Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của Việt Nam & học tập kinh nghiệm từ Quỹ xúc tiến quảng bá của Thái Lan

    2017-dlvn    Trong giai đoạn hiện nay, ngành Du lịch đang tích cực nghiên cứu giải pháp giữ vững mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt ít nhất 30%/năm, khách du lịch nội địa tăng 12%/năm[1]  và tạo bước đột phá trong việc thu hút khách du lịch, đạt mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa vào năm 2020[2]. Bên cạnh đó, bài toán về quỹ phát triển du lịch nhằm hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá (XTQB), mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực… đang cần được giải đáp kịp thời. Ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, thấp nhất trong ASEAN. Trong khi mỗi năm Thái Lan chi 69 triệu USD cho công tác XTQB và thu về hơn 32,5 triệu lượt khách quốc tế[3], Xinh-ga-po (80 triệu USD/năm), Ma-lai-xi-a (105 triệu USD/năm) thì việc nghiên cứu, nắm bắt cơ hội tiếp thị trong điều kiện mức kinh phí hạn chế là điều hết sức quan trọng.

       Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030[4], Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc ưu tiên XTQB tại các thị trường gần là phù hợp với chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam và có thể nhanh chóng đạt kết quả hơn so với các thị trường xa. Khách thị trường châu Âu thường cần từ 6 tháng đến 1 năm để lập kế hoạch và làm thủ tục chuẩn bị cho chuyến đi. Thị trường gần bao gồm các quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam (Trung Quốc, Lào, Campuchia); các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các thị trường gửi khách lớn, gồm: Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma; các thị trường có quy mô lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Thị trường xa có tiềm năng tăng trưởng cao gồm có châu Âu, Nga, Úc, Niu-di-lân, 5 nước Tây Âu đang được Việt Nam miễn thị thực[5] 

       Để thành lập và duy trì bền vững quỹ xúc tiến du lịch, tại hội nghị Xúc tiến Du lịch năm 2017 – Hà Nội ngày 03/8/2017, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm quản lý quỹ như sau:
       Tổng cục Du lịch cần phải cập nhật, dự báo biến động thị trường, làm cơ sở việc lập kế hoạch cho chương trình hành động xúc tiến, quảng bá trong thời gian tới.
       Cơ quan quản lý nhà nước không chỉ định đơn vị nào điều hành, quản lý quỹ, nhưng có thể tổ chức đấu thầu ở từng hạng mục XTQB và đưa ra những bài toán xúc tiến du lịch hiệu quả nhất, sử dụng vòng vốn tốt nhất. Theo đó, các đơn vị liên quan được tham gia, ví dụ như đơn vị lữ hành, hàng không, khách sạn. Đồng thời đơn vị đó cần phải xây dựng cơ chế rõ ràng: số tiền thu bao nhiêu, gửi ngân hàng nào, chi cho hoạt động gì, nếu làm sai sẽ xử lý ra sao…
       Hội đồng tư vấn du lịch tăng cường triển khai mô hình hợp tác công – tư và là đơn vị đầu mối triển khai chương trình xúc tiến du lịch một cách đổi mới cả về nội dung và phương thức tổ chức.
       Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, việc đề xuất thành lập Trung tâm Xúc tiến du lịch quốc gia trên cơ sở của Vụ Thị trường hiện nay có tính phù hợp với chính sách của Chính phủ về việc hạn chế thành lập các cục mới, “thuận lợi hơn trong tác nghiệp” và có tính hiệu quả hơn[6] 

       Quỹ phát triển du lịch của Việt Nam và Thái Lan
       Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của Việt Nam
       Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được hình thành từ các nguồn như dưới đây[7] :
       a) Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp;
       b) Ngân sách nhà nước bổ sung hằng năm một phần trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài;
       c) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
       d) Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
       Theo dự kiến, ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng nguồn vốn của quỹ trên, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch. Nhà nước sẽ cấp vốn ban đầu 300 tỷ đồng để hình thành quỹ. Sau đó, quỹ sẽ sử dụng một phần từ nguồn lệ phí thị thực nhập cảnh, tham quan, các khoản đóng góp của các doanh nghiệp du lịch[8] .
       Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ đối tác công – tư. Hiện nay đã có sự tham gia của các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Thiên Minh Group, Vingroup, HG Group và Mường Thanh. Các doanh nghiệp này thuộc câu lạc bộ doanh nghiệp đầu tư du lịch trực thuộc Hội đồng tư vấn du lịch mỗi năm đóng góp khoảng 5 tỷ đồng. Như vậy, câu lạc bộ đã có 25 tỷ để hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch. Từ nay đến năm 2020, Hội đồng Tư vấn Du lịch đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp cam kết đóng góp khoảng 70 tỷ đồng cho quỹ xúc tiến du lịch.

    2017-dlvn-tat

       Quỹ XTQB của Thái Lan
       Luật Du lịch Thái Lan quy định: Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) là đơn vị có tư cách pháp nhân và có trụ sở chính tại Thủ đô Băng Cốc và có thể thành lập văn phòng, chi nhánh hay cơ quan đại diện ở bất cứ nơi nào bên trong hoặc bên ngoài Vương quốc; khi thành lập văn phòng chi nhánh tại nước ngoài phải được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng do Thủ tướng Chính phủ chỉ định phê duyệt[9] 

       Theo số liệu thống kê của UNWTO năm 2004, 2005 tại cuộc điều tra tổng số 36 tổ chức du lịch quốc gia (NTO), Thái Lan là quốc gia duy nhất đưa vào câu tuyên ngôn sứ mệnh và các mục tiêu quốc gia các kết quả đo lường được[10] 

       Tuyên ngôn sứ mệnh: TAT xác định mục tiêu trở thành trung tâm chuyên về xúc tiến và phát triển du lịch bền vững, giữ gìn bản sắc độc đáo và đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu chiến lược của TAT xúc tiến quảng bá Thái Lan trở thành một điểm đến có chất lượng, bền vững và có tính cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới và đưa Thái Lan trở thành “Kinh đô Du lịch của châu Á”[11] 

       TAT là tổ chức doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân công – tư chịu trách nhiệm phát triển thị trường quốc tế và nội địa. Đối với việc xây dựng nguồn vốn và quỹ phát triển du lịch, TAT có chức năng (1) Tăng cường các hoạt động tín dụng, vay hoặc cho vay trong và ngoài Vương quốc; (2) Cho vay tiền có đảm bảo và bảo lãnh để thúc đẩy ngành Du lịch; (3) Phát hành trái phiếu hay các công cụ khác, để đầu tư hoặc liên kết đầu tư trong kinh doanh du lịch; (4) Được sở hữu hoặc có quyền sở hữu hoặc quyền bất động sản, xây dựng, mua, bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê, mua qua hình thức thuê mua, bán qua hình thức thuê, bán, vay, cho vay, nhận cầm cố, nhận thế chấp, trao đổi, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động liên quan đến các tài sản cả trong và ngoài Vương quốc cũng như chấp nhận tài sản được cho, tặng[12] 

       Luật Du lịch Thái Lan cũng quy định thu nhập của TAT bao gồm: Thu nhập từ tài sản của TAT; Trợ cấp của chính phủ; Thu nhập từ hoạt động của ngành Du lịch; Thu nhập từ việc liên kết đầu tư và các khoản thu nhập khác[13] 

       Ngân sách năm 2005 dành cho Du lịch của TAT hoàn toàn từ nguồn của chính phủ, tổng số là 32.1 triệu USD, trong đó 54% dành cho XTQB và 46% dành cho nhiệm vụ cơ cấu, tổ chức. Thái Lan xây dựng quỹ này từ nguồn thu của du lịch quốc tế và doanh thu từ số đêm lưu trú tại các cơ sở lưu trú có đăng ký. Việc phân bổ ngân sách này dựa trên các tiêu chí lần lượt theo mức độ quan trọng như sau: [1] Tổng ngân sách có thể sử dụng được cho năm hiện tại; [2] Chi phí hoạt động; [3] Thị phần của các thị trường trọng điểm; [4] Thị trường tiềm năng; [5] Chi phí ước tính cho các hoạt động đã được hoạch định; [6] Hỗ trợ tài chính của bên thứ 3 cho các hoạt động XTQB. Như vậy, Thái Lan phân bổ ngân sách cho một số thị trường chính như sau: Malaysia 12%; Nhật Bản 10%; Trung Quốc 7%; Hàn Quốc 8%; Hồng Kông (Trung Quốc) 6%. TAT có mối liên hệ chặt chẽ với các đối tác thuộc khu vực doanh nghiệp và các cơ quan quản lý du lịch địa phương và ban quản lý các khu bảo tồn nhưng không theo hình thức hợp đồng hoặc văn bản pháp quy mà chủ yếu qua các hoạt động hội nghị, hội thảo chuyên đề. TAT hợp tác với Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) với vai trò như là cơ quan trung gian hoạt động giữa NTO, NTA và khu vực tư nhân.
       Kết luận:
       Ngành Du lịch đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và được chính phủ quan tâm, hỗ trợ phát triển. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bên liên quan và doanh nghiệp cùng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động quảng bá sản phẩm, kích cầu du lịch. Trong đó vai trò của khu vực tư nhân và mối quan hệ đối tác công – tư được khẳng định là động lực chính trong phát triển kinh tế.
       Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là một khoản kinh phí do nhà nước cấp cộng với một khoản tiền do các doanh nghiệp đóng góp dựa trên mối quan hệ đối tác công – tư. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm giải trình về việc xác định nội dung và mục đích chi tiêu cho XTQB. Nếu các bên liên quan thống nhất về việc theo dõi hiệu quả của việc đầu tư vào XTQB và sự gia tăng du lịch quốc tế đến thì quỹ hỗ trợ phát triển du lịch mới có thể phát triển bền vững. Dựa vào kết quả sử dụng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ngành Du lịch mới có quyết sách rõ ràng hơn về những ưu tiên trong việc định hướng thị trường, phát triển sản phẩm và có chiến lược đầu tư lâu dài cho xúc tiến quảng bá và định vị thương hiệu quốc gia./.

    [1] https://laodong.vn/du-lich-kham-pha/nganh-du-lich-danh-40-ti-de-quang-ba-xuc-tien-du-lich-689709.bld

    [2] Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

    [3] http://kinhtedothi.vn/quang-ba-xuc-tien-du-lich-tim-huong-dot-pha-294614.html

    [4] Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2016

    [5] http://vnmedia.vn/du-lich/201708/uu-tien-xuc-tien-du-lich-tai-cac-thi-truong-gan-577318/

    [6] http://www.tienphong.vn/van-nghe/du-lich-viet-nam-khong-the-tay-khong-bat-khach-1173771.tpo

    [7] Luật Du lịch số 09/2017/QH14

    [8] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ban-khoan-quy-phat-trien-du-lich-1085086.tpo

    [9] Luật Du lịch Thái Lan: Điều 7

    [10] Điều tra của UNWTO về Điểm chuẩn cho các tổ chức du lịch quốc gia (NTO)

    [11] Điều tra của UNWTO về Điểm chuẩn cho các tổ chức du lịch quốc gia (NTO)

    [12] Luật Du lịch Thái Lan: Điều 9

    [13] Luật Du lịch Thái Lan: Điều 11

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục