Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xu hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe trên thế giới hiện nay

       chamsocsuckhoe Nhung 0   Tổng quan về du lịch chăm sóc sức khỏe
       Du lịch chăm sóc sức khỏe, theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu (2014) là loại hình du lịch kết hợp với việc duy trì hoặc tăng cường sức khỏe cá nhân. Du lịch chăm sóc sức khỏe không phải là một loại hình du lịch mới. Liên minh quốc tế của Tổ chức Du lịch (IUTO), tiền thân của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra khái niệm về du lịch sức khỏe là “việc các cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe, sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là nước khoáng và khí hậu” (1973). Từ đó đến nay, các hoạt động du lịch sức khỏe đang ngày càng mở rộng và đa dạng hơn, du lịch chăm sóc sức khỏe có thể hiểu việc đi du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần (wellness tourism), phân biệt với du lịch chữa bệnh là đi du lịch kết hợp với mục đích khám và chữa bệnh bằng cả phẫu thuật và không phẫu thuật (medical tourism).

    chamsocsuckhoe Nhung 2

       Du lịch chăm sóc sức khỏe là sản phẩm du lịch thuộc thị trường ngách, đang ngày càng phát triển. Theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, năm 2013, có khoảng 586.5 triệu lượt khách lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng trên thế giới, tăng 12% so với năm 2012. Doanh thu của ngành du lịch nghỉ dưỡng đạt hơn 494 tỷ USD năm 2013, tăng hơn 12% so với năm 2012. Du lịch nghỉ dưỡng đóng góp một phần quan trọng trong ngành kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu, và trong đó ngành spa thu về hơn 94 tỷ USD và ngành công nghiệp suối khoáng  thu về hơn 50 tỷ USD.
       Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe là sự kết hợp những dịch vụ, hàng hóa và tiện nghi cung ứng để thoả mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách trong chuyến đi du lịch, được tạo nên bởi sự kết hợp các tài nguyên du lịch (tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch tự nhiên), cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và con người. Spa và tắm nước khoáng, nước nóng là những sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Nhưng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi thư giãn hay ngâm mình trong nước nóng mà còn phải chủ ý hoặc có đóng góp tích cực đến tâm lý, tinh thần và cảm xúc của khách du lịch. Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tham gia các khóa thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, phục hồi sức khỏe, dưỡng bệnh, phòng bệnh hoặc giảm căng thẳng trong cuộc sống, cai thuốc lá hay giảm cân hiện đang rất phổ biến trên thế giới. Một số nhà nghiên cứu còn nhóm cả các hoạt động đi bộ đường dài, khám phá tự nhiên và hoạt động tình nguyện vào trong sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe.
       Năm 2013, theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, trên toàn thế giới có hơn 105,000 Spa, tăng 47% so với năm 2012, thu về doanh thu 74 tỉ đô la Mỹ và 27,000 khu suối khoáng tại 103 quốc gia trên thế giới, thu về doanh thu hơn 50 tỷ đô la Mỹ. Các spa thư giãn (day spa) chiếm số lượng nhiều nhất và vì thế cũng đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của toàn ngành, kế đến là các khu spa nghỉ dưỡng (resort spa). Các cơ sở kinh doanh du lịch nước khoáng, nước nóng tập trung nhiều nhất tại châu Á và châu Âu. Châu Á dẫn đầu doanh thu trong ngành du lịch nước khoáng nóng với 26,7 tỷ đô la Mỹ, trong đó hai thị trường Nhật Bản và Trung Quốc chiến 51% tổng doanh thu. Tốp 10 quốc gia đứng đầu thế giới năm 2013 chiếm 88% số lượng cơ sở du lịch nước khoáng, nước nóng và 85% tổng doanh thu của toàn ngành (Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu, 2013).

    chamsocsuckhoe Nhung 1

       Khách du lịch chăm sóc sức khỏe là những người lựa chọn sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong quá trình đi du lịch. Khách du lịch đi chăm sóc sức khỏe có thể chia thành hai nhóm, bao gồm khách du lịch có mục đích chính và khách du lịch có mục đích phụ là chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh những khách du lịch lựa chọn điểm đến với mục đích duy nhất hoặc mục đích chính là để duy trì và cải thiện sức khỏe bản thân, có những khách du lịch coi chăm sóc sức khỏe là mục đích phụ, họ tham gia vào các hoạt động chăm sóc và duy trì sức khỏe trong quá trình đi du lịch. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, trong năm 2013, ước tính 87% các chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe là của khách du lịch coi đây là mục đích phụ, chiếm 84% tổng doanh thu của loại hình du lịch này trên toàn thế giới.
       Khách du lịch chăm sóc sức khỏe nhìn chung có mức chi tiêu cao. Chi tiêu của khách du lịch quốc tế là 1.639 USD/ chuyến du lịch nghỉ dưỡng, cao hơn 65% so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế. Chi tiêu của khách du lịch nội địa khoảng 688 USD/ chuyến du lịch, bằng 150% so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch nội địa (Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, 2013). Thị trường khách du lịch chăm sóc sức khỏe hiện nay chủ yếu là những người trung niên, có mức thu nhập cao, có trình độ. Các thị trường gửi khách quốc tế đứng đầu hiện nay là từ châu Âu và Bắc Mỹ, với tốp năm thị trường là Mỹ, Pháp, Đức, Áo và Nhật. Dự báo trong tương lai các thị trường sẽ có tăng trưởng là từ châu Á, Trung Đông và Mỹ La tinh.
       Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
       Kinh nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Ấn Độ
       Ấn Độ là quốc gia được biết đến như là cái nôi của yoga và thiền. Với thế mạnh về những bài trị liệu tinh thần và thể chất bằng yoga, các phương thuốc y học cổ truyền, thiên nhiên, quốc gia này đã phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe toàn diện, tạo ra các tour du lịch chăm sóc sức khỏe trọn gói, mang lại trải nghiệm đặc biệt với những hiệu quả rõ rệt về cải thiện cho du khách sau tour du lịch. Du lịch chăm sóc sức khỏe đưa Ấn Độ trở thành điểm đến cung cấp sản phẩm này với mức tăng trưởng nhanh nhất đạt 22%/năm. Với mục tiêu phát triển dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, Ấn Độ đưa ra chiến lược thu hút những dòng khách du lịch chăm sóc sức khỏe cao cấp, hạng sang, từ đó dòng khách bình dân sẽ tự tăng theo xu hướng. Nhiều điểm đến chăm sóc sức khỏe cao cấp được phát triển liên tục, nổi bật như Ananda ở Himalayas và Trung tâm chăm sóc sức khỏe toàn diện Soukya ở Bangalore.
       Nắm bắt được xu hướng, để đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch đặc biệt này, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các cơ sở chăm sóc sức khỏe, Bộ Du lịch Ấn Độ đã xây dựng Hướng dẫn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, với những vấn đề được quy định cụ thể như: làm rõ khái niệm du lịch chăm sóc sức khỏe, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở chăm sóc sức khỏe, xúc tiến quảng bá… Ngoài ra, để kiểm soát chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Bộ Du lịch Ấn Độ cũng phối hợp với Ủy ban chứng chỉ nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh viện để tổ chức thẩm định chất lượng các Trung tâm chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc và cấp chứng chỉ, đồng thời hướng dẫn nâng cao chất lượng dịch vụ.
       Kinh nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản
       Với tiềm năng về nguồn suối nước khoáng nóng phong phú, đa dạng, nên với người dân Nhật Bản việc đi đến một điểm đến chỉ để tắm nước khoáng nóng được coi như là truyền thống từ lâu đời. Các spa nước khoáng nóng resort tại Nhật Bản đã vì thế đã phát triển từ lâu với mục tiêu nhắm vào thị trường khách du lịch nội địa. Theo một thống kê năm 2004, có tới 142 triệu lượt khách tới các spa nước khoáng nóng (còn gọi là onsen) trên khắp nước Nhật. Có khoảng hơn 26.000 suối nước khoáng nóng trên khắp đất nước Nhật Bản, trong đó có hơn 3000 resort có suối nước khoáng nóng. Có nhiều hình thức onsen, một số có khu lưu trú truyền thống gọi là ryokan và một số khác lại chỉ là bể nước nóng mở công cộng (gọi là sento).
       Một số ryokan còn cung cấp dịch vụ mát xa và spa bên cạnh dịch vụ tắm khoáng nóng truyền thống như khách sạn Seiryoso ở Shimoda. Trải nghiệm tại một ryokan, du khách không chỉ đến để tắm nước khoáng nóng mà là còn trải nghiệm những yếu tố truyền thống mang tính tín ngưỡng của người Nhật Bản, được biểu hiện ở mọi khía cạnh về không gian, thời gian. Mỗi suối khoáng đều có một câu chuyện riêng, là sự cộng hưởng của mặt đất và dòng nước, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc biệt.
       Nắm bắt xu hướng phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe, Nhật Bản đã sử dụng hệ thống onsen và ryokan như là một sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nổi bật để giới thiệu tới khách du lịch quốc tế. Các khu nước khoáng nóng nổi tiếng được quảng bá rộng rãi trên các website về du lịch của Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Hiệp hội Ryokan Nhật Bản… với các ngôn ngữ quốc tế. Ngoài ra, để thuận tiện cho khách du lịch các quy tắc truyền thống khi tắm onsen, lựa chọn loại hình onsen… cũng được khuyến nghị trước và hướng dẫn cho du khách quốc tế một cách đầy đủ, rõ ràng. Một số quy định truyền thống khắt khe của Nhật Bản không phù hợp với khách du lịch quốc tế cũng đã được cân nhắc thay đổi cho linh hoạt hơn, ví dụ như việc gần đây Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các ryokan cho phép khách du lịch có hình xăm lớn vào tắm tại onsen công cộng (ở Nhật Bản, người có hình xăm lớn bị coi là thuộc giới giang hồ nên các khách sạn hạn chế tiếp để tránh ảnh hưởng tới du khách khác). Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của các cơ sở suối khoáng nóng, Ủy ban môi trường Nhật Bản có quy định về việc các cơ sở này phải nộp mẫu nước để xét nghiệm 10 năm một lần và thông báo kết quả này tới các khách hàng.
       Kinh  nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc
       Là quốc gia đứng đầu thế giới về du lịch chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sản phẩm du lịch tắm suối khoáng nóng, theo thống kê của Hiệp hội du lịch suối khoáng nóng Trung Quốc, năm 2013, Trung Quốc thu về hơn 14.078,3 triệu USD từ thị trường du lịch suối khoáng nóng với 20 triệu lượt khách, mặc dù số lượng cơ sở suối khoáng nóng tại Trung Quốc ít hơn của Nhật Bản.
       Yếu tố thành công của ngành du lịch sức khỏe tắm suối khoáng nóng của Trung Quốc là việc xây dựng một kế hoạch marketing hiệu quả. Đầu tiên là việc lựa chọn thị trường mục tiêu, Trung Quốc nhắm vào thị trường khách trung niên tới cao tuổi, tầng lưu trung lưu tới thượng lưu. Thị trường khách đi du lịch hot spring ở Trung Quốc chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Hongkong, Đài Loan và Hàn Quốc. Chiến lược marketing của Trung Quốc sử dụng điểm bán hàng độc nhất của mình là các suối khoáng nóng tự nhiên từ lâu đời, có tác dụng hồi phục sức khỏe với hàm lượng khoáng tốt cho làn da. Trung Quốc quảng bá sản phẩm du lịch suối khoáng nóng của mình với đặc tính quan trọng tốt cho sức khỏe và là phương thức chữa bệnh đến từ thiên nhiên.
       Các sản phẩm du lịch suối khoáng nóng của Trung Quốc rất đa dạng như resort suối khoáng nóng, hội nghị kết hợp suối khoáng nóng, suối khoáng nóng kết hợp chơi golf, trượt tuyết kết hợp suối khoáng nóng, công viên chủ đề kết hợp suối khoáng nóng… Thành công của các cơ sở suối khoáng nóng tại Trung Quốc có sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư quốc tế như các tập đoàn Intercontinental, Shangri-la, Sheraton, Bayan tree… Điều này có được nhờ vào chiến lược của chính phủ Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch suối khoáng nóng mang thương hiệu, đẳng cấp quốc tế trong khi tận dụng nguồn tài nguyên tại Trung Quốc.
       Năm 2009, để phát triển hơn nữa sản phẩm du lịch suối khoáng nóng, Hiệp hội Du lịch Trung Quốc đã thành lập một hiệp hội chi nhánh mang tên Hiệp hội du lịch suối khoáng nóng Trung Quốc. Hiệp hội này có vai trò quan trọng trong kết nối các doanh nghiệp kinh doanh suối khoáng nóng, hỗ trợ các hoạt động của các thành viên, cung cấp các thông tin, kiến thức mới, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và chính phủ, hỗ trợ tổ chức quản lý của chính phủ… Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá cho sản phẩm du lịch suối khoáng nóng của Trung Quốc trong và ngoài nước thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế, hội chợ du lịch… Hiệp hội cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng các sản phẩm du lịch tổng hợp, tạo tuyến du lịch kết hợp du lịch suối khoáng nóng và thăm quan: khách du lịch thăm quan trong ngày và nghỉ đêm tại các cơ sở suối khoáng nóng, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
       Vấn đề quản lý chất lượng cũng được chính phủ Trung Quốc cân nhắc khi phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Năm 2012, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về Suối khoáng nóng  đã được ban hành, bộ tiêu chuẩn này được phổ biến tới từng chủ cơ sở suối khoáng nóng thông qua các chương trình đào tạo/bồi dưỡng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thành lập một trung tâm nghiên cứu về hướng dẫn lắp đặt/áp dụng công nghệ spa cho các trung tâm spa, khu nghỉ dưỡng trên cả nước. Tại thành phố Bắc Kinh – 1 trong 4 thành phố nổi tiếng nhất về du lịch suối khoáng nóng ở Trung Quốc, để quản lý chất lượng, Ủy ban Thanh tra sức khỏe Bắc Kinh đã tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước của các cơ sở suối khoáng nóng trên toàn thành phố. Từ đó, các quy định và luật lệ về chất lượng nguồn nước, tiêu chuẩn dịch vụ được ban hành để tăng cường kiểm soát chất lượng của các sản phẩm du lịch này.
       Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
       Nhìn chung, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe rất phù hợp làm sản phẩm bổ trợ cho các sản phẩm du lịch đặc thù của Việt Nam, để làm phong phú thêm trải nghiệm của khách du lịch tại Việt Nam. Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe cũng phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, đó là “đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mang tính đẳng cấp, thu hút thị trường ngách với khả năng chi tiêu cao” (Chiến lược Phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

    chamsocsuckhoe Nhung 3

     Từ những kinh nghiệm của một số quốc gia đã phát triển có thể rút ra một số yêu cầu đối với phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam như sau:
    – Cần xác định rõ thị trường mục tiêu và các sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tâm lý và sở thích của thị trường mục tiêu đó.
    – Quản lý chất lượng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần phối hợp với cơ quan chuyên môn có thẩm quyền (VD: Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường) trong việc thẩm định chất lượng kỹ thuật các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
    – Cần có những nghiên cứu, đánh giá nguồn lực phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và bài bản để có những hướng đầu tư phát triển phù hợp.  Cần xây dựng hướng dẫn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, trong đó làm rõ các khái niệm, tính chất sản phẩm, những yêu cầu kỹ thuật, nhân sự, nguồn lực…
    – Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe cần có định hướng và quy hoạch cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và bền vững.
    – Nhà nước cần hỗ trợ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật, hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chăm sóc sức khỏe. Cũng cần có một tổ chức do chính phủ/chính quyền địa phương đứng đầu để tập hợp nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá của các cơ sở du lịch chăm sóc sức khỏe.

    ThS. Đinh Thị Hồng Nhung – Phòng QLKH&HTQT

    Bài cùng chuyên mục