Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Định hướng phát triển du lịch vùng của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Diện tích tự nhiên của vùng: 52.534,2 km2; dân số: trên 10 triệu người; mật độ dân số trung bình: 206 người/km2.
Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc của vùng Bắc Trung Bộ, cũng là tỉnh đông dân nhất với 3.407.000 người, trên diện tích 11.133,4km2. Thanh Hóa cũng là tỉnh có nhiều tài nguyên du lịch và là một điểm đến rất có tiếng đối với thị trường du lịch nội địa khu vực miền Bắc. Các tài nguyên du lịch chủ yếu của tỉnh là bãi biển Sầm Sơn, Thành nhà Hồ, Lam Kinh, cầu Hàm Rồng, Vườn Quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương… và nhiều tài nguyên du lịch có giá trị khác. Tuy nhiên, phần lớn các tài nguyên du lịch sinh thái còn chưa được đầu tư khai thác phát triển du lịch.
Tiếp giáp với Thanh Hóa là Nghệ An, có diện tích 16.490,7km2 và dân số gần 3 triệu người. Bãi biển Cửa Lò và quê hương Hồ Chủ tịch là những tài nguyên du lịch quan trọng nhất của tỉnh. Cũng tương tự Thanh Hóa, những điểm đến này có giá trị đặc biệt quan trọng đối với thị trường du lịch nội địa. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Pù Mát cũng là một tiềm năng phát triển du lịch sinh thái quan trọng, tuy nhiên do nhiều khó khăn về hạ tầng, đầu tư, cơ sở vật chất… nên cũng chưa phát huy được thế mạnh về du lịch sinh thái.
Nằm kế Nghệ An là tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 6.025,6km2 và dân số là 1.228.000 người. Tuy nằm cách tương đối xa trung tâm du lịch lớn của miền Bắc là Hà Nội nhưng thị trường khách du lịch nội địa của Hà Tĩnh cũng có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là ở bãi biển Thiên Cầm. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của cửa khẩu Cầu Treo cũng mang lại những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Ngoài ra ngã ba Đồng Lộc cũng là một điểm du lịch quan trọng của cả nước.
Tỉnh Quảng Bình có diện tích 8.065,3km2, dân số 849 ngàn người. Từ lâu Quảng Bình đã nổi danh với các tài nguyên du lịch nổi trội như dải bãi biển cát trắng, quần thể hang động và Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng… Với điều kiện tài nguyên, vị trí địa lý, Quảng Bình là một trong những địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ.
Tỉnh Quảng Trị có diện tích 4747km2, dân số 600,5 ngàn người là tỉnh nhỏ nhất của vùng, tuy nhiên Quảng Trị đóng vai trò hết sức quan trọng với các bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ anh hùng, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị và các di tích lịch sử Cách mạng gắn với đường Hồ Chí Minh và khu phi quân sự (DMZ) dọc vĩ tuyến 17. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn cũng là một điểm đến hết sức quan trọng của Quảng Trị. Nhưng di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ chính là sự khác biệt lớn nhất, nổi trội nhất của vùng Bắc Trung Bộ so với các vùng khác của nước ta. Vị trí tự nhiên của Quảng Trị là điểm hành lang Đông – Tây đi vào nước ta. Đây là một lợi thế to lớn đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của Quảng Trị trong phát triển du lịch cũng như kinh tế – xã hội của cả vùng.
Thừa Thiên – Huế là tỉnh cuối cùng của vùng Bắc Trung Bộ, nằm ở Bắc đèo Hải Vân, cũng là tỉnh có nhiều tài nguyên và du lịch phát triển nhất cả vùng. Tỉnh có diện tích 5062,6km2 và dân số trên 1 triệu người. Tài nguyên du lịch của Thừa Thiên – Huế hết sức phong phú, từ các tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội như hệ thống bãi biển, đầm phá như Tam Giang, Cầu Hai, Lăng Cô, Vườn Quốc gia Bạch Mã, đến các tài nguyên du lịch lịch sử như cố đô Huế, các tài nguyên du lịch gắn với dân tộc thiểu số cũng như lịch sử Cách mạng A Sầu, A Lưới. Nét đặc sắc văn hóa, ẩm thực các giá trị văn hóa phi vật thể cũng là những tiềm năng du lịch hết sức quan trọng của tỉnh.
Kết nối toàn bộ 6 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ là ba tuyến quan trọng trên trục giao thông Bắc – Nam là đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường Hồ Chí Minh.
Trong tổ chức lãnh thổ phát triển du lịch Việt Nam, theo định hướng chiến lược mới được phê duyệt, vùng Bắc Trung Bộ là vùng tiếp giáp với các vùng trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở khu vực hẹp nhất của đất nước.
Đây là vùng có tài nguyên du lịch hết sức phong phú với dải bờ biển dài và dãy Bắc Trường Sơn, cố đô Huế, quê hương Hồ Chủ tịch… Thiên nhiên hoang sơ, nền văn hóa đặc sắc là những tài nguyên du lịch vô giá của khu vực. Không chỉ có thế mạnh về tài nguyên du lịch, vùng Bắc Trung Bộ còn có nhiều cửa khẩu với Lào, là nơi hành lang Đông – Tây vào lãnh thổ Việt Nam, vùng Bắc Trung Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát phát triển du lịch Việt Nam cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông Tây với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Vùng Bắc Trung Bộ có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường không tương đối phát triển, với các trục giao thông Bắc – Nam cả trên đường bộ và đường sắt, ngoài ra vùng cũng có nhiều sân bay, trong đó quan trọng nhất là Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), Vinh và Đồng Hới.
Trong những năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cả nước cũng như Hà Nội, cùng với sự quá tải của các điểm nghỉ dưỡng truyền thống, du lịch Bắc Trung Bộ đã có những bước phát triển quan trọng, cùng với đó, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng được quan tâm đầu tư và có những thành tựu quan trọng.
Bên cạnh nguồn đầu tư quan trọng từ ngân sách, các nhà tài trợ quốc tế cũng quan tâm hỗ trợ Vùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực môi trường, bảo tồn tự nhiên và cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng.
Những thế mạnh về vị trí địa lý và tài nguyên du lịch là điều kiện thuận lợi quan trọng cho phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển liên vùng, liên quốc gia.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển du lịch cả nước, du lịch vùng Bắc Trung Bộ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch của cả nước và kinh tế – xã hội của khu vực.
Tuy nhiên, những đặc thù cơ bản sau của vùng Bắc Trung Bộ trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung có những ảnh hưởng quan trọng đến phát triển bền vững:
– Thứ nhất: Vùng Bắc Trung Bộ là một vùng còn nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư cũng như phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, tỷ lệ nghèo cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy hết lợi thế về tài nguyên cũng như vị trí địa lí của vùng.
– Thứ hai: Điều kiện khí hậu khắc nghiệt là một thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch. Vùng Bắc Trung Bộ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các yếu tố thời tiết bất lợi như bão, lũ lụt, hạn hán… cũng như của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
– Thứ ba: Điều kiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở khu vực vùng núi phía Tây.
– Thứ tư: Sự suy thoái của nhiều loại tài nguyên trong đó có tài nguyên du lịch. Một số khu vực còn chịu ảnh hưởng nhiều bom mìn và chất độc hóa học còn lại từ chiến tranh.
Trong giai đoạn phát triển mới, du lịch Bắc Trung Bộ đứng trước những thuận lợi và khó khăn mới, du lịch Bắc Trung Bộ cần được phát triển với chiến lược lâu dài, theo hướng bền vững, giải quyết được những khó khăn hiện tại và sẵn sàng cho những thách thức trong tương lai, góp phần ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung của cả nước.
Để giải quyết những vấn đề trên, nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của vùng, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030” là cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một bước cụ thể hóa quan trọng những định hướng chiến lược của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Ngày 11/11/2013, Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 2161/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, toàn văn quyết định: Quyetdinh2161.2013.TTg.pdf
Toàn văn Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được đính kèm (Attachment ) phía dưới.