Ứng dụng e-marketing, e-commerce trong hoạt động xúc tiến và kinh doanh du lịch
1. Những vấn đề chung về e-marketing và e-commerce trong hoạt động xúc tiến, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ
E-marketing và e-commerce là hai phạm trù tuy khác biệt nhưng có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau. Trong xã hội dần được công nghệ hóa hiện nay, các cách hiểu về e-marketing và e-commerce mặc dù mới nhưng không còn quá xa lạ. E-marketing (hay tiếp thị trực tuyến) được hiểu là sử dụng các công cụ của công nghệ thông tin để thay cho các công cụ thông thường để tiến hành quá trình marketing. E-commerce (thương mại điện tử) bao gồm một loạt các hoạt động kinh doanh trực tuyến đối với các sản phẩm và dịch vụ, giữa bản thân các doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với khách hàng thông qua Internet. E-marketing và e-commerce gắn bó chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau tương tự như hoạt động marketing và kinh doanh thông thường, tuy nhiên do được xây dựng trên nền tảng internet và thực hiện thông qua các công cụ công nghệ có khả năng tương tác cao với đối tượng mục tiêu nên hai mảng công việc này có khả năng hỗ trợ nhau dễ dàng, vượt trội hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc e-marketing và e-commerce gắn bó mật thiết với nhau hơn; sự phù hợp, hiệu quả của mỗi hoạt động chính là nền tảng tạo điều kiện đắc lực cho sự thành công của hoạt động còn lại.
Ứng dụng e-marketing và e-commerce là xu hướng, yêu cầu bắt buộc tất yếu của hoạt động kinh doanh thời đại công nghệ. Yêu cầu đó được đặt ra bởi thực tế sự thay đổi về phương thức tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ (hay còn gọi là khách hàng) cũng như những tiềm năng, lợi thế đang dần được hình thành và phát triển mạnh mẽ mà nguyên nhân là sự xuất hiện và ứng dụng internet cũng như các công cụ công nghệ thông tin. Đầu năm 2016, 40% dân số thế giới sử dụng internet với khoảng 3,4 tỷ người dùng (1) và con số này không ngừng tăng lên. Riêng ở Châu Á, năm 2015 lượng người dùng internet chiếm 48.2% trong hơn 1,5 tỷ người dùng internet trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia có lượng người dùng internet khá lớn như Singapore (3.2 triệu), Malysia (16 triệu), Thái Lan (14 triệu) (2) vào năm 2013. Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C khu vực Đông Nam Á cũng phát triển mạnh mẽ với khoảng 15% mỗi năm, độ thâm nhập internet là 25%, sức mua người tiêu dùng ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm dịch vụ được bán trên internet cũng trở nên tốt hơn (3). Riêng Việt Nam cũng có 44% dân số sử dụng Internet, trong đó 65% truy cập bằng smart phone và 75% truy cập bằng laptop. Tỷ lệ xem truyền hình giảm, thay vào đó thời gian online của người dùng internet tăng lên. Tỷ lệ online bằng di động trong những năm gần đây có thay đổi đáng kể và thời gian online thậm chí còn nhiều hơn so với thời gian online từ các thiết bị khác. Những thông tin ấn tượng trên đây cho thấy, internet đã trở thành một “làn sóng” khắp toàn cầu và là một kênh tiếp cận thông tin quan trọng, chính yếu của mọi công dân trên thế giới. Với số lượng người dùng khổng lồ và không ngừng tăng lên, internet cũng cung cấp một lượng lớn các cơ hội trao đổi, tiêu dùng sản phẩm dịch vụ thông qua tiếp cận các thông tin được cập nhật và công khai trên internet. Điều đó đồng nghĩa rằng, việc ứng dụng, khai thác công nghệ, khai thác mạng internet cũng như các công cụ công nghệ thông tin không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong mọi hoạt động thông tin, xúc tiến và bao gồm cả kinh doanh. Có một điều đang hiện hữu trong hoạt động thông tin truyền thông hiện nay, đó là: để mọi người biết đến sản phẩm, dịch vụ của bạn, bạn phải đưa thông tin lên internet và điều đầu tiên người dùng internet sẽ làm để biết thông tin về điều họ cần biết chính là tìm hiểu trên internet. Như vậy, internet cung cấp một môi trường tiềm năng cho mọi hoạt động mua-bán, trao đổi về sản phẩm dịch vụ. Đây là điều kiện nền tảng thuận lợi, một mặt tạo điều kiện, một mặt lại yêu cầu tất yếu ứng dụng e-marketing trong quảng bá, xúc tiến và e-commerce trong kinh doanh mọi sản phẩm, dịch vụ.
Lượng người dùng internet qua các năm (1993-đầu năm 2016)
Lượng người dùng internet ở Châu Á tháng 11/2015
(Nguồn: http://www.internetlivestats.com/)
Bên cạnh website, một số công cụ e-marketing phổ biến – miễn phí – hiệu quả kể đến như: Facebook, Youtube, Google, Instargram. Theo một số thống kê cho thấy, Google và Facebook hiện nay là hai công cụ xúc tiến tốt nhất, trong đó Facebook được đánh giá cao bởi khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách chính xác cũng như tính thân thiện và dễ dàng trong hoạt động truyền thông. Tiếp đó, kênh video lớn nhất thế giới Youtube cho phép đăng tải những video hoàn toàn miễn phí tạo điều kiện tuyệt vời trong việc đem đến cái nhìn trực quan nhất về sản phẩm, dịch vụ thông qua kết nối internet. Các video với những cảnh quay thực tế, thiết kế ấn tượng, kết hợp giữa yếu tố nghe và nhìn giúp người tiếp cận có cái nhìn trực quan về sản phẩm, dịch vụ cũng như giúp người thực hiện xúc tiến có thể truyền tải thông điệp đến khách hàng rõ ràng nhất. Hiệu ứng lan truyền của các cộng cụ truyền thông trên internet làm cho thông tin được truyền đi một cách nhanh chóng trên toàn thế giới, khả năng tương tác giữa thông tin và người đọc được tạo điều kiện, đem lại lợi ích cho cả người truyền thông tin cũng như người tiếp nhận khi vừa tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đạt được độ chi tiết, trực quan trong việc tìm hiểu về bất kỳ tổ chức, sản phẩm hay dịch vụ. Các công cụ của công nghệ thông tin được ví như những cửa sổ cho phép các vị khách đến thăm ngôi nhà của bạn, để họ tìm hiểu trong ngôi nhà đó bạn có những gì, nó đẹp ra sao và bạn bày bán những gì.
Mặc dù internet cho phép người thực hiện e-marketing truyền tải thông điệp của mình nhưng không phải vì vậy mà mọi thông tin đều có thể được cập nhật mà không có sự lựa chọn, thiết kế, truyền tải khéo léo. Công tác xử lý thông tin xúc tiến trước khi truyền tải trên internet cần được thực hiện cẩn thận và có chiến lược, nếu không sẽ gây phản ứng ngược. 47% người dùng cho rằng Fanpage (trang trên facebook) làm phiền NewFeeds (4) của họ, khoảng 37% người dùng rời bỏ website do nó không được thiết kế thân thiện với di động và tìm kiếm các website có khả năng hiển thị tốt hơn. Một số lưu ý để đạt hiệu quả trong việc ứng dụng e-marketing trong xúc tiến, quảng bá:
• Nên đăng ít text (văn bản), sử dụng ảnh và video nhiều hơn. Để hiệu quả nhất, bài post nên ít hơn 80 ký tự và ít hơn 20% so với ảnh hay video.
• Nên sử dụng facebook marketing để tối ưu hóa hiệu quả xúc tiến dựa trên khai thác mức độ phổ biến của người dùng facebook cũng như tận dụng khả năng nhắm đến đối tượng khách hàng mục tiêu khá chính xác của mạng xã hội này.
• Không đăng quá nhiều trên Fanpage, tỷ lệ tương tác sẽ giảm dần khi bài đăng quá nhiều. Đồng thời, nên đăng tin bán hàng với tỷ lệ 1:10 (1 tin bán hàng trong 10 tin được đăng lên Fanpage).
• Bên cạnh đó, nên đa dạng hóa nền tảng website cũng như ứng dụng các hỗ trợ quảng cáo trên gooogle hay các công cụ truyền thông khác trên internet.
Nếu như e-marketing hỗ trợ tốt công tác xúc tiến là điều kiện đưa thông tin đến với khách hàng thì chính điều này là nền tảng phát triển và ứng dụng e-commerce. Hiện nay, website đang được đánh giá là công cụ tin cậy và phổ biến để thực hiện các giao dịch trao đổi, mua bán online. Một số vấn đề dẫn đến e-commerce ở Việt Nam chưa thực sự phát triển phổ biến cũng như đạt được kết quả tiêu biểu là do một số nguyên nhân như: trên mạng internet, sản phẩm, dịch vụ khó được xác định về chất lượng; khách hàng không đủ tin tưởng về sản phẩm; không đủ thông tin để quyết định, không có thẻ tín dụng để trả tiền, giao dịch trực tiếp dễ dàng hơn, quy trình thanh toán phức tạp, tốc độ internet chậm…(5). Để công tác kinh doanh dựa trên nền tảng internet thực hiện hiệu quả hơn cần giải quyết những nguyên nhân hạn chế trên, xây dựng môi trường kinh doanh online lành mạnh, tiện lợi và đáng tin cậy hơn.
2. Ứng dụng e-marketing trong xúc tiến quảng bá và e-commerce trong kinh doanh du lịch tại Việt Nam
Với sự phát triển về xu hướng và yêu cầu tất yếu ứng dụng e-marketing, e-commerce trong xúc tiến quảng bá và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, ngành Du lịch cũng không phải ngoại lệ. Với đặc trưng của mình là đáp ứng nhu cầu về việc trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, đặc thù, Du lịch cần tiếp cận, ứng dụng e-marketing, e-commerce trong hoạt động xúc tiến và kinh doanh du lịch hơn bất kỳ ngành nghề nào bởi những khả năng vượt trội mà ứng dụng công nghệ thông tin mang lại. Đây là một cơ hội lớn để phô diễn vẻ cuốn hút, hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm du lịch trong nước, đưa những thông tin trực quan về du lịch Việt Nam đến với du khách nói chung và du khách quốc tế nói riêng trước khi họ đến thăm Việt Nam trên thực tế. E-commerce cũng là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch bởi nó hỗ trợ tối đa hóa việc đơn giản các hoạt động như: đặt tour, đặt các dịch vụ phòng, phương tiện giao thông… cho du khách. Tóm lại, ứng dụng e-marketing và e-commerce trong xúc tiến và kinh doanh du lịch vừa là xu thế, yêu cầu tất yếu vừa mở ra cơ hội mới hỗ trợ xúc tiến, kinh doanh hiệu quả cho du lịch Việt Nam.
Du lịch Việt Nam hiện nay đang bước đầu ứng dụng e-marketing cũng như e-commerce trong hoạt động xúc tiến, quảng bá và kinh doanh. Tổng cục Du lịch đã xây dựng Fanpage https://www.facebook.com/Vietnamtourism.fanpage/ và cập nhật thông tin thường xuyên hỗ trợ công tác quảng bá, website http://vietnamtourism.com hiển thị bằng bảy ngôn ngữ và http://www.vietnamtourism.gov.vn/ với hai ngôn ngữ Việt – Anh là cầu nối thông tin về du lịch Việt Nam, hoạt động của ngành du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Một số video hỗ trợ xúc tiến du lịch Việt Nam đã được xây dựng có thiết kế và nội dung truyền tải xúc tích, ấn tượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin và trang bị cho mình những công cụ e-marketing khá tốt, kèm theo đó là hoạt động e-commerce ứng dụng triển khai bước đầu. Tuy vậy, nhìn chung, hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam chưa đa dạng, chưa thực sự được đẩy mạnh như một số quốc gia trong khu vực (Singapore, Thái Lan, Malaysia…); các nội dung quảng bá còn chưa thực sự cuốn hút và tạo được hiệu quả truyền thông cao.
Giải pháp trong thời gian tới đây là đẩy mạnh ứng dụng e-marketing hơn nữa trong xúc tiến, quảng bá, đồng thời cũng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kinh doanh du lịch dựa trên e-commerce. Trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng, cần quan tâm đến những đặc điểm, những lưu ý trong thực hiện e-marketing và e-commerce như đã trình bày ở phần trên. Bên cạnh đó, để thúc đẩy ứng dụng e-marketing, e-commerce và ứng dụng chúng một cách hiệu quả tại Việt Nam, một số đề xuất đưa ra gồm:
• Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến và kinh doanh du lịch, trong đó nhấn mạnh vào ứng dụng mạng xã hội facebook và thiết kế, xây dựng các video để quảng bá thông qua youtube.
• Công nghệ hóa các website để đẩy mạnh thương mại du lịch, tạo điều kiện khách du lịch dễ dàng đặt phòng, đặt các dịch vụ du lịch một các dễ dàng nhất, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử; đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ được chọn mua bằng internet; xây dựng, duy trì môi trường thương mại điện tử lành mạnh; xây dựng niềm tin, sự thân thiện đối với du khách.
• Hiện nay xu hướng du lịch là du lịch tự do, nơi mà du khách ít khi sử dụng các tour mà thay vào đó là tự thiết kế tour cho riêng mình với các sản phẩm riêng lẻ. Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp lữ hành cần nhanh chóng đưa ra các hình thức kinh doanh phù hợp, hay sản phẩm, dịch vụ phù hợp để khách hàng lựa chọn. E-commerce là điều kiện bắt buộc, giúp đơn giản hóa quá trình lựa chọn mua dịch vụ.
• Thay vì quảng bá một phía từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch bằng e-marketing, thúc đẩy khách du lịch trực tiếp hỗ trợ quảng bá cho du lịch thông qua việc đăng tải những nội dung ghi lại trong suốt hành trình lên các trang mạng xã hội. Các biện pháp hỗ trợ gồm có: wifi miễn phí tại khu, điểm, xây dựng các khu vực mega selfie để tạo điều kiện cho du khách chụp được những bức ảnh selfie đẹp hơn…
• Cần có sự tham gia và gắn kết chặt chẽ của các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò đưa ra các chính sách tạo điều kiện hỗ trợ, cùng với doanh nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh e-marketing xúc tiến du lịch; du khách cùng chia sẻ khoảnh khắc tuyệt vời trong suốt hành trình du lịch.
• Đẩy mạnh ứng dụng e-marketing trong xúc tiến du lịch và e-commerce trong kinh doanh du lịch cần có sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện của nhiều ban ngành khác nhau để đảm bảo các điều kiện cần thiết xây dựng một môi trường giao dịch điện tử lành mạnh. Các điều kiện cần kể đến như: đường truyền internet ổn định, tốc độ cao; các thông tin được đưa lên internet là thông tin chính xác, minh bạch, đa chiều, đầy đủ; đảm bảo an toàn thông tin và an toàn giao dịch thương mại.
• Cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ và hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cho các giao dịch thương mại trên nền internet.
Chú thích:
(1) Theo http://www.internetlivestats.com/, tháng 4/2016
(2) Nguồn: AT Kiarney 2013
(3) Nguồn: Thương mại điện tử trong ngành du lịch Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp, tripi.vn, 2016
(4) Thuật ngữ của mạng xã hội facebook, chỉ cột chính giữa của trang chủ facebook
(5) Nguồn VECITA 2014
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Khánh Trình. Digial Marketing hiệu quả trong quảng bá du lịch. Tham luận tại Hội thảo Đẩy mạnh ứng dụng e-marketing trong xúc tiến du lịch và e-commerce trong kinh doanh du lịch. VITM 2016.
2. Tripi.vn. Thương mại điện tử trong ngành du lịch Việt Nam. Tham luận tại Hội thảo Đẩy mạnh ứng dụng e-marketing trong xúc tiến du lịch và e-commerce trong kinh doanh du lịch. VITM 2016.
Hà Thị Hương Giang (tổng hợp) – Phòng QLKH&HTQT