Vịnh Bái Tử Long được công nhận là Vườn Di sản ASEAN – cơ hội phát triển du lịch sinh thái
Trong khuôn khổ hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2017 tại tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững”, sáng ngày 19/5, Lễ trao danh hiệu vườn Di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bái Tử Long và Hội thảo về đa dạng sinh học và Du lịch bền vững được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.
Vườn quốc gia Bái Tử Long đã đạt danh hiệu vườn Di sản ASEAN dựa trên sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tính tự nhiên, hoang dã, tính nguyên vẹn về hệ sinh thái, sự đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Cụ thể là, Tiêu chí 1: Tính toàn vẹn sinh thái; Tiêu chí 2: Tính đại diện; Tiêu chí 3: Tính tự nhiên; Tiêu chí 4: Ý nghĩa bảo tồn cao; Tiêu chí 5: Khu được công nhận đúng pháp luật. Tại các hội thảo khoa học, các chuyên gia cao cấp của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN trong quá trình khảo sát, nghiên cứu để công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá: Vườn quốc gia Bái Tử Long có hệ sinh thái độc đáo nhất Đông Nam Á. Vì vậy Vườn Quốc gia Bái Tử Long (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã chính thức trở thành vườn di sản thứ 38 của ASEAN tại Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lần thứ 26 – Myanmar cuối tháng 5-2016.
Theo báo cáo xếp hạng năng lực bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh (Vietnam Biodiversity Capacity Index (VBCI) 2011 của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường CRES thực hiện trên 63 tỉnh cho thấy sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh và vùng Vịnh Hạ Long được xếp ở vị trí hàng đầu đối với công tác bảo tồn thiên nhiên. Danh hiệu vườn Di sản ASEAN vừa là vinh dự và có ý nghĩa đối với uy tín của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đồng thời cũng là trách nhiệm để tỉnh Quảng Ninh nói chung và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long nói riêng thực thi và chịu trách nhiệm về các chính sách bảo tồn sinh vật quý hiếm sống trong khu vực bảo tồn của vịnh.
Vườn QGBTL được thành lập ngày 01-6-2001 tại Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, ít nơi nào trên thế giới có thể tìm thấy được nhiều hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên độc đáo và điển hình như ở Vườn quốc gia Bái Tử Long. Với tổng diện tích 15.783 ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng là 6.125 ha với hơn 80 đảo lớn nhỏ chia thành 3 cụm đảo chính là Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu, diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước là 9.650ha. Một số hệ sinh thái còn khá nguyên vẹn, như: Hệ sinh thái trên núi đất, Hệ sinh thái trên núi đá vôi, Hệ sinh thái thung áng, Hệ sinh thái có biển, Hệ sinh thái rừng ngập mặn và Hệ sinh thái rạn san hô. Các hệ sinh thái này là ngôi nhà chung của 2.235 loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu cũng như các loài di cư. Trong các thung áng có hệ sinh thái tùng, áng chỉ có thể tìm thấy tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đảo Trà Ngọ Lớn có cấu tạo địa chất đặc biệt, một thân đảo có 2 nền địa chất với nguồn gốc hình thành rất khác nhau, phía bắc đảo là “núi đất” trên nền đá lục nguyên, phía nam đảo là núi đá vôi, đặc trưng bởi địa hình Caster có nhiều hang động và thung áng. Đặc điểm này được các chuyên gia cao cấp của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN đánh giá là độc đáo nhất Đông Nam Á cả về mặt sinh thái, khoa học, giáo dục đào tạo.
Việc Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn di sản ASEAN là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh công tác vận động sự quan tâm của các cấp, các ngành, và các đoàn thể xã hội, doanh nghiệp quan tâm phát triển du lịch, văn hóa, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Với danh hiệu vườn Di sản ASEAN, Vườn Quốc gia Bái Tử Long có tiềm năng đầu tư phát triển du lịch sinh thái, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn hơn đối với khách du lịch và một địa chỉ tin cậy của các nhà khoa học, nhà kinh tế và đầu tư liên doanh trên nhiều lĩnh vực.
Từ năm 2014, Ban Quản lý Vườn đã phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững thân thiện với môi trường, như nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch. Từ nguồn của Chính phủ, Vườn đã chọn ra 22 thôn của 5 xã nằm ở vùng lõi và vùng đệm của Vườn, từ đó đầu tư giúp người dân phát triển sản xuất, như hỗ trợ tiền cây, con giống (40 triệu đồng/xã/năm). Người dân sau khi nhận hỗ trợ phải ký cam kết không phá hoại rừng, biển và tham gia ngăn chặn các hoạt động phá hoại ảnh hưởng đến Vườn. Từ những hoạt động này, mấy năm gần đây đã hoàn toàn không còn việc phá hoại rừng vì mưu sinh của người dân, họ trở thành tai mắt giúp kiểm lâm ngăn chặn các hoạt động của lâm tặc, ngư tặc. “Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Bái Tử Long” được UBND tỉnh phê duyệt và cho phép hoạt động. Người dân được lựa chọn tham gia nhóm chia sẻ lợi ích, họ được bàn giao khu vực nuôi ốc. Sau khi thu hoạch, họ chỉ phải chia lại 6% sản phẩm cho Vườn để phục vụ công tác bảo tồn. Người tham gia nhóm còn đảm nhiệm việc trông coi liên tục tại hiện trường, nhằm phát hiện đối tượng lạ vào trong khu vực, ngăn chặn và báo với lực lượng kiểm lâm của Vườn.
Cho tới nay, Việt Nam đã có tổng số 5 Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên được công nhận là Vườn Di sản ASEAN: VQG Hoàng Liên (Lào Cai) năm 2003; VQG Ba Bể (Bắc Cạn) – 2003; VQG Chư Mom Ray (Kon Tum) – 2003; KBTTN Kon Ka Kinh (Gia Lai) – 2003 và VQG Bái Tử Long (Quảng Ninh) – 2016.
Vườn Quốc gia Ba Bể – Bắc Kạn
Tin: Chiến Thắng