Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về thu hút khách du lịch quốc tế
Theo thông tin vừa được Bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN Stats) công bố ngày 17/9, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng trong thập niên qua với tốc độ tăng bình quân 9,8%/năm, đặc biệt đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về thu hút khách du lịch quốc tế.
Báo cáo giám sát tiến bộ của cộng đồng ASEAN năm 2012 (ACPMS 2012) và Niên giám của Tổng cục Thống kê đã khẳng định năm 2000, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 2,13 triệu khách, đã tăng lên hơn 6 triệu khách, gấp 2,8 lần vào năm 2011. Trong quá trình phát triển, số lượng khách du lịch chỉ bị suy giảm mạnh vào năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngành Du lịch đã phục hồi nhanh chóng hơn cả mong đợi vào năm 2010, tăng lên 2 con số (33,9%), cao nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, lựa chọn tới Việt Nam của các nhóm khách du lịch tương đối khác nhau. Lượng khách ngoài khối ASEAN vào Việt Nam chiếm đa số, khoảng 88% tổng số khách du lịch, trong khi khách du lịch đến từ các nước thành viên ASEAN chỉ chiếm khoảng 12%.
Việt Nam là lựa chọn thứ 4 làm điểm đến của khách du lịch ngoài khối ASEAN chỉ sau Thái Lan, Singapo, Malaysia. Tuy nhiên, số lượt khách trong khối ASEAN năm 2011 chỉ đứng thứ 6 mặc dù tốc độ tăng bình quân của Việt Nam chỉ khá cao (6,4%/năm). Xu thế đối lập giữa hai nhóm khách du lịch này sẽ thay đổi trong tương lai do tốc độ tăng của khách du lịch trong khối ASEAN ngày càng tăng so với nhóm còn lại và có xu hướng tiếp tục tăng.
Báo cáo cũng nêu rõ, về mặt kinh tế, chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam năm 2011 chiếm 4,5% GDP và 63,3% doanh thu xuất khẩu dịch vụ. Xuất khẩu du lịch chiếm 65,7% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ. Trong giai đoạn 2005 – 2011, ngành Du lịch luôn xuất siêu, đạt đỉnh vào năm 2011 với 4 triệu USD. So với các nước trong khu vực, xuất khẩu du lịch Việt Nam đứng ở nhóm trung bình cùng với Indonesia và Philipin.
Kết quả khả quan của ngành Du lịch Việt Nam có được là nhờ vào thế mạnh như phong cảnh thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng, an toàn và giá cả hấp dẫn. Theo báo cáo ACPMS 2012, giá tiêu dùng của Việt Nam theo sức mua tương đương thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để có thể thu ngắn khoảng cách phát triển ngành Du lịch với các quốc gia trong khu vực để ngành Du lịch Việt Nam thật sự trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”./.
Theo: dangcongsan.vn