Vườn Quốc gia Xuân Sơn: Gắn bảo vệ rừng với phát triển du lịch
Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn (Phú Thọ), có hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi (một trong những hệ sinh thái điển hình của miền Bắc Việt Nam) với kiểu rừng nhiệt đới. Đặc biệt, nơi đây còn tồn tại khá nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị trong nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn nguồn gen, đồng thời là điểm đến lý tưởng của du khách ưa khám phá, thích nét đẹp nguyên sơ, hoang dã.
Điểm du lịch hấp dẫn
Nằm trải dài trên 29 thôn thuộc địa giới hành chính của 6 xã, Vườn Quốc gia Xuân Sơn và khu vực vùng đệm có tổng diện tích tự nhiên 15.048ha. Các xóm phân bố chủ yếu dưới chân dãy núi đá vôi và núi đất, ở độ cao từ 200 – 400m so với mực nước biển. Vườn được ví là “lá phổi xanh”, là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 22 – 23 độ C. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ của mùa xuân, buổi trưa ấm áp của mùa hè, buổi chiều hiu hiu như mùa thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa đông. Đây là lợi thế của vườn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Một khu thiên nhiên kỳ vĩ với tất cả vẻ hoang sơ của nó có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những ai lần đầu đến đây.
Vườn có địa hình đa dạng, nhiều cảnh đẹp và có những đặc điểm tự nhiên hoang dã (rừng, hồ, núi, thung lũng…). Địa hình này tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách ưa thích nơi nhiều rừng, đồi, núi…, có địa hình và phong cảnh đa dạng, có trên 30 hang động, trong đó một số hang động có vẻ đẹp kỳ ảo và hấp dẫn như hang Lạng, hang Lun, hang Na, Thổ Thần.
Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc nơi đây hiện vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc của mình như: trang phục, lễ hội, các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày như đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, lễ cấp sắc, múa đâm đuống, múa xòe, uống rượu hoẵng, cơm lam…, những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất các vua Hùng.
Quan trọng hơn, vườn nằm trong thế chân kiềng của tổng thể cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ Tam Đảo – Ba Vì – Xuân Sơn. Trong trục tâm linh của truyền thuyết lịch sử Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Sơn Tinh – Thủy tinh, vua Hùng, tạo nên một Xuân Sơn kỹ vĩ và có nhiều lợi thế trong bảo tồn, phát triển bền vững kết hợp với du lịch.
Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, Vườn Quốc gia Xuân Sơn vẫn chưa có quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng mà mới chỉ dừng lại ở lập dự án đầu tư, do đó thiếu một số nội dung nhiệm vụ trong bảo tồn và phát triển rừng bền vững. Các hoạt động chính mới tập trung vào công tác bảo vệ rừng, phục hồi rừng, xây dựng hạ tầng thiết yếu…; các hoạt động dịch vụ hầu như chưa đóng góp đáng kể. Dịch vụ du lịch sinh thái hiện tại còn sơ sài, quy mô nhỏ lẻ, tự phát và thiếu định hướng nên chưa gây ấn tượng và thu hút khách du lịch.
Hướng đến quản lý rừng bền vững
Để bảo tồn, phát triển bền vững rừng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, dịch vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, việc xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2020 là hết sức cần thiết nhằm xác định rõ mục tiêu nội dung nhiệm vụ để tổ chức thực hiện.
Dự án khu du lịch Xuân Sơn – Đền Hùng có tổng diện tích quy hoạch 9.044ha (thuộc hai xã Xuân Đài và Xuân Sơn); tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xây dựng khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với bản sắc văn hóa vùng cao. Hiện nay, đã đầu tư xây dựng được một số hạng mục công trình tại Xuân Sơn (tôn tạo hang Thổ Thần; hang Na và hệ thống đường bộ phục vụ khách du lịch sinh thái từ xóm Lấp đến thác Ngọc) và Xuân Đài (san nền khu chùa Báo Hiếu, đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường Xuân Sơn – Đền Hùng). Các công trình xây dựng không làm phá vỡ cảnh quan, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhân dân trong vùng.
Công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng… được thực hiện tích cực, góp phần nâng độ che phủ của rừng Vườn Quốc gia từ 60% (năm 2002) lên 84% (năm 2012); chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt hơn; tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tham gia vào việc trồng, bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân địa phương sống gần rừng; đồng thời làm giảm nguy cơ phá rừng và tài nguyên thiên nhiên.
Mỗi năm, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đón từ 5.000-10.000 khách đến làm việc, nghiên cứu, tham quan, trong đó có từ 5-10% khách tham quan du lịch; khách ngủ qua đêm khoảng 700 người. Thời gian tới, khi dự án đường Xuân Sơn – Đền Hùng hoàn thành, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch của vườn. Dự kiến, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan đạt khoảng 15.000 người vào năm 2015 và 30.000 người vào năm 2020, trong đó có 3.000 – 5.000 người lưu trú qua đêm.
Khi ấy, vườn sẽ đa dạng các loại hình du lịch như: Tham quan học tập, nghiên cứu khoa học và hội thảo, nghiên cứu sinh học, đa dạng sinh học; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, leo núi, thể thao mạo hiểm, thư giãn kết hợp tham quan ngắm cảnh thiên nhiên trong những ngày nghỉ cuối tuần; du lịch tâm linh và cộng đồng: giao lưu văn hóa với cộng đồng các dân tộc…
Ông Trần Đăng Hùng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: “Những năm qua, chúng tôi xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, vườn đã chủ động đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; nhận thức của cộng đồng được nâng cao thông qua các lớp tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhờ đó, rừng được tăng cả về số lượng và chất lượng.
“Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện một số đề tài, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác bảo tồn như: Bảo tồn gà chín cựa, gà Lôi trắng; sưu tầm và lưu giữ mẫu vật các loài thực vật quý hiếm… Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu không những góp phần bảo tồn nguồn gen quý của quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, hướng đến quản lý rừng bền vững”, ông Hùng nói.
Với những giá trị nổi bật, rừng Xuân Sơn được nằm trong danh sách khu rừng cấm tại Quyết định 194/CT ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với diện tích 5.487ha. Ngày 28/11/1992, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn được thành lập. Ngày 17/ 4/2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 49/QĐ- TTg chuyển hạng thành Vườn Quốc gia Xuân Sơn với tổng diện tích 15.048ha. |
Hoàng Văn