Xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng
Trong 20 năm đổi mới, nhờ thực hiện cơ chế, chính sách có hiệu quả trong kinh tế và xã hội nên công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nước ta đã đạt được nhiều khả quan. Vì vậy Việt nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là một nước có điểm sáng về giảm nghèo trong hơn thập kỷ qua mà nhờ đó vị thế của Việt Nam được nâng cao; nhiều tổ chức quốc tế đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã cam kết mạnh mẽ ủng hộ nước ta trong cuộc chiến chống đói nghèo. Xuất phát từ quan điểm của Đảng ta là vấn đề nghèo khó không được giải quyết thì không có bất kỳ mục tiêu nào khác; cộng đồng quốc tế và nhiều quốc gia đặt ra là tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, hoà bình, ổn định, đảm bảo các quyền con người là mục tiêu cao cả nhất của thời đại của chúng ta.
Năm 2000 Chính phủ đã ký quyết định phân loại tiêu chuẩn nghèo trong giai đoạn 2001-2005 và cả nước đã phấn đầu đạt được kết quả nhất định về thành tụi giảm nghèo trong mấy năm qua trong 5 năm từ 17,2% năm 2001 ( 2,8 triệu hộ) xuống còn 8,3% năm 2004 (1,44 triệu hộ) bình quân mỗi năm giảm 34 vạn hộ, cuôí năm 2005 còn khoảng 1,1 triệu hộ dưới 7%. Nhưng từ năm 2006-2010 tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam có nhiều sự thay đổi nên số chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, trượt giá và thu nhập của cộng đồng có sự thay đổi theo nên các chỉ tiêu về hộ nghèo không phù hợp với gia đoạn mới vì vậy, ngày 8/7/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí chuẩn nghèo: đối với khu vực nông thôn đối với những hộ có thu nhập bình quân trên đầu người dưới 200 000 đồng / tháng, đối với khu vực thành thị dưới 260 000 đồng / tháng như vậy những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn hoặc bằng chuẩn nghèo được xác định là hộ nghèo. Nếu theo tiêu chuẩn này thì ước tính năm 2005 cả nước có 4,6 triệu hộ nghèo chiếm 26% số hộ toàn quốc; những hộ nghèo này tập trung vào các vùng Tây Bắc, Tây nguyên và Đông Nam Bộ là những nơi có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái.
Vấn đề hộ nghèo của nước ta có tỷ lệ không đồng đều giữa các vùng, các khu vực như tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi vẫn còn cao gấp 1,7 -2 lần so với hộ nghèo chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo là cộng đồng dân tộc thiểu số có chiều hướng tăng lên từ 21% năm 1999 tăng lên 36% năm 2005; trong mấy năm gần đây hộ nghèo đã xuất hiện trong nhóm đối tượng thành thị do vấn đề đô thị hoá chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các khu công nghiệp, xây dựng và các dịch vụ trong đó có du lịch; ngoài ra còn xuất hiện hộ nghèo trong số người mới nhập cư vào thành thị. Những nơi có hộ nghèo cao thường là những nơi có hạ tầng thấp kém, trình độ sản xuất lạc hậu, manh mún, trình độ dân trí cộng đồng thấp, chưa tiếp cận được với kỷ thuật và nghiệp vụ chuyên môn khác để kiếm sống, điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt, một sự nghiệt ngã nữa luôn xẩy ra rình rập đối với hộ nghèo là thiên tai, bệnh tật dịch bệnh, ốm đau…
Nguyên nhân vẫn còn có các hộ nghèo nhìn nhận từ góc độ phát triển du lịch.
- Vấn đề nhận thức của chính quyền các cấp cũng như cộng đồng dân cư. Hiện nay, một số bộ phận không nhỏ của chính quyền các cấp và người dân còn có tư tưởng trông chờ và ỷ lại sự hộ trợ của chính phủ, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo thông qua các giải pháp mà họ có thể tổ chức thực hiện được. Bên cạnh đó một số cộng đồng do trình độ nhận thức nên chưa tiếp cận được quan điểm của Đảng và nhà nước, cũng như chương trình xoá đói giảm nghèo nên có những nhận thức, hiểu biết lệch lạc vấn đề này.
- Vấn đề cơ chế chính sách hỗ trợ chưa thật sự phù hợp với hộ nghèo. Hiện nay một số cơ chế mang tính bao cấp hoặc chưa phù hợp với nhu cầu và phong tục tập quán của người dân đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số như vấn đề cho vay, vấn đề cấp vốn và thời hạn thu hồi vốn vay, vấn đề khám chữa bệnh…dẫn đến cộng đồng chưa cảm thấy vấn đề xóa đói giảm nghèo không chi mang lại cho cộng đồng mà còn mang ý nghĩa xã hội quốc gia.
- Vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng đạt được kết quả như mong muốn. Vấn đề xoá đói giảm nghèo không nên quan tâm nhiều đến trợ cấp cho cộng đồng bao nhiêu từ chính phủ là đủ để xoá đói giảm nghèo mà là vấn đề cơ bản mang lại sự phát triển bền vững cho cộng đồng là tạo ra công ăn việc làm thường xuyên có thu nhập chính đáng. Khi nhìn nhận lại số hộ nghèo cho thấy nhiều nơi cộng đồng dân cư đang sống trong những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, những tài nguyên này có thể khai thác giá trị nhân văn của nó để tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng như phát triển du lịch. Qua nghiên cứu vài điểm du lịch đặc biệt các điểm cộng đồng dân tộc ít người tại Lao Cai, Nghệ an cho thấy lượng khách du lịch quốc tế có nhu cầu đến tham quan du lịch hàng năm không ngừng tăng lên tại bản làng dân tộc H’Mông, Thái; khách du lịch đến tham quan người dân chỉ biết ra đứng nhìn dưới góc độ người lạ mặt, khách hỏi gì cũng không biêt, mua gì cũng không có…nên chăng đây là điều kiện cơ bản tạo ra cho cộng đồng có công ăn việc làm thông qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.
- Vấn đề chương trình xoá đói giảm nghèo mới chỉ tập trung vào một số vùng chưa phủ hết đến các hộ nghèo. Do nguồn lực của Nhà nước cuãng như tổ chức quốc tế còn có hạn nên việc giải quyết cho mọi hộ nghèo mấy năm qua còn hạn chế nhất định. Vì vậy cần phải thông qua nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau của các ngành các cấp để điều phối chương trình xóa đói giảm nghèo cần có tính toán thế nào cho hiệu quả cao nhất ở mọi cấp mọi ngành nhất là đơn vị cơ sở.
- Vấn đề phối hợp các cấp các ngành trong chương trình xoá đói giảm nghèo chưa được đồng bộ. Mỗi vùng có một điều kiện nhất định về xã hội và tự nhiên nếu mỗi ngành biết được giá trị của nó để khai thác nhằm phục vụ cho chương trình xoá đói giảm nghèo thì tính hiệu quả có khả thi hơn ví dụ nơi có điều kiện phát triển du lịch sinh thái có điều kiện thu hút khách du lịch thì có thể phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng nhằm giải quyết được hai mục tiêu cơ bản là nâng cao nhận thức, trình độ dân trí và vấn đề công ăn việc làm, bảo vệ tài nguyên môi trường làm cho ở đó phát triển bền vững mà chương trình Nghị sự 21 đã đặt ra.
Các giải pháp xoá đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.
- Tạo ra công ăn việc làm cho các hộ nghèo tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch. Hầu hết các hộ nghèo tại khu vực có tài nguyên ưu đãi là dự vào sự khai thác tài nguyên để mưu cầu cho sự sống hàng ngày vì vậy tài nguyên tại đó dần bị biến mất; như chúng ta đều biết được rằng nơi có tài nguyên đó có thể thu hút được khách du lịch, khi khách du lịch đến tham quan thì nẩy sinh các yêu cầu dịch vụ mà các dịch đó chỉ có cộng đồng mới tham gia cung cấp được vì vậy phải có hướng dẫn của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch mới tạo ra dịch vụ đủ điều kiện phục vụ khách du lịch.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các loại hình dịch vụ cho cộng đồng.Hầu hết các hộ nghèo thường sinh sống những nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thấp nên điều kiện tiếp súc, tiếp cận với thế giới bên ngoà hạn chế. Vì vậy vấn đề kết hợp chương trình phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường với chương trình xoá đói giảm nghèo là rất cần thiết; trong đó chương trình xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng cho cộng đồng hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo cho người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ, vấn đề giáo dục, vấn đề y tế…dẫn đến xoá đói giảm nghèo không chỉ vấn đề kinh tế cơm ăn áo mạc hàng ngày mà là học hành như lời Bác Hồ đã căn dặn.
- Tiến tới xã hội hoá các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Chúng ta phải xác định, hiện nay nguồn lực của Chính phủ chỉ có vai chủ đạo mà nguồn lực cộng đồng và quốc tế có vai trò quan trọng để góp phần xoá đói giảm nghèo cho các hộ nghèo. Vì vậy cần có các dự án đầu tư du lịch của các tổ chức trong và ngoài nước vào các vùng có thể phát triển du lịch để tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng.
- Nâng cao năng lực cho cộng đồng người nghèo thông qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Hầu hết người nghèo chưa có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ du lịch đặc biệt cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch quốc tế. Vì vậy để cho họ có công ăn việc làm ổn định, vừa góp phần phát triển du lịch bềnh vững cần có giải pháp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ và công tác bảo vệ vệ sinh môi trường là yêu cầu cần thiết.
- Cần hỗ trợ cộng đồng người nghèo trong việc tiếp thị và xúc tiến du lịch: Do điều kiện của cộng đồng người nghèo chưa thể truyền truyền quảng bá sản phẩm của mình được vì vậy cần xây dựng hệ thống quản lý tiếp thị có hiệu quả nhằm thông tin cho du khách về các điểm du lịch, các cơ sở vật chất và dịch vụ tại các nơi có khả năng phát triển du lịch.
Đói nghèo ở nước ta là một thực tế lớn, nó ảnh hưởng, cản trở sự phát triển đi lên của đất nước và hội nhập quốc tế. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp các ngành và thu hút toàn xã hội quan tâm, cung cấp nguồn lực cùng tham gia xóa đói giảm nghèo. Đối với ngành du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có nhiều cơ hội tạo ra nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng đặc biệt là cộng đồng tại các điểm giàu tài nguyên du lịch ở vùng núi, vùng sâu vùng xa thông qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.