTN

    – Hoạt động tham quan của khách ảnh hưởng đến thảm thực vật và môi trường sống của động vật hoang dã

     

    – Cao

    – Trung bình

    – Cao

    – Cao

     

    – Bố trí các điểm tập kết rác, hoặc yêu cầu khách mang hết rác của cá nhân ra khỏi khu BTTN

    – Không khai thác đặc sản, đồ lưu niệm địa phương nếu không có giải pháp bền vững cho nguyên vật liệu đầu vào

    – Các khu lưu trú bố trí ngoài khu BTTN, mật độ xây dựng thấp

    – Áp dụng biện pháp kiểm soát lượng khách trong khu BTTN

    – Có các quy định về ứng xử của khách du lịch và nhân viên

    – Có các công cụ, hoạt động giám sát, đánh giá tác động môi trường

    [1] Machado, A. Ecología, Medio Ambiente y Desarrollo Turístico en Canarias; Gobierno de Canarias: Santa Cruz de Tenerife, Spain, 1990

    [2] Analysis of the Accommodation Density in Coastal Tourism Areas of Insular Destinations from the Perspective of Overtourism

    Hoàng Đạo Cầm

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục