Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển du lịch các tỉnh/thành phố vùng duyên hải miền Trung

    Các tỉnh/thành phố vùng duyên hải miền Trung theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm 8 tỉnh duyên hải Nam trung bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) cộng thêm Thừa Thiên Huế. Đánh giá những điều kiện về tài nguyên, nguồn lực, thị trường và môi trường kinh tế-xã hội có thể thấy vùng duyên hải miền Trung có nhiều cơ hội rộng mở thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, đi liền với những cơ hội đó là thách thức vượt qua những rào cản đang và sẽ gây trở ngại quá trình đầu tư phát triển. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển du lịch ở mỗi tỉnh trong mối liên kết với các tỉnh trong vùng duyên hải miền Trung.

    Điều kiện thu hút đầu tư
    Trước hết là thế mạnh nổi trội về tài nguyên du lịch biển đảo với hệ thống bãi biển, vịnh, đảo ven bờ và thắng cảnh biển với hệ sinh thái còn nguyên sơ, có giá trị và vẻ đẹp độc đáo hấp dẫn du lịch. Cùng với nét văn hóa đặc sắc, đa dạng và độc đáo của miền biển với hệ thống di sản có giá trị, duyên hải miền Trung đã và đang có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 01 năm 2013, vùng duyên hải miền Trung sẽ có tới 10 khu du lịch quốc gia (Lăng Cô-Cảnh Dương, Sơn Trà, Bà Nà, Cù Lao Chàm, Mỹ Khê, Phương Mai, vịnh Xuân Đài, Bắc Cam Ranh, Ninh Chữ, Mũi Né), 7 điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã, Ngũ Hành Sơn, Mỹ Sơn, Trường Lũy, Trường Sa, Lỹ Sơn, Phú Quý) và 5 đô thị du lịch (Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết). Ngoài ra, nhiều khu, điểm du lịch địa phương đã và đang hình thành và đầu tư phát triển. Có thể nói, sự tập trung về tài nguyên du lịch biển gắn với sự đa dạng và đặc sắc của bề dày văn hóa, vùng duyên hải miền Trung là điều kiện quan trọng và thế mạnh nổi trội để thu hút đầu tư phát triển du lịch.

    Mặc dù vậy, điều kiện về thị trường và khả năng tiếp cận thị trường sẽ là yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư. Theo số liệu thống kê năm 2012 và kết quả khảo sát, tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trong số 6,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, thì vùng duyên hải miền Trung đón trên 2,85 triệu lượt khách quốc tế. Với độ dài ngày lưu trú trung bình 3,5 ngày (trong vùng) so với 7,6 ngày (cả nước) thì quy mô ngày-khách quốc tế đến vùng chiếm 18,1% trong tổng số ngày-khách cả nước. Với chi tiêu bình quân của khách quốc tế 98USD/ngày-khách cao hơn so với mặt bằng chung cả nước 93USD/ngày-khách. Thị trường khách đến duyên hải miền Trung phần đông có mục đích nghỉ dưỡng dài ngày, có khả năng chi tiêu cao đến từ Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông bắc Á, Úc và Nga. Có thể nói, đây là tín hiệu vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tìm cơ hội phát triển các khu nghỉ dưỡng biển gắn với các dịch vụ giải trí, sự kiện, ẩm thực biển và tham quan tìm hiểu giá trị văn hóa miền biển. Nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn có lợi thế tiếp cận đường không như Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nha Trang và/hoặc đường bộ, đường biển khác như Phan Thiết-Mũi Né đã và đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào du lịch.

    Thị trường khách quốc tế đến duyên hải miền Trung năm 2012

      Cả nước DH miền Trung
    Số lượt khách quốc tế (lượt) 6.848.000 2.685.000
    Ngày lưu trú trung bình (ngày) 7,6 3,5
    Tổng số ngày khách (ngày-khách) 52.044.800 9.397.500
    Tỷ trọng quy mô ngày khách (%) 100% 18,1%
    Mức chi tiêu bình quân (USD) 93  98

    Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch 2012

    Tuy nhiên, những thông tin về cung và cầu du lịch nêu trên là điều kiện cần, đang trở thành động lực thu hút đầu tư nhưng chưa đủ để dẫn tới những quyết định đầu tư. Thực tế, thông tin về môi trường đầu tư với những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cơ chế, thủ tục, chi phí đầu tư, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế-xã hội trong đó có quy hoạch phát triển du lịch trong bối cảnh so sánh giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương về mức độ sinh lời trong ngắn hạn cũng như dài hạn sẽ là điều kiện đủ để thu hút đầu tư hiệu quả. Ở đây chỉ số tỷ xuất đầu tư vào du lịch so với tỷ xuất đầu tư vào ngành, lĩnh vực khác là yếu tố quyết định cuối cùng. Đến nay, một số địa phương trong vùng có những bước mạnh dạn áp dụng chính sách cở mở, ưu đãi, thông thoáng, tạo thuận lợi và thông tin đầy đủ, minh bạch tới nhà đầu tư như Đà Nẵng, Ninh Thuận.. vì thế đã vượt lên thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào tỉnh mình. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch vùng duyên hải miền Trung khá lớn nhưng phần nhiều gắn với bất động sản du lịch, trong đó tỷ trọng vốn thực sự đầu tư vào hoạt động du lịch vẫn còn khiêm tốn, chưa có chiều sâu.

    Hơn nữa, do tính chất liên ngành, liên vùng của du lịch mà vì thế việc đầu tư vào du lịch gắn liền với đầu tư vào các ngành liên quan khác (hạ tầng, giao thông, viễn thông, nông nghiệp…) và các địa bàn phụ cận (khu, điểm du lịch trên tuyến du lịch) thuộc các địa phương xung quanh liên quan (tương đồng và/hoặc bổ trợ) trong vùng. Vì vậy, thông tin về chính sách, quy hoạch và các dự án đầu tư của mỗi tỉnh đều có ý nghĩa đối với các tỉnh/thành phố trong vùng để thu hút đầu tư. Yếu tố liên ngành, liên vùng trở thành điều kiện bổ sung quan trọng để thu hút đầu tư. Theo đó, định hướng đầu tư vào những trọng điểm du lịch theo quy hoạch được các tỉnh thống nhất về mức độ ưu tiên của tỉnh mình phù hợp trong chương trình chung của vùng. Như vậy thông tin liên ngành, liên vùng giúp thu hút đầu tư phát huy được hiệu ứng trội đồng thời hạn chế và tránh những trùng lặp hoặc những tác động tiêu cực lẫn nhau giữa các dự án đầu tư cũng như giữa các địa phương.

    Cơ hội-thách thức thu hút đầu tư
    Cơ hội dễ thấy là ngân sách nhà nước trung ương và địa phương bao gồm cả ODA sẽ đầu tư vào các hạng mục hạ tầng quan trọng tiếp cận 10 khu du lịch quốc gia, 7 điểm du lịch quốc gia và 5 đô thị du lịch đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước đến năm 2020. Cảng hàng không Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Quy Nhơn, Tuy Hòa sẽ được đầu tư nâng cấp đồng thời phát triển sân bay mới như Trường Sa; hệ thống cảng biển đón tàu du hành và các cầu cảng, bến neo đậu tàu, thuyền du lịch sẽ được đầu tư; đường sắt cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh-Phan Thiết và các trung tâm, đô thị du lịch; hệ thống đường bộ kết nối các điểm du lịch và với vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ sẽ đón nhận cơ hội đầu tư nhờ du lịch. Tuy nhiên, thách thức đi liền là việc xác định tầm nhìn, quy mô tính chất, nghiên cứu tác động kinh tế, xã hội và môi trường, tính khả thi và sự hài hòa bền vững của từng dự án đầu tư cân đối với nguồn lực của mỗi địa phương và ngân sách trung ương. Thách thức về gánh nặng vốn vay ODA sẽ xuất hiện cùng với việc giải bài toán hiệu quả tổng thể của các dự án đầu tư trong vùng.
    Ngân sách nhà nước đồng thời cũng chuyển hướng tăng tỷ trọng đầu tư chiều sâu vào phần mềm đó là nhân lực và quảng bá hình ảnh, thương hiệu chung cho du lịch của vùng. Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch trong vùng sẽ được nhà nước quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo; hệ thống thông tin quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức cũng sẽ được hỗ trợ của nhà nước. Một số thương hiệu du lịch có tiềm năng trong vùng sẽ được hỗ trợ đầu tư của nhà nước. Tuy vậy, thách thức đi liền là năng lực “tiêu hóa” được nguồn lực đầu tư mềm này. Đối với nhân lực du lịch không thể cải thiện trong ngắn hạn, đồng thời còn tùy thuộc vào nhận thức chung của xã hội, mà sự tiếp thu yếu tố mới là cả một quá trình. Tiếp đến là thách thức trong việc quảng bá thị trường có tiêu điểm với tính chuyên nghiệp cao mà nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này luôn luôn hẫng hụt.
        Đầu tư của khu vực tư nhân sẽ tăng mạnh về quy mô, nhiều cơ hội đầu tư đổi mới, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển thương hiệu du lịch. Các khu, điểm du lịch mới sẽ ra đời được đầu tư theo quan điểm, phong cách mới bắt đúng tín hiệu thị trường đồng thời gắn chặt với yếu tố truyền thống và văn hóa bản địa. Cơ hội đầu tư đa dạng đối với khu vực tư nhân biến những vùng đất hoang sơ trở thành hấp dẫn và có giá trị thụ hưởng du lịch. Những khu nghỉ dưỡng, resorts cạnh những bãi biển Non Nước, Phương Mai, Vinh Xuân Đài, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né; những khu mới trên bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Trường Sa… đồng thời với các khu nghỉ dưỡng là các công trình dịch vụ thể thao và giải trí biển, công trình phục vụ sự kiện du lịch, ẩm thực biển… Cơ hội đầu tư còn mở ra các loại hình giải trí đa dạng trong môi trường biển từ ven bờ, trên mặt biển và dưới đáy biển. Các loại hình dịch vụ đa dạng phục vụ sự tận hưởng của du khách sẽ có cơ hội đầu tư phát triển.
    Thách thức lớn nhất có thể kể tới là quan điểm, tầm nhìn trong đầu tư và quản trị vòng đời sản phẩm du lịch. Đầu tư thiếu tầm nhìn sẽ dẫn tới suy thoái nhanh. Hiện nay, một số sản phẩm du lịch ở những điểm đến đã từng thành công những năm trước, rõ nét nhất như ở Huế, tiếp đến là Nha Trang, hay Mũi Né, Hội An… đã xuất hiện dấu hiệu bước sang giai đoạn thoái trào. Vì vậy, việc đầu tư làm mới sản phẩm đang là thách thức đối với các doanh nghiệp du lịch. Những thách thức về khai thác giá trị văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch, tạo dựng thương hiệu khác biệt của sản phẩm; đồng thời những vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực, nhận thức cộng đồng, môi trường, an toàn và ứng phó với biến đổi khí hậu… sẽ là những thách thức lớn đối với thu hút đầu tư tư nhân.  
        Đầu tư nước ngoài có cơ hội thu hút vào những quần thể/tổ hợp dịch vụ phục vụ du lịch có quy mô và chuẩn chất lượng dịch vụ tầm cỡ quốc tế tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu giải trí cao cấp dọc dải ven biển hoặc trên các đảo ven bờ thuộc địa bàn ưu tiên sẽ có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài thông qua liên doanh, liên kết. Thách thức đối với thu hút đầu tư nước ngoài là các vấn đề về quy trình thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách, đáp ứng yêu cầu nhân lực bậc cao và các vấn đề về văn hóa trong phát triển sản phẩm.
        Cơ hội liên kết đầu tư giữa các địa phương và các nhà đầu tư vào các dự án liên vùng về hạ tầng và các công trình dịch vụ phân bố theo chuỗi cung ứng dịch vụ. Một số tập đoàn có cơ hội được mời gọi đầu tư chuỗi khách sạn, resorts, khu giải trí ở nhiều tỉnh trong vùng. Một số chính sách được áp dụng thành công ở một tỉnh có thể được tiếp thu áp dụng phổ biến ở các tỉnh khác trong vùng. Cơ hội giảm chi phí đầu tư ở các khâu chuẩn bị cho tới triển khai dự án đầu tư sẽ được giảm thiểu nhờ cải cách hành chính. Thách thức đối với liên kết thu hút đầu tư toàn vùng là sự xung đột về chính sách, quy hoạch ở mỗi địa phương và/hoặc xung đột giữa du lịch với các ngành liên quan khác. Thực tế đã diễn ra vấn đề này, ví dụ: khai thác Titan với phát triển các khu nghỉ dưỡng ở Bình Thuận, cản nước sâu với phát triển du lịch ở Vân Phong cũng như sự trùng lặp về sản phẩm, thiết kế phong cách các khu nghỉ dưỡng ven biển của nhiều tỉnh…

    Tạo đột phá thu hút đầu tư vào du lịch
    Từ việc xem xét những điều kiện cần và đủ và điều kiện bổ sung để thu hút đầu tư, chúng ta có thể nhận thấy những cơ hội và thách thức đối với đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến phát triển du lịch. Phá vỡ những rào cản để vượt qua thách thức có thể là những đột phá trong thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên trong phạm vi nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực điều phối tổng thể của mỗi địa phương và khả năng liên kết vùng, chúng ta nên lựa chọn tập trung vào giải pháp đột phá có tính chất chìa khóa nhằm mục tiêu vừa tăng dòng vốn vừa nâng cao được hiệu quả đầu tư tổng thể trong đầu tư phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung.
    –    Đột phá thứ nhất về duy trì động lực sinh lời: Duy trì, mở rộng phát triển thị trường khách theo hướng chiến lược tập trung vào đối tượng khách mục đích du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và văn hóa miền biển, lưu trú dài ngày, có khả năng chi trả cao… phát triển điểm đến duyên hải miền Trung với thương hiệu du lịch biển định vị được trên thị trường toàn cầu. Thực hiện xúc tiến đầu tư vào các khu, điểm du lịch quốc gia, khu, điểm du lịch địa phương đã được quy hoạch, đảm bảo có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm; tránh đầu tư dàn trải; thực hiện kiểm soát cạnh tranh, kiểm soát chất lượng dịch vụ đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng hoàn hảo, bằng thương hiệu; tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu; giải quyết các vấn đề về môi trường và văn minh, an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch. Tất cả những hoạt động nêu trên nhằm đưa duyên hải miền Trung trở thành ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và thế giới với hình ảnh hứa hẹn lợi ích tối đa cho các bên trong đó có các nhà đầu tư du lịch. Đột phá ở đây là chất lượng sản phẩm du lịch đảm bảo độc đáo, đa dạng, có giá trị cao, có sức cạnh tranh và định vị được thương hiệu từ đó thu hút được thị trường ở phân khúc cao cấp, chi tiêu cao, nghỉ dài ngày mang lại doanh thu cao… quyết định đến tỷ xuất đầu tư du lịch vào vùng này cao hơn các ngành, lĩnh vực khác hay vùng khác.
    –    Đột phá thứ hai về cơ chế thông tin minh bạch: minh bạch về các chính sách, quy hoạch, quy trình, thủ tục cấp phép, đền bù giải phòng mặt bằng, sử dụng đất và các tài nguyên; các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi ứng dụng công nghệ sạch… Đột phá ở đây là chìa khóa thông tin rõ ràng, minh bạch về các chính sách của trung ương, địa phương và của vùng tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch, góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư.
    –    Đột phá thứ ba về liên kết: Liên kết từ phía chính quyền các địa phương thống nhất về quy hoạch, chính sách ưu đãi, chia sẻ thông tin, hình thành diễn đàn đầu tư du lịch vùng duyên hải miền Trung. Về phía nhà đầu tư, quá trình liên kết đồng thời với quá trình mua bán&sáp nhập (M&A) tạo ra dòng vốn tập trung đầu tư vào du lịch vùng. Đột phá ở đây là tạo hiệu ứng trội về nguồn vốn tập trung tránh được đầu tư dàn trải, cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư và hạn chế được sự trùng lặp và tác động tiêu cực giữa các dự án đầu tư.
    –    Đột phá thứ tư về tư vấn đầu tư: Thực hiện nghiêm túc nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường; xác định tư vấn đầu tư là yêu cầu cần thiết, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả lâu dài của dự án đầu tư. Đột phá ở đây là việc tư vấn giúp cho nhà đầu tư có quyết định đầu tư đúng đắn mang lại lợi ích bền vững cho cả nhà đầu tư và cộng đồng xã hội. Đặc biệt vai trò độc lập, khách quan của tư vấn là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định.
    –    Đột phá thứ năm về tài chính tín dụng: Thực hiện kiểm soát dòng vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trong đó chú trọng đầu tư vào du lịch; vay ODA đối với các dự án hạ tầng quan trọng phục vụ du lịch; chính sách ưu đãi thu hút FDI; thực thiện cho vay ưu đãi đối với phát triển du lịch cộng đồng; chính sách thu hút nguồn lực tài chính trong nhân dân vào các công trình tự quản về bảo tồn di tích, tôn giáo, di sản văn hóa…; khuyến khích tín dụng để đầu tư vào các ngành chế biến, dịch vụ phục vụ du lịch như chế biến hải sản; ẩm thực biển, các loại đồ uống bản địa, làng nghề, chăm sóc sức khỏe… Điểm đột phá ở đây là tạo ra sẵn có nhiều khả năng huy động nguồn lực tài chính để hướng đầu tư vào hoạt động du lịch hoặc ngành, lĩnh vực liên quan phục vụ du lịch.
    –    Đột phá thứ sáu về nhân lực: Thực hiện đào tạo chuyên sâu du lịch ở mọi cấp để trở thành động lực tạo lập giá trị gia tăng cho ngành dịch vụ này. Chất lượng nguồn nhân lực quyết định đến hàm lượng giá trị gia tăng bền vững cho sản phẩm du lịch; Đồng thời với đào tạo du lịch cần tiến hành đào tạo những ngành ứng dụng để phục vụ du lịch ví dụ: phục vụ thể thao giải trí biển lặn biển, lướt ván, kinh khí cầu, golf, casino, giải trí văn hóa, nghệ thuật về khuya… Điểm đột phá ở đây là gắn đào tạo với trách nhiệm vị trí công việc; thực hiện đào tạo năng lực tại chỗ doanh nghiệp để có kết quả chất lượng đào tạo thực sự quyết định đến chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm du lịch. Với cách tiếp cận này sẽ hứa hẹn với nhà đầu tư về sự sẵn sàng cung cấp đủ đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp cho các dự án phát triển du lịch.
        
    Kết luận và khuyến nghị
        Vùng duyên hải miền Trung đang chứng tỏ sự đi lên trở thành điểm đến hàng đầu Việt Nam về du lịch biển đặc trưng văn hóa duyên hải. Điều kiện tài nguyên du lịch nổi trội cùng với thị trường đang lên mang đến nhiều cơ hội đầu tư về phát triển hạ tầng, sản phẩm và thương hiệu du lịch. Tuy nhiên, để thu hút và đón nhận luồng đầu tư trong và ngoài nước thì không ít thách thức phải vượt qua. Vì vậy cần tạo đột phá nhằm vừa tăng cường thu hút đầu tư vừa nâng cao hiệu quả đầu tư đối với các dự án phát triển du lịch và phục vụ phát triển du lịch. Khuyến nghị về giải pháp đột phá cần có sự quyết tâm cao độ của các cấp thực hiện đồng thời có sự thống nhất hành động trong liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung./.

    Bài cùng chuyên mục