Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 – 2030
Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế nhanh, bền vững, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, mang tính khác biệt với một tầm nhìn tổng hòa trong mối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.
Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 – 2030 với mục tiêu tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực; đến năm 2030 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới.
Quy hoạch cũng đưa ra các định hướng phát triển để tổ chức thực hiện. Cụ thể, đối với việc phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa: Tập trung hướng vào khách ở các khu vực đô thị trong nước, chú trọng những thị trường có khả năng chi tiêu cao, có nhu cầu thích hợp với các loại hình du lịch của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, đồng thời tiếp tục duy trì khai thác thị trường truyền thống từ các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng của các nước Đông Bắc Á và ASEAN.
Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch, được tập trung thực hiện thông qua việc phát triển các loại hình du lịch truyền thống: Du lịch văn hóa (hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, với sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung vào việc khai thác tiềm năng văn hóa đặc biệt là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố Huế, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà) với các sản phẩm chính bao gồm: Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế, di tích cách mạng, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, các khu du lịch văn hóa mới; Du lịch lễ hội; Du lịch tâm linh; Du lịch làng nghề; Du lịch ẩm thực; Du lịch tham quan văn hóa đồng bào các dân tộc ít người; Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh; Du lịch biển: Phát huy thế mạnh về tiềm năng tự nhiên và nhân văn các khu vực dọc khu vực bờ biển phía Đông như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương; Du lịch sinh thái: Khai thác tiềm năng sinh thái của Thừa Thiên Huế với các sản phẩm chính: du lịch các vùng nông thôn dựa vào cộng đồng; du lịch sinh thái rừng, hồ, đàm phá và sinh thái biển; Du lịch vui chơi giải trí; Du lịch hội nghị hội thảo (MICE).
Bên cạnh đó triển khai phát triển sản phẩm du lịch mang tính đột phá và khác biệt thông qua việc kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm du lịch (Các khu định cư Đô thị – Du lịch – Sinh thái – Nông nghiệp; Sân bay Phú Bài; Làng sinh thái Lập An; Khách sạn nổi Vinh Thanh, Thuận An; Khu đô thị cao cấp giữa cánh đồng lúa tại đầm Cầu Hai; Khu nghỉ mát Bạch Mã; Làng văn hóa A Lưới – đường mòn Hồ Chí Minh; Làng mưa và Nghệ nhân Lương Quán; Trung tâm hội nghị MICE và Trung tâm nghệ thuật truyền thống; Triển khai các dự án nhằm mở hướng phát triển không gian nước cho Thừa Thiên Huế…).
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng sẽ tập trung xây dựng thành phố Huế trở thành Đô thị du lịch quốc gia gắn với vùng phụ cận và dải ven biển trở thành cụm du lịch trung tâm.
Được biết, tổng mức đầu tư cho các dự án trọng điểm để phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2030 là 374.000 tỷ đồng.
Thiên Long
Nguồn: Cinet