Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Thoại Sơn (An Giang) đầu tư du lịch – đòn bẩy phát triển Kinh tế – Xã hội

         Là vùng đất ghi dấu ấn đậm nét sự nghiệp khai hoang, mở đất của danh thần triều Nguyễn Thoại Ngọc Hầu, với nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng, được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới cùng hàng chục kỷ lục được Sách kỷ lục Việt Nam vinh danh…, chính quyền huyện Thoại Sơn quyết tâm kêu gọi đầu tư xây dựng thành điểm du lịch đúng nghĩa, vừa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có, vừa tạo ra nguồn thu quan trọng, làm đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

         An GiangThực hiện Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện Thoại Sơn xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch  đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đưa địa bàn trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. Để giữ chân khoảng 400.000 lượt khách du lịch mỗi năm  như hiện nay, 600.000 lượt người năm 2015 và 800.000 lượt người vào năm 2020, huyện xác định phải định hướng phát triển “công nghiệp không khói” bằng đặc thù riêng vốn có. Chuẩn bị cho quá trình phát triển, huyện Thoại Sơn từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bảo đảm cả chất và lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách, kể cả khách quốc tế, gắn  phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy, nâng chất các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên; song song đó bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích cộng đồng cùng các giá trị khác… Tới đây, cùng với việc hoàn thành Tỉnh lộ 943, huyện kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp, tổ chức để huy động nguồn lực phát triển du lịch. Đặc biệt địa phương đang đầu tư xây dựng 6 công trình lớn cho dự án phát triển du lịch, là: Khu du lịch hồ Ông Thoại – Công viên văn hóa 1/5, với diện tích 25 héc-ta; Khu du lịch hang Dơi 1,6 héc-ta; Khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh trên đỉnh núi Sập 5,8 héc-ta; Khu du lịch sinh thái núi Ba Thê – Óc Eo 13 héc-ta; Khu di tích văn hóa Giồng Cát, gò Cây Thị, gò Óc Eo rộng 9,38 héc-ta, đặc biệt Khu di tích Óc Eo có quy mô đến 38 héc-ta. Huyện sẽ đầu tư nguồn kinh phí đáng kể xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông liên hoàn; khuyến khích các thành phần đầu tư các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn, các dịch vụ du lịch, tụ điểm vui chơi, giải trí, đồng thời phát triển hệ thống chợ… Bên cạnh đó, có kế hoạch triển khai, thực hiện các loại hình du lịch văn hóa như văn hóa tín ngưỡng tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch mùa nước, mở rộng và nâng chất sản phẩm du lịch mang tính đặc thù gắn với làng nghề truyền thống, đặc biệt xây dựng và  từng bước định hình sản phẩm du lịch gắn với Di tích văn hóa Óc Eo…

         Giám đốc Ban Quản lý du lịch và văn hóa huyện Thoại Sơn Nguyễn Văn Be cho biết: “Phát triển du lịch là phát triển tổng thể, trong đó điểm mấu chốt là đầu tư  hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ, có kế hoạch dài hơi phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế để tạo sức hấp dẫn riêng biệt. Phát triển du lịch không thể xem nhẹ công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch với các ngành, nghề… đào tạo nguồn nhân lực đủ tầm cho công việc đặc thù này. Hiện, chúng tôi đang đầu tư về vật chất cả nguồn nhân lực để phát huy hiệu quả trong lĩnh vực phát triển du lịch ở mức cao nhất; phấn đấu năm 2013 này, lượng khách đến với Thoại Sơn vượt con số 400.000 lượt. Đặc biệt, khai thác Khu du lịch Núi Sập và Óc Eo một cách hiệu quả, làm đà cho các bước phát triển tiếp theo…”.

    NGUYỄN RẠNG

    Nguồn: Báo An Giang

     

    Bài cùng chuyên mục