Xây dựng bách khoa toàn thư Việt Nam chuyên ngành du lịch
Năm 2017 là năm hoạt động mạnh mẽ của ban biên soạn các quyển Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) chuyên ngành với nhiệm vụ xây dựng đề cương hay còn gọi là cấu trúc vĩ mô của quyển, trong đó có BKTTVN chuyên ngành Du lịch thuộc quyển 35: Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực, Trang phục.
Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấu trúc vĩ mô của quyển dưới điều hành của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn BKTTVN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam” vào tháng 7/2014.
Công việc đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xây dựng BKTTVN chuyên ngành Du lịch là xây dựng đề cương mục từ, bởi lẽ từ trước đến nay ngành Du lịch chưa có một bộ BKTT nào, ngoài các tài liệu tra cứu như từ điển, từ điển bách khoa, cẩm nang, Amanach. Mục tiêu là khi BKTTVN về Du lịch ra đời, người đọc có hiểu biết cơ bản, hình dung được một bức tranh tổng quát và tương đối đầy đủ về ngành Du lịch Việt Nam từ xưa đến nay, từ lịch sử hình thành, hiện trạng và xu hướng phát triển, ban chuyên ngành cần phải tham khảo từ các cuốn BKTT của thế giới. Với ý nghĩa đó, khi xây dựng cuốn BKTTVN về Du lịch, Ban chuyên ngành Du lịch đã kết nối với các chuyên gia, các nhà khoa học viết nội dung của các mục từ.
Việc biên soạn ban đầu bảng mục từ của BKTTVN chuyên ngành Du lịch nhằm xây dựng số mục từ đầy đủ nhất trong khả năng có thể. Do đó, Ban biên soạn chuyên ngành Du lịch dự kiến xây dựng nhiều nhất có thể số mục từ cho Cấu trúc vĩ mô. Sau đó, trong buổi thảo luận với các Ban biên soạn chuyên ngành khác của quyển 35, các nhóm sẽ tập hợp và loại trừ các thuật ngữ có tính giao thoa và trùng lặp. Theo dự kiến, hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học các Ban biên soạn quyển 35: Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực, Trang phục sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2017.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tập hợp lần cuối các mục từ chung cho toàn bộ 37 quyển của BKTTVN. Có thể sẽ có những điều chỉnh từ phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ Ban soạn thảo các quyển chuyên ngành theo nguyên tắc: 1. Chính xác – thống nhất; 2. Toàn diện; 3. Cập nhật; 4. Hiện đại; 5. Chuẩn mực; 6. Dân tộc; 7. Quốc tế; 8. Cần yếu.
Theo ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng ban biên soạn chuyên ngành Du lịch: Việc chủ động nghiên cứu các Bách khoa toàn thư chuyên ngành và chuyên đề về du lịch trên thế giới là phương pháp hợp lý, để gợi ý cho Ban biên soạn phát hiện những điểm tương đồng và những điểm còn cần bổ sung cho ngành Du lịch Việt Nam. Bước thứ hai là căn cứ vào yêu cầu Cấu trúc vĩ mô của BKTTVN, quyển chuyên ngành Du lịch cần phản ánh được đặc điểm của du lịch Việt Nam cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cần căn cứ vào các nội dung, thuật ngữ đã được quy định trong Luật Du lịch 2017.
Ngành Du lịch Việt Nam trong khoảng thời gian 57 năm hình thành và phát triển không phải là quá dài, BKTTVN chuyên ngành Du lịch sẽ là nền tảng quý báu cho tất cả những người đang tham gia vào hoạt động học, dạy, kinh doanh và quản lý để theo đó thực hiện công việc của mình theo chuẩn mực chung. Vì thế, có thể nói, đây là một công trình đòi hỏi suy nghĩ và nghiên cứu công phu, được tổ chức tốt với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành Du lịch./.
Tin: Chiến Thắng, Ảnh: Thái Hà