Tiểu sử Đồng chí Võ Thị Thắng – Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
Đồng chí Võ Thị Thắng sinh ngày 10 tháng 12 năm Ất Dậu, 1945, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, Ba má và 9 anh chị em cùng đi theo cách mạng.
Sinh ra và lớn lên từ Rạch Rích, Tân Bửu, Bến Lức, Long An, quê hương “trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đồng chí đã đi qua tuổi thơ đầy hào hùng, dữ dội: Mới 9 tuổi đã đi đưa thư liên lạc, mang cơm cho các chiến sĩ cách mạng đang được ba má của Đồng chí che chở nuôi giấu trong hầm bí mật của vườn nhà vào những năm Luật 10/59, kẻ thù lê máy chém đi khắp Miền Nam; 13 tuổi vào trường công lập Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai); 16 tuổi là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức – Long An, khi 17 tuổi tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động bí mật trong Phong trào Thanh niên – Sinh viên – Học sinh; tiếp đến chuyển sang Phong trào Công nhân rồi lực lượng vũ trang trong lòng đô thị.
Trong chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968, khi thực hiện nhiệm vụ trừ gian ở Phú Lâm, Quận 6, Đồng chí bị sa vào tay giặc. Với 6 năm ròng rã bị tù đày, Đồng chí đã bị kẻ thù tra tấn, giam cầm, đầy đọa từ Nhà lao Thủ Đức đến khám Chí Hòa, từ nhà lao Tân Hiệp, Hố Nai đến nhà tù Côn Đảo. Nhưng với khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, Đồng chí cũng như nhiều đồng đội khác đã không bị khuất phục trước bạo lực, cường quyền của kẻ thù. Theo Hiệp định Paris, kẻ thù đã phải trao trả nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam cầm và Đồng chí về với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh ngày 7/3/1974.
Đồng chí Võ Thị Thắng, cũng như nhiều chiến sĩ khác cùng trong hoàn cảnh, đã coi thời gian bị tù đày gian khó là môi trường, là trường học lớn để rèn luyện, thử thách phẩm giá, ý chí, lòng trung kiên và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, là nơi tập dượt của các hình thức, phương thức, khẩu hiệu đấu tranh chính trị với kẻ thù… Trong nhà lao các chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ yêu nước đã cùng chan mồ hôi, máu và nước mắt, cùng sẻ chia gian lao khổ cực, kiên trung giữ vững khí tiết, phẩm giá, chí khí cách mạng của mình cho đến lúc ra tù vẫn ngẩng cao đầu với tư thế của người chiến thắng.
Sau ngày hòa bình lập lại, đất nước thống nhất (30/4/1975), Đồng chí về công tác ở Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và khóa IX; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và XI, nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba đến khi nghỉ hưu.
Từ khi tham gia cách mạng đến khi trở thành một cán bộ lãnh đạo, Đồng chí đã nếm trải nhiều thử thách cam go, tưởng chừng không vượt qua nổi, không chỉ trụ vững qua thử lửa trong kháng chiến mà còn vững vàng trong cơ chế thị trường. Đồng chí luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn chấp hành đầy đủ mọi chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lắng nghe cơ sở, gắn bó chặt chẽ với tập thể, với nhân dân trong mọi công việc, trong hoạt động đoàn thể, trong quản lý nhà nước, trong công tác đảng, công tác ngoại giao nhân dân và khi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí luôn luôn là một cán bộ trung kiên, bộc trực, mạnh dạn, thẳng thắn trong đấu tranh, có chính kiến rõ ràng, dám quyết định và chịu trách nhiệm về công việc do mình phụ trách.
Khi nhận nhiệm vụ đứng đầu ngành Du lịch – một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao – Đồng chí đã lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo hoạt động và chăm lo xây dựng nội bộ; hoàn thành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Ngành, góp phần xây dựng ban hành Luật Du lịch đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của Ngành. Đồng chí đã cùng tập thể vượt qua khó khăn để giữ vững và đưa ngành Du lịch hội nhập sâu và toàn điện với du lịch khu vực và quốc tế, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Với 69 năm cuộc đời, hơn 60 năm cống hiến cho Tổ quốc, Đồng chí Võ Thị Thắng đã vĩnh viễn ra đi. Dù vẫn biết rằng sự ra đi là quy luật của tạo hóa, nhưng tình cảm, nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh và tấm gương của Đồng chí mãi để lại niềm thương tiếc khôn nguôi với chúng ta, với đồng nghiệp, bạn bè, với gia quyến, cháu con, họ hàng.
Trong khoảnh khắc tĩnh lặng chia tay này, chúng ta mãi không quên dáng đứng, nụ cười và câu nói của Đồng chí trước Tòa án của kẻ thù cách đây 46 năm về trước, do phóng viên người Nhật ghi lại ngay sau khi nghe Tòa án tuyên đọc bản án 20 năm tù khổ sai: “Liệu chính quyền của các ông còn tồn tại được bao lâu mà kết án tôi đến 20 năm tù?”. Câu hỏi như lời tiên đoán sụp đổ của một chế độ bạo tàn (chỉ sau 06 năm, 08 tháng, 27 ngày = 03/08/1968 – 30/04/1975). Võ Thị Thắng, người con gái đất Long An với “Nụ cười chiến thắng” “Nụ cười Võ Thị Thắng” đã trở thành một trong những biểu tượng cao đẹp cho thế hệ anh hùng trong cuộc kháng chiến giành Độc lập – Tự do – Thống nhất đất nước; dáng đứng, nụ cười và câu nói của Võ Thị Thắng một thời đã là nguồn cảm hứng cho bao tác phẩm thơ ca…góp phần động viên thúc giục bao người vượt qua gian khó tiến lên phía trước; bức ảnh cũng đã vượt qua biên giới quốc gia làm rung động bao tấm lòng của bạn bè quốc tế.
Sau bao năm tháng hoạt động, cống hiến và đóng góp, nụ cười của Đồng chí vẫn hiện hữu vẻ đẹp hồn nhiên, lạc quan của niềm tin chiến thắng. Giờ đây, Đồng chí đang nằm đó, mỉm cười, thanh thản, bình yên, từ biệt chúng ta lần cuối.
Ghi nhận công lao đóng góp của Đồng chí cho Đảng, Quốc hội, Đoàn thể, cho đất nước và nhân dân, trong kháng chiến cũng như lúc hòa bình, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đồng chí nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng Hạng Nhất cùng nhiều Huân, Huy chương, Huy hiệu, Kỷ niệm chương…và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí còn được tặng Huân chương Hữu nghị của Hội đồng Nhà nước Cuba, Huân chương của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Cuba. Tên Võ Thị Thắng và “Nụ cười” đã được đặt tên cho một số trường học tại Thủ đô La Habana – Cuba.
Trong gia đình, Đồng chí là người con hiếu thảo, người vợ thủy chung, là người mẹ kính yêu, người bà mẫu mực, thầm lặng đầy thương yêu được sự kính trọng của con, của cháu; là cô út trong gia đình có 8 anh chị, Đồng chí Võ Thị Thắng có tấm lòng nhân hậu, chân thành, đoàn kết, vị tha, luôn thương cảm, sốt sắng giúp đỡ với khả năng của mình, để lại trong lòng anh em, bạn bè, bà con khu phố, xóm giềng những tình cảm yêu thương, giữ được tâm sáng của người chiến sỹ cách mạng về lòng yêu nước, thương dân; giữ gìn mối quan hệ dòng tộc, yêu gia đình, yêu chồng, thương con, thương cháu.
Từ khi về nghỉ hưu, Đồng chí cùng người chồng, người Đồng chí cùng tham gia kháng chiến, cũng đã từng nếm trải những năm tháng bị bắt, bị tra tấn, đày đọa, tù đày qua nhiều nhà lao từ đất liền ra Côn Đảo, nay cùng sát cánh tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội và dành thời gian chăm lo cho tổ ấm gia đình, dòng tộc, tạo điều kiện cho con, cháu học tập, công tác.
Đồng chí Võ Thị Thắng mất đi, Đảng, Nhà nước và Đoàn thể mất đi một cán bộ trách nhiệm, nhiệt huyết; ngành Du lịch mất đi một Lãnh đạo, người đồng nghiệp trách nhiệm, chân tình, giản dị; gia đình mất một người con hiếu thảo, người vợ yêu quý, người mẹ, người bà đáng kính.
Trong giờ phút đau thương này, chúng ta cùng chia buồn sâu sắc với gia quyến Đồng chí Võ Thị Thắng. Vĩnh biệt Đồng chí Võ Thị Thắng! Cầu chúc cho hương hồn Đồng chí siêu thoát, an lạc, bình yên ngàn thu./.