Tiềm năng du lịch – thế mạnh của Tây nguyên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
I. MỞ ĐẦU
Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ của ngành du lịch, đến cấu trúc và chuyên môn hóa của du lịch. Tài nguyên du lịch là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sản phẩm du lịch; tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch; tạo nên những sắc thái riêng, đặc trưng riêng cho mỗi điểm đến du lịch. Sự đa dạng và phong phú của tài nguyên du lịch, chất lượng của chúng và mức độ kết hợp giữa các loại tài nguyên trên một lãnh thổ có ý nghĩa đặc biệt trong việc hình thành và phát triển du lịch của một vùng hay một quốc gia. Một lãnh thổ nào đó càng có nhiều loại tài nguyên du lịch với chất lượng cao và mức độ kết hợp các loại tài nguyên phong phú, thuận lợi… thì sức thu hút khách du lịch càng lớn.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước với những nét đặc trưng riêng của các điều kiện tự nhiên và những giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa… có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc Văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Vùng Tây Nguyên bao gồm lãnh thổ của 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên là 54.640,6 km2 (chiếm 16,5% diện tích cả nước); dân số tính đến cuối năm 2010 là 5,214 triệu người (chiếm 6,0% dân số cả nước); mật độ dân số trung bình là 95 người/km2.
Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Vùng Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.
Tây Nguyên có nền địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú…, đã tạo nên cho Tây Nguyên có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm (khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới), với nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều thác ghềnh hiểm trở, nhiều cánh rừng nguyên sinh với giá trị đa dạng sinh học cao…
Tây Nguyên là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước. Đó là “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” – kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như Nhà Rông, Nhà Dài, Nhà Mồ…; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới…); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo. Tây Nguyên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc (Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh…).
Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, Tây Nguyên có thể khai thác để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang Thương hiệu Tây Nguyên để hấp dẫn khách du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
II. CÁC GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN DU LỊCH ĐIỂN HÌNH CỦA TÂY NGUYÊN
1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Vùng Tây Nguyên có một số địa điểm có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, là điều kiện tự nhiên lý tưởng để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như Tuyền Lâm, Đan Kia (Đà Lạt – Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum). Đà Lạt đã được xây dựng trở thành thành phố nghỉ dưỡng từ những năm đầu thế kỷ 20. Hiện nay, thành phố Đà Lạt còn bảo tồn được nhiều biệt thự cổ kiểu Pháp, điển hình là Dinh Bảo Đại, có giá trị cao về kiến trúc và cảnh quan du lịch. Măng Đen – Kon Tum đã và đang được xây dựng thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm cỡ khu vực.
Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, núi, cao nguyên, sông suối, thác nước, hồ… và cả hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia… Những tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch bao gồm: cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Pa Cô, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh…); hệ thống các thác nước như Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh, Phú Cường, Lưu Ly, Pongour, Cam Ly, Pren… Tất cả những cảnh quan thiên nhiên ấy đều có thể khai thác trở thành điểm tham quan hết sức lý tưởng.
Tây Nguyên còn có nhiều nguồn suối nước nóng, có suối nước nóng đến 55oC như suối Ram Phia, suối Kon Nit… tập trung ở Kon Đào, Ngọc Tụ (huyện Đắk Tô, Kon Tum), Đắk Ring, Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum); Đạ Long (huyện Đam Rông, Lâm Đồng)… Đây là những suối có chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.
– Kom Tum có các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Thầy; khu di tích danh thắng Măng Đen, khu du lịch Đắk Tre ở huyện Kon Plông; suối nước nóng Đắk Tô, thác Đắk Lung; hồ Yaly; vườn quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đắk Uy, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, cảnh quan đèo Lò Xo, khu vực bãi đá thiên nhiên Đắk T’re…
– Gia Lai có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh có cảnh quan thiên nhiên mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên như vườn quốc gia Kon Ka Kinh; thác Xung Khoeng, thác Phú Cường… Ngoài ra, còn có nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn như hồ thủy điện Yaly, Suối Đá, Suối Mơ, Núi Hàm Rồng, Biển Hồ (hồ Tơ Nưng)…
– Đắk Lắk có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái với nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như Thác Krông Kma, Thủy Tiên, Dray Nur…; nhiều hồ lớn với diện tích 200 – 1.400ha như hồ Lắk, hồ Ea Nhai, hồ Ea Súp… Bên cạnh đó, các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên cũng là thế mạnh của Đắk Lắk như vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin; các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Ea Sô… Ngoài ra, Đắk Lắk còn có nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều nông trường cà phê nổi tiếng cả nước…, thích hợp cho phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.
– Đắk Nông có những danh lam thắng cảnh như: Hệ thống thác gồm: thác Bảy Tầng (thác Len Gun), thác Dray Sáp, thác Gia Long, thác Trinh Nữ, thác Ba tầng, thác Lưu Ly, thác Đắk G’lun, thác Liêng Nung, thác Cô Tiên; suối khoáng Đắk Mol; các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Tà Đùng; hệ thống hồ: Hồ Tây, Hồ Trúc, Hồ Doãn Văn, Hồ Ea S’no, Hồ Đắk R’Tih…
– Lâm Đồng với trung tâm du lịch Đà Lạt – thành phố ngàn hoa với nhiều cảnh quan, núi, hồ, thác, một hệ thống biệt thự cổ phong phú hấp dẫn. Hệ thống hồ của Lâm Đồng như Đan Kia Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đại Ninh… là những điểm tài nguyên đặc sắc có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng hồ. Hệ thống cảnh quan như đỉnh Lang Biang; các rừng thông cảnh quan; các thác nước (Đam B’ri, Cam Ly, Prenn, Pongour…); các VQG (Bidoup – Núi Bà, Cát Lộc – Cát Tiên) và các khu bảo tồn tự nhiên (Mađagui…) là những tài nguyên du lịch tự nhiên có sự hấp dẫn độc đáo đối với khách du lịch.
2. Tài nguyên du lịch văn hóa
a. Các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng: Vùng Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Đây là những tài nguyên du lịch có giá trị để khai thác phục vụ phát triển du lịch.
– Kon Tum có di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Ngục Đắk Glei, di tích lịch sử danh thắng Măng Đen, di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh, di tích chiến thắng Plei Kần
– Gia Lai có các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Tây Sơn Thượng Đạo, Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stor, Chiến thắng đường 7 sông Bờ….
– Đắk Lắk có nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng như Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk, hang đá Đắk Tur, Đồn điền Ca Đa, Đình Lạc Giao, Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Tòa Giám mục Đắk Lắk, Tháp Yang Prong…
– Đắk Nông gồm có Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh, Cụm di tích lịch sử N’Trang Lơng, Di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV Nam Nung, Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử địa điểm bắt đầu đường Hồ Chí Minh Nam Tây Nguyên – Nam Bộ…
– Lâm Đồng có nhiều di tích văn hóa lịch sử như Dinh I, Dinh II, Dinh III, khách sạn Palace; chùa Linh Sơn, Linh Phong; Thiền viện Trúc Lâm; nhà thờ Chánh tòa, Cam Ly; khu mộ cổ của dân tộc Mạ, khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên…
b. Nếp sống nương rẫy: Tây Nguyên là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, trong đó có một số dân tộc bản địa như các tộc người Bân, Xơ đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ măm, M’nông, Mạ, Cơho thuộc nhóm Môn – Khmer và các tộc người Giarai, Ê đê, Churu, Raglai thuộc nhóm Nam đảo. Người Kinh có mặt ở Tây Nguyên từ thế kỷ 19, cùng nhiều dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào như Tày, Nùng, Thái, Dao, H’mông, Bru – Vân Kiều làm cho mối quan hệ và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên phong phú và đa dạng.
Đặc trưng lớn nhất quy định những sắc thái văn hóa của Tây Nguyên là nếp sống nương rẫy, là nếp sống chủ đạo, bao trùm toàn bộ các tộc người. Toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên từ tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ, đời sống tình cảm của con người cũng gắn bó với rừng núi và nương rẫy. Các dân tộc Tây Nguyên có những nét tương đồng và khá đặc trưng về quan niệm và ứng xử giữa thế giới người sống và người chết từ đó hình thành cả một hệ thống tập tục, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa xung quanh thế giới người chết – tạo nên hiện tượng văn hóa dân gian – sinh hoạt văn hóa nhà mồ.
c. Lễ hội: Mỗi dân tộc Tây Nguyên có những nét văn hóa, phong tục, tập quán riêng. Quy mô tổ chức và không khí của lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa ở Tây Nguyên rất hoành tráng và sôi động, phổ biến nhất là lễ đâm trâu, lễ cúng lúa mới, lễ hội cồng chiêng… đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đầy sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
– Lễ hội là sinh hoạt tín ngưỡng đánh dấu cho những hoạt động sản xuất nương rẫy từ khi gieo trồng cho đến khi mang lúa về kho. Trong các nghi lễ gắn chặt với sản xuất nông nghiệp, nghi thức hiến sinh là không thể thiếu được. Lễ hội đâm trâu là lễ hội đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên.
– Lễ hội mừng năm mới tổ chức hàng năm vào tháng 12 sau khi thu hoạch lúa nương là dịp đồng bào ăn mừng vụ mùa. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên.
– Lễ Bỏ Mả: Các dân tộc Tây Nguyên tổ chức Lễ Bỏ Mả cho người chết sau từ 1 – 3 năm. Lễ Bỏ Mả diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa xong, thời tiết mát mẻ, hoa rừng nở rộ.
– Lễ hội Đua Voi: diễn ra vào mùa xuân, là sinh hoạt văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên, thường được tổ chức tại Buôn Đôn và bên dòng sông Serepok, nhằm nêu cao tinh thần quật cường của các dân tộc cũng như khả năng thuần phục và nuôi dưỡng loài voi.
– Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên: Cồng chiêng Tây Nguyên gắn bó với cuộc sống người dân Tây Nguyên từ ngàn đời nay, là bằng chứng độc đáo, là nét đặc trưng của truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Cồng chiêng là nhạc cụ nghi lễ, các loại nhạc cồng chiêng trước hết đáp ứng cho yêu cầu của mỗi lễ thức. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có cách tổ chức cồng chiêng khác nhau, có ít nhất 3 phong cách âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. Cồng chiêng Êđê nhịp điệu phức tạp, tốc độ nhanh, cường độ lớn; cồng chiêng M’nông cường độ không lớn dù tốc độ khá nhanh; cồng chiêng Ba Na – Giarai thiên về tính chất chủ điệu, bề trầm của cồng vang lên âm sắc vững chãi, hoành tráng.
Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
– Lễ Cơm Mới: Khi cây H’lưng đầu buôn, cây Ê-táp giữa làng ra nụ, nở hoa, đó chính là lúc buôn làng tổ chức Lễ Cơm Mới. Lễ hội được tổ chức tại nhà riêng hoặc nhà Rông sau vụ thu hoạch của đồng bào Ba Na ở Gia Lai và Kon Tum. Lễ được tổ chức để tạ ơn thần lúa và lễ hội mừng mùa thu hoạch mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc lúa. Dân làng cúng thần lúa bằng heo hoặc gà trước khi sử dụng lúa để ăn hoặc mang đi biếu. Lễ Cơm Mới được tổ chức đơn giản và không tốn kém.
d. Văn hóa kiến trúc: Nói đến Tây Nguyên, Nhà Rông, Nhà Dài là biểu tượng văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng… nơi thể hiện các lễ hội tâm linh, nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt lại cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa truyền thống; nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ… Bên cạnh giá trị vật chất, nhà Rông là nơi ẩn chứa các văn hóa tâm linh rất bền vững của các dân tộc Tây Nguyên. Vì vậy, nhà Rông Tây Nguyên vừa có giá trị văn hóa vật thể vừa có giá trị văn hóa phi vật thể.
Nhà Rông là di sản kiến trúc tiêu biểu, gắn với cư trú lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên, với kiến trúc đa dạng, kiểu dáng hấp dẫn, hình thức trang trí đặc sắc, là “trái tim” của buôn, làng Tây Nguyên, là một thiết chế văn hóa tiêu biểu, độc đáo không pha trộn của các dân tộc Tây Nguyên.
Người Tây Nguyên có một nền nghệ thuật tạo hình và kiến trúc mang sắc thái độc đáo. Ở Bắc Tây Nguyên là những ngôi Nhà Rông dáng mái cao vút hình lưỡi rìu; ở Trung và Nam Tây Nguyên đặc trưng bởi các Nhà Dài sinh sống bởi nhiều gia đình và một phần dành cho sinh hoạt cộng đồng.
Kiến trúc cổ của các công trình, dinh thự là một kho tàng đặc sắc mang văn hóa Châu Âu chủ yếu là phong cách nước Pháp. Đà Lạt là đô thị du lịch có hơn 700 biệt thự với nhiều công trình nổi tiếng như: Dinh thự số 1, số 2, số 3… Đà Lạt có 2 công trình được xếp hạng kiến trúc quốc gia là ga xe lửa Đà Lạt và trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Ngoài ra còn rất nhiều các văn hóa kiến trúc khác như tháp Chăm Yang Prong (ngôi tháp Chàm duy nhất trên đất Tây Nguyên ở huyện Ea Súp – Đắk Lắk), Biệt điện Bảo Đại, đình Lạc Giao, chùa Sắc tứ Khải Đoan, nhà Đày Buôn Ma Thuột, Nhà thờ gỗ Kon Tum, Cầu treo Kon Klor gắn với Làng Văn hóa Kon Klor (Kon Tum), ngôi nhà sàn cổ trên 120 tuổi của tộc trưởng M’nông, khu mộ cổ của vua săn voi ở Bản Đôn (Đắk Lắk), và nhiều chùa, nhà thờ có kiến trúc độc đáo khác…
e. Văn hóa dân gian: Tây Nguyên là vùng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo, là một trong 7 vùng văn hóa lớn của nước ta. Tây Nguyên là vùng đất gặp gỡ của nhiều luồng dân cư, nơi giao lưu văn hóa của nhiều tộc người, vì vậy văn hóa Tây Nguyên có nhiều màu sắc.
Sử thi Tây Nguyên là một dạng tự sự dân gian, gắn với đặc thù Tây Nguyên về môi trường tự nhiên, truyền thống dân tộc bản địa, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và các đặc trưng văn hóa, tạo nên sự thống nhất thể loại: độ dài tác phẩm, phương thức diễn xướng, hình thức truyền miệng, nội dung và đặc trưng nghệ thuật. Đặc trưng của sử thi là tính kỳ vĩ, thần kỳ, phóng đại đầy chất thi hứng. Chính vì vậy, sử thi Tây Nguyên được phổ biến rộng khắp và lưu truyền lâu dài qua các thế hệ, mang tính cộng đồng và nhân văn sâu sắc. Không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên làm phong phú thêm giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam và là yếu tố quan trọng cho du lịch Tây Nguyên phát triển.
TS. Lê Văn Minh – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch