Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Thách thức đối với sự tăng trưởng Du lịch Việt Nam

    BÀI THAM LUẬN CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH NGUYỄN VĂN TUẤN TẠI HỘI THẢO QUỐC GIA: “CHÍNH SÁCH DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM” TỔ CHỨC NGÀY 14-15/11/2013 TẠI TP. ĐÀ NẴNG.

     

       1. Du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng
       Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, Du lịch Việt Nam chứng kiến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ ấn tượng trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 và suy thoái kinh tế thế giới 2009). Năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013 số khách quốc tế đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2012. Với tốc độ đó, ước tính 2013 Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu sẽ đạt 195.000 tỷ. Như vậy, chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần; tổng thu du lịch tăng trên 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể đó thì mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã cán đích trước 2 năm. Có thể nói, đây là bước tăng trưởng ấn tượng ngoạn mục trong lịch sử ngành Du lịch Việt Nam.
       Trên tất cả các lĩnh vực, Du lịch Việt Nam đều tăng trưởng, thể hiện ở quy mô mở rộng, tính chất đa dạng và từng bước nâng cao chất lượng:
       – Kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng cải thiện đáng kể, hệ thống giao thông đường không, thủy, bộ… liên tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp; hệ thống hạ tầng năng lượng, thông tin, viễn thông và hạ tầng kinh tế-xã hội khác đổi mới căn bản, phục vụ đắc lực cho du lịch tăng trưởng.
       – Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch với trên 14.200 cơ sở lưu trú 320.000 buồng lưu trú hiện nay, trong đó số buồng khách sạn 3-5 sao đạt 34%; trên 1.250 doanh nghiệp lữ hành; các cơ cở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, cơ sở giải trí văn hóa, thể thao, hội nghị, triển lãm và nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời, cải tạo nâng cấp phục vụ khách du lịch ở hầu hết các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, (Hạ Long) Quảng Ninh, (Nha Trang) Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, (Phú Quốc) Kiên Giang, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Lao Cai, Ninh Bình… Đặc biệt, trong năm 2013 với sự ra đời của hàng loạt cơ sở lưu trú (khách sạn và tổ hợp resort) cao cấp 4-5 sao với quy mô lớn như: The Grand Hồ Tràm Strip, Mường Thanh, Mariott, Laguna… đã góp phần làm cho diện mạo ngành du lịch Việt Nam thay đổi căn bản với những tín hiệu tích cực.

       – Hệ thống các khu, điểm du lịch cũng được hình thành trên phạm vi cả nước. Đến nay, theo quy hoạch, cả nước sẽ chứng kiến sự hình thành của 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia, 12 đô thị du lịch và hệ thống khu, điểm du lịch địa phương quan trọng khác trên bản đồ du lịch Việt Nam.    

       – Lực lượng nhân lực ngành du lịch cũng không ngừng lớn mạnh, từ chỗ có 36.000 lao động năm 1993, đến nay toàn ngành có trên 570.000 lao động trực tiếp trong tổng số 1,8 triệu lao động. Tỷ lệ lao động du lịch đã qua đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo tại chỗ theo tiêu chuẩn VTOS ngày càng cao và đang trong quá trình chuẩn bị tích cực để hội nhập toàn diện với du lịch khu vực và thế giới.
        Giai đoạn tới, Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ ra du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng nhưng hướng trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.
    Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ đến năm 2020  đạt 11,5-12%/năm;
       – Năm 2015, Việt Nam đón 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 10-11 tỷ USD, đóng góp 5,5-6% vào GDP cả nước; có tổng số 390.000 buồng lưu trú với 30-35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó có 620.000 lao động trực tiếp du lịch.
       – Năm 2020, Việt Nam đón 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47-48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5-7% GDP cả nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35-40% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp.

    Tăng trưởng Khách QT đến VN

    Đơn vị: Triệu lượt

    TT tổng thu từ khách DL

    Đơn vị: nghìn tỷ VNĐ

    (Số ước tính năm 2013 và số dự báo năm 2015 và năm 2020)

       Có thể khẳng định, giai đoạn vừa qua ngành Du lịch đã trải qua một bước dài tăng trưởng với sự mở rộng quy mô, lớn mạnh tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch; hệ thống hạ tầng gắn với quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống khu, tuyến, điểm, đô thị du lịch trên 7 vùng du lịch của cả nước; hệ thống doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển, giải trí… với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, đồng thời với lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp. Giai đoạn tới, Du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng theo định hướng Chiến lược với trọng tâm phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, bền vững và cạnh tranh.
      

    2. Những thách thức từ tăng trưởng du lịch
       Không thể phủ nhận, tăng trưởng du lịch đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế-xã hội về thu nhập, việc làm, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhưng bên cạnh những tác động tích cực đó, sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam đã và sẽ có những tác động tiêu cực, những hệ lụy về kinh tế, xã hội, môi trường được xem là những thách thức không đơn giản đối với phát triển bền vững.
       Trước yêu cầu đặt ra đối với ngành Du lịch cần chuyển hướng tăng trưởng theo quan điểm và mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và trong bối cảnh diễn biến khó lường về suy thoái kinh tế, tình hình an ninh, cạnh tranh và biến đổi khí hậu toàn cầu mang đến những thách thức đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Có thể nhận diện những thách thức trong quá trình tăng trưởng thời gian tới đó là:
       1)    Sự tăng trưởng về khách du lịch nói chung, đặc biệt xu hướng du lịch đại trà dẫn tới phát triển quá mức, phát triển nóng ở một số nơi và phát triển không đồng đều giữa các địa phương tạo ra những mất cân đối cục bộ. Đây là thách thức đối với quản lý, quy hoạch để kiểm soát dòng khách đến với mức tăng trưởng phù hợp với sức chứa bền vững của điểm đến.
       2)    Gia tăng sức ép lên môi trường do du lịch tăng trưởng: Ô nhiễm, quá tải hoặc thiếu quản lý do khai thác quá mức, bừa bãi tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa; thách thức bao trùm đối với quản lý bền vững tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch đang có nguy cơ suy thoái nhanh trước sự khai thác tự phát (không theo quy hoạch), phát triển nóng, thiếu trách nhiệm hoặc trách nhiệm không rõ ràng và không lường trước những tác động, hệ lụy tiêu cực của giai đoạn trước để lại. Do tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về nhận thức và nguồn lực dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích…tác động tiêu cực, đe dọa sự phát triển du lịch bền vững. Các điểm hấp dẫn du lịch đang cảnh báo trước nguy cơ thoái trào và sự quay lưng của du khách đối với điểm đến sẽ là thảm họa.
       3)    Thách thức trong việc giải quyết sự bất công bằng trong phân chia lợi ích kinh tế do tăng trưởng du lịch mang lại: sự xung đột về lợi ích giữa các ngành (ví dụ du lịch với khai khoáng, thủy điện), giữa các địa phương, giữa các nhóm đối tượng, dẫn tới những tác động tiêu cực nhiều mặt. Đặc biệt đối với các nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số… thường bị thua thiệt. Hệ lụy dẫn tới phản ứng tiêu cực của dân cư địa phương, sự tranh giành tìm kiếm lợi ích bằng mọi giá biểu hiện trong thực tế tình trạng chèo kéo, ép giá, đeo bám, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh… làm phương hại đến hình ảnh điểm đến.
       4)    Thách thức về xung đột về văn hóa; tiếp thu văn hóa lai căng, mất kiểm soát những thay đổi về lối sống, những tệ nạn xã hội. Những nơi có sự “đề kháng“ kém hay yếu năng lực thích ứng với tác động bên ngoài (thường là các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng biển có điều kiện kinh tế-xã hội chưa phát triển) khi du lịch tăng trưởng thì đời sống văn hóa xã hội đều bị biến dạng, méo mó, mất đi nhanh chóng những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa vốn có. Thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong mối quan hệ với phát triển kinh tế xã hội, trong đó có du lịch, khi trình độ quản lý, nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm còn nhiều hạn chế.
       5)    Du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng lên tầm cao mới đặt ra thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và làm hài lòng du khách bằng những giá trị có chất lượng cao; thách thức về quản lý vận hành hiệu quả đối với hệ thống hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch; Thách thức về nguồn nhân lực chuyên nghiệp với yêu cầu về năng lực hội nhập, kỹ năng quản lý, điều hành để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự thiếu hụt lao động nghề chất lượng cao trở thành thách thức đối với cạnh tranh và phát triển bền vững. Những thách thức về quản lý điểm đến, quản lý phát triển sản phẩm du lịch, quản trị thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường…và đòi hỏi trình độ quản trị chuyên nghiệp để tối đa hóa những tác động tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực do tăng trưởng du lịch mang lại.
       6)    Những thách thức ứng phó với những vấn đề có tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh quốc tế, khủng khoảng, biến đổi khí hậu… cũng là mối quan tâm lớn của ngành Du lịch.

       3. Định hướng về chính sách phát triển du lịch thời gian tới
       Trong thời gian tới, Du lịch Việt Nam cần tập trung vào các chính sách du lịch có trách nhiệm với những trọng tâm sau đây:
       – Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển, các quy hoạch vùng, quy hoạch khu, điểm du lịch quốc gia và các chương trình, dự án ưu tiên đã được xác định trong Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung hành động có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường;
       – Triển khai thực hiện những nội dung trọng tâm thực hiện Nghị Quyết của Chính Phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2013- 2020, gồm các nhóm nhiệm vụ:
       + Tiếp tục tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế quốc dân; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch và tăng cường năng lực quản lý của Ngành phù hợp yêu cầu và xu hướng của thời đại.
       + Tăng cường hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch thông qua thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch và Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia; tập trung nguồn lực đầu tư vào các khu du lịch quốc gia; ứng phó với biến đổi khí hậu;
       + Tăng cường đổi mới, bổ sung chính sách tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển du lịch: Các chính sách về tạo thuận lợi cho khách du lịch, chính sách thị thực, chính sách thuế sử dụng đất, hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, giá điện, nước
       + Các giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch;
       + Thực hiện kiểm soát môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.

       Kết luận
       Du lịch Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua và tiếp tục đà tăng trưởng trong giai đoạn tới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định chuyển hướng tăng trưởng sang tập trung phát triển theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam được dự báo trước những tác động tiêu cực và coi đó là những thách thức cần vượt qua để hướng tới phát triển bền vững. Yêu cầu đặt ra Du lịch Việt Nam cần có hệ thống chính sách du lịch có trách nhiệm về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường để điều tiết, cân đối trong quá trình tăng trưởng. Chính sách du lịch có trách nhiệm phải được thể chế hóa trong Luật Du lịch và các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch, đồng thời được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, các chương trình, dự án và kế hoạch hành động phát triển du lịch./.

    Bài cùng chuyên mục