Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khảo sát thực địa tại Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, phục vụ nhiệm vụ “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng ĐBSCL đến năm 2030”
Nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển du lịch được xác định tại Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Thực hiện nhiệm vụ này, Viện lên kế hoạch thực hiện một số chuyến khảo sát thực địa tại vùng ĐBSCL, trong đó chuyến đầu tiên đã hoàn thành trong tháng 9 năm 2015.
Trong đợt khảo sát này, đoàn công tác của Viện đã có các buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương nhằm tìm hiểu về thực trạng phát triển du lịch, vấn đề liên kết phát triển du lịch, một số định hướng phát triển chủ yếu cũng như những khó khăn, thách thức lớn đối với phát triển du lịch của địa phương.
Đoàn công tác cũng đã khảo sát thực tế một số điểm du lịch nổi trội nhất như: chùa Dơi, chùa Kh’Leng, chùa Đất và phòng trưng bày văn hóa Khmer (Sóc Trăng), bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, các làng du lịch huyện Phong Điền, nhà cổ và đình Bình Thủy, khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (Cần Thơ), cù lao An Bình, Văn thánh miếu, khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khu tưởng niệm Thủ tướng Phạm Hùng (Vĩnh Long), làng hoa kiểng Tân Quy Đông – Sa Đéc, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà cổ Sa Đéc (Đồng Tháp), Núi Sam, Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, ruộng lúa Tịnh Biên, làng Chăm Búng Bình Thiên (An Giang), Hòn Đất, đền thờ Nguyễn Trung Trực, khu lấn biển Rạch Giá (Kiên Giang). Đây là những điểm đến tiêu biểu của du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
Qua chuyến khảo sát, những thế mạnh của du lịch đồng bằng sông Cửu Long như du lịch sông nước, miệt vườn, homestay, ẩm thực “khẩn hoang” với sự hỗ trợ của trung tâm đô thị – du lịch lớn của Cần Thơ một lần nữa đã được khẳng định rõ.
Cũng qua những nội dung trao đổi với các địa phương, vấn đề liên kết giữa các địa phương và trong cả vùng vẫn là một khó khăn lớn chưa có lời giải. Một số những nỗ lực liên kết giữa các địa phương đã bước đầu được triển khai. Đó là những bước đi ban đầu hứa hẹn một tương lai đoàn kết trong phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, kết nối tour tuyến của du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
Một số hình ảnh của đoàn công tác trong chuyến khảo sát:
Chùa Dơi – Thành phố Sóc Trăng
Trúc lâm Thiền viện Phương Nam – Cần Thơ
Vườn trái cây Vàm Xáng, Phong Điền – Cần Thơ
Hoạt động Team Building, Búng Bình Thiên – An Giang
Đoàn công tác Viện tham gia một số hoạt động Famtrip của Diễn đàn Du lịch Việt Nam tại Vùng ĐBSCL