Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đề tài NCKH cấp Bộ “Xây dựng hệ thống tiêu chí thống kê du lịch nội địa”

     
    PHẦN MỞ ĐẦU
     
    1.     Sự cần thiết nghiên cứu 

    tieuchinoidiaĐất nước ta có dân số trên 88 triệu người, tình hình chính trị ổn định, kinh tế liên tục tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện nên xu thế đi du lịch của người dân thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi tăng lên rõ rệt. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2012 lượng khách du lịch nội địa là 32.5 triệu lượt. Đây quả thật là con số ấn tượng bởi số lượng khách du lịch nội địa năm 1993 chỉ là 2,7 triệu lượt. Sự phát triển của du lịch nội địa đã có đóng góp không nhỏ vào tổng doanh thu của toàn ngành du lịch. Đặc biệt, năm 2009, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận sự khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, cộng với dịch cúm A/H1N1 trong những năm gần đây, khách du lịch nội địa đã trở thành nguồn khách quan trọng “cứu vãn” sự suy giảm mạnh mẽ của khách quốc tế.
    Về thống kê du lịch (nội địa và quốc tế), hiện nay tại Việt Nam vẫn áp dụng 2 phương pháp thu thập thông tin du lịch truyền thống là ban hành chế độ báo cáo thống kê định kỳ và tổ chức các cuộc điều tra (điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu). Theo Luật thống kê và Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê, các chỉ tiêu thống kê quốc gia về du lịch (mục 18 – Văn hóa, thể thao và du lịch): số lượt người nước ngoài đến Việt Nam, số lượt người Việt Nam ra nước ngoài do Bộ Công An, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp Tổng cục Thống kê; số lượt khách du lịch nội địa, chi tiêu của khách du lịch quốc tế và nội địa do Tổng cục Thống kê chủ trì.
    Số liệu thống kê khách quốc tế đến Việt Nam được thu thập từ các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trước đây việc thu thập, tổng hợp và công bố số liệu này là do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công An đảm nhiệm. Từ năm 2000 đến trước khi có Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ, việc thu thập số liệu khách quốc tế đến Việt Nam do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan thu thập, tổng hợp và công bố. Hiện nay, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã được thống kê cập nhật thường xuyên, hàng tháng, quí và năm về tổng số khách cũng như các chỉ tiêu phân tổ, phân tích theo mục đích chuyến đi, theo quốc tịch, thị trường du lịch và theo phương tiện của chuyến đi… Nguồn thông tin này khá đầy đủ, được thu thập toàn diện và hệ thống, có ý nghĩa rất quan trọng đối với thống kê khách du lịch quốc tế nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch.
    Khác với thống kê khách du lịch quốc tế (thực hiện dễ dàng hơn nhờ các thông tin mà khách khai báo tại cửa khẩu), mặc dù số lượng khách du lịch nội địa có xu hướng ngày càng tăng nhưng việc thống kê khách du lịch nội địa ở Việt Nam (cũng như nhiều nước khác trên thế giới) còn nhiều bất cập. Thời gian qua, số lượt khách du lịch nội địa là số ước trên cơ sở số liệu báo cáo của các địa phương. Các chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa khác như chi tiêu của khách du lịch nội địa, ngày lưu trú bình quân… được xác định qua các cuộc điều tra chọn mẫu (gần đây nhất là cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2011).  Số liệu thống kê về khách du lịch nội địa ở các địa phương là số lượt khách và hầu hết chỉ bao gồm những người nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch có đăng ký kinh doanh. Do không có nhiều thông tin về khách (khách không khai báo, đặc biệt về mục đích chuyến đi, nơi ở thường xuyên…)  nên số liệu thống kê này cũng không loại bỏ được những khách thuê phòng với mục đích làm ăn, kiếm tiền tại nơi đến (không phải khách du lịch). Về số khách đi du lịch trong ngày và khách nghỉ tại các nhà nghỉ chưa đăng ký kinh doanh, các nhà nghỉ của các cơ quan, xí nghiệp, nhà nghỉ cuối tuần… chưa được thống kê đầy đủ. Ngoài ra, số liệu thống  kê “số lượt khách du lịch nội địa” không thể dùng để  tính doanh thu ngành từ khách du lịch nội địa vì chi tiêu của khách du lịch nội địa được điều tra là số liệu chi tiêu theo chuyến đi trong khi số liệu thống kê khách du lịch nội địa là số lượt chứ không phải số chuyến đi (phương pháp tính toán các chỉ tiêu bao gồm doanh thu, giá trị sản xuất, chi phí trung gian, giá trị  tăng thêm đóng góp trong GDP, giá trị xuất khẩu, giá trị nhập khẩu,… được Tổ chức du lịch thế giới khuyến cáo là tính theo nguồn cầu, từ thông tin về chuyến đi và cơ cấu chi tiêu của khách trong chuyến đi; không tính theo nguồn cung, từ số lượt khách).
    Có thể nhận thấy, ở Việt Nam, thống kê khách du lịch nội địa còn nhiều tồn tại, thể hiện ở những vấn đề cơ bản sau :
             +Thiếu thông tin và các công cụ để nhận dạng khách du lịch nội địa.
    Để có thể thống kê chính xác khách du lịch nội địa cần xuất phát từ khái niệm của nó. Tuy vậy,  cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa chặt chẽ về khách du lịch nội địa trên quan điểm thống kê. Mặc dù Luật Du lịch (có hiệu lực từ 2006) đã đưa ra khái niệm về khách du lịch nội địa : « Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam », tuy nhiên, định nghĩa này vẫn chỉ mang tính khái quát và nếu chỉ dựa vào khái niệm này (và khái niệm về du lịch đưa ra trong Luật : du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định) thì việc nhận dạng khách du lịch nội địa vẫn khó có thể thực hiện chính xác.  Bởi vì, để phân biệt (giúp cho việc thống kê chính xác hơn) khách du lịch nội địa với các đối tượng khác cần căn cứ vào thời gian, mục đích chuyến đi và nơi cư trú thường xuyên. Đối với khách quốc tế, mục đích chuyến đi thường được khai báo khi nhập cảnh một quốc gia và “Nơi cư trú thường xuyên” được xác định theo quốc tịch (hoặc quốc gia sinh sống). Những thông tin này khá đủ để phân biệt khách du lịch với các đối tượng khác và  thống kê khách du lịch quốc tế cũng không quá khó khăn.  Tuy nhiên, đối với khách du lịch nội địa thì lại khác. Chúng ta không có thông tin chính xác (về thời gian, mục đích chuyến đi, về nơi cư trú thường xuyên…ngay cả đối với khách nghỉ tại cơ sở lưu trú) của các đối tượng di chuyển hàng ngày trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nên rất khó phân biệt ai là khách du lịch để thống kê.  Đối với khách du lịch nội địa, cũng rất khó xác định khu vực nào được coi là “Nơi cư trú thường xuyên” (do tính phức tạp của việc xác định “Nơi cư trú thường xuyên” của khách du lịch nội địa, Tổ chức du lịch thế giới không đưa ra khái niệm này mà khuyến cáo các nước thành viên tự định nghĩa) và Việt Nam cũng chưa nghiên cứu cụ thể về khái niệm này. 
            + Chưa thống nhất được phương pháp luận thống kê, phương pháp thu thập, tính toán và tổng hợp số liệu thống kê về khách du lịch nội địa để áp dụng đối với từng cấp quản lý nên các số liệu thống kê vênh nhau nhiều, tính hữu dụng từ số liệu thống kê kém.  Các số liệu thống kê thực tế cũng chưa  phân loại được lượng khách du lịch đi trong ngày (same – day visitor) với khách nghỉ qua đêm…Ngoài ra, hệ thống chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa của Việt Nam chưa có tham chiếu với các hệ thống chỉ tiêu thống kê du lịch của các quốc gia và quốc tế.
             Chính vì những lý do trên,  có thể nói, độ tin cậy của các số liệu thống kê đã được công bố về du lịch nội địa là không cao. Các số liệu thống kê của các đơn vị chuyên ngành và thống kê tài khoản quốc gia; giữa số liệu trên các địa bàn và số liệu tổng hợp của cả nước còn có sự khác nhau, gây nghi ngờ cho người sử dụng thông tin.
              Do tầm quan trọng đặc biệt của số liệu thống kê đối với nền kinh tế, từ những phân tích trên, có thể nhận thấy một vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để có thể nhận diện chính xác hơn về khách du lịch nội địa, để qua đó có được các số liệu thống kê khách du lịch nội địa tin cậy hơn, phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Để giải quyết vấn đề này cần  nghiên cứu hoàn thiện các chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa, làm rõ nội hàm của khái niệm khách du lịch nội địa trên quan điểm thống kê (xây dựng các tiêu chí nhận dạng khách du lịch nội địa) làm cơ sở cho việc xây dựng phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin thống kê khách du lịch nội địa. Đây là một việc làm cấp thiết, hữu ích cả về lý luận lẫn thực tiễn cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển du lịch Việt Nam.
     
    2.  Mục tiêu nghiên cứu
    Mục tiêu trước mắt: Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu và phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin thống kê khách du lịch nội địa phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch ở Việt Nam.
                – Mục tiêu lâu dài: Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê du lịch nội địa góp phần xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý và phát triển du lịch  ở Việt Nam.
     
    3.  Nội dung nghiên cứu
    Để  đạt được mục tiêu nêu trên, nội dung của đề tài tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu những vấn đề về nguyên tắc xây dựng HTCT thống kê và phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin thống kê khách du lịch nội địa,  thực trạng của HTCT và hoàn thiện HTCT thống kê khách du lịch nội địa ở Việt Nam. Đề tài cũng nghiên cứu làm rõ nội hàm khái niệm về khách du lịch nội địa trên quan điểm thống kê, trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chí nhận dạng khách du lịch nội địa,  làm cơ sở cho việc xây dựng phương pháp thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa  ở Việt Nam.
    Các nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm những vấn đề chính sau : Tổng quan về thống kê và hệ thống chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa, thực trạng hệ thống chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa và công tác thống kê khách du lịch nội địa ở Việt Nam hiện nay, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê và phương pháp thu thập thông tin khách du lịch nội địa ở Việt Nam trên cơ sở những khuyến cáo của UNWTO và kinh nghiệm thống kê khách du lịch nội địa của một số quốc gia trên thế giới.
     
    4.     Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Về đối tượng :  Thống kê du lịch nội địa là khái niệm rất rộng nên trong đề tài tập trung chủ yếu vào nghiên cứu thống kê khách du lịch nội địa.
    Về phạm vi nghiên cứu :
    ü    Tên đề tài đặt hàng cho nhóm nghiên cứu là xây dựng hệ thống tiêu chí thống kê du lịch nội địa ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu các tài liệu (trong nước, ngoài nước) về thống kê, thống kê du lịch, thống kê du lịch nội địa và trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực thống kê thấy rằng, khái niệm “tiêu chí thống kê” không thấy được sử dụng trong lĩnh vực thống kê (chỉ có khái niệm tiêu thức thống kê, chỉ tiêu thống kê…). Luật thống kê của Việt Nam cũng chỉ có khái niệm “chỉ tiêu thống kê”. Bởi vậy, để phù hợp với những hướng dẫn của UNWTO về thống kê du lịch và phù hợp với nhu cầu thực tế ở Việt Nam hiện nay (cần chỉ tiêu thống kê), đề tài sẽ xây dựng “chỉ tiêu thống kê” thay vì “tiêu chí thống kê”. Đồng thời, như đã nói ở trên, thống kê du lịch nội địa là khái niệm rất rộng nên hệ thống chỉ tiêu thống kê du lịch nội địa trong phạm vi của đề tài được hiểu là: Hệ thống chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa và các chỉ tiêu thống kê có liên quan đến khách du lịch nội địa địa (viết gọn là HTCT chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa). Hơn nữa, trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng đã có một số chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa nên việc đề xuất hệ thống chỉ tiêu thống kê du lịch nội địa trong phạm vi đề tài được hiểu là hoàn thiện các chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa.
    ü  Các số liệu phân tích hiện trạng HTCT thống kê khách du lịch nội địa được lấy đến năm 2012. Các chỉ tiêu, phương pháp thống kê khách du lịch nội địa chủ yếu được nghiên cứu để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước ở cấp TW (tuy nhiên có thể áp dụng được ở cấp tỉnh).
    5.     Phương pháp nghiên cứu
    Phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin
    –   Phương pháp thu thập thông tin: đề tài thu thập các tài liệu về thống kê khách du lịch nội địa của UNWTO, của các nước trên thế giới, các thông tin liên quan đến thống kê du lịch như các báo cáo thống kê về hoạt động du lịch, các cuộc điều tra chuyên môn về hoạt động du lịch….Những thông tin này được thu thập chủ yếu từ Tổng cục Thống kê, Tổng cục Du lịch, các Sở VHTTDL và qua internet.
    –   Phương pháp xử lý thông tin: đề tài đã sử dụng các phương pháp tổng hợp thông tin, phân tích thông tin  để thấy được những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc nghiên cứu thống kê khách du lịch nội địa ở Việt Nam như kinh nghiệm của một số nước trong đề xuất khái niệm về khách du lịch nội địa, những ưu điểm và hạn chế của nguồn thông tin phục vụ cho việc thống kê du lịch ở Việt Nam hiện nay, để từ đó, đề xuất khái niệm, hệ thống chỉ tiêu và phương pháp thu thập thông tin thống kê khách du lịch nội địa cho Việt Nam.
    Phương pháp khảo sát, điều tra: Thực hiện các cuộc khảo sát điều tra bao gồm:
    + Khảo sát thực trạng thống kê khách du lịch nội địa tại Tổng cục Thống kê, Tổng cục Du lịch, một số Chi cục thống kê, Sở quản lý du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các đơn vị thống kê cấp huyện…
                + Điều tra xã hội học : Mục đích của hoạt động điều tra (bằng phiếu điều tra với 4 mẫu)  là để thấy được cụ thể thực trạng thống kê khách du lịch nội địa tại các doanh nghiệp, các sở quản lý về du lịch; tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, kinh doanh trên cả hai lĩnh vực du lịch và thống kê về tiêu chí nhận dạng khách du lịch nội địa, phương pháp thống kê khách du lịch nội địa… Kết quả điều tra sẽ  được phân tích và sử dụng trong các nội dung có liên quan của đề tài. Đây là phương pháp rất quan trọng, đặc biệt là việc lấy ý kiến của các nhà khoa học để xác định tiêu chí nhận dạng khách du lịch nội địa. Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng Phiếu xin ý kiến và gửi trực tiếp cho các đối tượng.
    Phương pháp chuyên gia: Thực hiện các cuộc tham vấn trực tiếp hoặc gián tiếp với các chuyên gia của các cơ quan, đơn vị thuộc hai ngành Thống kê và Du lịch về cấu trúc, tính hệ thống, tên các chỉ tiêu, cách thức xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa.

     
    Chương 1 – NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN  XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ KHÁCH DU LỊCH NỘI ĐỊA
    1.1. Một số khái niệm và phân loại sử dụng trong thống kê du lịch
    1.2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa và các phương pháp  thu thập số liệu thống kê khách du lịch nội địa   
     
    Chương 2 : THỰC TRẠNG HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ  KHÁCH DU LỊCH NỘI ĐỊA Ở VIỆT NAM
    2.1. Thực trạng thống kê và HTCT thống kê khách du lịch nội địa ở Việt Nam 
    2.2. Đánh giá chung về thống kê và HTCT thống kê khách du lịch nội địa ở Việt Nam hiện nay     
     
    Chương 3 : HOÀN THIỆN HỆ THỐNG  CHỈ TIÊU THỐNG KÊ KHÁCH DU LỊCH NỘI ĐỊA Ở VIỆT NAM       
    3.1. Đề xuất các tiêu chí nhận dạng khách du lịch nội địa ở Việt Nam      
    3.2. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu và các phương pháp thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê khách du lịch nội địa ở Việt Nam.        
     
    KẾT LUẬN VÀ NHỮNG ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ     
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    PHỤ LỤC  
    1.       Một số biểu mẫu thu thập và tổng hợp thông tin thống kê khách du lịch nội địa bằng phương pháp điều tra hộ gia đình     
    2.       Một số kết quả điều tra xã hội học  
    3.       Các mẫu phiếu điều tra xã hội học

    Bài cùng chuyên mục