Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nâng cao đời sống tại một số vùng Nông thôn Việt Nam
Du lịch cộng đồng và lợi ích mang lại
Du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn tài nguyên du lịch một cách bền vững, đồng thời tạo cơ hội cho người dân địa phương có thu nhập thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên địa phương. Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng đã và đang phát triển một cách khá tích cực tại các nước trong khu vực, được coi là hoạt động kinh tế cơ bản và được hình thành bởi sự tương tác xã hội vừa mang lại lợi ích cho du khách cũng như lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, nhiều quốc gia đã coi du lịch cộng đồng như là một công cụ xóa đói giảm nghèo. Tại Châu Á, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong bao gồm Campuchia, Trung quốc, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam đã xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo, trong đó ghi rõ du lịch cộng đồng là một nguồn chính nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại các tiểu vùng và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo (WTO 2005). Đối với cộng đồng địa phương, du lịch cộng đồng có những đóng góp đáng kể:
- Tạo ra thu nhập gia tăng cho ngành nghề địa phương cũng như các dịch vụ khác như y tế, ngân hàng, thuê xe, thủ công mỹ nghệ, các điểm tham quan du lịch;
- Mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm địa phương như sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, hàng hóa giá trị gia tăng dựa vào văn hóa và phong tục truyền thống;
- Sử dụng lao động địa phương và lao động chuyên môn như hướng dẫn viên, hệ thống hỗ trợ bán lẻ, nhà hàng;
- Tạo ra nguồn kinh phí cho việc bảo vệ và nâng cao hoặc duy trì các điểm tham quan tự nhiên và biểu tượng của di sản văn hóa;
- Cộng đồng cao nhận thức về giá trị của nền văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên (Wearing and Neil, 1999).
Theo báo cáo chuyên đề “Du lịch Việt Nam-Thực trạng và giải pháp phát triển”, vai trò của du lịch đối với cộng đồng được khẳng định: “Du lịch góp phần vào xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả rõ ràng trong quá trình “hiện đại hóa” nông thôn thông qua việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, gìn giữ và phát huy các làng nghề truyền thống, bảo vệ các giá trị cộng đồng”
Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam
Việt Nam có lợi thế lớn trong việc phát triển du lịch cộng đồng do sự đa dạng về văn hóa, bề dày lịch sử, số lượng lớn về làng nghề, có tài nguyên nhân văn phong phú, cảnh quan hữu tình, sản vật và món ăn đặc trưng của từng địa phương, lễ hội truyền thống đậm bản sắc văn hóa dân tộc, liệu pháp tự nhiên về sức khỏe như suối khoáng, thuốc tắm người Dao…Đã có nhiều mô hình phát triển du lịch cộng đồng thành công ở Việt Nam như tour du lịch đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu cuộc sống sông nước miền Tây, du lịch biển có sự tham gia của cộng đồng bảo vệ sinh vật biển, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề ở Bắc Ninh, Quảng Nam…
Một số mô hình du lịch cộng đồng
Mô hình du lịch cộng đồng tại Bắc Ninh gắn với phát triển giá trị văn hóa truyền thống tại Bắc Ninh gồm 3 xã: Phù Lãng, Đình Tổ và Hòa Long. Mô hình này nhằm gắn kết điểm mạnh của các địa phương như du lịch và trải nghiệm làm gốm ở Phù Lãng, thăm quan làng nghề làm tương truyền thống và thăm di tích chùa Bút Tháp ở Đình Tổ, giao lưu quan họ ở Làng Diềm, quê hương của Quan họ thuộc xã Hòa Long.
Mô hình phát triển du lịch cộng đồng Băc Ninh được đánh giá cao, mang lại cho người dân có thu nhập ổn định thông qua phát triển du lịch cộng đồng, khôi phục được nghề làm gốm sành của xã Phù Lãng, số lượng sản phẩm bán ra thị trường trong và ngoài nước ngày càng tăng. Nghề làm tương của xã Đình Tổ đã phát triển tích cực. Nhờ làm thương hiệu ATVSTP nên sản phẩm đã tiếp cận thị trường trong tỉnh ngoài tỉnh, số hộ tham gia làm tương từ chỗ chỉ có vài hộ tham gia, nay đã lên vài chục hộ. Lượng khách du lịch đến với các xã này ngày càng tăng trưởng.
Mô hình du lịch cộng đồng tại Sapa thông qua việc tăng cường năng lực đón tiếp khách cho các hộ homestay, kết hợp với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu. Sapa là vùng du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ du lịch chưa có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Mốt số mô hình du lịch cộng đồng khác như du lịch sinh thái tại rừng quốc gia Khe Rỗ (Bắc Giang), làng cổ Đường Lâm, làng mộc Kim Bồng/ Hội An, du lịch cộng đồng tại Nam Giang (Quảng Nam), du lịch cộng đồng tại đầm phá Lam Giang (Huế), phát triển sản phẩm phục vụ du lịch tại các tỉnh miền Trung…
Một số kinh nghiệm trong triển khai các dự án phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng không phải là cách duy nhất để nâng cao thu nhập nên nó cũng cần tuân theo quy luật thị trường, tức là du lịch cộng đồng chỉ tồn tại khi nguồn thu nhập từ nó cao hơn thu nhập từ các nguồn khác. Tuy nhiên điều này không luôn luôn đúng nếu chúng ta tách biệt đối tượng (một nhóm người) làm du lịch cộng đồng một cách tương đối với các nhóm người đang có các hoạt động kinh tế khác trên cơ sở phân tích năng lực/nhu cầu hay nói một cách tổng quát là nguồn lực làm du lịch cộng đồng ở địa phương.
Nâng cao năng lực cho các thành viên cho cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng – bao gồm tập huấn về nhận thức cho người dân, tập huấn kỹ thuật và năng lực lập kế hoạch, kinh doanh cho các thành viên tham gia phát triển du lịch cộng đồng như nhóm đón tiếp, nhóm hướng dẫn tour, nhóm văn nghệ, nhóm ẩm thực, nhóm hàng quà tặng…. Điều quan trọng là người dân địa phương cần nhận thấy rõ vai trò và có sự tham gia tích cực cùng với niềm tự hào cũng như sự nhận thức rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm. Chính quyền và người dân cũng cần có một kỳ vọng hợp lý về cả lợi ích và những bất cập mà du lịch cộng đồng có thể mang lại trong quá trình phát triển.
Sản phẩm của du lịch cộng đồng, dù là vật thể hay phi vật thể cần luôn được chú trọng tính khác biệt, cần đề cao những câu chuyện đằng sau sản phẩm và cần tryền thông về các giá trị của sản phẩm đến với khách. Du lịch cộng đồng, một cách lý tưởng, cần được đặt trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tổng thể ở địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng đóng góp vào việc nâng cao đời sống của một số vùng nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, không phải vùng nông thôn nào cũng có thể phát triển được du lịch cộng đồng và việc áp dụng thành công mô hình du lịch cộng đồng phụ thuộc rất lớn vào sự phân chia hài hòa lợi ích trong cộng đồng, giải pháp bảo tồn văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng, phương pháp giảm thiểu các bất cập trong phát triển du lịch cộng đồng…đòi hỏi tiếng nói chung của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và đặc biệt là cộng đồng dân cư.
Tham khảo:
– Báo cáo chuyên đề “Du lịch Việt Nam – Thực trạng và giải pháp phát triển”, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch;
– UNWTO, (2001).Compendium of Tourism Statistics; Madrid: Spain, UNWTO;
– Wearing, S. & Neil, J. (1999). Ecotourism: Impact, potentials and possibilities. Woburn: Butterworth – Heinemann.
Tham luận tại sinh hoạt khoa học hưởng ứng thông điệp Ngày Du lịch thế giới năm 2014 “Du lịch và sự phát triển của cộng đồng”