Tổng quan về phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc và những vấn đề đặt ra
1. Tổng quan phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc
1.1. Vị trí du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc đối với du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước
Vùng Đông Bắc (hay Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng trong bài viết này) bao gồm 10 tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh. Theo tổ chức lãnh thổ du lịch của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì đây là lãnh thổ Tiểu vùng du lịch Đông Bắc –một trong hai tiểu vùng thuộc vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ kết hợp với Phú Thọ thuộc vùng trung du và 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tiểu vùng du lịch Đông Bắc cùng với tiểu vùng du lịch Tây Bắc tạo nên diện mạo du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Lãnh thổ các tỉnh Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng nằm trên các trục giao thông quan trọng về đường bộ và đường sắt theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây (QL1A, 1B, 2, 3, 4A, 4B, 4C, 18, AH14, 34, 37, 279, đường Hồ Chí Minh; đường sắt liên vận quốc tế nối với Hà Nội và đường sắt Bắc Nam), đường biển ra biên Đông. Từ đây có thể đi lại thuận tiện đến với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.
Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng được mệnh danh là “địa đầu” của Tổ quốc. Lãnh thổ vùng có phía Đông và phía Bắc giáp CHND Trung Hoa, với nhiều cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính (đường bộ và đường sắt) như Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Thanh Thủy (Hà Giang)…, tạo thành cửa ngõ phía Đông của Tiểu vùng và của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á và thế giới. Tiểu vùng nằm trên hành lang Nam Ninh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là một trong hai hành lang kinh tế trong hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, Tiểu vùng Đông Bắc giữ vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng và an ninh.
Đứng về góc độ du lịch, Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng có vị trí thuận lợi trong mối liên kết vùng và liên kết quốc tế để phát triển du lịch.
Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng nằm trên tuyến du lịch xuyên Á; là điểm đầu du lịch Bắc – Nam; nằm trên tuyến du lịch vòng cung phía Bắc; điểm đầu tuyến du lịch hướng ra biển đông; cửa ngõ phía Đông Bắc của du lịch Thủ đô Hà Nội…Cùng với Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng (với tâm điểm là Thủ đô Hà Nội) tạo thành tam giác phát triển du lịch quan trọng. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch biên giới. Vì vậy, sự phát triển du lịch Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng không chỉ có ý nghĩa động lực đối với du lịch các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng mà còn đối với du lịch các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung.
1.2. Những giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch Tiểu vùng Đông Bắc
Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng là một trong những khu vực được đánh giá có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, toàn diện và nổi bật cả về tự nhiên và nhân văn.
Về tự nhiên: Đông Bắc là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở với các dạng địa hình đan xen nhau khá phong phú.
Địa hình có đặc điểm bị chia cắt rất mạnh và có tính phân bậc với nhiều đèo cao, vực thẳm kết hợp với các thung lũng mở rộng và thác nước tạo nên nhiều điểm cảnh quan đẹp….Bên cạnh đó là các thửa ruộng bậc thang, núi đá như những bức tranh tuyệt tác vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của thiên nhiên. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu, điểm du lịch.
Hệ thống các núi, đồi, sông, hồ, hang động, đặc điểm khí hậu, các khu bảo tồn, suối nước nóng…đặc biệt là hệ sinh thái, các điểm cảnh quan đều được thiên nhiên ban tặng cho Tiểu vùng những giá trị cao phục vụ du lịch. Trong đó điển hình có thác Bản Giốc (Cao Bằng), Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba bể (Bắc Kạn); đặc biệt vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trên địa bàn Tiểu vùng là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và là một trong bảy kỳ quan thế giới mới có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch.
Bên cạnh đó, Tiểu vùng có đường biên giới quốc gia dài gần 800 km và hệ thống cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là tiềm năng phát triển du lịch biên giới.
Về nhân văn: Tiểu vùng có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội gắn liền với 1) Bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng núi Đông Bắc được thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, văn hóa dân gian, di tích lịch sử văn hóa và 2) Hệ thống di tích lịch sử cách mạng gắn với Bác Hồ, Đảng và Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vùng núi Đông Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, La Chí, Pu Péo, Cờ Lao….trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với các nhóm ngôn ngữ khác nhau: Tày – Thái, Mông – Dao, Việt – Mường, Hoa, Tạng – Miến….Các dân tộc ở Đông Bắc, dù đông người hay ít người vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của mình. Mỗi dân tộc đều có di sản văn hóa riêng, làm nên tính độc đáo, đặc sắc của vùng đất. Không những thế, có một số dân tộc (như La Chí, Pu Péo, Cờ Lao ở Hà Giang) được coi là có duy nhất với những sắc thái riêng biệt. Chính sự tồn tại của đông đảo cộng đồng các dân tộc đã tạo nên cho Tiểu vùng một diện mạo văn hóa vừa độc đáo vừa phong phú là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng thể hiện qua nhiều hình thức văn hóa khác nhau như hội Lồng Tồng (Tày, Nùng), Gầu tào (Mông), Cấp sắc (Dao), Nhảy lửa (Pà Thẻn); Hát then, sli lượn; đặc sản, ẩm thực; kiến trúc nghệ thuật.v.v…
Việt Bắc là quê hương của cách mạng Việt Nam, mỗi tấc đất ở Việt Bắc đều gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Hang Pắc Bó (Cao Bằng), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên)…trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch về nguồn, giáo dục, tâm linh.
Có thể nhận thấy, những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Việt Bắc đối với du lịch thể hiện ở các khía cạnh sau: 1) Giá trị về văn hóa, lịch sử; 2) Giá trị về mặt giáo dục, khoa học; 3) Giá trị về mặt tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu; 4) Giá trị về mặt tâm linh. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển loại hình và sản phẩm du lịch cho Tiểu vùng.
1.3. Thực trạng phát triển du lịch Tiểu vùng du lịch Đông Bắc mở rộng
Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tài nguyên và vị trí về du lịch, vừa qua Chính quyền các địa phương trên địa bàn Tiểu vùng đã có những định hướng và giải pháp quản lý phát triển du lịch cho riêng mình.
Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch các địa phương trong Tiểu vùng phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh về mọi mặt và đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch các tỉnh trong Tiểu vùng đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Ngành du lịch của các địa phương trong Tiểu vùng đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Trên địa bàn Tiểu vùng đã hình thành những trung tâm du lịch và địa bàn du lịch trọng điểm như Quảng Ninh (thuộc Duyên hải Đông Bắc), Phú Thọ (thuộc trung du), Lạng Sơn (thuộc cửa ngõ Đông Bắc)…
Các sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu địa chất, tham quan cảnh quan, về nguồn, cộng đồng trải nghiệm văn hóa bản địa… đang dần khẳng định được giá trị và thương hiệu của riêng mình.
(Có thể tham khảo một số chỉ tiêu phát triển du lịch ở các bảng phụ lục để hiểu rõ hơn thực trạng phát triển du lịch của Tiểu vùng).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực trạng phát triển cho thấy du lịch các địa phương trong Tiểu vùng phát triển vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa có giải pháp thoả đáng; phát triển chưa có bước đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; sản phẩm du lịch mờ nhạt, nghèo nàn chưa tạo được sức hấp dẫn cho du khách; chưa xây dựng được tuyến du lịch hoàn chỉnh mang tính đặc sắc, độc đáo. Chất lượng sản phẩm du lịch còn thấp, thiếu các doanh nghiệp có thương hiệu; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương và vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Tốc độ phát triển chung tuy nhanh nhưng do điểm xuất phát thấp nên kết quả cuối cùng vẫn thấp. Ngoại trừ Quảng Ninh, Phú Thọ, Lạng Sơn có tổng thu từ du lịch đạt ở mức cao (Quảng Ninh), khá (Phú Thọ), trung bình (Lạng Sơn) so với mặt bằng chung của cả nước, còn lại các tỉnh vùng núi Đông Bắc đều đứng ở vị trí thấp.
Có thể nêu một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến kết quả còn thấp trong phát triển du lịch như sau:
– Là khu vực miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chất lượng thấp.
– Ảnh hưởng của tính thời vụ đối với du lịch cao.
– Ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, trong đó đặc biệt là sự bất lợi về thời tiết.
– Nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, quần chúng một số địa phương chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, vị trí của du lịch trong nền kinh tế; chưa ý thức được tiềm năng để phát huy có hiệu quả kinh tế du lịch…
– Hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành để phát triển du lịch còn yếu; thiếu liên kết chặt chẽ giữa các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong sản xuất cung cấp các sản phẩm phục vụ du lịch.
– Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp trong tỉnh có nguồn vốn lớn đầu tư phát triển du lịch.
– Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch không tương ứng, không tạo được sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Các dự án du lịch triển khai chậm, không tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch cần thiết để thu hút khách tạo động lực cho phát triển du lịch.
– Thiếu các doanh nhân giỏi và đội ngũ lao động có tay nghề, tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động du lịch.
– Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả thấp, nội dung còn chung chung, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa gắn với các khu, điểm và sản phẩm du lịch để thu hút các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch của tỉnh chưa tích cực tham gia vào công tác xúc tiến du lịch.
– Phát triển du lịch còn ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững (kinh doanh mang tính chộp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh…).
1.4. Định hướng phát triển du lịch Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam với việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển. Việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào đầu năm 2007 đã tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành du lịch nói chung và du lịch các tỉnh trong Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng nói riêng.
Để nắm bắt những vận hội mới, hòa nhập với khu vực, Trên cơ sở đánh giá về vị trí, tiềm năng và khả năng khai thác phát triển du lịch vùng Đông Bắc, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam định hướng phát triển vùng núi Đông Bắc như một tiểu vùng du lịch để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, giữ vị trí là một cực trong tam giác phát triển du lịch: Tây Bắc – Đông Bắc – Đồng bằng sông Hồng, ở đó Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm du lịch cả nước là một nhân tố hết sức quan trọng phát triển du lịch vùng Đông Bắc với các vùng xung quanh.
Trên địa bàn Tiểu vùng đã được Chiến lược định hướng phát triển 11 khu du lịch quốc gia gồm: Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tân Trào (Tuyên Quang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Đền Hùng (Phú Thọ); Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Vịnh Hạ Long, Vân Đồn, Trà Cổ (Quảng Ninh); 3 điểm du lịch quốc gia và nhiều khu, điểm du lịch quan trọng khác (Tham khảo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).
2. Những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Trước những thực trạng và yêu cầu phát triển mới, những vấn đề đặt ra đối với du lịch Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng là phải làm thế nào để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, đuổi kịp và hòa nhập với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Chính vì vậy, những vấn đề đặt ra phải được nhìn nhận một cách toàn diện từ quan điểm, mục tiêu và hướng phát triển du lịch để bảo đảm phát triển du lịch Tiều vùng một cách nhanh chóng và bền vững.
1. Về quan điểm phát triển
Cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị nổi bật của tài nguyên du lịch để tạo nên sự khác biệt nét đặc trưng về sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách cho Tiểu vùng nói riêng và toàn vùng nói chung.
Phát triển du lịch có chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để bảo đảm sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định thương hiệu và tính cạnh tranh cao.
Phát triển nhanh để hòa nhập với phát triển du lịch khu vực và cả nước.
2. Về mục tiêu phát triển
Phải đặt ra mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020, du lịch các tỉnh Tiểu vùng Đông Bắc nói riêng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói chung có hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc Việt Nam, hấp dẫn khách du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc vùng núi cao.
3. Về phát triển loại hình và sản phẩm
a) Tập trung phát triển loại hình du lịch đặc trưng nhất để phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch của Tiểu vùng, cụ thể:
– Về tự nhiên:
+ Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hang động, núi cao và vùng trung du, gắn với các điểm cảnh quan.
+ Phát triển loại hình du lịch sinh thái biển, tham quan cảnh quan vịnh, đảo; nghỉ dưỡng biển ở phía Đông.
+ Phát triển du lịch địa chất gắn với khoa học và giáo dục ở khu vực phía Bắc.
+ Chú trọng gắn kết phát triển du lịch sinh thái núi và trung du ở phía Tây, phía Bắc với du lịch biển thuộc phía Đông.
– Về văn hóa-lịch sử: Khai thác đặc điểm nổi trội của nguồn tài nguyên văn hóa – lịch sử nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch văn hóa, về nguồn, lễ hội tâm linh với những dòng sản phẩm sau :
+ Du lịch tham quan nghiên cứu, tìm hiểu: Tập trung khai thác dựa trên quần thể di tích lịch sử – văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Đây là sản phẩm du lịch nổi trội và là thế mạnh của du lịch Tiểu vùng. Cần tạo ra nhiều chương trình tham quan, nghiên cứu đa dạng kết hợp với nghỉ dư¬ỡng phục vụ du khách. Phát triển các bản văn hóa Việt Bắc gắn với làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực…
+ Du lịch về nguồn, tâm linh: Chủ yếu khai thác hệ thống di tích lịch sử cách mạng về với Thủ đô kháng chiến, thủ đô cách mạng Việt Nam.
+ Du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa: Tại các bản văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi, các làng chài ven biển.
Ngoài ra, để phát huy thế mạnh vị trí “địa đầu” với hệ thống cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu biên giới Tiểu vùng cũng cần phát triển mạnh du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu, công vụ…
4) Về tổ chức không gian lãnh thổ
Tập trung ưu tiên phát triển các khu, điểm du lịch quốc gia và địa phương quan trọng theo hướng của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định ra trên địa bàn vùng để làm động lực phát triển các khu, điểm du lịch khác trên bình diện tổng thể.
Dựa trên sự phân bố và các điểm tài nguyên du lịch có thể hình thành tuyến du lịch theo chuyên đề về sinh thái, văn hóa để trải nghiệm, khám phá các đặc điểm tự nhiên như núi cao, hang động, các đặc trưng văn hóa vùng núi Đông Bắc Việt Nam.
Chú trọng phát triển tuyến du lịch đường bộ dọc biên giới.
5) Về hợp tác, liên kết
Để phát triển du lịch mang tính chất vùng và liên vùng, liên kết phát triển du lịch là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cho các địa phương trên địa bàn.
Các tỉnh trong Tiểu vùng có tài nguyên du lịch đa dạng và có điều kiện thuận lợi về giao thông để liên kết phát triển sản phẩm du lịch đủ mạnh để khẳng định thương hiệu của mình. Hình thức liên kết rất đa dạng: có thể giữa tất cả các địa phương trong tiểu vùng với nhau, hoặc giữa một vài địa phương, hoặc giữa Tiểu vùng Đông Bắc với Tây Bắc, với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng để tạo thành tam giác phát triển du lịch.
Liên kết phát triển du lịch các địa phương trong Tiểu vùng sẽ góp phần phát huy các giá trị về tài nguyên du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Liên kết phát triển du lịch các tỉnh trong Tiểu vùng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và với các vùng khác sẽ góp phần phát huy các giá trị về tài nguyên du lịch để xây dựng nên các sản phẩm du lịch tổng hợp, hấp dẫn.
Liên kết phát triển du lịch Tiểu vùng với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ góp phần thu hút khách du lịch cho các tỉnh trong Vùng.
Mối liên kết này sẽ tạo thành tam giác phát triển du lịch Hà Nội (và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng) – Đông Bắc – Tây Bắc, một trong những Chương trình du lịch đặc sắc của ngành du lịch Việt Nam.
Các nội dung liên kết tập trung chủ yếu vào 03 lĩnh vực: 1) Phát triển các chương trình, sản phẩm du lịch; 2) Xúc tiến quảng bá hình ảnh và 3) Đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, Hà Nội và các địa phương (là trung tâm du lịch như Quảng Ninh) hợp tác liên kết với các tỉnh còn kém phát triển trong Tiểu vùng trên tinh thần giúp đỡ, hỗ trợ.
Tóm lại, những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng đều mang tính cấp thiết. Tuy nhiên hợp tác, liên kết phát triển du lịch là vấn đề tiên quyết để du lịch Tiểu vùng phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh của mình và đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững./.
TS.KTS.Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch