Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • TP.HCM: Giải bài toán khan hiếm nhân lực du lịch chất lượng cao

    TPHCM nhathoDucBa PhiHiện nay tại TP.HCM có hơn 40.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Trong đó tỉ lệ lao động được đào tạo mang tính chất quốc tế chỉ chiếm gần 5%.

    Đây là con số rất khiêm tốn so với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng ngành du lịch để đáp ứng lượng khách quốc tế đến TP.HCM ngày một tăng.

    Thiếu và yếu

    Hàng năm, tỷ lệ tăng trưởng của khách quốc tế đến TP.HCM từ10-15% và khách nội địa tăng 20%. Không chỉ khách nước ngoài mà yêu cầu ngày càng cao của khách nội địa cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành du lịch TP về nguồn nhân lực chất lượng cao.

    Mặt khác, trong những năm gần đây hình thức du lịch MICE (phục vụ cho các đoàn khách quốc tế đến tham gia hội thảo, hội nghị, triển lãm..) đang ngày một gia tăng. Trong năm 2012, lượng khách đến TP.HCM theo hình thức MICE chiếm khoảng 8 -10% doanh thu của ngành.

    Đối với những du khách theo hình thức MICE, yêu cầu đối với các nhân viên của ngành du lịch về đào tạo bài bản, quy chuẩn càng cần thiết hơn bao giờ hết.

    Đồng thời, du lịch của TP.HCM đang phát triển theo chiều hướng đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút du khách quốc tế. Tháng 5/2013, đã chính thức khai trương 9 tuyến du lịch văn hóa, đường sông với kỳ vọng sẽ thu hút được thêm 10% du khách quốc tế và tăng 20% về doanh thu của ngành hàng năm. Theo đó, du hình thức du lịch này sẽ đòi hỏi nhiều lao động có kiến thức chuyên sâu về lịch sử, văn hóa và trình độ ngoại ngữ với nhiều thứ tiếng.

    Tuy nhiên, theo ông Tôn Thất Hòa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM chỉ có khoàng 20% nhân lực của ngành kinh tế không khói này được đào tạo chính quy, bài bản. Còn lại chủ yếu do nhu cầu trước mắt nên tuyển dụng lao động chưa có nghiệp vụ hoặc mới đào tạo qua các lớp ngắn hạn của ngành.

    Mặt khác, hạn chế về khả năng ngoại ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành du lịch. Đội ngũ nhân viên trong ngành du lịch không chỉ yếu mà còn rất thiếu về khả năng ngoại ngữ. Ngoài ra, mới chỉ có một số ngoại ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn là có thể đáp ứng được 80% yêu cầu phục vụ. Còn lại một số ngoại ngữ khác thì số lượng nhân viên có rất ít nên không đáp ứng được nhu cầu khi du khách yêu cầu.

    Phấn đấu con số 10%

    Để đón đầu sự phát triển của ngành công nghiệp không khói với doanh thu chiếm 11 -12% GDP của TP và 50% doanh thu của ngành du lịch cả nước, ngành Du lịch TP đã có những giải pháp quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng nhân lực của ngành.

    Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM đã hợp tác với các chuyên gia Italia, Nhật Bản và Hàn Quốc xây nhiều điểm nghiệp vụ cho các cán bộ  du lịch tại TP. Công tác thống kê nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm nhằm có giải pháp trong việc đào tạo tránh sự ứ tụ và dịch chuyển trong hệ thống.

    Đồng thời, bên cạnh việc đào tạo cho đủ số lượng, ngành du lịch của TP sẽ chú trọng tới chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

    Để giải quyết nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ, ngành du lịch TPHCM kết hợp với các khoa ngoại ngữ của các trường ĐH, CĐ để tuyển chọn các sinh viên có kết quả tốt. Sau đó, trường đào tạo nghiệp vụ  du lịch của TP sẽ đào tạo những kỹ năng về du lịch cho các sinh viên này trước khi tham gia phục vụ du khách.

    Để ngành du lịch TP phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng cao, TP.HCM sẽ đề nghị Trung ương cho thành lập Sở Du lịch để xây dựng các chiến lược phát triển lâu dài và bền vững cho ngành du lịch TP và quản lý ngành du lịch chuyên nghiệp hơn.

    Nhận thức được nguồn nhân lực là một nhân tố quyết định sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng của TP.HCM nên hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến 2020 trình UBND TP.

    TS Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hướng đào tạo chính là sự tiến bộ về kỹ thuật và đào tại lại cho nguồn lực tại chỗ. Đồng thời liên kết với các chuyên gia nước ngoài tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn với  mục đích đến năm 2020 nguồn nhân lực được đào tạo bài bản ở TPHCM đạt 100%, nâng tỉ lệ lao động được đào tạo quốc tế lên trên 10%.

    Thanh Thủy

    Nguồn: chinhphu.vn

    Bài cùng chuyên mục