Ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam
1. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình và/hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn.
BĐKH mà biểu hiện là hiện tượng nóng lên toàn cầu đã được phát hiện từ nửa cuối thế kỷ XX và được khẳng định dần qua các kết quả nghiên cứu của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tại Rio de Janero (1992) với Công ước khung về biến đổi khí hậu (BĐKH), Hội nghị Kioto (1997) với nghị định thư Kioto; … và mới đây Hội nghị Thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức tại Qatar (2012) đã nói lên tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề BĐKH.
Về nguyên nhân của BĐKH hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên đa số ý kiến đều thống nhất là các hoạt động của con người, bao gồm cả hoạt động khai thác sử dụng đất đã tác động làm thay đổi thành phần của khí quyển và qua đó góp phần vào quá trình làm BĐKH.
Theo nhiều nghiên cứu có tính toàn cầu và khu vực, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới WB đã chỉ ra khu vực Đông Nam Á, đứng đầu là Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng, theo đó 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động với mực nước biển dâng 1m; và con số tương ứng trong trường hợp mực nước biển dâng 5m sẽ là 16% và 35%.
Trong thực tiễn, các hiện tượng xói lở đường bờ biển, đặc biệt ở khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; hiện tượng xâm nhập mặn ngày một diễn ra nghiêm trọng ở vùng ven biển, v.v. và kết quả tính toán dự báo về nước biển dâng cho thấy ảnh hưởng của BĐKH ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với dự báo theo kịch bản về BĐKH do Bộ TNMT mới công bố năm 2010.
2. Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến hoạt động phát triển du lịch
Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên vì vậy được xem là một trong những ngành chịu ảnh hưởng dưới tác động của BĐKH. Tác động của BĐKH đến hoạt động phát triển du lịch được xác định trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa khí hậu với hoạt động phát triển du lịch, theo đó, BĐKH sẽ tác động trực tiếp đến 3 nhóm đối tượng chủ yếu bao gồm: tài nguyên du lịch; hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và hoạt động lữ hành.
Tài nguyên du lịch được xem là yếu tố nền tảng cơ bản cho hoạt động phát triển du lịch. Mọi sự thay đổi về chất lượng và số lượng các dạng tài nguyên du lịch chính sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch.Tài nguyên khí hậu sẽ là một trong những dạng tài nguyên du lịch chủ yếu chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH. BĐKH sẽ kéo theo sự thay đổi quy luật diễn biến các yếu tố khí hậu chủ yếu như nhiệt độ, độ ẩm, v.v làm thay đổi điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, một trong những loại hình du lịch chính của du lịch. BĐKH sẽ làm thay đổi các điều kiện sinh khí hậu và do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, phát triển, thậm chí là tồn tại của nhiều hệ sinh thái, các loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu có giá trị du lịch. BĐKH sẽ làm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với quy mô và cường độ lớn, xảy ra ở những vùng ít chịu ảnh hưởng theo những quy luật truyền thống. Tác động của bão, lũ, và hệ quả là ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại, thậm chí làm mất đi nhiều di tích lịch sử văn hoá – được xem là dạng tài nguyên du lịch đặc biệt có vai trò quan trọng để phát triển du lịch.
Như vậy đứng cả từ góc độ tài nguyên du lịch tự nhiên lẫn tài nguyên du lịch nhân văn, BĐKH đều có những tác động trực tiếp gây ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tài nguyên và qua đó sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch.
Hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông có ý nghĩa đặc biệt đối hoạt động phát triển du lịch bởi du lịch liên quan chặt chẽ đến vận chuyển khách du lịch từ nơi cư trú thường xuyên của họ đến các địa điểm tham quan du lịch. Giao thông được xem là “cầu nối” giữa “cung” và “cầu” du lịch. Sự gián đoạn trong mối liên hệ này sẽ đồng nghĩa với sự ngừng trệ hoạt động du lịch. BĐKH làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận chuyển khách, đặc biệt bằng đường không (theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới có tới trên 60% lượng khách du lịch quốc tế đi lại giữa các nước là bằng đường hàng không). Bên cạnh hệ thống giao thông, hoạt động cung cấp điện, nước cho nhu cầu du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Do BĐKH, tiềm năng nước ngọt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt vào mùa khô. Trong nhiều trường hợp tình trạng xâm nhập mặn do NBD kết hợp với việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ làm cho nhiều “bể nước ngầm” bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng cung cấp nước.
Cũng như mọi công trình xây dựng nói chung, việc thiết kế xây dựng các công trình về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đều phải dựa trên một trong những thông số đầu vào quan trọng là điều kiện khí hậu. Tuy nhiên tình trạng thay đổi quy luật thời tiết – khí hậu (trực tiếp là các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, v.v.), được xem là hệ quả của BĐKH, sẽ ảnh hưởng đến độ bền vật liệu; đến công năng và thời gian sử dụng của các công trình ngay cả khi chúng không chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tác động của bão, lũ với cường độ mạnh sẽ gây hư hại, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ là hư hỏng hoặc mất đi các công trình xây dựng, trong đó có có các công trình dịch vụ du lịch.
Hoạt động lữ hành bao gồm các công đoạn xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Trong một chương trình (tour) du lịch thì sản phẩm du lịch được xem là “linh hồn”, vì vậy việc phát triển sản phẩm du lịch là rất quan trọng. Như đã đề cập ở trên BĐKH có tác động rất lớn đến tài nguyên du lịch – được xem là nền tảng để phát triển sản phẩm du lịch. Như vậy nếu tài nguyên du lịch bị ảnh hưởng bởi BĐKH thì hoạt động du lịch lữ hành sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là một phần chức năng quan trọng nhất của hoạt động lữ hành là “xây dựng chương trình du lịch” sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động BĐKH thông qua tài nguyên du lịch. Bên cạnh tác động đến tài nguyên, BĐKH còn tác động đến hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như đã đề cập và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện các chương trình du lịch.
Một trong những điều kiện quan trọng để tổ chức thực hiện chương trình du lịch là điều kiện về khí hậu, thời tiết. Trong điều kiện thời tiết mưa, gió, tầm nhìn hạn chế, hoạt động tham quan du lịch, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, v.v. trong một chương trình du lịch (tour du lịch) sẽ bị hạn chế và trong nhiều trường hợp thời tiết nguy hiểm sẽ bị huỷ bỏ thay đổi.
Như vậy có thể thấy BĐKH với những biểu hiện về sự thay đổi quy luật thời tiết và sự xuất hiện ngày các tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, sẽ có những tác động tiêu cực đến việc tổ chức thực hiện các chương trình du lịch, gây ảnh hưởng không chỉ đối với hoạt động kinh doanh du lịch mà còn gây ảnh hưởng đến quyền lợi và trong một số trường hợp gây nguy hiểm cho tính mạng của du khách.
Cơ chế chung tác động của BĐKH đến hoạt động phát triển du lịch được đưa ra trên sơ đồ 1.
Như vậy có thể thấy BĐKH với những biểu hiện về thay đổi quy luật thời thiết và sự xuất hiện ngày một gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan về cường độ cũng như quy mô với những thay đổi quy luật về thời gian xuất hiện và diễn biến theo không gian, v.v. sẽ có những tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển du lịch thông qua 3 nhóm đối tượng chịu tác động chính như đã phân tích ở trên.
3. Hiện trạng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tác động của BĐKH và NBD đã hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống xã hội, trong đó có hoạt động phát triển du lịch. Những biến đổi bất thường, không theo quy luật của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng. Sự xuất hiện và tác động trực tiếp của cơn bão số 8 (có tên quốc tế là Sơn Tinh) với sức gió lên đến trên cấp 12 đến các tỉnh ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa vào những ngày cuối tháng 10/2012 và sự xuất hiện, tác động của cơn bão số 1 ở khu vực phía Nam vào những ngày đầu năm 2013 là một minh chứng rõ rệt.
BĐKH và NBD trực tiếp ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và giá trị đa dạng sinh học là một trong những dạng tài nguyên du lịch quan trọng để phát triển du lịch sinh thái.
Theo một số nghiên cứu mới nhất, nhiều loài sinh vật ở Việt Nam đã phải thay đổi lãnh thổ phân bố và thời gian chu kỳ sống của chúng để thích ứng với ảnh hưởng của BĐKH.
Kết quả điều tra nghiên cứu sơ bộ tác động của BĐKH và NBD đến các khu, điểm du lịch; cơ sở VCKT du lịch cho thấy đã có những tác động rõ rệt ở các mức độ khác nhau. Ví dụ điển hình về tác động này là sự “ra đi” của khu du lịch Khai Long (Cà Mau), trong vòng 5 năm sau ngày khai trương vào năm 2005 và ảnh hưởng nặng nề của khu du lịch Ana Mandara – Huế bởi xói lở bờ biển do nước biển dâng.
Một số ví dụ trên đây cho thấy hiện nay hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam đã và đang chịu những tác động ngày một mạnh mẽ hơn của BĐKH và NBD.
4. Một số định hướng ứng phó với tác động của BĐKH trong lĩnh vực du lịch
Như đã đề cập ở trên, đã đến lúc ngành du lịch cần nhìn nhận một cách nghiêm túc ảnh hưởng của BĐKH đối với hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam và cần sớm nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó với những tác động này. Hoạt động “ứng phó” bao gồm các hoạt động “giảm nhẹ” và “thích ứng” với tác động của BĐKH.
Các hoạt động “Giảm nhẹ”
Trong nỗ lực chung của thế giới và của các ngành kinh tế hướng tới mục tiêu “giảm nhẹ” tác động của BĐKH với việc cắt giảm lượng khí CO2, ngành du lịch cần phải có một số hoạt động cụ thể dựa trên đặc điểm hoạt động du lịch bao gồm :
– Giảm và tiến tới thay thế các thiết bị làm lạnh có sử dụng khí CFC; hạn chế khí thải CO2 từ các phương tiện vận chuyển du lịch;
– Khuyến khích phát triển loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, theo đó cần khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm. Điều này đã được lồng ghép trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001-2010 và cần được tái khẳng định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030.
– Tăng cường năng lực quản lý “sức chứa” đối với các khu điểm du lịch tự nhiên, theo đó sẽ hạn chế được tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên và môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn các giá trị sinh thái và đa dạng sinh học.
– Khuyến khích và tăng cường trồng cây ở các khu, điểm du lịch, theo đó sẽ không chỉ góp phần làm tăng sức hấp dẫn của cảnh quan, môi trường du lịch mà còn góp phần làm tăng diện tích lớp phủ thực vật ở Việt Nam và qua đó hạn chế sự phát tán khí CO2 ra khí quyển
– Khuyến khích áp dụng mô hình giảm thiểu chất thải – tái sử dụng – tái chế chất thải (3R : Reduce – Reuse – Recycle) trong hoạt động phát triển du lịch, theo đó du lịch sẽ đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường, giảm mức độ sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên.
– Khuyến khích tiết kiệm năng lượng, nước và sử dụng năng lượng thay thế, theo đó du lịch sẽ góp phần tích cực trong nỗ lực tiết kiện tài nguyên và hạn chế lượng thải ra môi trường
Các hoạt động “Thích ứng”:
– Nâng cao nhận thức về BĐKH và những tác động đến du lịch: cho đến nay nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam còn rất “thờ ơ” trước vấn đề này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các chính sách và các hoạt động phù hợp.
– Xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ tài nguyên, các khu điểm du lịch: cho đến nay ở Việt Nam chưa có được những chính sách rõ ràng đối với việc bảo vệ tài nguyên và các khu điểm du lịch khỏi tác động của BĐKH. Chính vì vậy cần xem xét và sớm xây dựng những chính sách cụ thể về vấn đề này.
– Tiến hành các nghiên cứu có hệ thống về tác động của BĐKH đối với hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam. Để có thể xây dựng được những chính sách tốt, khả thi cũng như các biện pháp hữu hiệu hạn chế và thích ứng với tác động của BĐKH trong lĩnh vực du lịch, rất cần thiết phải có những nghiên cứu cụ thể. Điều này đòi hỏi cần có sự quan tâm của các nhà quản lý và tăng cường năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực du lịch.
– Tiến hành rà soát, điều chỉnh lại các chính sách, chiến lược và các quy hoạch từ tổng thể tới chi tiết phù hợp với thực tế tác động của BĐKH ở Việt nam nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng.
– Tăng cường hợp tác quốc tế : nhằm trao đổi kinh nghiệm và có được sự giúp đỡ quốc tế về ứng phó với tác động của BĐKH trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam.
Những vấn đề trên đây là rất quan trọng cần được xem xét một cách nghiêm túc để có được những bước đi đúng trong nỗ lực ứng phó với tác động của BĐKH, góp phần đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam./.
Bài đăng trong Kỷ yếu 25 năm thành lập Viện NCPT Du lịch