Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Biến đổi khí hậu và đánh giá tác động đối với khu du lịch biển theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012

      bdkh dlb2012 0  Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng và đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 đến 0,7°C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu (BĐKH) thực sự đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3°C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100.
       Biến đổi khí hậu (BĐKH) đến mọi vấn đề phát triển có liên quan đến con người,  không còn là vấn đề của một ngành riêng lẻ mà chủng toàn bộ nền kinh tế, trong đó ngành du lịch. Biến đổi khí hậu diễn ra mọi nơi mọi lúc tác động đến các khu vực, trong đó khu vực biển bị tác động lớn hơn so với các khu vực khác trong vùng đất liền và các khu du lịch cũng không bị loài trừ trong tác động củ nó.
       Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược thuận lợi về biển. Lãnh thổ đất liền của Việt Nam được bao bọc bởi bờ biển Đông trải dài trên 3.200 Km trên 3 hướng : Đông, Nam và Tây Nam. Trung bình cứ 100 Km2 diện tích đất liền Việt Nam có 1 Km bờ biển, tỷ lệ vào loại cao so với tỷ lệ trung bình của thế giới (600 Km2 đất liền mới có 1 Km bờ biển). Bờ biển của Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam vì thế biển có vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
       Vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo nơi diễn ra các hoạt động du lịch biển, đảo và vùng ven biển, về mặt hành chính  bao gồm 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển với diện tích tự nhiên là 126.747 Km2,, dân số (2010) là 37,2 triệu bằng 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước. Lãnh thổ du lịch biển là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi với nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng và phong phú cho phát triển kinh tế – xã hội đặc biệt là du lịch bởi trên lãnh thổ này hiện tập trung  tới 07/13 di sản thế giới ở Việt nam; 06/08 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hoá – lịch sử; v.v.
       Những thập kỷ gần đây, du lịch đã trở thành một nghành kinh kế lớn, chiếm vị trí quan trọng ở nhiều quốc gia trên quy mô toàn cầu. Ngày nay do sự phát triển kinh tế nói chung cùng với sự bùng nổ dân số khắp nơi trên thế giới, quá trình đô thị hóa quá mức đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người. Bên cạnh những tác động tích cực mà những yếu tố trên đem lại cho con người thì có không ít những tác động tiêu cực con người phải hứng chịu như: thiên tai, ô nhiễm môi trường, căng thẳng …Chính vì vậy hoạt động du lịch ngày càng trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan của con người.
    Du lịch biển là loại hình du lịch phát triển sớm và là một trong những loại hình du lịch chiếm ưu thế nhất trên thế giới. Du lịch biển phát triển rất phong phú và đa dạng với nhiều loại hình thu hút khách du lịch, trong đó có các khu du lịch (resorts). Các khu du lịch biển là nơi hội tụ nhiều sản phẩm du lịch đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho các quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.
    Hiện nay, du lịch biển nói chung và các khu du lịch biển nói riêng hiện đang đứng trước những vấn đề lớn về môi trường, trong đó có vấn đề ô nhiễm, tai biến và sự cố môi trường biển, và vấn đề mực nước biển dâng, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi cần có những nghiên cứu lồng ghép các mục tiêu phát triển du lịch biển trong mối quan hệ với môi trường nhằm đảm bảo được sự phát triển du lịch bền vững.
       Do vậy, bài viết này tập trung phân tích đánh giá tác động của biển đối khí hậu đối với các khu du lịch biển.
    1- Biến đổi khí hậu có liên quan đến khu du lịch ven biển.
    1.1.Khái niệm về khu du lịch biển
    1.1.1.Các yếu tố có liên quan đến khu du lịch biển
        Dải ven biển (coastal zone) hay còn gọi là “đới bờ”, “dải ven bờ”, hay “dải bờ biển”, v.v. Là một thực thể tự nhiên hoàn chỉnh có đặc trưng riêng về nguồn gốc phát sinh – đới tương tác lục địa – biển, hình thái và cấu trúc, phát triển và tiến hoá, và cơ cấu tài nguyên thiên nhiên .
        Theo chiều ngang, cấu trúc vùng ven biển biểu hiện rõ tính chất chuyển tiếp giữa lục địa và biển với 2 phần : phần lục địa ven biển có ranh giới ở nơi chấm dứt sự ảnh hưởng của biển đối với lục địa và phần biển ven bờ có ranh giới nơi chấm dứt tác động các quá trình lục địa ra biển.
        Theo chiều dọc, vùng ven biển biểu hiện cấu trúc địa hệ phân dị phức tạp, gồm nhiều hệ ven biển (coastal systems) khác nhau, trong đó có các loại hình thuỷ vực ven bờ (coastal bodies of water) tiêu biểu, nơi tập trung chủ yếu tiềm năng tài nguyên bờ, bao gồm:
    Vùng biển nông ven bờ có ranh giới về phía biển ở nơi mà tính chất lý – hoá khối nước và sự phát triển địa hình đáy biển chịu tác động mạnh mẽ của các quá trình lục địa.
    Trong Luật Du lịch (2005) có khái niệm về khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường.
        Vậy, khu du lịch biển đảo được hiểu là khu vực có tiềm năng tài nguyên du lịch biển, là nơi phát triển du lịch (diễn ra các hoạt động cung và cầu du lịch) bao gồm các khu vực trên trên bờ, các đảo và khu vực mặt nước biển.
    Hay nói cách khác khu du lịch biển là các khu vực nhất định tại khu vực biển, đảo; nơi đó tổ chức các dịch vụ, sản phẩm du lịch cung cấp cho khách du lịch.
    1.1.2. Các đặc điểm  khu du lịch biển có liên quan đến tác động của biển đổi khí hậu
    – Phạm vi các khu du lịch biển của Việt Nam giới hạn mang tính chất tương đối.
        Trong thực tế, theo nghĩa rộng người ta thường gọi khu vực biển nào có thể tổ chức các dịch vụ cho khách đến như để tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; khu vực có cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thì được gọi là khu du lịch biển gắn liền với địa danh nơi đó như khu du lịch biển Hạ Long, Hải Thịnh, Thiên Cầm, Nha Trang, Phú Quốc…
    Trong nghĩa hẹp, đứng trên góc độc kinh doanh, các nhà đầu tư thường lựa chọn một khu vực nào đó ở khu vực biển hoặc liền kề để đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch; phạm vi hoạt động kinh doanh có giới hạn về diện tích sử dụng và cung cấp các sản phẩm cho khách như: lưu trú, nhà hàng ăn uống, vui chơi giải trí…thì cũng được gọi là là khu du lịch biển của công ty A, B, hoặc cá nhân…Điều này nói lên khi thống kê khu du lịch phải xác định đươc tiêu chí thống kê, số lượng khu du lịch phu thuộc vào tiêu chí mà mang tính tương đối. Khi đanh giá tác động của biến đổi khí hậu nên có cách nhìn toàn diện tổng quát toàn bộ khu du lịch ở một vùng hơn chú trọng đến từng khu d lịch riêng lẻ.
    – Các khu lịch biển đều có sự tiếp giáp hoặc liền kề với mặt nước biển
        Lợi thế phát triển du lịch là vùng tiếp giáp giữa mặt nước biển thường được gọi là các bãi biển; bãi biển thường là nơi diễn ra các hoạt động cung cấp các dịch vụ du lịch cho khách du lịch và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như hạ tầng du lịch. Do quá trình hình thành và bồi lắp ven biển trong nhiều năm trước các khu vực vên biển đã hình thành nên các khu dân cư sinh sống, chủ yếu các làng nghề cá, diêm sinh…quá trình phát triển nhiều khu vực đã xây dựng các di tích để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tâm linh, sau này được gọi là tài nguyên du lịch. Các bải biển thường là cát nên rất mong mang dẫn đến sụt lở nếu có tác động của thiên nhiên và con người
    – Các khu du lịch ven biển là những khu vực có tiềm năng tài nguyên du lịch du lịch dẽ bị tác động.
    Tiêu chí xây dựng các khu du lịch ven biển của các nhà đầu tư là khu vực có tiềm năng tài nguyên du lịch biển và đây cũng là điểm đến, lựa chọn của khách du lịch. Tài nguyên du lịch biển bao gồm: giá trị các bãi cát ven biển, các đảo; chất lượng tài nguyên tự nhiên như nước không khí, đất và hệ sinh thái, trong đó chú ý đến chất lượng môi trường nước biển và đa dạng sinh học biển; bên cạnh đó tài nguyên nhân văn khu vực cũng có ý nghĩa và góp phần hình thành nên các khu du lịch biển của khu du lịch bao gồm: hệ thống các công trình văn hóa, các di tích, phong tục tập quán, làng nghề, sinh hoạt cộng đồng…
    1.2. Đặc điểm khu du lịch Việt Nam có liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu
    Đa số lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo của Việt Nam đều có các hoạt động du lịch biển, đảo và vùng ven biển, trong đó có các khu du lịch biển. Như vậy, xét về mặt hành chính có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển với diện tích tự nhiên là 126.747 Km2, bằng 38,2% diện tích tự nhiên cả nước. Các khu du lịch biển cũng là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi với nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa đa dạng và phong phú, đặc biệt là trên lãnh thổ này hiện tập trung tới 07/13 di sản thế giới ở Việt nam; 06/08 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hoá – lịch sử; v.v.
    1.2.1. Các khu du lịch biển có điều kiện khí hậu, thủy văn khác nhau
    – Về khí hậu, vùng ven biển Việt Nam có thể chia thành 4 khu vực:
    + Khu vực ven biển từ Quảng Ninh – Thanh Hoá : thuộc vùng khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ gió mùa Đông Bắc vào mùa đông và gió mùa Tây Nam; mùa hè cũng là mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9 với lượng mưa trung bình năm từ 1 ngàn đến 2 ngàn mm và giảm dần về phía Nam.
    + Khu vực ven biển từ Nghệ An – Thừa Thiên Huế : đây là vùng có khí hậu giao thoa giữa hai miền nên mùa đông lạnh vừa, mùa mưa muộn dần về phía Nam rồi trùng với mùa gió Đông Bắc từ tháng 9 đến tháng 12 với lượng mưa tăng dần về phía Nam và đạt tới trung bình năm 3.200 mm tại Bạch Mã.
    + Khu vực ven biển từ Đà Nẵng – Ninh Thuận: khí hậu nhiệt đới có mùa đông ấm, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, chủ yếu gió mùa Tây Nam mùa hè với lượng mưa giảm dần về phía Nam xuống dưới 100 mm/năm. Ninh Thuận – Bình Thuận là khu vực khô nhất ở Việt Nam do trùng vào vanh đai bức xạ toàn cầu lớn nhất với lượng mưa thấp hơn lượng bốc hơi.
    + Khu ven biển từ Bình Thuận – Kiên Giang : khí hậu nhiệt đới nóng quanh năm, tính chất nhiệt đới điển hình, không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc do gió mùa Tây Nam thống trị; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 với lượng mưa tăng dần về phía Nam nhưng không vượt quá 2.400 mm/năm ở ven bờ Cà Mau – Hà Tiên.
    – Nhiệt độ và độ muối nước biển là 2 đặc trưng thuỷ hoá quan trọng của nước biển ven bờ. Kết quả quan trắc nhiều năm cho thấy nhiệt độ nước biển ven bờ phía Bắc dao động trong khoảng 17 – 32oC; miền Trung khoảng 22 – 32,5oC; và miền Nam từ 26 – 32oC. Độ muối có sự thay đổi lớn phụ thuộc vào đặc điểm các thuỷ vực, vào mùa và giữa các pha triều. Độ muối trung bình ở vùng nước ven bờ từ Quảng Ninh – Thanh Hoá là 27,5%o; Nghệ An – Thừa Thiên Huế là 26,4%o; Đà Nẵng – Khánh Hoà là 33,2%o, Ninh Thuận – Cà Mau là 32,5%o; và Kiên Giang – Đông vịnh Thái Lan là 30,7%o.
    – Về chế độ sóng ở vùng biển ven bờ có hướng và độ cao phù hợp với hoạt động của trường gió theo mùa và khi truyền vào bờ còn tuỳ thuộc vào địa hình bờ và địa hình đáy. Độ cao sang trung bình có xu thế tăng dần từ Bắc vào Nam để đạt tới 1m những độ cao sóng cực đại lại giảm dần từ 4,9 m ở khu vực Quảng Ninh – Thanh Hoá xuống 3,0 m  ở khu vực Ninh Thuận – Cà Mau.
    – Về thuỷ triều ven biển Việt Nam rất phức tạp, thay đổi tuỳ nơi cùng với độ lớn triều và mực nước. Khu vực cửa Thuận An (Thừa Thiên – Huế) được coi là vùng “vô triều” bởi mực nước và độ lớn thuỷ triều quá nhỏ (0,35 m <). Ở vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên – Huế, độ lớn triều giảm dần từ 4,0 m (Móng Cái) xuống 0,35 m ở cửa Thuận An với tính chất triều thay đổi từ toàn nhật đều (Quảng Ninh – Thanh Hoá), toàn nhật triều không đều (Nghệ An – Quảng Trị) đến bán nhật triều đều (Thừa Thiên – Huế).  
    Ở vùng biển ven bờ từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, tính chất triều thay đổi từ nhật triều không đều tới Khánh Hoà, đến bán nhật triều không đều tới Cà Mau và độ lớn triều cũng tăng dần đạt tới trên 4,0 m tại Vũng Tàu. Ở vùng biển ven bờ Cà Mau – Hà Tiên lặp lại tính chất triều toàn nhật nhưng độ lớn triều giảm đáng kể, dao động trong khoảng 1,0m.
    – Về dòng chảy tổng hợp ven bờ có hướng và tốc độ thay đổi theo mùa gió Đông Bắc và Tây Nam với hướng chủ đạo thay đổi theo hình dáng đường bờ. Tốc độ dòng chảy tăng dần từ vịnh Bắc Bộ tới Trung Trung Bộ và đạt tới cực đại là 1,5m/giây sau đó giảm dần tới ven bờ Đông vịnh Thái Lan.
    Ở các vùng cửa sông, đầm phá, vũng – vịnh, dòng chảy có hướng và tốc độ thay đổi phức tạp tuỳ thuộc vào hoạt động của thuỷ triều và dòng chảy sông. Tại Cửa Lục, tốc độ dòng chảy có thể đạt 1,3m/s khi triều rút, 0,6 – 0,9m/s khi triều lên trong khi ở ngoài vịnh chỉ đạt 0,1 – 0,3m/s. Ven bờ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên – Huế, tốc độ dòng chảy ven có thể đạt 0,75 – 0,9m/s.
    Vì vậy, các khu du lịch biển ở các khu vực khác nhau thì mức độ tác động cũng khác nhau do biến đổi khí hậu.
    1.2.2. Các khu du lịch thường xen kẻ với các khu vực dân cư sinh sống và hoạt động của các ngành khác
        Do vấn đề lịch sử hình thành và phát triển các khu vực ven biển đã lâu đời nên đã hình thành nên các khu vực này hình thành nên các làng xã tham gia các nghề, cũng là nơi khu vực dân cư sinh sống của cộng đồng. Biển và tài nguyên biển rất đa dạng phong phú cho phát triển nhiều ngành nghề khác như: khai thác và chế biến khoáng sản, thủy hải sản, dầu khí; ngành vận chuyển đường biển và hàng hóa; các cảng biển…cùng khai thác và phá triển trong khu vực hoặc liền kề với các khu du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam ra đời muộn hơn các ngành nghề và khu vực cộng đồng dân cư nên việc tác động của các ngành đối với khu vực biển không chỉ có ngành du lịch mà còn các ngành khác dẫn đến tính bền vững khu vực hạn chế nhất định.
    1.2.3. Đặc điểm tài nguyên du lịch ở các khu du lịch
    a) Tài nguyên du lịch tự nhiên
    – Các bãi biển
        Biển Việt Nam với chiều dài đường bờ biển hơn 3.260km có khoảng 125 bãi tắm lớn nhỏ, trong đó có những bãi tắm lớn mà chiều dài tới 15 – 18km và nhiều bãi tắm nhỏ chiều dài 1 – 2km đủ điều kiện thuận lợi để khai thác phục vụ du lịch. Hầu hết các bãi biển đều có các khu du lịch hay dự án đầu tư cho du lịch.
        Các bãi biển đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cảnh Dương, Lăng Cô, Non Nước, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Đại Lãnh, Văn Phong, Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Né, Long Hải, Vũng Tàu, Hà Tiên…; ngoài ra các đảo ven bờ cũng có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng, tiêu biểu là bãi Cát Cò (Cát Bà); bãi Hương, bãi Ông, bãi Chồng (Cù Lao Chàm); bãi Bảy Cạnh, hòn Cau (Côn Đảo), bãi Khem, bãi Sao, bãi Dài (Phú Quốc); v.v.
    – Tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú.
    Cho đến nay, ở Việt Nam đã được công nhận 09 khu dự trữ sinh quyển, trong đó có tới 06 khu dự trữ sinh quyển nằm ở dải ven biển. Đó là : rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), quần đảo Cát Bà (2004), vùng ven biển đồng bằng sông Hồng (2004), vùng biển đảo Kiên Giang (2006), Cù Lao Chàm (2009), và VQG Cà Mau (2009).
    Ở dải ven biển hiện có 29 khu bảo tồn thiên nhiên như: khu bảo tồn thiên nhiên Yên Tử (Quảng Ninh), Vân Long (Ninh Bình), bán đảo Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Bà (Khánh Hòa), Tà Kóu (Bình Thuận), Bình Châu – Phước Bửu (Bà Rịa – Vũng Tàu); vườn chim Bạc Liêu (Bạc Liêu), sân chim Đầm Dơi (Cà Mau), Hòn Chông (Kiên Giang), v.vVùng ven biển và trên các đảo, quần đảo có tính đa dạng sinh học cao tại các vườn quốc gia: VQG Bái Tử Long, VQG Cát Bà, VQG Côn Đảo, VQG Phú Quốc…
    Rừng chiếm diện tích lớn trên các đảo (rừng và đất rừng chiếm hơn 70% diện tích đảo Phú Quốc, 68% diện tích quần đảo Vân Đồn, khoảng 65% diện tích Côn Đảo, xấp xỉ 60% diện tích đảo Cát Bà) với thành phần thực vật phong phú và độc đáo. Hệ động vật cũng rất đa dạng với nhiều nguồn gen quí hiếm. Hệ sinh thái biển trong đó đáng kể nhất là hệ sinh thái san hô là thế mạnh của các đảo trong phát triển du lịch.
    – Tài nguyên nước
        So với một số nước trên thế giới thì nguồn nước ngọt và nước khoáng dải ven biển Việt Nam rất phong phú; hầu hết các các khu du lịch đều có nguồn nước ngọt, trử lượng khác nhau, nguồn nước khoáng như: Quang Hanh – Cẩm Phả – Quảng Ninh,Tiên Lãng – Hải Phòng, Tiền Hải – Thái Bình, Vĩnh Hảo – Bình Thuận, Bình Châu – Bà Rịa – Vũng Tàu (chữa bệnh)
    – Tài nguyên du lịch nhân văn
        Theo số liệu thống kê, toàn quốc hiện có khoảng trên 40 ngàn di tích các loại, trong số đó, tính đến nay có 3.250 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Theo thống kê hiện có 1.013 di tích được xếp hạng tập trung tại các tỉnh ven biển, chiếm 31,2% tổng số. Trong tổng số 11 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận ở Việt Nam thì có 05 di sản nằm ở các tỉnh ven biển, bao gồm : Thành nhà Hồ (Thanh Hoá); quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình (Thừa Thiên – Huế); phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam).
    Các di tích lịch sử văn hoá ở vùng ven biển Việt Nam phần lớn là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, nhiều di tích không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn là những kiệt tác kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao như chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, bãi cọc Bạch Đằng, núi Bài Thơ, đền Nguyễn Bỉnh Khiêm, chùa Vẽ, cố đô Huế, phố cổ Hội An, tháp Pônaga, Thích Ca Phật Đài…. Sự phân bố di tích xếp hạng ở các huyện ven biển và huyện đảo theo tổ chức lãnh thổ du lịch như sau : ở các huyện ven biển và huyện đảo vùng du lịch Bắc Bộ : 246 di tích, bằng 47,0% tổng số di tích được xếp hạng ở các huyện ven biển và huyện đảo; tiếp theo là các huyện ven biển và huyện đảo vùng du lịch Bắc Trung Bộ la 103 di tích, bằng 20,0%; ở các huyện ven biển và huyện đảo thuộc vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ, số di tích được xếp hạng quốc gia là 171, bằng 33,0% số di tích ở các huyện ven biển và huyện đảo (Hình 1).

    Hình 1 : Phân bố di tích xếp hạng quốc gia ở các huyện ven biển, huyện đảo

    bdkh dlb2012
       Theo thống kê phân loại xếp hạng của Bộ VHTTDL, trong tổng số các di tích xếp hạng các tỉnh ven biển Việt Nam, số lượng các di tích lịch sử chiếm tỷ lệ lớn nhất (50%), tiếp đến là các di tích kiến trúc nghệ thuật (23%); tuy nhiên lại có tới 8% số di tích thuộc loại hình lịch sử kiến trúc nghệ thuật, 1% di tích nghệ thuật và 1% di tích lịch sử nghệ thuật (Hình 2).

    Hình 2 : Cơ cấu loại hình di tích xếp hạng các tỉnh ven biển Việt Nam

    bdkh dlb20121

        Theo thống kê sơ bộ, hiện ở các địa phương ven biển đã có khoảng 195 lễ hội dân gian truyền thống. Tuy nhiên, cũng như làng nghề truyền thống, sự phân bố của lễ hội cũng rất khác nhau. Theo thống kê, các tỉnh ven biển thuộc vùng du lịch Bắc Bộ có tới 126 lễ hội, chiếm tới 65% tổng số lễ hội các tỉnh ven biển. Các tỉnh ven biển thuộc vùng du lịch Bắc Trung Bộ và vùng du lịch Nam Trung Bộ & Nam Bộ có số lượng tương đương 34 và 35 lễ hội tương ứng 17 và 18%
        Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có trên 4.000 làng nghề với 53 nhóm nghề, trong đó có nhiều nghề thủ công truyền thống với lịch sử phát triển từ lâu đời.
    Trong số các làng nghề, ở vùng ven biển có trên 150 làng nghề đại diện cho các nghề truyền thống có giá trị du lịch.  Sự phân bố của những làng nghề này theo tổ chức lãnh thổ du lịch có sự khác biệt khá lớn.
        Ở dải ven biển Việt Nam có 8 trên tổng số 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam chính sinh sống. Người Kinh phân bố rộng rãi ở tất cả các địa phương ven biển; người Hoa tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh; người Khơ Me cư trú chủ yếu ở các địa phương ven biển đồng bằng song Cửu Long, đặc biệt là ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu; người Raglai cư trú ở Phú Yên, Khánh Hoà; người Chăm cư trú ở các địa phương ven biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán sinh hoạt truyền thống riêng, phong phú và đặc sắc.
        Ngoài ra vùng ven biển còn có tài nguyên văn hóa khác như: nghệ thuật ẩm thực, ca múa nhạc, các cơ sở văn hoá thể thao với những hoạt động văn hoá thể thao mang tính sự kiện với những sắc thái riêng cũng không kém phần độc đáo.
    Tóm lại. Tài nguyên khu vực ven biển phong phú đa dạng, tuy nhiên do đặc điểm về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch ở dải ven biển chịu tác động của nhiều yếu tố tự nhiên bất lợi (thiên tai), tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng
    1.2.4. Các khu du lịch biển đều có hệ thống giao thông nội và ngoại vùng
    – Hệ thống đường giao thông ngoại vùng.
    + Các trục giao thông đường bộ nối với các khu du lịch ven biển
    Trục dọc Bắc-Nam có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế biển nói chung và các khu du lịch nói riêng là đường QL 1A, đường quốc phòng ven biển, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
    Trục Đông – Tây phân bố trên hầu hết các tỉnh vùng ven biển: QL4 từ Quảng Ninh đi Cao Bằng – Hà Giang; QL18, nối Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, QL5 hiện có và dự án phát triển mới, nói Hải phòng với Hà Nội là hai trung tâm quốc gia; QL21 nối các tỉnh vùng Nam ĐBSH với vùng TDMN Bắc Bộ, QL 27 từ Phan Rang (Ninh Thuận) đi Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk); QL28 từ Phan Thiết đi Lâm Đồng; QL 29 từ Vũng Rô (Phú Yên)…
    + Giao thông đường sắt Bắc – Nam dài 1.726 km đi qua 18/28 các địa phương ven biển. Tuyến đường sắt này sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển của du lịch biển khi nó được hoà vào hệ thống đường sắt xuyên Á.
    + Giao thông đường thủy và cảng biển. Bao gồm đường biển và đường sông được kết nối với nhau qua các cửa sông và giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế biển nói chung và các khu du lịch nói riêng.
    + Giao thông hàng không. Có 14/20 sân bay đang được khai thác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và du lịch ở vùng ven biển là : Cát Bi (Hải Phòng); Vinh (Nghệ An); Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (Huế); Đà Nẵng; Phù Cát ( Bình Định); Tuy Hoà ( Phú Yên); Cam Ranh (Khánh Hoà); Vũng Tàu, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu);  Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh); Cà Mau (Cà Mau); Rạch Giá, Phú Quốc (Kiên Giang).
    – Hệ thống giao thông nội vùng khu du lịch biển.
        Để phục vụ cho phát triển khu du lịch, hầu hết các khu du lịch đều có hệ thống nội vùng trong các khu du lịch hoặc nối khu du lịch với các đường chính, đường khu dân cư…Hệ thống đường này đa dạng, nhưng chủ yếu là đường được thiết kế mang thẩm mỹ, chất lượng vừa phải phục vụ khách du lịch.
    1.2.5. Các khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp xen kẻ với các khu du lịch ven biển
        Hệ thống đô thị Việt Nam tập trung chủ yếu ở vùng ven biển với 33 đô thị từ cấp 1 – 3 và 01 đô thị đặc biệt. Cụ thể :
    – 01 đô thị đặc biệt : TP. Hồ Chí Minh;
    – 05 đô thị loại 1 : Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, trong đó Hải Phòng và Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương;
    – 07 đô thị loại 2 : Hạ Long, Nam Định, Thanh Hóa, Phan Thiết, Vũng Tàu, Mỹ Tho và Cà Mau;
    – 20 thành phố, thị xã đô thị loại 3: Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Thái Bình, Ninh Bình, Cửa Lò, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Đông Hà, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Cam Ranh, Phan Rang-Tháp Chàm, Bà Rịa, Tân An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá.
         Ngoài ra trên địa bàn các tỉnh ven biển còn có hệ thống đô thị loại 4 đến 5 và nhiều điểm dân cư tập trung, dân cư các khu công nghiệp khác.
    1.2.6. Các khu du lịch được bố trí cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
    – Cơ sở lưu trú.
    Tốc độ tăng trưởng cơ sở lưu trú của các khu du lịch ven biển giai đoạn 2005-2014 đạt 12%, đến năm 2014,  số cơ sở lưu trú du lịch gần 7.800 cơ sở với 180 ngàn buồng, bằng 52% tổng số cơ sở lưu trú và 60% tổng số cơ sở lưu trú toàn quốc.
        Hệ thống lưu trú ở vùng ven biển tập trung tại một số trung tâm du lịch tại Bãi Cháy, Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa Vũng Tàu) Huế, Đà Nẵng, Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa)…
    Về chất lượng cơ sở lưu trú tại các khu du lịch tăng lên nhiều khu du lịch đã có khách sạn từ 3-5 sao như Bãi Cháy, Đà Nẵng, Huế, Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu). Tuy nhiên cũng như sự phân bố chung của hệ thống lưu trú, phân bố của các cơ sở lưu trú cùng số buồng được xếp hạng không đồng đều theo các khu vực ven biển
    – Cơ sở vật chất kỹ thuật khác
        Các cơ sở này bao gồm các cơ sở ăn uống ngoài khách sạn lưu trú, các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, các dịch vụ du lịch bổ sung, các dịch vụ vận chuyển khách du lịch… hầu hết các cơ sở này được đầu tư xây dựng trong và liên kề các khu du lịch
    1.2.7. Sản phẩm tại các khu du lịch biển
        Các sản phẩm tại các khu du lịch biển chủ yếu là:
    – Nghỉ dưỡng biển: là sản phẩm du lịch đặc trưng của du lịch biển và được xây dựng phổ biến ở các khu du lịch địa phương vùng ven biển, trên các hải đảo như : Khu vực Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An – Quảng Nam, Nha Trang – Khánh Hoà, Mũi Né – Bình Thuận, v.v. và trên một số đảo như Tuần Châu, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc, v.v.
    – Du lịch sinh thái liền kề các khu dự trữ sinh quyển, các VQG, khu BTTN vùng ven.
    – Tham quan các di sản thế giới ở vùng ven biển: đây là loại sản phẩm hiện thu hút được khá động lượng khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
    – Tham quan các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng.
    – Tham quan cảnh quan: Đây là những sản phẩm được xây dựng trên cơ sở khai thác các giá trị cảnh quan vũng, vịnh như đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, vịnh Cảnh Dương, Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vịnh Văn Phong, Nha Trang (Khánh Hoà), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận), v.v.; cảnh quan các đảo ven bờ như Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), v.v.
    – Thể thao biển: Với quy mô nhỏ với một số hình thức đơn giản như dù lượn, cano, lướt ván, lặn bình dưỡng khí, v.v
    – Du lịch tầu biển được xem là nhóm sản phẩm du lịch rất đặc thù của du lịch biển.
    2. Kịch bản biến đổi khí hậu
    Viện khoa học Khí tượng, Thủy văn và Môi trường đã nghiên cứu và dự đoán về xu hướng BĐKH trong tương lai tại Việt Nam từ các mô hình khí hậu toàn cầu theo ba kịch bản là kịch bản phát thải thấp (B1), kịch bản phát thải trung bình của nhóm kịch bản trung bình (B2), và kịch bản phát thải trung bình của nhóm kịch bản cao (A2). Theo đó tương lai Việt Nam sẽ phải đối mặt với.
    2.1. Mực nước biển dâng
    Qua nghiên cứu thông tin chuỗi số liệu hiện trạng đo tại các trạm hải văn ven bờ và hải đảo ở Việt Nam, tốc độ biến đổi của mực nước theo thời gian đặc biệt là trung bình hàng tháng trong năm. Cụ thể, với ba trạm Hòn Dấu, Cô Tô và Hòn Ngư trong bảng cho thấy các kết quả tương tự như nhau và ổn định.

    Bảng số: Tốc độ biến đổi (mm/năm) của mực nước biển ở Hòn Dấu và Cô Tô ước lượng theo các chuỗi giá trị mực nước khác nhau

        Tuy nhiên, quan sát theo năm theo bảng sau thì mực nước trung bình mỗi năm rất khác nhau trên toàn dải bờ biển cũng như ngay trong một khu vực vùng biển. Cụ thể, trong nhóm các trạm nằm gọn trong dải bờ Tây Vịnh  Bắc Bộ như Cửa Ông, Cô Tô, Cửa Cấm và Hòn  Dấu thì tốc độ biến đổi mực nước một năm cũng khác nhau cả về dấu. Như vậy, chỉ có thể sơ bộ ước lượng tốc độ dâng hạ mực nước biển do biến đổi khí hậu ở khu vực phía Tây Bắc Vịnh Bắc Bộ, gồm cả dải ven bờ đồng bằng Bắc Bộ và ven bờ Trung Trung Bộ vào khoảng 2 – 4mm/năm, ở vùng biển Vũng Tàu – Côn Đảo: khoảng từ 0 – 2mm/năm, ở dải ven bờ phía Tây Nam trong Vịnh Thái Lan: từ 2 – 4mm/năm. Sâu vào trong sông, lân cận thành phố Hồ Chí Minh: dâng khoảng 2mm/năm nếu căn cứ vào các con số tại trạm Nhà Bè và Phú An.

    Bảng số: Tốc độ biến đổi (mm/năm) của mực nước biển dọc bờ Việt Nam

       Theo tài liệu của Khí tượng thủy văn theo dỏi thì xu thế biến đổi mực nước biển trung bình tạo các thời đoạn 20 năm khác nhau. Có thể thấy, xu thế biến đổi mực nước biển trung bình thay đổi và có xu hướng tăng lên hàng năm.

    Bảng số: Tốc độ biến đổi của mực nước trung bình theo các thời kì

       Như vậy, kịch bản nước biển dâng được xây dựng cho bảy khu vực bờ biển của Việt Nam, bao gồm: (1) Khu vực bờ biển từ Móng Cái đến Hòn Dáu; (2) Khu vực bờ biển từ Hòn Dáu đến Đèo Ngang; (3) Khu vực bờ biển từ Đèo Ngang đến đèo Hải Vân; (4) Khu vực bờ biển từ Đèo Hải Vân đến Mũi Đại Lãnh; (5) Khu vực bờ biển từ Mũi Đại Lãnh đến Mũi Kê Gà; (6) Khu vực bờ biển từ Mũi Kê Gà đến Mũi Cà Mau; và (7) Khu vực bờ biển từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên.
    Theo kịch bản phát thải trung bình (B2): Vào giữa thế kỷ 21, trung bình trên toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 24-27cm. Đến cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62-82cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái trong khoảng từ 49-64cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 57-73cm.

    Bảng số: Mực nước biển dâng theo kịch bản phát thải trung bình (cm)

     

    Khu vực

    Các mốc thời gian của thế kỷ 21

    2020

    2030

    2040

    2050

    2060

    2070

    2080

    2090

    2100

    Móng Cái-Hòn Dáu

    7-8

    11-12

    15-17

    20-24

    25-31

    31-38

    36-47

    42-55

    49-64

    Hòn Dáu-Đèo Ngang

    7-8

    11-13

    15-18

    20-24

    25-32

    31-39

    37-48

    43-56

    49-65

    Đèo Ngang-Đèo Hải Vân

    8-9

    12-13

    17-19

    23-25

    30-33

    37-42

    45-51

    52-61

    60-71

    Đèo Hải Vân-Mũi Đại Lãnh

    8-9

    12-13

    18-19

    24-26

    31-35

    38-44

    45-53

    53-63

    61-74

    Mũi Đại Lãnh-Mũi Kê Gà

    8-9

    12-13

    17-20

    24-27

    31-36

    38-45

    46-55

    54-66

    62-77

    Mũi Kê Gà-Mũi Cà Mau

    8-9

    12-14

    17-20

    23-27

    30-35

    37-44

    44-54

    51-64

    59-75

    Mũi Cà Mau-Kiên Giang

    9-10

    13-15

    19-22

    25-30

    32-39

    39-49

    47-59

    55-70

    62-82

       – Theo kịch bản phát thải cao (A1FI): Vào giữa thế kỷ 21, trung bình trên toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 26-29cm. Đến cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 85-105cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái trong khoảng từ 66-85cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78-95cm.

    Bảng 4.1. Mực nước biển dâng theo kịch bản phát thải cao (cm)

     

    Khu vực

    Các mốc thời gian của thế kỷ 21

    2020

    2030

    2040

    2050

    2060

    2070

    2080

    2090

    2100

    Móng Cái-Hòn Dáu

    7-8

    11-13

    16-18

    22-26

    29-35

    38-46

    47-58

    56-71

    66-85

    Hòn Dáu-Đèo Ngang

    8-9

    12-14

    16-19

    22-27

    30-36

    38-47

    47-59

    56-72

    66-86

    Đèo Ngang-Đèo Hải Vân

    8-9

    13-14

    19-20

    26-28

    36-39

    46-51

    58-64

    70-79

    82-94

    Đèo Hải Vân-Mũi Đại Lãnh

    8-9

    13-14

    19-21

    27-29

    36-40

    47-53

    58-67

    70-82

    83-97

    Mũi Đại Lãnh-Mũi Kê Gà

    8-9

    13-14

    19-21

    27-30

    37-42

    48-55

    59-70

    72-85

    84-102

    Mũi Kê Gà-Mũi Cà Mau

    8-9

    13-14

    19-21

    26-30

    35-41

    45-53

    56-68

    68-83

    79-99

    Mũi Cà Mau-Kiên Giang

    9-10

    14-15

    20-23

    28-32

    38-44

    48-57

    60-72

    72-88

    85-105

    Hình 4.1. Kịch bản nước biển dâng cho các khu vực ven biển Việt Nam

    bdkh dlb20126

       Dự đoán chính thức của Việt Nam về mức tăng tối đa mực nước biển trung bình là 75cm (dựa trên các kịch bản phát thải trung bình B2) vào năm 2100. Tuy nhiên, tham số quy hoạch riêng của Việt Nam là mực nước biển trung bình dâng một mét vào năm 2100. Số liệu này phù hợp với dự đoán theo kịch bản phát thải cao A2 do sự giãn nở nhiệt của vùng nước biển ấm hơn có kể đến băng tan.
    Nếu không có những biện pháp bảo vệ như củng cố hệ thống đê điều và cải thiện hệ thống thoát nước, mức tăng mực nước biển trung bình 1 m dọc theo bờ biển của Việt Nam sẽ gây ngập 17.423 km2, tương đương với 5,3% tổng diện tích đất của Việt Nam. Trong đó, 82% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, 9% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập và hơn 4% diện tích khu vực Bắc Trung Bộ và khu vực Đông Nam Bộ sẽ bị ngập. Khu vực Đông Nam Bộ bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và vùng đất dọc sông Sài Gòn/Nhà Bè.
    Hơn nữa, 33 trong số 63 tỉnh và thành phố, hoặc 5 trong số 8 vùng kinh tế đang bị đe dọa bởi ngập lụt nghiêm trọng. Trong số 33 tỉnh và thành phố, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, và Sóc Trăng là bốn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mực nước biển trung bình tăng.
    2.2. Thay đổi lượng mưa
       BĐKH sẽ làm tăng tổng lượng mưa năm ở tất cả các vùng của Việt Nam. Tuy nhiên, sự thay đổi lượng mưa rất phức tạp tùy theo mùa và khu vực cụ thể. Xác suất xuất hiện của các trận mưa cực đoan và lũ lụt cũng sẽ tăng, đặc biệt là ở các vùng biển duyên hải Bắc Bộ, bắc trung Bộ. Tuy nhiên, người ta cho rằng lượng mưa sẽ chỉ tăng trong những tháng mùa mưa thậm chí với mức độ nhiều hơn hiện nay, trong những tháng mùa khô (tháng mười hai – tháng năm), lượng mưa trung bình sẽ giảm khoảng 20% làm cho hạn hán trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Nam bao gồm cả đồng bằng sông Cửu Long. Việc giảm lượng mưa trong các tháng mùa khô sẽ kéo theo sự gia tăng các rủi ro hạn hán đồng thời cũng làm tăng lượng bốc hơi do nhiệt độ cao.
    2.3. Nhiệt độ trung bình gia tăng
       Theo kịch bản phát thải B2, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng khoảng 2,30C vào cuối thế kỷ 21 so với những thập niên cuối thế kỷ 20. Sự gia tăng nhiệt độ sẽ được cảm nhận rõ ở phía Bắc. Tuy nhiên, các số liệu khoa học gần đây cho thấy rằng thế giới vẫn còn trong quá trình phát thải cao. Theo kịch bản phát thải cao A2, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình hàng năm sẽ tăng 3,60C ở vùng ven biển trung tâm phía bắc. Nhiệt độ trung bình gia tăng sẽ làm tăng số lượng các đợt nóng và giảm số lượng các đợt lạnh. Nếu nhiệt độ tăng là 100C, số lượng sóng nhiệt sẽ tăng từ 100 đến 180%, trong khi số lượng các đợt lạnh giảm từ 20 đến 40%. Ở đồng bằng sông Hồng, nơi nhiệt độ mùa hè năm 2100 dự kiến tăng 1,60C theo kịch bản phát thải trung bình B2 và tăng 2,40C theo kịch bản phát thải cao A2, số lượng sóng nhiệt tương ứng sẽ tăng gấp đôi và gấp ba lần.
    2.4. Gia tăng lũ lụt
       Thiệt hại lũ lụt dự kiến sẽ trầm trọng hơn do lượng mưa ngày sẽ tăng khoảng 12-19% vào năm 2070 tại một số khu vực, tác động đến cả lưu lượng đỉnh lũ và tần suất xuất hiện mưa lũ. Rủi ro lũ lụt cũng có khả năng gia tăng bởi những thay đổi về tần số và cường độ mưa lớn, mưa nội đồng kèm theo nước dâng do bão vùng bờ biển.
    2.5. Thay đổi hình thế bão
       Do sự gia tăng nhiệt độ, miền Bắc bão sẽ xuất hiện nhiều hơn và cường độ của bão sẽ tăng lên, dẫn đến tốc độ gió lớn nhất tăng và mưa với cường độ cao hơn. Vùng ven biển sẽ chịu nhiều trận bão lớn, đe doạ hơn tới cuộc sống, sinh kế của người dân, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp. Cộng đồng miền núi sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn. Hơn nữa, thiệt hại tiềm tàng từ các cơn bão nhiệt đới sẽ gia tăng do mật độ dân số sinh sống ở khu vực dễ xảy ra bão gia tăng và xuất hiện nhiều cơ sở hạ tầng có giá trị kinh tế cao tại các khu vực này.
    Ngoài ra BĐKH có tác động khác như làm tăng khả năng sạt lở đất. Các đợt nóng và lạnh cũng như lốc xoáy cũng có thể xảy ra, mặc dù khó có thể ước tính được mức độ tác động của các sự kiện này.
    2.6. Xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt
       Theo kịch bản biến đổi khí hậu của thế giới và Việt Nam, trong các thập kỷ tới khi nước biển dâng cao, vùng ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và tình trạng ngập lũ hạ lưu sông Cửu Long với qui mô lớn. Hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng sẽ chịu tác động xấu khi chế độ nước ngập sâu bị thay đổi do nước biển dâng cao. Quá trình xâm nhập mặn ở mức độ cao có thể hủy diệt thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tràm ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang… An ninh lương thực quốc gia sẽ bị đe dọa và đời sống nông dân nghèo trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
    3. Đánh giá nguy cơ tác động của biến dổi khí hậu đối với khu du lịch biển
       Do đặc điểm các khu du lịch ven biển của Việt Nam và tính đặc thù hoạt động du lịch tại các khu du lịch biển nên nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu đối với khu du lịch ven biển trên các vấn đề sau.
    3.1 Nguy cơ thu hẹp số lượng các khu du lịch ven biển
       Nếu theo tính toán và dự báo ccủa các chuyên gia biến đổi khí hậu đến 2100 nước biển tăng lên từ 75 cm -100 m thì các vùng ven biển sẽ mất 17.423 km2, tương đương với 5,3% tổng diện tích đất của Việt Nam. Trong đó, 82% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, 9% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập và hơn 4% diện tích khu vực Bắc Trung Bộ và khu vực Đông Nam Bộ sẽ bị ngập. Khu vực Đông Nam Bộ bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và vùng đất dọc sông Sài Gòn/Nhà Bè.
    Có 33 trong số 63 tỉnh và thành phố, hoặc 5 trong số 8 vùng kinh tế đang bị đe dọa bởi ngập lụt nghiêm trọng. Trong số 33 tỉnh và thành phố, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, và Sóc Trăng là bốn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mực nước biển trung bình tăng.
       Hầu hết các khu du lịch ven biển của Việt Nam hiện nay bám vào ven biển, các đảo, thậm chí một số khu du lịch có diện tích lẫn chiếm đến sát mặt nước biển nếu theo lịch bản trên thì số lượng khu du lịch buộc phải ngừng hoạt động cung cấp cho khách du lịch.
       Bên cạnh đó, các khu du lịch ven biển là vùng trũng thấp, bãi lầy… nên diện tích các khu vực này ngày càng được mở rộng do nước biển dâng dẫn đến nguy cơ không có đất cho xây dựng các khu du lịch mới trong tương lai khu vực ven biển đồng bằng song Cửu Long, Bắc bộ.
       Cụ thể xem xét về tác động đến bãi biển được xem là tài nguyên “hạt nhân” cho phát triển du lịch biển – một lợi thế so sánh và hướng phát triển ưu tiên của du lịch Việt Nam.
       Kết quả khảo sát đánh giá hệ thống các bãi biển Việt Nam trong khuôn khổ “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995-2010” cho thấy dọc vùng ven biển Việt Nam hiện có khoảng 125 bãi biển có điều kiện khai thác để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, trong đó có nhiều bãi biển đặc biệt có giá trị như bãi biển Trà Cổ, Quan Lạn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thuận An, Lăng Cô, Non Nước, Hòn Gốm, Mũi Né, Long Hải, Bãi Dài – Phú Quốc, v.v.
       Phần lớn các bãi biển này có độ cao trung bình khoảng 1,0-1,5m so với mực nước triều cao nhất. Như vậy với kịch bản phát thải cao (A1FI) mực nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao 1,0m vào năm 2100, rất nhiều bãi biển chủ yếu của Việt Nam sẽ không còn hoặc bị thu hẹp đáng kể.
       Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2050 mực nước biển ở Việt Nam sẽ dâng khoảng 30 – 33cm. Như vậy trong khoảng thời gian đến 2050, diện tích của nhiều bãi biển ở Việt Nam sẽ bị thu hẹp bởi mực nước biển dâng. Những bãi biển có độ cao không lớn có thể sẽ bị ngập hoàn toàn khi triều lên.
    Tại những khu vực thực hiện khảo sát cuối năm 2010 và đầu 2011, một số bãi biển như Quan Lạn, Ti Tốp (Quảng Ninh); Đồ Sơn (Hải Phòng); Thuận An (Thừa Thiên – Huế); Non Nước (Đà Nẵng); Bãi Dài (Khánh Hòa) đã được nghiên cứu về các biểu hiện trạng thái tác động của mực nước biển dâng.
       Như vậy qua phân tích những đặc điểm có tính quy luật và thực tiễn các dấu hiệu quan trắc được qua hoạt động khảo sát có thể thấy các bãi biển ở khu vực phía Bắc có khả năng chịu tác động mạnh hơn và thường bị ngập với những mức độ khác nhau dưới tác động của BĐKH (bão, mực nước biển dâng).
       Đối với các bãi biển ở khu vực miền Trung, biểu hiện của tình trạng “ngập” các bãi biển chưa thể hiện một cách rõ ràng. Tuy nhiên một số nghiên cứu về xói lở đường bờ đã chỉ ra do đặc điểm địa hình tương đối dốc ở bờ biển khu vực miền Trung, tình trạng xói lở đường bờ nói chung và ở các bãi biển nói riêng ở khu vực này diễn ra khá mạnh hơn so với khu vực phía Bắc và Đông Nam Bộ. Ở vùng ven biển Tây Nam Bộ tình trạng xói lở này cũng diễn ra tương đối phức tạp ảnh hưởng đến các bãi biển ở khu vực này.
       Do tác động của biến đổi khí hậu nhiều tài nguyên du lịch ảnh hưởng làm giảm có thể nhiều khu vực cảnh quan đẹp mất đi làm giảm mức độ thu hút khách du lịch dẫn đến sưc hút của các nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng các khu du lịch ven biển.
       Do vấn đề nước biển dâng, lũ lụt, thời tiết cực đoan khác tạo nên việc đi lại khó khăn cho khách du lịch cùng như việc cung cấp sản phẩm du lịch cho các khu du lịch dẫn đến giảm số lượng hoặc nhiều khu vực không được đầu tư phát triển khu du lịch.
    3.2. Nguy cơ giảm chất lượng sản phẩm dịch vụ của các khu du lịch ven biển
        Chất lượng sản phẩm và dịch vụ ở các khu du lịch phụ thuộc vào 02 yếu tố cơ bản đó là tài nguyên du lịch và năng lực lao động tại khu du lịch.
    Yếu tố để xác lập nên các khu du lịch ven biển là tài nguyên du lịch biển, cụ thể là các bãi biển, nếu không còn hoặc không có các bãi biển thì ý nghĩa của khu du lịch ven biển giảm, nếu theo kịch bản trên thì tương lai các bãi biển hiện nay sẽ không còn.
       Tài nguyên biển và ven biển phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và môi trường nếu thay đổi điều kiện tự nhiên vốn có làm giảm số lượng và chất lượng tài nguyên, có thể trong tương lai một số tài nguyên sẽ biến mất như các đảo trên vịnh Hạ Long biến mất dẫn đến vịnh Hạ Long không còn ý nghĩa; nước biển mất thì một số hang động chìm sẽ nằm dưới mức nước biển cũng dẫn đến ảnh hưởng giá trị tài nguyên…đồng nghĩa với giảm giá trị sản phẩm khu du lịch và mức độ thu hút khách du lịch.
       Năng lực lao động của khu du lịch nói chung và khu d lịch ven biển phụ thuộc vào số lượng và trình độ lao động. Hai yếu tố trên bị tác động bởi thu nhập và tâm lý người lao động. Nếu công việc tại các khu du lịch ven biển ngày càng khó thì người lao động sẽ chuyển đổi nghề nghiệp sang ngành nghề khác trong tương lai dẫn đến số lượng lao động trong khu du lịch ven biển sẽ ít đi và khó tìm được những lao động có chuyên ngành cao trong lĩnh vực này.
    3.3. Nguy cơ doanh thu các khu du lịch giảm dần và thất thu cho nhà nước, khu vực
        Nguồn thu của các khu du lịch phụ thuộc vào số lượng lượt khách, độ dài ngày lưu trú và mức chi tiêu của khách. Động cơ mục tiêu đi du lịch của khách  đối với các khu du lịch ven biển phụ thuộc vào giá trị và mức hấp dẫn tài nguyên, trước tiên là giá trị các bãi biển có nước trong, phẳng, cát trắng, nước biển có độ mặt hợp lý…các tiêu chuẩn này hình thành phải có quá trình nhất định với thời gian lâu dài hình thành nên, ngoài ra còn có các loại tài nguyên và sản phẩm du lịch khác…Do tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng các bãi biển sẽ không còn hoặc giảm giá trị, tài nguyên giảm cả số lượng chất lượng dẫn đến tác động số lượng khách, thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách dẫn đến ảnh hưởng doanh thu cho các khu du lịch
       Do diễn biến và thời gian tác động của biến đổi khí hậu công việc kinh doanh bị gián đoạn để khắc phục dẫn đến ảnh hưởng doanh thu.
    và tác động đến nghĩa vụ nộp cho ngân sách.
    3.4 Làm tăng chi phí đầu tư của các khu du lịch trong tương lai
       Do cấu tạo địa tầng, chủ yếu là cát và nền đất mềm tại các khu vực ven biển và các đảo của Việt Nam nói chung là yếu, không ổn định nên phát sinh chi phí đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là gia cố hệ thống giao thông ban đầu. Nếu nước biển dâng, các hiện tượng cực đoan khác của thời tiết dẫn đến hiện tượng rửa trôi, nền đất càng yếu đi và nhiều vùng bị ngập hơn dẫn đến tăng chi phí đầu tư đặc biệt là kết cấu và tôn cao các hệ thống hạ tầng để đảm bảo an toàn cho khu du lịch và khách.
       Tương tự như vậy, đối với cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cua các khu du lịch cũng tăng chi phí cho việc xây dựng, đầu tư mới các dịch vụ bị ảnh hưởng hoặc gia công cho các khu vui chơi giải trí; trang thiết bị phải trang bị mới phù hợp với điều kiện thời tiết.
       Ngoài ra, biến đổi khí hậu gây ra một số hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm: nhiệt độ cao hơn vào ban ngày ở gần như tất cả các vùng, cường độ cơn bão nhiệt đới và gió lớn, lượng mưa cao và hạn hán kéo dài… Từ đó, ngành công nghiệp du lịch sẽ tăng thiệt hại về cơ sở hạ tầng, các yêu cầu khẩn cấp, chi phí điều hành cao hơn (ví dụ như bảo hiểm, nước dự phòng, công tác sơ tán…) làm phát sinh chi phí ngoài dự kiến hoặc không mong muốn.
    3.5. Nguy cơ làm giảm về số lượng và chất lượng các tài nguyên du lịch trong và ngoài khu du lịch ven biển
       Tài nguyên du lịch là yếu tố sống còn để phát triển khu du lịch ven biển, cũng là động cơ mục đích để thu hút khách du lịch. Đặc điêm tài nguyên du lịch ven biển chủ yếu là tài nguyên tự nhiên để hình thành ban đầu các khu du lịch biển và có giá trị bền vững rất mong manh, phụ thuộc vào yếu tố môi trường tự nhiên và dễ bị biến mất hoặc hư hỏng nếu thay đổi điều kiện sống.
     Nếu xẩy ra hiện tượng cục đoan về biển đổi khí hậu dẫn đến số lượng tài nguyên du lịch sẽ giảm, biến mất hoặc bị thay đổi cấu trúc ảnh hưởng đến tính hấp dẫn đối với du lịch.
    Các hiện tượng cực đoan về thời tiết như: mưa bão, bão lũ, ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hóa, các công trình văn hóa bị hư hỏng hoặc xuống cấp như: vật liệu kiến trúc nhanh xuống cấp, hư hỏng.
       Tóm lại, Biển đối khí hậu là tác động khó lường đối với ngành du lịch nói chung và các khu du lịch biển nói riêng; nếu diễn biến đúng như dự báo của kịch bản thì nguy cơ tác động khó lượng và mức độ thiệt hại đối với các khu du lịch khó tính được. Vì vậy, mọi người nói chung và các bên tại khu du lịch ven biển cần có các giải pháp hữu hiệu kịp thời ngay nhằm làm giảm nguy cơ biến đổi khí hậu và đồng thời có biện pháp ứng phó cho khu du lịch.

    TS. Võ Quế – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục