Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030
1. Sự cần thiết xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Hòa Bình là tỉnh vùng núi phía Tây Bắc, với diện tích 460.869 ha, dân số 832.534 người. Phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình; phía Đông giáp Thủ đô Hà Nội; phía Tây giáp tỉnh Sơn La, Thanh Hoá. Hòa Bình được coi là cửa ngõ vùng Tây Bắc, là vùng đệm trung gian giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Thành phố Hòa Bình cách Thủ đô Hà Nội 73 km, nằm trên đường chiến lược thủy bộ với quốc lộ 6 (đường bộ) và sông Đà (đường thủy) ở phía Bắc.
Hòa Bình một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi đây có nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng “Văn hóa Hòa Bình”, nơi được coi là cái nôi của nền văn hóa Việt – Mường, quê hương của Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”. Hòa Bình hiện có 41 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và 27 di tích cấp Tỉnh; với nhiều lễ hội dân gian truyền thống còn được lưu giữ bảo tồn và phát huy tiêu biểu như: lễ hội Khai hạ Mường Bi, huyện Tân Lạc; lễ hội Đền Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; lễ hội Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; lễ hội Xên Mường, huyện Mai Châu… đã và đang thu hút đông đảo du khách khắp nơi trên đất nước Việt Nam và cả thế giới.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Hòa Bình rất phong phú, địa hình đồi núi đá vôi trùng điệp đã tạo nên nhiều hang động đẹp như: Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; Quần thể hang động Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa, Nam Sơn huyện Tân Lạc; động Trung Sơn, huyện Lương Sơn. Các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, huyện Đà Bắc; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông huyện Tân Lạc và Lạc Sơn; Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi; Khu bảo tồn thiên nhiên Pà Cò – Hang Kia, huyện Mai Châu… mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm như: dù lượn, leo núi, du lịch giải trí đi bộ, tắm suối; vùng Hồ Hòa Bình có 47 hòn đảo lớn nhỏ tạo ra một không gian như Vịnh Hạ Long trên núi với phong cảnh sông núi hữu tình cùng những vịnh và bán đảo có nhiều loài động thực vật quý hiếm còn được bảo tồn.
Trong xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới của đất nước hiện nay, với vị trí địa lý quan trọng, khả năng tiếp cận với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực nhờ hệ thống giao thông thuận lợi cùng với lợi thế về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, Hòa Bình đang có những điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển ngành du lịch và dịch vụ. Bên cạnh đó, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2010” đã có những định hướng quan trọng trong phát triển du lịch tỉnh thời gian qua. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đóng góp vào sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Hòa Bình đang từng bước trở thành một trong những địa phương phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, du lịch tỉnh Hòa Bình cũng chịu sự tác động của nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan nên mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên trên địa bàn, du lịch phát triển thiếu sự bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, lao động thị trường, sản phẩm…
Trong thời gian tới, tình hình trên thế giới cũng có nhiều biến động phức tạp trong đó đáng chú ý là suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Vì vậy, ngành du lịch cần phải có định hướng phát triển mới trong cả nước và các tỉnh. Trước tình hình như vậy, việc lập “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến 2030” là hết sức cần thiết, có tầm quan trọng to lớn để định hướng phát triển du lịch Hòa Bình một cách hiệu quả và bền vững.
2. Những văn bản pháp lý xây dựng quy hoạch
2.1. Văn bản pháp quy
– Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật Di sản Văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001, sửa đổi bổ sung năm 2009;
– Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
– Nghị định số 92/2006/NĐ – CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định 92/2007/NĐ – CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định số 98/2010/NĐ – CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
– Nghị định số 04/2008/NĐ – CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung môt số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ – CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị quyết số 45/NQ – CP ngày 22/6/1993 của Chính Phủ về đổi mới và phát triển ngành du lịch.
– Quyết định số 2473/QĐ – TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;
– Quyết định số 201/QĐ – TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”;
– Quyết định số 917/QĐ – TTg ngày 11/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”;
– Quyết định số 2151/QĐ – TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Xúc tiến du lịch Quốc gia giai đoạn 2013 – 2020;
– Quyết định số 1064/QĐ – TTg ngày 08/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020;
– Quyết định 490/QĐ – TTg ngày 05/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
– Nghị quyết số 43/NQ – CP ngày 23/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Hòa Bình;
– Thông tư số 03/TT – BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng thực hiện một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội
– Quyết định số 569/QĐ – UB ngày 29/04/2003 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2001 – 2010”;
– Quyết định số 198/QĐ – UB ngày 26/01/2006 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển du lịch Hồ Hòa Bình tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2006 – 2020”;
– Nghị quyết số 11 – NQ/TU ngày 21/8/2007 của Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007 – 2010, định hướng đến năm 2015;
– Quyết định số 23/2011/QĐ – UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Quy định về trình tự lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;
– Quyết định số 439/QĐ – UBND ngày 16/4/2013 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
– Kế hoạch số 1112/QĐ – UBND ngày 07/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;
– Quyết định số 2819/QĐ – UBND ngày 26/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí dự án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến 2030.
2.2. Văn bản khác
– Niên giám thống kê tỉnh Hòa Bình từ năm 2005 đến 2012 và các tài liệu khác có liên quan;
– Quy hoạch phát triển các ngành có liên quan và Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các huyện, thành phố trên địa bàn đến năm 2020.
3. Phạm vi, quy mô quy hoạch và phương pháp nghiên cứu
3.1. Về thời gian
– Các số liệu phân tích về kinh tế, xã hội cập nhật đến năm 2012.
– Các số liệu phân tích về hiện trạng phát triển du lịch cập nhật đến năm 2013.
3.2. Về không gian
Toàn tỉnh Hòa Bình với diện tích: 460.869 ha
3.3. Phương pháp nghiên cứu
Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng dựa trên việc sử dụng tổng hợp các phương pháp sau:
– Phương pháp khảo sát, điều tra
Bao gồm các khảo sát, thu thập thông tin tư liệu để đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến 2030.
– Phương pháp tổng hợp, phân tích
Tổng hợp và phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém và nguyên nhân, các xu hướng phát triển du lịch của khu vực và thế giới trong hoàn cảnh mới từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn tiếp theo phù hợp tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn phát triển mới.
– Phương pháp chuyên gia
Xin ý kiến đánh giá của chuyên gia ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực du lịch cũng như các lĩnh vực liên quan dưới các hình thức hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm.
– Phương pháp kế thừa
Kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề án có liên quan trên địa bàn và mô hình phát triển du lịch của một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự.
– Phương pháp biên tập bản đồ
Sử dụng phần mềm hệ thống thông tin địa lý MapInfo xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch.
4. Mục tiêu và nhiệm vụ của quy hoạch
4.1. Mục tiêu
Đánh giá tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hòa Bình đối với phát triển du lịch;
Đánh giá hiện trạng phát triển du lịch trong giai đoạn 2005 – 2013;
Xây dựng quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xây dựng các giải pháp phát triển du lịch.
4.2. Nhiệm vụ
1. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2001- 2010.
2. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, du lịch vùng và Quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.
3. Phân tích, đánh giá tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch.
4. Phân tích hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2005 – 2013 theo các chỉ tiêu: khách du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, lao động, tổ chức không gian, đầu tư, thị trường, sản phẩm, tổ chức quản lý nhà nước và kinh doanh du lịch… và hiện trạng môi trường du lịch.
5. Xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch; xây dựng dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch.
6. Xây dựng tổ chức không gian phát triển du lịch.
7. Xây dựng định hướng thị trường, sản phẩm, đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (về quy mô, nhu cầu vốn…) và nhu cầu sử dụng đất cho phát triển du lịch.
8. Xây dựng dự báo và đánh giá các tác động đến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch du lịch và đề xuất các giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn.
9. Đề xuất các các giải pháp phát triển du lịch và tổ chức thực hiện quy hoạch
– Các giải pháp thực hiện và phát triển du lịch.
– Tổ chức thực hiện quy hoạch.
Toàn văn Quyết định phê duyệt: qd_2060-hoabinh.pdf
Xin mời xem toàn văn báo cáo tổng hợp trong file đính kèm