Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xu hướng phát triển thị trường khách du lịch quốc tế và sản phẩm du lịch của Việt Nam

    logoVien    I. THỰC TRẠNG VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH VIỆT NAM

        1. Về thị trường quốc tế

        Sự phát triển của ngành du lịch nói chung và phát triển các sản phẩm du lịch nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế. Nói cách khác, thị trường khách du lịch giữ một vai trò rất quan trọng, là một yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành du lịch, của sự tồn tại và phát triển bền vững của sản phẩm du lịch. Sự phát triển ổn định, bền vững và có hiệu quả của thị trường khách du lịch là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Ngành du lịch.

        Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cần sản xuất và bán những gì mà thị trường có nhu cầu, chứ không phải sản xuất và bán những gì chúng ta có. Đối với ngành du lịch cũng vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu tâm lý, sở thích, nhu cầu, khả năng thu nhập và mức chi tiêu cho du lịch… của các thị trường khách du lịch, đặc biệt là những thị trường trọng điểm. Trên cơ sở nghiên cứu đó, kết hợp với những yếu tố sẵn có và khả năng đáp ứng…, để xây dựng những sản phẩm và dịch vụ du lịch mà các thị trường khách du lịch có nhu cầu sử dụng.

        Như vậy, muốn xây dựng được những sản phẩm du lịch Việt Nam mang tính đặc thù, có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế… (dựa trên các nguồn lực sẵn có), thì trước hết việc nghiên cứu kỹ lưỡng các thị trường du lịch hiện tại và các thị trường du lịch tiềm năng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng các sản phẩm du lịch Việt Nam đạt hiệu quả cao.

        Trong thời gian qua, sự phát triển của các thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn có những mặt hạn chế nhất định. Do vậy việc phân tích, đánh giá từng chỉ tiêu cụ thể của các thị trường khách du lịch quốc tế sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược về thị trường, lựa chọn thị trường ưu tiên, xây dựng chiến lược về sản phẩm… để nhằm mục đích nâng cao hiệu quả về mọi mặt của các hoạt động du lịch ở nước ta. Đánh giá về sự phát triển của thị trường khách du lịch quốc tế có thể dựa trên 3 tiêu chí cơ bản sau đây:

       1.1. Theo quốc tịch: Các thị trường then chốt của Du lịch Việt Nam bao gồm Trung Quốc; Đài Loan; Nhật Bản; Hàn Quốc; Pháp; Mỹ; các nước ASEAN… Những đặc điểm cơ bản của các thị trường này được phân tích, đánh giá như sau:

        + Thị trường khách Trung Quốc:
        – Tăng từ 626.476 khách năm 2000 lên 1.416.804 khách vào năm 2011; gấp 2,26 lần. Tăng trung bình 7,7%/năm.
        – Thị phần so với cả nước đạt 29,3%  năm 2000; và 23,6% vào năm 2011.
        – Mục đích chủ yếu qua lại buôn bán; tham quan; phương tiện chính đường bộ.
        – Ngày lưu trú trung bình thấp, chỉ đạt 2 – 3 ngày.
        – Mức chi tiêu trung bình thấp: đạt khoảng 35 – 40USD/ngày/khách.
        – Đóng góp vào tổng thu nhập từ khách quốc tế thấp: năm 2011 chỉ chiếm 4,4% so với cả nước (chiếm 23,6% về số khách).

        + Thị trường khách Đài Loan:
        – Tăng từ 212.370 khách năm 2000 lên 361.051 khách vào năm 2011; tăng trung bình 5,0%/năm.
        – Thị phần so với cả nước đạt 9,9%  năm 2000; và 6,0% vào năm 2011.
        – Mục đích chính: thương mại kết hợp tham quan; phương tiện chính máy bay.
        – Ngày lưu trú trung bình đạt 5,5 – 6,0 ngày.
        – Khả năng chi tiêu cao, trung bình mỗi ngày chi tiêu 80 – 90USD/khách
        – Đóng góp vào tổng thu nhập từ khách quốc tế: năm 2011 chiếm trên 6,5% so với cả nước (chiếm 6,0% về số khách).

        + Thị trường khách Nhật Bản:
        – Tăng từ 152.755 khách năm 2000 lên 481.519 khách vào năm 2011; tăng trung bình 11,0%/năm.
        – Thị phần so với cả nước đạt 7,1%  năm 2000; và 8,0% vào năm 2011.
        – Mục đích chính: Tham quan du lịch; nghiên cứu; sinh thái; nghỉ dưỡng; thương mại… Phương tiện chủ yếu là máy bay.
        – Lưu trú trung bình 6,0 – 7,5 ngày.
        – Khả năng chi tiêu cao: trung bình 150 USD/người/ngày.
        – Đóng góp lớn cho thu nhập của Ngành từ khách du lịch quốc tế: Năm 2011 chiếm tới xấp xỉ 17% (chiếm 8,0% khách)

        + Thị trường khách Hàn Quốc:
        – Tăng từ 53.452 khách năm 2000 lên 536.408 khách vào năm 2011; tăng nhanh, trung bình mỗi năm đạt 23,3%/năm.
        – Thị phần so với cả nước tăng từ 2,5% năm 2000 lên 8,9% vào năm 2011.
        – Mục đích: Tham quan du lịch; thương mại… Phương tiện chính máy bay.
        – Lưu trú trung bình 6 – 7 ngày.
        – Khả năng chi tiêu cao: trung bình 120 USD/người/ngày.
        – Đóng góp vào tổng thu nhập từ khách du lịch quốc tế: Năm 2011 chiếm tới 14,0% (chiếm 8,9% khách)

        + Thị trường Pháp:
        – Tăng từ 86.492 khách năm 2000 lên 211.444 khách vào năm 2011; tăng trung bình 8,5%/năm.
        – Thị phần so với cả nước ít thay đổi; đạt 4,1% năm 2000 và 3,5% năm 2011.
        – Là thị trường quan trọng, có khả năng chi trả cao.
        – Chủ yếu là: du lịch văn hóa (87%); thương mại (4,4%); thăm thân (3,5%).
        – Đi theo “tour” với thời gian trung bình 8-10 ngày; đặc biệt có tour từ 1-3 tuần.
        – Chi tiêu trung bình 100USD/người/ngày (thương mại 135USD; tham quan du lịch 99USD; thăm thân 70USD và khách có mục đích khác 80USD).
        – Đóng góp cho tổng thu nhập từ khách quốc tế: 7,5% năm 2011.

        + Thị trường Mỹ:
        – Tăng từ 208.642 khách năm 2000 lên 439.872 khách năm 2011; tăng trung bình 7,0%/năm.
        – Thị phần so với cả nước đạt 9,7% năm 2000 và 7,3% vào năm 2011.
        – Mục đích chủ yếu: tham quan du lịch (80,5%); thương mại (13,0%); thăm thân (2,5%); và các mục đích khác (4,0%).
        – Ngày lưu trú trung bình cao: khoảng 7-10 ngày. Phương tiện chính: Máy bay.
        – Chi tiêu trung bình khoảng 120USD/người/ngày (thương mại 170USD; tham quan du lịch 90USD…).
        – Đóng góp trong tổng thu nhập từ khách quốc tế: 16,5% năm 2011.

        + Thị trường ASEAN (chủ yếu là 3 nước Thái Lan, Campuchia, Malaysia):
        – Tăng từ 171.301 khách năm 2000 lên 838.392 khách năm 2011; tăng trung bình 15,6%/năm.
        – Thị phần so với cả nước tăng từ 8,0% năm 2000 lên 13,9% vào năm 2011.
        – Mục đích chính: thương mại; thăm thân; tham quan du lịch…
        – Ngày lưu trú ngắn: trung bình 3,5-4,5 ngày. Phương tiện chính: máy bay, ôtô.
        – Mức chi tiêu trung bình khoảng 80USD/người/ngày (trong đó khách du lịch thương mại khoảng 160USD).
        – Đóng góp cho tổng thu nhập từ khách quốc tế: 9,4% năm 2011.

        1.2. Theo mục đích của chuyến đi

         + Tham quan du lịch, nghỉ dưỡng:
        – Mức độ tăng trưởng tương đối cao, đạt trung bình 11,2%/năm (2000 – 2011).
        – Từ 1.138.200 khách năm 2000 tăng lên 3.651.299 khách năm 2011.
        – Về thị phần so với tổng số khách: Từ 53,2% năm 2000 lên 60,7% năm 2011.
        – Có khả năng thanh toán tương đối cao: 80 – 90USD/người/ngày.
        – Ngày lưu trú trung bình khoảng 6,5 ngày.
        – Năm 2011 chiếm 60,7% thị phần về khách; và 62,0% thị phần về thu nhập.

       + Khách du lịch thương mại:
        – Tăng từ 491.646 khách năm 2000 lên 1.003.005 khách vào năm 2011; tăng trưởng trung bình 6,7%/năm
        – Về thị phần: Chiếm 23% năm 2000; và 16,7% năm 2011; có xu hướng giảm.
        – Có khả năng chi trả rất cao: khoảng 150 – 160USD/người/ngày.
        – Thời gian lưu trú không dài: khoảng 5 – 6 ngày.
        – Khả năng đóng góp trong tổng thu nhập: năm 2011 chiếm 16,7% số khách nhưng chiếm 25,0% tổng thu nhập.

       + Khách du lịch thăm thân:
        – Tăng từ 399.962 khách năm 2000 (chiếm 18,7% tổng số) lên 1.007.267 khách (chiếm 16,7% tổng số) năm 2011. Tăng trung bình thấp 8,7%/năm.
        – Chi tiêu thấp (khoảng 50USD/người/ngày), ít lưu trú trong khách sạn.
        – Ngày lưu trú dài (khoảng 7 – 8 ngày), nhưng đóng góp cho tổng thu nhập thấp. Năm 2011 chiếm 16,7% tổng số khách, nhưng chỉ chiếm 10,0% thị phần về  thu nhập.

       1.3. Theo các phương tiện vận chuyển

       + Đường không:
        – Từ 1.113.140 khách năm 2000 tăng lên 5.031.586 khách năm 2011; mỗi năm tăng 14,7%.
        – Thị phần tăng nhanh; năm 2000 chiếm 52%; đến năm 2011 tăng lên 83,7%.
        – Ngày lưu trú trung bình khoảng 6 ngày.
        – Mức chi tiêu trung bình khoảng 100 USD/ngày/người.
        – Sự đóng góp trong tổng thu nhập là rất lớn. Năm 2011 chiếm 83,7% thị phần về số khách, nhưng đóng góp tới 91,9% tổng thu nhập.

       + Đường bộ:
        – Tăng từ 770.908 khách năm 2000 lên 936.125 khách năm 2011; tăng trung bình thấp1,8%/năm.
        – Thị phần chiếm 36% năm 2000; và chiếm 15,6% năm 2011.
        – Ngày lưu trú trung bình thấp (khoảng 5 – 6 ngày).
        – Chi tiêu thấp (50USD/ngày/người); đóng góp cho thu nhập hạn chế. Năm 2011 chiếm 15,6% thị phần về khách, nhưng chỉ chiếm 8,0% thị phần về tổng thu nhập.

       + Đường biển:  
        – Giảm nhanh: Giảm từ 256.052 khách năm 2000 còn 46.321 khách năm 2011.
        – Thị phần chiếm 12% năm 2000, và 0,7% năm 2011.
        – Đối tượng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Tây Âu..
        – Lưu trú ngắn, khoảng 1 – 2 ngày; không sử dụng dịch vụ lưu trú mà chỉ sử dụng một số dịch vụ như vận chuyển trên mặt đất, lệ phí tham quan, mua hàng lưu niệm, lệ phí visa…
        – Mức chi tiêu hạn chế, trung bình 30USD/ngày/người; khả năng đóng góp vào thu nhập của Ngành không đáng kể. Năm 2011 chiếm 0,7% thị phần về khách, và 0,1% thị phần về thu nhập.

       1.4. Đánh giá chung về thực trạng thị trường khách du lịch quốc tế

        – Thị trường Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất, nhưng đây lại là thị trường có mức chi tiêu thấp nhất, có ngày lưu trú thấp nhất, nên hiệu quả kinh tế từ thị trường này không cao.

        – Các thị trường có khả năng chi tiêu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Đài Loan có mức tăng trưởng tương đối ổn định. Mặc dù có lúc suy giảm cả về số lượng lẫn thị phần và ảnh hưởng đến thu nhập của Ngành nhưng sự suy giảm này không đáng kể. Với những thị trường này cần có những chiến lược cụ thể (sản phẩm, giá cả…) để khuyến khích và thu hút ngày càng nhiều, góp phần tăng trưởng ổn định và lâu dài các thị trường này.

        – Thị trường khách tham quan du lịch thuần túy có thị phần lớn nhất, có ngày lưu trú dài nhất, có khả năng chi trả tương đối cao. Thị trường này phát triển tương đối ổn định và hiệu quả, đóng góp phần lớn cho tổng thu nhập của Ngành. Đối với thị trường này cần mở rộng các điểm tham quan mới, tổ chức các tour mới hấp dẫn để thu hút ngày càng nhiều hơn.

        – Thị trường khách du lịch thương mại chiếm thị phần thấp nhất, có ngày lưu trú thấp, nhưng đây lại là thị trường có khả năng chi tiêu cao nhất, có khả năng đóng góp đáng kể cho tổng thu nhập toàn Ngành; đây cũng là thị trường có ý muốn quay trở lại Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua thị trường này phát triển không ổn định, có chiều hướng suy giảm cả về số lượng lẫn thị phần. Đối với thị trường này cần có những chính sách, những ưu đãi nhất định về đầu tư để thu hút và hấp dẫn họ vào Việt Nam.

        – Thị trường khách du lịch hàng không là thị trường quan trọng nhất: Chiếm thị phần cao nhất, có khả năng chi tiêu cao, có ngày lưu trú dài, đóng góp cho tổng thu nhập toàn Ngành lớn nhất. Để thu hút được nhiều khách du lịch hàng không hơn nữa cần có sự phối kết hợp kinh doanh giữa Ngành Du lịch và Ngành Hàng không.

        – Khách du lịch đường bộ và đường biển là những thị trường có khả năng chi tiêu thấp, ngày lưu trú ngắn… nên đóng góp cho tổng thu nhập của Ngành hạn chế. Sự biến động của các thị trường này ảnh hưởng không lớn đến hiệu quả kinh doanh của Ngành Du lịch.

    2. Thực trạng về sản phẩm du lịch

    Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng cả về mặt tự nhiên (các di sản tự nhiên thế giới; các vườn quốc gia, khu bảo tồn gắn với đa dạng sinh học; biển đảo; sông hồ; hệ thống hang động; các nguồn suối khoáng…) lẫn về mặt nhân văn (các di sản văn hóa thế giới; hệ thống các di tích lịch sử văn hóa – cách mạng; các làng nghề; các lễ hội truyền thống; văn hóa ẩm thực…). Đây là một trong những điều kiện cần rất quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch. Sự phân bố tài nguyên du lịch theo lãnh thổ cũng rất khác nhau. Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có những đặc điểm riêng về các điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội và có những đặc trưng riêng về tài nguyên du lịch. Do vậy, sự hình thành và phát triển sản phẩm du lịch ở mỗi vùng miền cũng khác nhau, có những nét đặc thù riêng. Trong những năm qua, hệ thống lãnh thổ du lịch Việt Nam được hình thành và phát triển theo các vùng khác nhau dựa trên vị trí địa lý cũng như các đặc điểm về tự nhiên và tài nguyên du lịch tự nhiên; dựa trên các đặc điểm về dân cư, dân tộc và tài nguyên du lịch nhân văn; dự trên các điều kiện về kinh tế – xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Hệ thống các sản phẩm du lịch Việt Nam cũng được hình thành và phát triển theo các vùng du lịch với những đặc trưng riêng, với sự độc đáo và hấp dẫn riêng. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch còn trùng lặp giữa các vùng, chưa có tính đặc trưng và hấp dẫn riêng, chất lượng chưa cao… Cụ thể như sau:

       2.1. Đối với Vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ

       + Các hướng khai thác chủ yếu để xây dựng sản phẩm du lịch:

        – Du lịch văn hóa – lịch sử: Dựa trên hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, trong đó nổi bật là các di tích gắn với chiến khu Việt Bắc, gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ…; và đặc trưng văn hóa của các dân tộc.

        – Du lịch sinh thái: Bao gồm du lịch tham quan nghiên cứu gắn với hệ thống hang động núi đá vôi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn; gắn với đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia và các khu bảo tồn…

        – Du lịch nghỉ dưỡng (núi và hồ): Đây là thế mạnh của Vùng, có thể phát triển ở Mẫu Sơn, Mộc Châu, Sa Pa…; và các hồ Thác Bà, Ba Bể, Pa Khoang, Núi Cốc, Sơn La, Hòa Bình…

       + Các sản phẩm du lịch chủ yếu:

        – Du lịch về với cội nguồn, thăm lại chiến trư¬ờng xư¬a (Việt Bắc, Pắc Bó, ATK, Điện Biên Phủ…).
        – Du lịch tham quan di tích, nghiên cứu tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc (Tày, Nùng, Thái, Mường, ¬Kháng, Cống, Giáy, La Ủ…)
        – Du lịch tham quan nghiên cứu thắng cảnh, hồ, hang động (thác Bản Giốc; hồ Ba Bể, hồ núi Cốc, hồ Thác Bà, hồ Pa Khoang, hồ Sơn La, hồ Hòa Bình, hồ Cấm Sơn; các động Nhất – Nhị – Tam Thanh, Ngư¬ờm Ngao, Pá Thơm, Động Tiên…).
        – Du lịch nghỉ dư¬ỡng, tắm nước khoáng nóng (Ba Bể, Mẫu Sơn, Mộc Châu, Sa Pa, Nguyên Bình, Pa Khoang; nước khoáng Kim Bôi, Thanh Thủy, U Va…).
        – Du lịch thể thao mạo hiểm (khám phá các khu bảo tồn thiên nhiên, hang động,  chinh phục đỉnh Fanxiphăng…)
        – Du lịch sinh thái ở các vư¬ờn quốc gia Hoàng Liên, Ba Bể, Xuân Sơn…
        – Du lịch lễ hội, festival, hội chợ…

       2.2. Đối với Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc

       + Các hướng khai thác chủ yếu để xây dựng sản phẩm du lịch:

        – Tham quan, nghiên cứu các di sản văn hóa lịch sử, danh thắng tự nhiên: Với đặc trưng của nền văn minh lúa nước, với lịch sử hàng ngàn năm văn hiến…, nơi đây còn lưu giữ một kho tàng vô giá các giá trị văn hóa đặc sắc (các di tích lịch sử văn hóa; hệ thống đình, chùa; các bảo tàng; các làng nghề, lễ hội truyền thống; văn hóa ẩm thực; văn hóa dân gian…). Đây là những tài nguyên quý giá để khai thác xây dựng sản phẩm du lịch.

        – Du lịch nghiên cứu sinh thái, nghỉ dưỡng: Là khu vực có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, mà điển hình là các vườn quốc gia; hệ thống sông hồ; biển đảo…, nên có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, núi và ven hồ…

        – Du lịch biển đảo: Với hàng trăm km bờ biển, hàng chục bãi cát đẹp, và hàng ngàn đảo lớn nhỏ…, có thể khai thác phát triển du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển, lặn biển.

        – Du lịch lễ hội, làng nghề truyền thống: Với hàng trăm các làng nghề truyền thống, và các lễ hội  và văn hóa dân gian – một kho tàng văn hóa phi vật thể vô giá…, có thể khai thác các sản phẩm du lịch làng nghề, gắn với các lễ hội truyền thống…

        – Du lịch hội nghị hội thảo và các sự kiện đặc biệt…: Với thủ đô Hà Nội – là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch… của cả nước; với , do vậy hàng năm thường diễn ra các sự kiện văn hóa thể thao, các hội nghị – hội thảo quốc tế. Đây là thế mạnh để khai thác loại hình du lịch MICE.

       + Các sản phẩm du lịch chủ yếu:

        – Du lịch tham quan nghiên cứu các di sản văn hóa và các danh thắng tự nhiên (Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long – di sản thế giới; Văn Miếu Quốc Tử Giám; Hương Sơn, Yên Tử, Cát Bà v.v…).
        – Du lịch nghỉ dưỡng núi và hồ, nghỉ cuối tuần (Ba Vì – Suối Hai, Đồng Mô, Tam Đảo, Đại Lải, Hồ Tây…)
        – Du lịch tắm, nghỉ dưỡng biển đảo (Trà Cổ, Cô Tô, Quan Lạn, Cát Bà, Đồ Sơn)
        – Du lịch nghiên cứu sinh thái (các vườn quốc gia Cát Bà, Bái Tử Long, Tam đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Xuân Thủy; khu đất ngập nước Vân Long…)
        – Du lịch tham quan, nghiên cứu các làng nghề, lễ hội (Bát Tràng, Đồng Kỵ, Vạn Phúc…; Hội Chọi trâu, Hội Lim, Hội Yên Tử…)
        – Du lịch hội nghị, hội thảo và các sự kiện đặc biệt (ở Hà Nội và các trung tâm du lịch Hạ Long, Hải Phòng)…

       2.3. Đối với Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ

       + Các hướng khai thác chủ yếu để xây dựng sản phẩm du lịch:

       – Du lịch biển đảo: Với hàng ngàn km bờ biển, hàng trăm bãi cát đẹp, và hàng chục đảo lớn nhỏ…, là những lợi thế nổi trội của Vùng có thể khai thác phát triển du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển – đảo, du lịch thể thao – mạo hiểm – lặn biển.

        – Tham quan, nghiên cứu các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam: Với đặc điểm nổi trội về số lượng các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam, nổi trội về các di sản văn hóa Chăm…, nên nơi đây có lợi thế khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, đủ khả năng cạnh tranh.

        – Du lịch nghiên cứu sinh thái, nghỉ dưỡng biển – đảo và núi: Đây cũng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, mà điển hình là các vườn quốc gia; các khu bảo tồn biển, các khu dự trữ sinh quyển thế giới; hệ thống các đảo…, nên có thể khai thác phát triển du lịch nghiên cứu sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, núi…

        – Du lịch hội nghị hội thảo và tổ chức các sự kiện đặc biệt…: Là khu vực tập trung nhiều thành phố du lịch nổi tiếng, nên nơi đây đã và đang tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và các sự kiện đặc biệt.

      + Các sản phẩm du lịch chủ yếu:

        – Du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển – đảo, tham quan đảo (Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né…; đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quý, các đảo ở Vịnh Nha Trang…).
        – Du lịch tham quan nghiên cứu “Con đường di sản thế giới Miền Trung” (Phong Nha Kẻ Bàng – Cố đô Huế – Hội An – Mỹ Sơn); các di sản văn hóa Chăm (bảo tàng Chăm, hệ thống tháp Chàm ở Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa…).
        – Du lịch nghiên cứu sinh thái (khu bảo tồn biển Hòn Mun; hệ sinh thái đồi cát Mũi Né; các VQG Bến En, Phù Mát, Vũ Quang, Phong Nha Kẻ Bàng, Bạch Mã)
        – Du lịch lịch hội nghị hội thảo – MICE (festival Huế, festival pháo hoa Đà Nẵng, thi Hoa hậu Vinpearl Nha Trang, festival Du thuyền Mũi Né…).

       2.4. Đối với Vùng Tây Nguyên

      + Các hướng khai thác chủ yếu để xây dựng sản phẩm du lịch:

        – Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: Với lợi thế về tính độc đáo của các di sản văn hóa các dân tộc Tây Nguyên…, có thể tổ chức khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính đặc trưng cho vùng Tây Nguyên, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

        – Du lịch thăm lại chiến trường xưa: Là địa bàn chiến lược trong chiến dịch Đại thắng Mùa xuân 1975, khu vực Tây Nguyên thực sự là cái nôi của “các di tích lịch sử cách mạng, các di tích kháng chiến”, do vậy có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch “Thăm lại chiến trường xưa” phục vụ các đối tượng khách là cựu chiến binh…

        – Du lịch nghỉ dưỡng núi, sinh thái, thể thao mạo hiểm…: Là địa bàn có nhiều rừng núi, thác ngềnh, khí hậu trong lành, cảnh quan đẹp, hệ sinh thái đa dạng…, do vậy đây là điều kiện lý tưởng để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Nguyên như nghỉ dưỡng núi, sinh thái, thể thao mạo hiểm.

       + Các sản phẩm du lịch chủ yếu:

        – Du lịch nghỉ dưỡng núi, hồ trên núi (Đan Kia Suối Vàng, Tuyền Lâm – Đà Lạt; biển hồ Tơ Nưng – Gia Lai; Măng Đen – Kon Tum…).
        – Du lịch tham quan thắng cảnh (các khu rừng thông; các điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt như Lang Biang, Hồ Xuân Hương, Thung lũng tình yêu; các thác nước…); tham quan các di tích lịch sử văn hóa – cách mạng, các bản làng dân tộc (đặc biệt là các Nhà Rông, Buôn Đôn, Xã Lắc…).
        – Du lịch tắm suối khoáng, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe.
        – Du lịch nghiên cứu sinh thái (ở các vườn quốc gia…), văn hóa (cồng chiêng…).
        – Du lịch nghỉ tuần trăng mật ở Đà Lạt (đối tượng là các cặp vợ chồng trẻ).   
        – Du lịch chơi golf, thể thao mạo hiểm…

        2.5. Đối với Vùng Nam Bộ (Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ)

       + Các hướng khai thác chủ yếu để xây dựng sản phẩm du lịch:

        – Du lịch tham quan miệt vườn, sông nước: Với đặc trưng về tài nguyên là các miệt vườn đồng quê, hệ thống kênh rạch chằng chịt…, ở đậy có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, có đủ sức cạnh tranh.

        – Du lịch nghiên cứu sinh thái đất ngập nước: Là khu vực có các hệ sinh thái đất ngập nước lớn nhất cả nước, đặc biệt là các sân chim, rừng tràm, rừng đước…, do vậy đây là những yếu tố thuận lợi cho phép khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng, và cho cả nước nói chung.

        – Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo: Với dải ven biển từ Long Hải – Vũng Tàu, khu vực Hà Tiên và các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Hòn Khoai…, đây thực sự là những tài nguyên biển đảo tạo nên sự khác biệt về sản phẩm du lịch biển đảo so với các khu vực khác trong cả nước.  

        – Du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo: Là khu vực phát triển kinh tế năng động bậc nhất trong cả nước (vùng Đông Nam Bộ), đã và đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, đây là khu vực có nhiều điều kiện để tổ chức các loại hình du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo (MICE)…

        – Du lịch văn hóa, lễ hội: Với những lễ hội mang tầm cỡ quốc gia (Núi Bà Đen, Núi Sam, đua Bò Sóc Trăng…); với những khu chợ nổi đặc trưng (Cái Bè, Phụng Hiệp…), hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch…, thì du lịch văn hóa lễ hội cũng là một thế mạnh có thể khai thác thành những sản phẩm du lịch cạnh tranh.

       + Các sản phẩm du lịch chủ yếu:

        – Du lịch sinh thái miệt vườn cây trái, sông nước (Thới Sơn, Cồn Phụng…).
        – Du lịch nghiên cứu sinh thái rừng ngập mặn (U Minh, Cà Mau…).
        – Du lịch nghiên cứu, khám phá các loài chim (VQG Tràm Chim, các sân chim ở Cà Mau…).
        – Du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển (Long Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…).
        – Du lịch sinh thái biển (lặn biển xem san hô, xem rùa đẻ trứng… ở Côn Đảo).
        – Du lịch tắm khoáng, chữa bệnh (Bình Châu – Phước Bửu…).
        – Du lịch tham quan lễ hội, chợ nổi (Núi Bà Đen, Núi Sam; Cái Bè, Phụng Hiệp…)
        – Du lịch tham quan, nghiên cứu gắn với giáo dục lòng yêu nước (Nhà tù Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương…).

       II. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH VIỆT NAM

       1. Quan điểm chung về phát triển các thị trường và sản phẩm du lịch Việt Nam

        Thông qua việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng về các đặc điểm, nhu cầu, sở thích cũng như khả năng chi tiêu của các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam trong những năm qua, cho thấy rõ những ưu điểm, những lợi thế, cũng như vị trí của từng thị trường trong tổng thể ngành du lịch Việt Nam. Đặc biệt, qua đó cho thấy khả năng đóng góp về hiệu quả kinh tế trong tổng thu nhập của ngành du lịch.

        Cùng với việc phân tích, đánh giá về các thị trường trọng điểm, dựa trên các nguồn lực của du lịch Việt Nam…, trong những năm tới có thể định hướng và phát triển các nhóm thị trường du lịch trọng điểm và các nhóm sản phẩm du lịch theo các quan điểm chủ yếu sau:

       + Về định hướng phát triển các thị trường trọng điểm:

        – Tập trung ưu tiên phát triển và thu hút các nhóm thị trường có khả năng chi trả cao cho các dịch vụ du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tượng khách thương mại đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ v.v… Đây là nhóm thị trường có tỷ trọng thấp nên không gây áp lực đến nguồn tài nguyên – môi trường, dễ kiểm soát…, nhưng lại có khả năng đóng góp lớn cho tổng thu nhập của ngành du lịch, đồng thời không chịu tác động của yếu tố thời vụ (mùa) trong du lịch.

        – Tập trung khai thác các nhóm thị trường với mục đích tham quan du lịch thuần túy, có thời gian lưu trú dài ngày, có khả năng đi theo tour trọn gói. Đây là nhóm thị trường chiếm ưu thế của du lịch Việt Nam hiện tại và trong tương lai, chiếm tỷ trọng lớn, lưu trú dài ngày, khả năng chi trả tương đối cao, đóng góp phần lớn trong tổng thu nhập của ngành du lịch. Mặt khác, nhóm thị trường này thường đi theo tour trọn gói nên dễ kiểm soát, không bị chi phối nhiều bởi yếu tố thời vụ trong du lịch.

        – Tập trung hướng tới khai thác có hiệu quả các thị trường tiềm năng. Ngoài các thị trường truyền thống (đã đề cập ở trên), trong những năm tới Du lịch Việt Nam cần hướng tới khai thác tốt một số thị trường tiềm năng. Đây là một số thị trường có xu hướng đến khu vực Đông Nam Á, có sở thích đến những bãi biển trong xanh, nắng ấm quanh năm để thưởng thức các sản phẩm du lịch biển, kết hợp tham quan, mua sắm… (như thị trường Nga, Ucraina, các nước Đông Âu, các nước Bắc Âu…).

        – Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khai thác các thị trường du lịch theo các chuyên đề đặc biệt. Đây là nhóm đối tượng thị trường có khả năng tài chính cao, có trình độ học thức và dân trí cao…, họ sẵn sàng tham gia các chương trình du lịch theo chuyên đề đặc biệt mà Việt Nam có đủ điều kiện để tổ chức như thám hiểm hang động, lặn biển, đua thuyền buồm, leo núi chinh phục các đỉnh cao hiểm trở, tổ chức các sự kiện chính trị – ngoại giao – văn hóa – thể thao – khoa học kỹ thuật v.v…

       + Về định hướng phát triển các sản phẩm du lịch:

        – Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt.

        – Đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phải đảm bảo tính bền vững, ổn định và lâu dài.

        – Các sản phẩm du lịch phải mang tính đặc thù, có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong khu vực và quốc tế.

        – Đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc biệt, mang thương hiệu quốc gia, mang hình ảnh Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.

       2. Định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch thế mạnh của Việt Nam

        + Du lịch di sản thế giới của Việt Nam: Tính đến nay Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa thế giới, trong đó có 7 di sản văn hóa vật thể (Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn); 6 di sản văn hóa phi vật thể (Dân ca Quan họ, Lễ hội Gióng, Ca Trù, Hát Xoan, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên); và di sản tư liệu (Bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bản Mộc Triều Nguyễn). Đây là những tài nguyên du lịch hết sức đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng này, có thể xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh như Du lịch tham quan nghiên cứu các di sản thế giới của Việt Nam; Du lịch Con đường Di sản Miền Trung; Du lịch huyền thoại Tây Nguyên; Du lịch Cung Đình; Du lịch hát dân ca Quan họ, v.v…

        Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch di sản thế giới của Việt Nam có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập cao, có trình độ học vấn, ham hiểu biết về văn hóa… (có thể đến từ mọi quốc gia).

        + Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa: Việt Nam có một kho tàng văn hóa đặc sắc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của 54 dân tộc anh em. Đó là hệ thống các di tích văn hóa lịch sử – cách mạng; là hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; là văn hóa ẩm thực của các vùng miền, của các dân tộc; là các di sản văn hóa văn nghệ dân gian… Đây là nguồn tài nguyên du lịch thế mạnh và mang tính khác biệt của Việt Nam. Dựa trên nguồn tài nguyên đặc sắc này có thể xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng cho từng vùng, miền…, theo các chuyên đề khác nhau: Du lịch tham quan thắng cảnh (Hạ Long, Thác Bản Giốc, Ba Bể, Tràng An, Đà Lạt…); Du lịch tham quan nghiên cứu làng nghề (Bát Tràng, Vạn Phúc, Làng Sình,…); Du lịch lễ hội (Hội Gióng, Yên Tử, Đền Hùng, Chọi Trâu, Núi Bà Đen, Núi Sam…); Du lịch thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian (Rối nước, Ca Trù, Quan họ, Hát Xoan, Cải Luơng…)

        Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa có thể đáp ứng cho mọi đối tượng khách có thu nhập từ trung bình, ưa khám phá, ham hiểu biết về văn hóa… (có thể đến từ mọi quốc gia).

        + Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với các resorts cao cấp: Với hàng ngàn km bờ biển; hàng ngàn đảo lớn nhỏ; hàng trăm bãi tắm cát trắng quanh năm đầy nắng và gió với nước biển trong xanh, ấm áp… Việt Nam thực sự là thiên đường của biển đảo. Đây là một lợi thế lớn về tiềm năng du lịch biển của Việt Nam, có thể khai thác xây dựng các resorts nghỉ dưỡng cao cấp (có thể tạo nên thương hiệu cho du lịch Việt Nam) kết hợp với nhiều sản phẩm du lịch khác (nghỉ dưỡng, tắm biển, tắm khoáng, chơi golf, thể thao biển, đua thuyền, lướt sóng, lặn biển xem san hô, du lịch MICE,…). Các khu vực có thể xây dựng các resorts nghỉ dưỡng cao cấp – thương hiệu du lịch Việt Nam bao gồm Lăng Cô, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Long Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…

        Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập khá và cao, có thời gian lưu trú dài, sẵn sàng sử dụng các dịch vụ bổ trợ như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là người trung niên Nhật Bản, các thị trường Nga, Đông Âu…).

        + Du lịch nghỉ dưỡng núi (khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới): Ở Việt Nam có một số cao nguyên, núi cao có khí hậu ôn hòa quanh năm, cảnh quan đẹp… thích hợp cho nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe. Đây là một nét đặc trưng khác biệt về tài nguyên du lịch so với các nước trong khu vực. Do vậy, có thể khai thác các lợi thế này để xây dựng các  resorts nghỉ dưỡng núi cao cấp (cũng có thể tạo nên thương hiệu cho du lịch Việt Nam) nhằm phục vụ các đối tượng khách có thu nhập cao. Tại các khu resorts nghỉ dưỡng núi cao cấp này có thể xây dựng bổ sung các sản phẩm du lịch kết hợp như tắm khoáng, tắm thuốc, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, chơi golf, casino… Các khu vực có thể xây dựng các resorts nghỉ dưỡng núi cao cấp bao gồm Mẫu Sơn, Sa Pa, Mộc Châu, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt, Măng Đen…

        Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch nghỉ dưỡng núi có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập cao, có thời gian lưu trú dài, sẵn sàng sử dụng các dịch vụ bổ trợ như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là người cao tuổi Nhật Bản, Hàn Quốc, các thị trường Tây Âu, ASEAN…).

        + Du lịch sinh thái, miệt vườn cây trái, sông nước: Việt Nam hiện có 30 vườn quốc gia, 6 khu dự trữ sinh quyển thế giới và hàng trăm khu bảo tồn tự nhiên được phân bố khắp trong cả nước; có các hệ sinh thái đa dạng với giá trị đa dạng sinh học cao (hệ sinh thái san hô; hệ sinh thái đất ngập nước; hệ sinh thái vùng cát ven biển; các hệ sinh thái rừng nhiệt đới…). Ngoài ra, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch chằng chịt, có nhiều khu rừng ngập mặn, và các miệt vườn đầy cây trái quanh năm tốt tươi trĩu quả… Đây thực sự là những tài nguyên quý giá và là thế mạnh của Việt Nam để phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch miệt vườn đồng quê. Với các giá trị tài nguyên đặc sắc này, Du lịch Việt Nam có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng sau: Du lịch nghiên cứu, sinh thái (xem thú ở các vườn quốc gia, xem chim ở VQG Tràm Chim, Xuân Thủy, Cà Mau; lặn biển xem san hô ở Hạ Long, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang…; xem rùa đẻ trứng ở Côn Đảo…); Du lịch sông nước – miệt vườn (tham quan các miệt vườn, thưởng thức cây trái và Đờn ca tài tử đồng bằng Sông Cửu Long; tham quan các chợ nổi; khám phá các khu rừng ngập mặn Cần Giờ, U Minh, Đất Mũi…).    

        Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch sinh thái, miệt vườn cây trái, sông nước có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập cao, độ tuổi trẻ đến trung niên, có trình độ học vấn, ham hiểu biết, thích khám phá tự nhiên… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Nhật Bản, Úc, Mỹ, Niu Di Lân, các nước Tây Âu…).

        + Du lịch tham quan, nghiên cứu, thám hiểm hang động: Hệ thống hang động ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú, được phân bố tương đối rộng khắp, đặc biệt là ở Vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Có những hang động gắn liền với quá trình tiến hóa của người Việt cổ (Động Người Xưa, Hang Xóm Trại, Hang Con Moong, Núi Đọ…); có những hệ thống hang động (động Thiên Cung, Hang Trinh Nữ, Hang Sửng Sốt, Hang Bồ Nâu, Hang Đầu Gỗ…) gắn liền với những danh thắng hùng vĩ – di sản thế giới Vịnh Hạ Long; có những hang động đã được mệnh danh là đẹp nhất thế giới với 7 kỷ lục Guinness (hang nước dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có bãi cát và đá rộng đẹp nhất, có hồ ngầm đẹp nhất, có thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, có dòng sông ngầm dài nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất), đó là Động Phong Nha – Di sản thế giới. Chỉ từng đấy thôi cũng đủ cho thấy hệ thống hang động là một thế mạnh, là sự khác biệt về tài nguyên của du lịch Việt Nam. Với thế mạnh đó, với sự khác biệt đó, Du lịch Việt Nam có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh như sau: Du lịch khảo cổ học (gắn với hệ thống hang động), Du lịch thám hiểm Động Phong Nha – Di sản thế giới (hoặc là Du lịch thám hiểm Động Phong Nha – các kỷ lục guinness), Du lịch khám phá Hạ Long kỳ ảo – Kỳ quan thế giới v.v…

        Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch tham quan, nghiên cứu, thám hiểm hang động có thể đáp ứng cho các đối tượng khách là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu – thám hiểm, những khách có thu nhập cao, độ tuổi trẻ đến trung niên, có trình độ học vấn, ham hiểu biết, thích khám phá, ưa mạo hiểm… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Niu Di Lân…).

        + Du lịch thể thao mạo hiểm theo các chuyên đề đặc biệt (lặn biển, leo núi, khinh khí cầu, nhảy dù, tàu lượn…): Việt Nam có nhiều kiểu địa hình đa dạng, từ vùng núi cao đến vùng đồi trung du, đồng bằng, ven biển… Địa hình đa dạng, đặc biệt là kiểu địa hình vùng núi cao đã tạo nên nhiều thắng cảnh với những đỉnh núi cao, vực sâu, những thác nước hùng vĩ (vùng núi Tây Bắc, dãy Trường Sơn, Tây Nguyên…). Đây là những giá trị tài nguyên đặc trưng và điều kiện cần thiết để phát triển các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Với những đặc điểm về địa hình đa dạng, Du lịch Việt Nam có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm như sau: Du lịch chinh phục Nóc nhà Đông Dương (leo đỉnh Fansipan 3.142m) hoặc Du lịch leo núi – Chinh phục các đỉnh cao (Fansipan, Pusilung 3.076m, Puluông 2.893m, Tây Côn Lĩnh 2.419m…); Du lịch khinh khí cầu (lượn trên bầu trời Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang, vùng núi Tây Bắc hùng vĩ…); Du lịch tàu lượn, nhảy dù (ở những vùng thung lũng, cao nguyên có cảnh quan đẹp như Lang Biang – Đà Lạt, Mộc Châu – Sơn La, Sìn Hồ – Lai Châu…); Du lịch lặn biển (vùng biển Hạ Long, Cô Tô, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Côn Đảo…).  

        Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch thể thao mạo hiểm theo các chuyên đề đặc biệt có thể đáp ứng cho các đối tượng khách là thanh thiếu niên (có thể cho cả lứa tuổi trung niên), thích khám phá, ưa mạo hiểm… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Úc, Niu Di Lân, Canada, Nhật Bản, ASEAN…).

    TS. Lê Văn Minh – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục