Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khảo sát hoạt động du lịch mạo hiểm tại Khánh Hòa và Lâm Đồng

    2017-dlmh3    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác khảo sát hoạt động du lịch mạo hiểm tại Khánh Hòa và Lâm Đồng từ ngày 7 – 11/8/2017 phục vụ nhiệm vụ xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch Mạo hiểm. 

       Tại Khánh Hòa, đoàn khảo sát đã có buổi làm việc với đại diện Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, đại diện Phòng Văn hóa Thông tin Tp. Nha Trang, cùng với các doanh nghiệp kinh doanh thể thao mạo hiểm trên địa bàn. Hoạt động du lịch mạo hiểm tại Khánh Hòa chủ yếu là các hoạt động thể thao mạo hiểm trên biển, hiện có 27 cơ sở giải trí trên biển, kinh doanh các trò chơi thể thao trên biển như lướt ván, lặn biển, đi bộ dưới đáy biển, Flyboard – ván bay, ca nô kéo phao bay, dù bay đôi, mô tô nước…

     

    2017-dlmh 2017-dlmh1

       Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, đối với các môn thể thao biển, theo Nghị định 106/2016 ngày 1/7/2016 quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Văn hóa, Thể thao Khánh Hòa cấp. Sở Du lịch Khánh Hòa vì thế phải quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm nhưng không được cấp phép cho hoạt động du lịch này, dẫn đến hoạt động quản lý và thanh kiểm tra bị chồng chéo. Bên cạnh đó, một số bộ môn thể thao biển mới được đưa vào Việt Nam, chưa có văn bản điều chỉnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Thể dục Thể thao nên việc kiểm định chất lượng gặp nhiều khó khăn, nhiều môn vẫn đang hoạt động dưới dạng tự phát. Ngoài ra, đoàn công tác cũng đã trực tiếp khảo sát một số hoạt động du lịch mạo hiểm tại Khánh Hòa như lặn biển, đi bộ dưới biển, dù lượn và đã có những trao đổi với một số doanh nghiệp về quy trình quản lý hoạt động du lịch thể thao biển an toàn.

     

    2017-dlmh4 2017-dlmh5

       Sau khi khảo sát và làm việc tại Khánh Hòa, đoàn công tác đến Lâm Đồng và có buổi làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng. Những năm gần đây, các loại hình du lịch mạo hiểm đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã có những tour mạo hiểm khám phá thiên nhiên, chinh phục, thử thách bản thân, góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch Lâm Đồng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, du lịch mạo hiểm tại Lâm Đồng hoạt động dưới dạng tự phát, chưa có khung pháp lý để điều chỉnh lĩnh vực này và đã để xảy ra một số tai nạn đáng tiếc. Chính vì vậy, ngày 15/8/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định 1804/QĐ-UBND về việc Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức và khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh. Quy định này đưa ra các điều kiện đối với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh, đối với đơn vị quản lý địa điểm tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm và đối với du khách.
       Hiện nay, tại Lâm Đồng có 10 công ty du lịch được Sở trao giấy xác nhận đủ điều kiện tổ chức và kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm, các công ty này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng kiểm tra, thẩm định về trang thiết bị, công tác cứu hộ cứu nạn, các yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách, đội ngũ hướng dẫn viên… Các hoạt động mạo hiểm hiện được cấp phép khai thác gồm đu dây vượt thác, chèo thuyền vượt ghềnh thác, chèo thuyền kayak, đu dây zipline, leo vách đá nhân tạo, đi bộ băng rừng (trekking)… Và các địa điểm được phép tổ chức du lịch mạo hiểm gồm: Hồ Tuyền Lâm, thác Datanla ở TP Đà Lạt; khu du lịch Thung lũng Vàng, thác Dasar ở huyện Lạc Dương; khu du lịch Madagui ở huyện Đạ Huoai; sông Đạ Đờn thuộc huyện Lâm Hà. 60 hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm của 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn vừa trải qua khóa tập huấn nghiệp vụ với chuyên gia nước ngoài do Sở VHTTDL Lâm Đồng tổ chức.

    2017-dlmh6 2017-dlmh7

    2017-dlmh8 2017-dlmh9

       Khánh Hòa và Lâm Đồng có thể được đánh giá là các địa phương điển hình về du lịch mạo hiểm tại Việt Nam với nhiều doanh nghiệp du lịch mạo hiểm có nhiều năm kinh nghiệm. Tuy nhiên thực trạng cho thấy việc quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm tại các địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Những thông tin thu thập được từ việc điều tra và khảo sát tại Khánh Hòa và Lâm Đồng sẽ là tài liệu quý giá giúp nhóm nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam./.

     

    Tin và ảnh: Hồng Nhung

    Bài cùng chuyên mục