Tìm hướng phát triển cho du lịch làng nghề Việt Nam
1. Giới thiệu sơ lược về Du lịch làng nghề tại Việt Nam
Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi dân tộc mỗi quốc gia. Những làng nghề này như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Một cách giới thiệu sinh động về đất, nước và con người của mỗi vùng, miền, địa phương. Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều quốc gia ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một ngày hai.
Làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội)
Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương.
Một địa phương muốn thu hút khách du lịch, tạo ra nhiều loại hình du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách thì phải bắt tay vào việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với việc khai thác có chiều sâu và khai thác đúng tài nguyên du lịch của địa phương đó.
Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu trong quá trình đi du lịch của du khách, bao gồm:
– Sản phẩm du lịch đặc trưng: đó là những sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, tạo ra mục đích của khách du lịch tại điểm đến như: danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nơi nghỉ mát, chữa bệnh, thăm quan …
– Sản phẩm du lịch cần thiết: là những sản phẩm phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong quá trình đi du lịch như: phương tiện vận chuyển, ăn, nghỉ…
– Sản phẩm du lịch bổ sung: là những sản phẩm phục vụ các nhu cầu phát sinh trong quá trình đi du lịch như: cắt tóc, giặt là, massage, mua sắm hàng lưu niệm…
Như vậy, làng nghề vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng khi làng nghề đó có khả năng hấp dẫn, thu hút khách, vừa là sản phẩm du lịch bổ sung khi tạo ra những mặt hàng lưu niệm cho du khách.
Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng.
Đi dọc chiều dài đất nước hình chữ S, du khách gần như có thể dừng chân ở bất cứ địa phương nào để tìm hiểu về làng nghề truyền thống. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng hơn 3000 làng nghề thủ công, thuộc 11 nhóm nghề chính là sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, kim khí.
Lợi thế của phần lớn các làng nghề là nằm trên trục giao thông thuận lợi, cả đường bộ lẫn đường sông nên thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Có thể kế đến các địa phương khá năng động trong việc phát huy lợi thế làng nghề để phát triển du lịch như Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam…
Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù ở một số làng nghề cụ thể nói riêng như lụa Vạn Phúc (Hà Tây cũ), gốm Bát Tràng (Hà Nội), tranh Đông Hồ, mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng)… và Du lịch làng nghề Việt Nam nói chung trên thực tế đã thu hút một lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp.
Bởi vậy, vấn đề đi tìm các biện pháp để du lịch làng nghề thực sự phát huy tiềm năng và hiệu quả, đóng góp ngày một lớn bền vững hơn cho mục tiêu phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa… được coi là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang từng bước hội nhập toàn diện cùng với châu lục và thế giới.
2. Tiềm năng của Du lịch làng nghề tại VN
Làng nón Chuông (Thanh Oai – HN)
Làng nghề Việt Nam mang tính tập tục truyền thống, đặc sắc, có tính kinh tế bền vững, mang đến nhu cầu việc làm tại chỗ và những lợi ích thiết thực cho các cộng đồng cư dân nhỏ lẻ trên mọi miền đất nước (chủ yếu ở các vùng ngoại vi thành phố và Nông thôn Việt Nam), đồng thời góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của toàn xã hội. Các làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống, hay làng nghề cổ truyền… có mặt khắp nơi trên đất nước Việt Nam, và thường được gọi chung là Làng nghề.
Cùng với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp từ hàng ngàn năm trước đây, nhiều nghề thủ công cũng đã ra đời tại các vùng nông thôn Việt Nam, việc hình thành các làng nghề bắt đầu từ những nghề ban đầu được cư dân tranh thủ làm lúc nông nhàn, những lúc không phải là mùa vụ chính.
Bởi lẽ trước đây kinh tế của người Việt cổ chủ yếu sống dựa vào việc trồng lúa nước mà nghề làm lúa không phải lúc nào cũng có việc. Thông thường chỉ những ngày đầu vụ, hay những ngày cuối vụ thì người nông dân mới có việc làm nhiều, vất vả như: cày bừa, cấy, làm cỏ (đầu vụ) cho đến gặt lúa, phơi khô… còn những ngày còn lại thì nhà nông rất nhàn hạ, rất ít việc để làm. Từ đó nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm thêm công việc phụ để làm nhằm mục đích ban đầu là cải thiện bữa ăn và những nhu cầu thiết yếu hằng ngày về sau là tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo thời gian, nhiều nghề phụ ban đầu đã thể hiện vai trò to lớn của nó, mang lại lợi ích thiết thân cho cư dân. Như việc làm ra các đồ dùng bằng mây, tre, lụa… phục vụ sinh hoạt hay đồ sắt, đồ đồng phục vụ sản xuất. Nghề phụ từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu riêng đã trở thành hàng hóa để trao đổi, đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân vốn trước đây chỉ trông chờ vào các vụ lúa. Từ chỗ một vài nhà trong làng làm, nhiều gia đình khác cũng học làm theo, nghề từ đó mà lan rộng ra phát triển trong cả làng, hay nhiều làng gần nhau.
Và cũng chính nhờ những lợi ích khác nhau do các nghề thủ công đem lại mà trong mỗi làng bắt đầu có sự phân hóa. Nghề đem lại lợi ích nhiều thì phát triển mạnh dần, ngược lại những nghề mà hiệu quả thấp hay không phù hợp với làng thì dần dần bị mai một. Từ đó bắt đầu hình thành nên những làng nghề chuyen sâu vào một nghề duy nhất nào đó, như làng Gốm, làng làm chiếu, làng làm lụa, làng làm đồ đồng…
Những phát hiện về khảo cổ học, những cứ liệu lịch sử đã chứng minh được các làng nghề Việt Nam đã ra đời từ hàng ngàn năm trước đây. Các làng nghề thường tập trung chủ yếu ở các vùng châu thổ sông lớn như châu thổ sông Hồng, tại Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định …
Những làng nghề nổi tiếng:
Cùng với sự phát triển của đất nước, có rất nhiều làng nghề cũng phát triển mạnh và có những sản phẩm, những thương hiệu nổi tiếng, có sức hấp dẫn rất lớn như: Gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội; Làng gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh; Đồ gỗ Đồng Kỵ; Làng Tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh; Chiếu Nga Sơn, Thanh Hóa; Làng đá Non Nước, Đà Nẵng; Làng nghề truyền thống vàng bạc Châu Khê ( Làng vàng bạc Châu Khê ); Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm; Làng Lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội; Làng Nghề Sơn Đồng (Hà Nội); Gốm xứ Bình Dương…
Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp đưa du khách tới tham quan, thẩm nhận các giá trị văn hoá và mua sắm những hàng hoá đặc trưng của các làng nghề truyền thống trên khắp miền đất nước.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), ông Vũ Thế Bình khẳng định: Làng nghề truyền thống đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Hàng thủ công truyền thống là một phần quan trọng của du lịch, là một trong ít mặt hàng phản ánh văn hóa bản địa đặc sắc. Hàng thủ công truyền thống có thể được ví như biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của một quốc gia, là nhân tố quan trọng để hấp dẫn du khách. Xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công truyền thống thông qua việc bán cho khách du lịch đã mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ. Điển hình nhất trong việc phát triển làng nghề với du lịch là làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Người dân ở đây khá nhạy bén khi có nhiều hình thức lôi kéo sự tham gia của khách vào quá trình làm nghề, tạo sự hứng thú cho khách du lịch
Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Các làng nghề thường nằm trên trục đường giao thông, cả đường sông lẫn đường bộ, không chỉ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa mà tiện xây dựng tuor, tuyến du lịch. Khi tham gia tour du lịch làng nghề, khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, bằng sự nhạy bén, thông qua hoạt động phục vụ du lịch, một số nghề thủ công truyền thống đã được phục hồi như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phũ Lãng (Bắc Ninh). Thu nhập từ du lịch đã trở thành nguồn thu không nhỏ tại các làng nghề.
Làng nghề truyền thống VN ra đời từ rất lâu với vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của nhân dân các địa phương. Sự tồn tại của các làng nghề truyền thống không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế: giải quyết một số lượng lớn công ăn việc làm, tăng thu nhập . cho người dân địa phương mà còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ những giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống của các làng, xã, phường, hội . Tuy nhiên, lịch sử các làng nghề truyền thống Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, các ngành nghề thủ công truyền thống có những lúc có nguy cơ bị mai một, thất truyền đặc biệt là giai đoạn những năm cuối của thế kỷ XX. Nhận thức được tầm quan trọng của sự tồn tại các làng nghề truyền thống đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển các làng nghề. Trong đó, Đảng và Nhà nước đặc biệt khuyến khích sự phát triển của loại hình du lịch làng nghề.
Ngày nay, khi thu nhập , mức sống của người dân nhiều nơi trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng ngày một tăng, trình độ dân trí được ngày một cao thì nhu cầu khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, tìm hiểu lịch sử, văn hoá, đời sống nhân dân các nước, các dân tộc, các địa phương ngày càng tăng. Và sự thoả mãn những nhu cầu ấy là một trong những động lực thúc đẩy con người đi du lịch nhiều hơn trong thời gian gần đây. Để thoả mãn phần nào những nhu cầu ấy một sản phẩm du lịch mới đã ra đời ở Việt Nam – các chương trình du lịch làng nghề truyền thống.
Sự ra đời của các chương trình du lịch làng nghề một mặt đã thoả mãn phần nào nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hoá, đời sống người dân Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng của các du khách. Mặt khác, hoạt động du lịch làng nghề cũng có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế – xã hội của các làng nghề đó.
Những làng nghề thường là nơi thu hút nhiều nhất sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố có số lượng làng nghề rất lớn. Hầu hết những làng nghề này đều mang những nét đặc sắc riêng biệt, tạo nên một quần thể văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng.
Khu vực Nam Bộ cũng là khu vực có không ít tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề. Không gian văn hóa ĐBSCL là một tiểu vùng văn hóa quan trọng của Việt Nam với đầy đủ bản sắc thiên nhiên, đa dạng các sản phẩm vật chất lẫn tinh thần, trong đó phải kể đến có hàng trăm làng nghề truyền thống. Những làng nghề ấy đã đang nóng lòng muốn bước ra khỏi… cổng làng, hội nhập và phát triển vào dòng chảy của ngành công nghiệp không khói.
Theo dòng lịch sử trên 300 năm, ĐBSCL là vùng giao thoa văn hóa của 4 dân tộc Việt – Chăm – Hoa – Khơme. Đặc thù trên đã tạo nên bức chân dung sống động, bình dị nhưng vô cùng đặc sắc qua phong tục, đời sống văn hóa, kiến trúc nhà ở, nghệ thuật (cải lương, tài tử, thơ, ca, hò vè, hát ru), tế lễ, thờ cúng, ẩm thực, sản xuất, trong đó phải kể đến có hàng trăm làng nghề truyền thống dẫu trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn hiện hữu như nghề kim hoàn, chạm khắc, làm trống, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, từ lục bình, làm ghe, lu, gốm sứ, dệt chiếu, đan đát, bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, bánh pía…
Với không gian sinh thái đa dạng phong phú của vùng sông nước ĐBSCL, ngành du lịch dã ngoại đang hấp dẫn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ lợi thế trên, đưa sản phẩm – đặc sản văn hóa của các làng nghề ĐBSCL vào thị trường du lịch là hướng tiếp thị khả thi, đồng thời sẽ tạo hiệu quả kép vừa phát triển du lịch vừa bán được sản phẩm làng nghề. Để làm được điều trên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng trước mắt phải nhanh chóng chấn hưng làng nghề, xây dựng các thiết chế về du lịch làng nghề, mở tour du lịch làng nghề, phát triển các Showroom du lịch làng nghề. Kêu gọi đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các đề án như: Hệ thống quản lý Showroom sản phẩm làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch.
Phát triển các công ty du lịch tư nhân phục vụ du lịch làng nghề (các showroom là điểm dừng du lịch). Thành lập trung tâm du lịch làng nghề Việt Nam có hệ thống điều hành, quảng bá trên cả nước với 3 trung tâm lớn tại Hà Nội, Huế, TPHCM, các chi nhánh quan trọng như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt và Cần Thơ. Và đặc biệt là cần củng cố, mở rộng tổ chức Hiệp hội Làng nghề Việt Nam từ trung ương đến cơ sở, qua đó xây dựng hệ thống mạng lưới Showroom du lịch làng nghề từ khu vực đến các tỉnh….
Trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, các làng nghề không chỉ sản xuất, kinh doanh, mà còn là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, mang sắc thái văn hóa riêng biệt, có đặc trưng của từng làng theo ngành nghề truyền thống lâu đời, là nét độc đáo góp phần mở rộng phát triển các loại hình du lịch ở nước ta. Cho nên, đánh thức và phát triển du lịch làng nghề là hướng đi hữu hiệu nhằm đưa sản phẩm làng nghề vào thị trường, nâng cao thu nhập đời sống cho các nghệ nhân tâm huyết với nghề.
3. Thực trạng và hướng phát triển của Du lịch làng nghề tại Việt Nam
Làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)
Nguồn tài nguyên du lịch làng nghề truyền thống đang được khai thác tích cực ở khía cạnh là điểm đến đặc trưng của Việt Nam. Tuy nhiên chức năng sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch thì vẫn còn chưa được khai thác một cách thực sự hiệu quả.
Ở nước ta, mặc dù có chủ trương từ cấp quản lý gắn làng nghề với phát triển du lịch như: Cụm làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái. Các làng nghề này dù có định hướng phát triển du lịch từ những năm 2003 – 2004, có tên trong sản phẩm tuor của các hãng lữ hành, song các tuor đến đây vẫn chưa có biến chuyển tích cực, lượng khách rất ít.
Hiện cả nước có khoảng 3.000 làng nghề; trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau; trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng năm, hàng nghìn năm. Tiềm năng là vậy nhưng ít khách đến làng nghề dù có khá nhiều chương trình tuor giới thiệu. Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, tại các làng nghề này chưa có những điều kiện để trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan nghèo nàn. Sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khu thu nhập từ du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng. Bên cạnh đó, một số làng nghề hướng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông và môi trường còn nhiều bất cập.
Cả nước hàng nghìn làng nghề, trong đó riêng Hà Nội đã có 1264 làng nghề với 530 làng nghề truyền thống, 244 làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhiều về số lượng, phong phú về loại hình sản xuất, nhưng hàng nghìn “mỏ tài nguyên du lịch” ấy không cho ra nổi một sản phẩm đồ lưu niệm đặc trưng của du lịch Việt Nam.
Các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại không được lưu tâm tới. Thời gian gần đây, khi du lịch làng nghề được đầu tư và quảng bá, các cửa hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ trong làng nghề xuất hiện nhiều hơn. Thế nhưng, trên thực tế, hàng nằm trên giá bán cho du khách cũng chính là hàng bán ra thị trường tiêu dùng. Trong khi đó, nhu cầu của hai thị trường này lại hoàn toàn khác nhau.
Khách Tây Âu rất thích đồ sơn mài. Khách Nhật rất thích tranh thêu. Khách Mỹ rất thích đồ mỹ nghệ bằng gỗ, tre, rơm… Họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra mua những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Đó là lý do vì sao đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất khẩu rất tốt sang những thị trường này. Nhưng khi họ sang Việt Nam với mục đích du lịch, thường là dài ngày, họ không thể mang đi vác lại những món đồ cồng kềnh, dễ vỡ trong suốt cuộc hành trình cho đến khi về nước và càng không thể mang với số lượng lớn về làm quà tặng bạn bè.
Ông Nguyễn Hoàng Lưu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội bày tỏ: “Đúng là không có sự rạch ròi trong việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề. Mặt hàng phục vụ tiêu dùng phải khác, mặt hàng phục vụ du lịch phải khác. Mỗi mặt hàng mang một chức năng khác nhau nên không thể giống nhau được. Trong khi đó, các làng nghề lại quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn”.
Đó cũng một trong những lý do khiến du lịch làng nghề Việt Nam hiện nay chưa phát triển được. Hạ tầng văn hoá truyền thống bị phá vỡ bởi quá trình đô thị hoá, môi trường ô nhiễm do sản xuất phát triển, khách du lịch không có nhiều điểm để tham quan đã đành, mong muốn mua được những món đồ lưu niệm do các nghệ nhân Việt Nam chế tác cũng không thực hiện được.
“Họ không thể tìm được những sản phẩm ưng ý chứ chưa nói đến sản phẩm mang tính “ký ức”, mang dấu ấn Việt Nam. Ngay cả các làng nghề được coi là biết làm du lịch, mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch.
Khách Hàn Quốc, Đài Loan ưa những sản phẩm tinh tế, hoa văn cầu kỳ, chi tiết. Khách châu Âu lại thích những sản phẩm đơn giản, hoạ tiết gọn ghẽ, thẳng thắn, sang trọng và đặc biệt quan tâm đến độ an toàn của sản phẩm, như chất liệu có độc hại không, hàng mây tre có ngâm tẩm hoá chất có hại không, sản phẩm có dễ bị mốc, bong tróc trong điều kiện thời tiết lạnh không… Trong khi đó, các làng nghề Việt Nam lại giỏi kỹ thuật hàng chợ hơn là kỹ thuật tinh xảo. Gốm Bát Tràng nổi tiếng là thế nhưng vào chợ Bát Tràng thì hỗn tạp, hàng tinh ít, “hàng chợ” thì nhiều. Khách nước ngoài vào chợ chỉ để tham quan chứ không mua được gì” – ông Lưu khẳng định.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng cho rằng: khó có thể trách được các làng nghề bởi vì họ vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy cảm với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài mà chỉ xuất hàng thông qua những doanh nghiệp. Cái gì bán được ra thị trường thì họ chỉ tập trung vào làm cái đó chứ không có khái niệm về sáng tạo mẫu mã. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp không có điều kiện làm “design”. Đội ngũ thợ chỉ giỏi tay nghề kỹ thuật mà thẩm mỹ yếu và bị bó khuôn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Giảng viên khoa du lịch, Viện Đại học Mở – cũng cho rằng: “Sở dĩ các làng nghề không biết chiếm lĩnh thị trường đồ lưu niệm phục vụ du lịch là vì chẳng ai nói với họ điều ấy. Các làng nghề thường chia làm hai cách ứng xử: hoặc là cứ sản xuất bình thường và mặc cho khách thích tham quan gì thì tham quan như làng nón Chuông, gỗ Đồng Kỵ; hoặc là tự ý thức được việc phải làm du lịch, phải bán được hàng cho khách du lịch nhưng sản xuất một cách tự phát mà không có kiến thức đầy đủ về thị trường du lịch như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Chương Mỹ…”
Cũng theo bà Lan Hương, do nhận thức về du lịch của các làng nghề rất hạn chế cho nên họ chỉ sản xuất dựa vào quan sát, học hỏi, kinh nghiệm bản thân mà không để ý đến tính bản sắc văn hoá vùng miền và thương hiệu của sản phẩm. Từ đó dẫn đến việc hơn 6000 làng nghề trên cả nước nhưng không có mẫu hàng lưu niệm nào đặc trưng nổi bật cho du lịch Việt Nam.
“Ví dụ như, Việt Nam rất nổi trội về du lịch biển. Mỗi vùng biển lại có một đặc trưng và bản sắc văn hoá khác nhau. Thế nhưng, đi dọc các điểm du lịch biển từ Bắc tới Nam thấy đồ lưu niệm nơi nào cũng giống nơi nào, cứ na ná tương tự nhau. Cũng vỏ sò, vỏ ốc, ngọc trai, san hô đấy, nhưng nếu người thợ thủ công biết thể hiện cái đặc trưng vùng miền vào sản phẩm thì lại khác. Vịnh Hạ Long có thuyền buồm, có quần thể các núi đá vôi nhiều hình thù. Biển Nam Trung Bộ lại nổi bật bởi các loại ghe không đâu có. Nếu các chi tiết đặc sắc này được sáng tạo thành những mẫu đồ lưu niệm thay cho những chuỗi vòng ốc, sò đơn điệu thì chắc chắn sẽ khiến khách du lịch thích thú bỏ hầu bao ra mua”.
Bà Lan Hương khẳng định thêm: “Nói thị trường đồ lưu niệm Việt Nam không có bất kỳ sản phẩm nào mang tính biểu tượng cho văn hoá Việt Nam thì không đúng. Cũng có thể liệt kê ra vài món như mặt nạ, như con rối, như cô gái đội nón lá mặc áo dài… nhưng tất cả những sản phẩm đó chưa đạt đến độ cô đọng văn hoá và gây ấn tượng thị giác với khách du lịch. Hơn nữa, lại được sản xuất quá lẻ tẻ, vụn vặt, không đủ mạnh để tạo ra tính biểu tượng phổ biến. Làng Bát Tràng làm du lịch đã nhiều năm nay. Gốm Bát Tràng nổi tiếng khắp cả nước. Nhưng sản phẩm nào có dấu ấn riêng của Bát Tràng, chỉ có ở Bát Tràng mà không đâu khác, khách nhìn vào là nhận ra ngay gốm Bát Tràng thì vẫn chưa có câu trả lời”.
Ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thì hiện nay, các tour du lịch gắn với làng nghề đều còn mang tính tự phát.
Hiện nay, trên địa bàn xã Bát Tràng (Gia Lâm) có hơn 1.000 lò gốm lớn, nhỏ. Sản phẩm gốm của Bát Tràng không chỉ thu hút khách du lịch trong nước, mà cả khách du lịch nước ngoài mỗi khi đến Hà Nội. Theo Ban quản lý chợ gốm sứ Bát Tràng, trung bình hàng tháng, chợ gốm Bát Tràng đón 25-30 nghìn lượt khách trong nước, 5-6 nghìn lượt khách quốc tế. Mặc dù năm 2009, được coi là năm khó khăn của nền kinh tế, nhiều làng nghề đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, sản xuất giảm sút, nhưng tại khu vực chợ gốm Bát Tràng khách đến tham quan vẫn khá tập nập, cho dù không phải là ngày cuối tuần. Từ khách nội thành tới khách du lịch ở các tỉnh khác, và tất nhiên, không thể vắng những du khách nước ngoài. Chị Nga, một người bán hàng tại khu vực chợ gốm Bát Tràng cho biết: “Lượng khách đến tham quan chợ gốm từ Tết ra đến giờ vẫn đông lắm, cả khách nước ngoài, khách các nơi khác đến, rồi học sinh, sinh viên các trường đại học cũng đi xe bus đến”.
Trưởng phòng tiểu thủ công nghiệp và làng nghề (Sở Công Thương Hà Nội) Trịnh Thị Hồng Loan cho biết: “Bát Tràng được quy hoạch từ năm 2001, nên cơ sở hạ tầng đã khá tốt. Bên cạnh đó, trước Bát Tràng chỉ hướng tới xuất khẩu là chính, mặc dù có tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng người dân tự tìm đến chứ không phải qua hệ thống tour du lịch. Còn hiện nay, Bát Tràng đã hình thành hệ thống tour và có tuyến xe bus đến chợ gốm, đưa người dân nội đô đến Bát Tràng”.
Mấy năm trở lại đây, Bát Tràng còn mở thêm dịch vụ để du khách tham quan trực tiếp một số xưởng sản xuất, tham gia trực tiếp vào một số công đoạn sản xuất… và đã thu hút được nhiều du khách. Thú chơi vẽ gốm ở Bát Tràng đã và đang là một thú chơi độc đáo, hấp dẫn trí tò mò của bất kỳ du khách nào có dịp ghé qua.
Theo lời kể của các chủ xưởng gốm: Thú chơi vẽ gốm mới được người dân đưa vào hoạt động 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, hoạt động này đã thu hút một số lượng lớn khách du lịch tham gia, nhất là các bạn trẻ. Vẽ gốm, nặn gốm… không những giúp du khách hiểu hơn về những công đoạn của việc làm gốm, mà còn giúp du khách tiếp cận với nghệ thuật làm gốm theo cách riêng của mỗi người. Không chỉ thu hút các em học sinh, sinh viên… trò chơi vẽ gốm còn thu hút rất nhiều du khách quốc tế.
Trên địa bàn Hà Nội, nhiều làng nghề hình thành từ lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước, đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến và trở thành những địa điểm của ngành du lịch, như: Lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã… Các làng nghề trên địa bàn Hà Nội có mật độ lớn, nằm dọc các trục đường giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, nên rất thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch. Thời gian qua, nhiều công ty du lịch lữ hành của Hà Nội và các tỉnh bạn đã triển khai các tour đưa du khách đến tham quan các điểm du lịch làng nghề nổi tiếng. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện việc phát triển các tour du lịch làng nghề trên địa bàn Thủ đô còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém, phong cách phục vụ không chu đáo, thiếu sự chuyên nghiệp…
Bên cạnh đó, thuyết trình viên tại các làng nghề vừa thiếu lại yếu. Mặt khác, sản phẩm tại các làng nghề còn sơ sài, nghèo nàn về chủng loại và mẫu mã. Điển hình là Bát Tràng, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch đã tạo ra một hình thức xuất khẩu tại chỗ hữu hiệu, góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề, sản phẩm làng nghề ở khắp mọi nơi. Song, chỉ vì sản phẩm của Bát Tràng còn sơ sài, nghèo nàn về chủng loại mẫu mã, chất liệu… nên 2-3 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu cũng đã bị thu hẹp đáng kể.
Theo ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mặc dù phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa và xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn. Điểm chung của các làng nghề là thường nằm ở trung tâm hoặc gần đô thị lớn, trục giao thông đường bộ, đường sông, do đó rất thuận tiện cho việc xây dựng tuyến du lịch làng nghề. Một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đang triển khai mạnh loại hình du lịch này nhưng hiệu quả còn chưa cao. Những làng nghề đã thu hút nhiều du khách chỉ mang tính tự phát. Nguyên nhân chính là các ban, ngành liên quan thiếu sự phối hợp cần thiết trong xây dựng, quy hoạch du lịch làng nghề.
Ông Nguyễn Phương Thảo, Phó trưởng Phòng tiểu thủ công nghiệp và làng nghề (Sở Công thương Hà Nội) cho rằng: Việc nhìn nhận phát triển làng nghề gắn với du lịch của chúng ta đã bị chậm. “Khách du lịch hay các công ty du lịch đã nhìn nhận ra vấn đề này từ khá lâu và họ cũng đã gắn vào các tour du lịch của họ. Trong khi đó, năm 2004-2005, chúng ta mới chính thức có chủ trương làm dự án. Nhưng các bước triển khai của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng còn chậm”.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Loan Loan, điểm yếu để phát triển làng nghề gắn với du lịch là hầu hết các làng nghề hiện nay cơ sở hạ tầng, giao thông còn kém phát triển. Phó trưởng phòng Công thương huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú cho biết: Cách đây mấy năm, Sở Du lịch Hà Tây (cũ) có gắn một số biển “Điểm du lịch làng nghề” trên địa bàn huyện. Tuy vậy, trên thực tế chỉ là hình thức, bởi hầu hết các làng nghề này cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của tour du lịch. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch tại địa phương.
Để phát triển làng nghề gắn với du lịch có tính xã hội hóa cao, yếu tố hạ tầng cơ sở, giao thông chiếm vị trí rất quan trọng. Theo bà Loan cần đẩy mạnh thực hiện theo đúng quy hoạch, chỗ nào xã hội hóa thì đưa vào xã hội hóa, chỗ nào Nhà nước hỗ trợ thì đưa vào hỗ trợ.
Cũng theo ông Thảo, với các điều kiện hiện nay người dân làng nghề mới chỉ làm nghề, bởi vậy cần giúp họ hiểu ngoài làm nghề phải biết làm thương mại, gắn với du lịch. “Mấu chốt phải có sự xã hội hóa, tức Nhà nước chỉ đưa ra các cơ chế chính sách, lập ra quy hoạch hoặc có thể hỗ trợ một phần kinh phí các dự án trọng điểm, còn lại phải kêu gọi nhà đầu tư và kinh phí từ làng nghề, như vậy mới đưa được dự án thành hiện thực và phát huy hiệu quả”. Trên thực tế, trên địa bàn Hà Tây (cũ) trước đây đã quy hoạch và tiến hành xây dựng các điểm công nghiệp làng nghề cũng nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng tại các làng nghề.
Còn theo Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, tại các làng nghề này chưa có những điều kiện để trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan nghèo nàn. Sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khu thu nhập từ du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng. Bên cạnh đó, một số làng nghề hướng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông và môi trường còn nhiều bất cập.
Về phía cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng: “Hiện chúng ta thiếu kế hoạch đồng bộ, dài hơi về làng nghề. Một số địa phương có quy hoạch làng nghề với du lịch nhưng quy hoạch thiếu thực tiễn và không được thực hiện nghiêm chỉnh. Việc quản lý làng nghề còn chồng chéo, không thống nhất dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể. Đó là chưa kể việc chèo kéo khách ô nhiễm môi trường tại làng nghề khiến khó hấp dẫn du khách”.
Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Các làng nghề thường nằm trên trục đường giao thông, cả đường sông lẫn đường bộ, không chỉ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa mà tiện xây dựng tuor, tuyến du lịch. Khi tham gia tour du lịch làng nghề, khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, bằng sự nhạy bén, thông qua hoạt động phục vụ du lịch, một số nghề thủ công truyền thống đã được phục hồi như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phũ Lãng (Bắc Ninh). Thu nhập từ du lịch đã trở thành nguồn thu không nhỏ tại các làng nghề.
Trong khu vực, các nước như Thái Lan, Malaixia đã đạt được những kết quả khả quan trong việc phát triển du lịch gắn với nghề thủ công. Thái Lan có chính sách “mỗi làng một nghề tiêu biểu” và người dân tại các làng nghề gắn với du lịch có đời sống khá giả nhờ bán hàng thủ công truyền thống, hàng lưu niệm cho khách du lịch. Trong khi đó, tại Việt Nam, phần lớn các làng nghề đang sản xuất cái chúng ta có chứ chưa sản xuất cái khách du lịch cần.
Để phát triển du lịch làng nghề, chúng ta phải “đáp ứng” được nhu cầu của du khách. Muốn vậy, các cơ sở sản xuất tại làng nghề phải đầu tư nghiên cứu thị trường từng đối tượng khách để sản xuất ra những sản phẩm có mẫu mã, màu sắc phù hợp. Trước mắt là tổ chức bán hàng sản phẩm thủ công truyền tại các điểm du lịch. Còn lâu dài, muốn làng nghề trở thành điểm du lịch, chúng ta cần có quy hoạch, đầu tư về hạ tầng giao thông, cơ sở đón tiếp khách, điểm trình diễn; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá.
Nông dân cần học cách làm du lịch
Để nhân rộng các mô hình du lịch làng nghề giống như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, tại thủ đô Hà Nội, từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành quy hoạch và phê duyệt một loạt dự án xây dựng các điểm du lịch làng nghề truyền thống như mây tre đan Phú Nghĩa, thêu ren Quất Động, tạc tượng Sơn Đồng, khảm trai Chuyên Mỹ…
Nhiều làng nghề cho rằng, do xa trung tâm thủ đô, giao thông chưa thuận tiện nên khó thu hút khách. Do đó, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường dẫn từ quốc lộ vào làng nghề, nhà chợ, nhà trưng bày triển lãm. Điển hình như làng mây tre đan Phú Nghĩa, từ năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và Sở Du lịch Hà Tây đã đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường, xây nhà triển lãm… nhưng cho tới nay vẫn vắng hoe du khách.
Nhiều làng nghề khác, dự án hiện vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí chỉ kịp treo lên tấm biển “địa điểm du lịch làng nghề”, sau đó để hoen ố bởi nắng mưa, và không có bóng dáng một khách du lịch nào. Nguyên nhân là do việc đầu tư không đồng bộ, không rõ cơ chế triển khai, hoặc dự án triển khai dở dang. Trong khi các dự án chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng thì người dân làng lại không được tập huấn các kỹ năng làm du lịch, bà con phải tự loay hoay mày mò.
Chị Bùi Thúy Vinh, một chủ cơ sở mây tre đan ở làng nghề Phú Nghĩa, chia sẻ: “Ở đây chúng tôi đều hiểu nếu kéo được khách du lịch tới thăm làng nghề thì không những bán được nhiều hàng mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của làng mình nữa, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu?”. Còn tại Bắc Ninh, các điểm du lịch làng nghề vẫn do các nghệ nhân mày mò, xây dựng các tour đón khách, còn các cơ quan chức năng chưa vào cuộc.
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội, cũng thừa nhận rất nhiều làng nghề truyền thống có những sản phẩm độc đáo nhưng chúng ta chưa khai thác được, không thu hút được du khách. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các ngành có liên quan như công thương, nông nghiệp, nông thôn, văn hóa và du lịch cần phải phối hợp mới làm được.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, việc đầu tiên là phải quy hoạch lại các làng nghề trở thành điểm tham quan du lịch, sau đó đào tạo cho nông dân kỹ năng làm du lịch, doanh nghiệp lữ hành và các làng nghề cần hợp tác chặt chẽ để thiết lập nên các tour tham quan làng nghề.
Cùng với đó một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến với các làng nghề đó là vấn đề môi trường. Bài toán đặt ra trong công tác quản lý làng nghề đã từ lâu nhưng chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng khẳng định: “Vấn đề môi trường làng nghề hiện nay đặt ra vấn đề là phải hoạch định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hiện nay chịu trách nhiệm quản lý về môi trường làng nghề là Bộ Khoa học-Công nghệ chứ không nằm ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng dù Bộ nào thì tôi cho rằng, vấn đề là từ chính quyền cơ sở, quan trọng nhất là quy hoạch cho làng nghề có được địa điểm, vị trí, nhất định phải làm rõ vấn đề xử lý môi trường khi xây dựng và phát triển làng nghề. Tôi xin lưu ý là không phải để xảy ra vấn đề môi trường rồi mới xử lý, mà phải bắt đầu từ quy hoạch, nếu không xử lý được vấn đề về môi trường thì nhất định không cho sản xuất”.
Phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn nhiều. Nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa lớn nhất của mình đó là các làng nghề.
KẾT LUẬN:
Du lịch làng nghề nước ta có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển. Trong những năm gần đây, mặc dù đã có bước phát triển đáng ghi nhận, thể hiện những nỗ lực của những cơ quan quản lý ngành du lịch cũng như của các địa phương, du lịch làng nghề đã ngày càng đóng góp tích cực hơn so với tỷ trọng các loại hình du lịch. Tuy nhiên nhìn chung, loại hình du lịch làng nghề Việt Nam còn phát triển manh mún, tự phát và chưa xứng tầm với tiềm năng.
Chính vì thế, vấn đề tìm và ứng dụng các phương hướng, biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề ở nước ta là một vấn đề lớn, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành du lịch, mà còn cần sự phối hợp của nhiều ban ngành như các cơ quan quản lý văn hóa, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông; Bộ Tài Nguyên – Môi trường; Bộ Công thương… giống như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng thì vấn đề phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn. Nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa lớn nhất của mình đó là các làng nghề.
Cinet Tổng hợp
Nguồn: cinet.gov.vn