Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006 – 2020
I. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH LAI CHÂU ĐẾN NĂM 2020
1. Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch chủ yếu:
a) Khách du lịch:
– Đối với khách quốc tế: Dự kiến vào năm 2010 Lai Châu có thể đón được từ 7 – 8 ngàn khách quốc tế; vào năm 2015 đạt 12 – 15 ngàn; và đến năm 2020 đạt 30 – 35 ngàn.
– Đối với khách du lịch nội địa: Khách du lịch nội địa đến Lai Châu chiếm đa số và cũng tăng với mức độ tương đối cao. Dự kiến đến năm 2010 Lai Châu có thể đón được 70 – 80 ngàn khách nội địa; đến năm 2015 đạt 110 – 140 ngàn khách; và đến năm 2020 đạt 150 – 200 ngàn.
b) Doanh thu từ du lịch:
Dự báo doanh thu từ du lịch của Lai Châu thời kỳ 2006 – 2020
Đơn vị tính: Ngàn USD.
Loại doanh thu |
2005 (*) |
2010 |
2015 |
2020 |
Doanh thu từ du lịch quốc tế |
312,260 |
952,0 |
2.970,0 |
9.072,0 |
Doanh thu từ du lịch nội địa |
1.111,740 |
3.750,0 |
9.450,0 |
18.900,0 |
Tổng cộng |
1.424,000 |
4.702,0 |
12.420,0 |
27.972,0 |
Nguồn: – (*) Số liệu hiện trạng của Sở TM – DL Lai Châu
– Các số liệu còn lại: Dự báo của Viện NCPT Du lịch.
c) Tổng sản phẩm GDP du lịch và cơ cấu trong tổng GDP của tỉnh: Căn cứ trên các số liệu dự báo về khách du lịch, cơ cấu chi tiêu và tổng doanh thu của ngành du lịch như đã trình bày ở trên, sau khi trừ chi phí trung gian (lưu trú: 10%; ăn uống: 55 – 60%; vận chuyển du lịch: 20%; bán hàng hóa lưu niệm: 65 – 70%; dịch vụ khác: 15%; tính trung bình khoảng 30 – 35%).
d) Nhu cầu vốn đầu tư: Du lịch Lai Châu cần đầu tư trong thời kỳ 2005 – 2010 là 7,04 triệu USD; thời kỳ 2011 – 2020 khoảng 43 triệu USD. Tổng nhu cầu đầu tư phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2006-2020 khoảng 50 triệu USD, tương đương 800 tỷ VND.
e) Nhu cầu khách sạn:
Dự báo nhu cầu khách sạn của Lai Châu đến năm 2020
Đơn vị tính: Phòng
Nhu cầu khách sạn |
2005 (*) |
2010 |
2015 |
2020 |
Nhu cầu cho khách quốc tế |
– |
35 |
75 |
170 |
Nhu cầu cho khách nội địa |
– |
410 |
785 |
1.230 |
Tổng cộng |
500 |
445 |
860 |
1.400 |
Nguồn: – Viện NCPT Du lịch.
– (*) Số liệu hiện trạng của Sở Thương mại – Du lịch Lai Châu.
f) Nhu cầu lao động:
Dự báo nhu cầu lao động trong du lịch của Lai Châu
Đơn vị: Người
Loại lao động |
2005 |
2010 |
2015 |
2020 |
Lao động trực tiếp trong du lịch |
– |
760 |
1.460 |
2.380 |
Lao động gián tiếp ngoài xã hội |
– |
1.520 |
2.920 |
4.760 |
Tổng cộng |
– |
2.280 |
4.380 |
7.140 |
Nguồn: Viện NCPT Du lịch.
2.1.1. Thị trường khách du lịch quốc tế :
Khách du lịch quốc tế từ nay đến năm 2020 của du lịch Lai Châu chủ yếu là khách Trung Quốc và các nước ASEAN, theo các dòng sau :
– Dòng khách thứ nhất : Là dòng khách từ Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng.
– Dòng khách thứ hai: Từ Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Huổi Puốc – Na Son của Điện Biên đi Lào Cai (theo quốc lộ 12 và 4D) ;
– Dòng khách thứ ba : Khách từ Hà Nội lên là dòng khách lẻ, hiện chủ yếu là đi lẻ theo nhóm ( “Tây ba lô”) ;
2.1.2. Thị trường khách du lịch nội địa: Chủ yếu từ Hà Nội nhưng hiện tại đường sá đi lại còn khó khăn, nên hướng phát triển trong giai đoạn lâu dài. Vì vậy trước mắt du lịch Lai Châu cần khai thác khách từ các tỉnh lân cận như Điện Biên, Lao Cai, Yên Bái.v.v… và khách du lịch công vụ từ khu vực Hà Nội và phụ cận.
2.2. Loại hình và sản phẩm du lịch Lai Châu:
– Du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí
– Du lịch văn hoá: tham quan, lễ hội, tìm hiểu nền văn hoá các dân tộc ít người ở Tây Bắc
– Du lịch thương mại, hội chợ
– Du lịch tham quan hang động và lễ hội
– Du lịch tắm nước nóng, chữa bệnh
– Du lịch sinh thái đường sông
– Du lịch thể thao mạo hiểm.
3. Phát triển không gian lãnh thổ du lịch:
3.1. Tổ chức không gian du lịch:
3.1.1. Trung tâm phát triển du lịch:
Thị xã Lai Châu làm trọng tâm phát triển và giữa vai trò là Trung tâm du lịch của toàn tỉnh.
Hướng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch của Trung tâm du lịch Lai Châu như sau :
– Phát triển thành trung tâm điều hành và dịch vụ du lịch tổng hợp ;
– Trung tâm vui chơi giải trí thể thao và văn hoá ;
– Trung tâm hội nghị hội thảo và các sự kiện đặc biệt (liên hoan du lịch).
Đối với trung tâm du lịch thị xã Lai Châu, dự báo quá trình phát triển như sau:
– Giai đoạn đến năm 2010 tỷ trọng khách sẽ chiếm trên 80% lượng khách đến Lai Châu.
– Giai đọan từ năm 2011 đến năm 2020 tỷ trọng khách sẽ giảm so với giai đoạn đầu do các địa bàn du lịch khác trong tỉnh đã phát triển với các loại hình và sản phẩm du lịch mới như Ma Lù Thàng, Sìn Hồ.v.v…
Ngoài ra, du lịch Lai Châu cũng xác định các trung tâm phụ phụ trợ :
– Thị trấn Bình Lư ;
– Khu cửa khẩu Ma Lu Thàng :
– Thị trấn Sìn Hồ ;
– Khu vực xã Lê Lợi (Sìn Hồ).
3.1.2. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch:
Ngoài thị xã Lai Châu là Trung tâm du lịch tỉnh, du lịch tỉnh Lai Châu xác định các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch còn tập trung ở khu vực thị trấn Bình Lư và phụ cận, nơi có nhiều tài nguyên tự nhiên hấp dẫn ; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lu Thàng ; khu vực Nam Sìn Hồ (dọc sông Đà) và khu vực thị trấn cao nguyên Sìn Hồ.
* Hướng phát triển du lịch địa bàn thị trấn Bình Lư và phụ cận:
– Du lịch tham quan hang động ;
– Du lịch văn hóa lễ hội, văn hóa bản dân tộc.
* Hướng phát triển du lịch địa bàn Ma Lù Thàng:
– Phát triển du lịch qua cảnh, mua sắm ;
– Hội chợ, trung tâm thương mại.
Hướng phát triển du lịch địa bàn Nam Sìn Hồ:
– Du lịch văn hoá ;
– Du lịch sinh thái hồ.
* Hướng phát triển du lịch địa bàn cao nguyên Sìn Hồ:
– Du lịch nghỉ dưỡng ;
– Du lịch văn hóa bản dân tộc.
Các địa bàn trọng điểm trên sẽ là những khu vực thu hút khách du lịch đến Lai Châu giai đoạn sau năm 2010, khi có điều kiện phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch.
3.2. Điểm du lịch :
3.2.1. Nhóm điểm du lịch có ý nghĩa khu vực: Hang Tiên Sơn (Tam Đường) và khu cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ), khu di tích bia Lê Lợi (Sìn Hồ), di tích miếu nàng Han (Phong Thổ).
3.2.2. Nhóm điểm du lịch có ý nghĩa địa phương: cao nguyên Sìn Hồ (Sìn Hồ), Vàng Bó (Phong Thổ)…
Ngoài ra còn các điểm du lịch sinh thái Dào San và Bản Chát.v.v…
3.3. Khu du lịch:
1/ Khu vui chơi giải trí tổng hợp thị xã Lai Châu kết hợp Bản văn hoá du lịch Bản Hon (Thị xã Lai Châu, Tam Đường);
2/ Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi ở Sìn Hồ (Sìn Hồ);
3/ Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Vàng Bó gắn với cụm điểm du lịch Mường So và kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng;
4/ Khu du lịch đèo Hoàng Liên gắn với du lịch sinh thái hang động Tiên Sơn, bản văn hoá du lịch Hồ Thầu, Bản văn hoá du lịch Bản Bo và Bản văn hoá du lịch Nà Tăm (Tam Đường);
5/ Khu du lịch sinh thái Tà Tổng kết hợp sinh thái hồ Nậm Hằng và điểm tham quan điểm di tích lịch sử Lê Lợi, du lịch lòng hồ Sông Đà Mường Tè – Sìn Hồ);
6/ Khu du lịch sinh thái hồ Huổi Quảng (Than Uyên)
Và một số khu du lịch phụ trợ khác như :
– Khu du lịch sinh thái hồ Bản Chát (Than Uyên);
– Khu du lịch hang dơi Hua Bum (Mường Tè);
– Khu di tích lịch sử cách mạng bản Lướt (Than Uyên);
– Khu du lịch nghỉ dưỡng mỏ nước nóng Mường Khoa (Than Uyên);
– Khu du lịch nghỉ dưỡng mỏ nước nóng Pắc Ma (Mường Tè);
– Khu du lịch sinh thái đầu nguồn suối Nậm Lằn;
3.4. Tuyến du lịch:
3.4.1. Tuyến du lịch nội tỉnh
a. Tuyến TX Lai Châu – Phong Thổ – Ma Lù Thàng; (theo các QL4D và 12).
b. Tuyến TX Lai Châu – Phong Thổ – Sìn Hồ (theo các QL 4D và 12, TL128)
c. Tuyến TX Lai Châu – Bình Lư – Than Uyên (theo các QL 4D và 32).
Ngoài ra du lịch Lai Châu có thể khai thác các tuyến du lịch thị xã Lai Châu – Mường Tè là tuyến du lịch sinh thái.
3.4.2. Tuyến du lịch liên tỉnh:
a. Tuyến Hà Nội – Hoà Bình – Sơn La – Điện Biên Phủ – Thị xã Lai Châu (bao gồm cả Ma Lù Thàng) – Bình Lư – Lào Cai – Việt Trì – Hà Nội hoặc ngược lại.
b. Tuyến Hà Nội – Hoà Bình – Sơn La – Điện Biên Phủ – Thị xã lai Châu – Bình Lư – Than Uyên – Yên Bái – Hà Nội hoặc ngược lại.
Về tính chất như tuyến trên, tuy nhiên theo hướng này khách du lịch có thể tham quan phong cảnh ở Than Uyên, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ…
3.4.3. Tuyến du lịch quốc tế:
a. Tuyến từ Trung Quốc – Ma Lu Thàng – Phong Thổ – Thị xã Lai Châu – Điện Biên Phủ sau đó đi các tỉnh phụ cận.
b. Trung Quốc qua – Ma Lu Thàng – Thị xã Lai Châu – Bình Lư sau đó đi các tỉnh phụ cận.
c. Trung quốc – Lao Cai – Sa Pa – Bình Lư – Thị xã Lai Châu – Điện Biên và các tỉnh phụ cận.
4. Đầu tư phát triển du lịch :
4.1.Khu vực thị xã Lai Châu và phụ cận :
– Đầu tư phát triển trung tâm dịch vụ tổng hợp, điều hành du lịch lớn;
– Đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp ;
– Phát triển thành trung tâm hội nghị, hội chợ và các sự kiện trong đại.
4.2. Khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng:
– Phát triển thành khu dịch vụ du lịch cửa khẩu;
– Trung tâm hội chợ thương mại.
4.3. Khu vực Thị trấn Bình Lư và phụ cận:
Hướng ưu tiên đầu tư phát triển khu vực Bình Lư là du lịch sinh thái kết hợp văn hoá lễ hội.
4.4. Khu vực thị trấn Sìn Hồ và phụ cận :
Hướng ưu tiên phát triển khu vực Sìn Hồ là: Phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi, tham quan bản văn hoá dân tộc.
Ngoài nhưng địa bàn trên, du lịch Lai Châu cần thiết phải chú ý đầu tư phát triển khu vực thị trấn Phong thổ và phụ cận như là điểm nối tiếp giữa Bình Lư thị xã Lai Châu và cửa khẩu Ma Lù Thàng, khu vực dọc sông Đà giáp tỉnh Điện Biên và về lâu dài phát triển khu vực Mường Tè.
4.5. Phân kỳ đầu tư :
– Giai đoạn đầu (đến năm 2010) : Từ nay đến năm 2010 với nhu cầu vốn khoảng 200 tỷ đồng ưu tiên đầu tư phát triển một số khu du lịch, khu vui chơi giải trí ở khu vực thị xã Lai Châu, khu vực cao nguyên Sìn Hồ và trên trục không gian dọc theo quốc lộ 4D để tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho giai đoạn tiếp theo ;
– Giai đoạn 2: Từ 2011 – 2015 : Nhu cầu vốn 400 tỷ đồng là giai đoạn đầu tư phát triển rầm rộ để hình thành về cơ bản diện mạo du lịch tỉnh ;
– Giai đoạn 3: Từ 2016 – 2020 : Nhu cầu vốn khoảng 200 tỷ đồng, đầu tư hoàn thiện các hạng mục để du lịch Lai Châu đạt được mục tiêu đề ra.
4.6. Các dự án đầu tư: Để tạo động lực phát triển du lịch đạt được mục tiêu đề ra; căn cứ các định hướng về lĩnh vực, khu vực và phân kỳ đầu tư… dự kiến từ nay đến năm 2020 ngành du lịch tỉnh Lai Châu ưu tiên đầu tư phát triển 10 dự án trong đó có 6 dự án phát triển khu du lịch, 1 dự án phát triển hệ thống khách sạn nhà hàng, 2 dự án thuộc lĩnh vực xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, 1 dự án tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thương mại – Du lịch:
– Tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lai Châu thời kỳ 2006 – 2020; phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nội vụ, Giao thông vận tải, Văn hoá Thông tin, Xây dựng, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và các Sở, Ban, Ngành khác có liên quan xây dựng các chương trình liên ngành cùng tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.
– Tổ chức thực hiện các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển du lịch; hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiến hành định hướng phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tại địa phơng mình phù hợp với nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội và các quy hoạch ngành khác đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính :
Phối hợp và tạo điều kiện để Sở Thương mại – Du lịch triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2020.
3. Sở Văn hoá-Thông tin, Sở Nông nghiệp PTNT:
Phối hợp với Sở Thương mại – Du lịch thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo tồn tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, các vùng bảo tồn thiên nhiên với việc khai thác phát triển du lịch.
4. Sở Xây dựng và UBND thị xã Lai Châu:
Phối hợp với sở Thương mại – Du lịch lập đề án phát triển thị xã Lai Châu thành trung tâm du lịch dịch vụ tỉnh, quản lý xây dựng và phát triển thị xã Lai Châu theo hướng trọng tâm phát triển du lịch toàn tỉnh, phát triển hệ thống các công trình VCKT trong khu du lịch.
5. Sở Giao thông Vận tải:
Phối hợp với Sở Thương mại – Du lịch xây dựng dự án đầu tư các điểm nghỉ chân của khách du lịch dọc các quãng đường trên quốc lộ có lưu lượng lớn khách du lịch đi qua (như quốc lộ 4D, quốc lộ 12) nhằm mục đích tạo điểm nghỉ ngơi, vui chơi của khách tham quan du lịch theo hướng kết hợp sự hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch từ ngân sách với vốn đóng góp của các cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ cho xe chở khách du lịch, phát triển hệ thống giao thông trong khu du lịch khi có quy hoạch chi tiết.
6. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở Thương mại – Du lịch đẩy mạnh xúc tiến du lịch ở nước ngoài, đến năm 2008 hoàn thành việc thiết lập hệ thống các văn phòng đại diện du lịch ở các thị trường trọng điểm quốc tế.
7. Các huyện, thị xã thuộc tỉnh:
Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch (2006 – 2020) tiến hành xây dựng các định hướng phát triển du lịch của địa phương mình trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cho phù hợp.
Thực hiện các biện pháp bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường tự nhiên và xã hội, bảo vệ tốt các tài nguyên du lịch trên địa bàn, nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc tăng cường giữ gìn và bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
Tổ chức chỉ đạo và thực hiện quản lý các dự án đầu tư phát triển du lịch tại địa phương đảm bảo theo đúng quy hoạch, giữ gìn trật tự kỷ cương và từng bước đưa công tác quản lý du lịch vào nề nếp.
III. KIẾN NGHỊ
Để thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2006 – 2020, kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành ở Trung ương như sau:
– Ưu tiên 100% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn (trong đó có hạ tầng du lịch) theo cơ chế đối với tỉnh núi cao biên giới, đặc biệt khó khăn;
– Ưu tiên vốn đầu tư để bảo vệ, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, các lễ hội, nghề thủ công truyền thống, phát triển các khu rừng đặc dụng… trên địa bàn tỉnh Lai Châu;
– Nâng cấp cửa khẩu Ma Lù Thàng thành cửa khẩu Quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và thu hút khách du lịch từ Trung Quốc;
– Các Bộ ngành căn cứ nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006 – 2020, xem xét ưu tiên và lựa chọn việc lồng ghép các dự án có liên quan trong các chương trình, kế hoạch với ngành mình góp phần tháo gỡ những khó khăn về vốn đầu tư phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch Lai Châu phát triển đạt mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra.
– Tổng cục Du lịch hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực, công tác tuyên truyền quảng cáo, xúc tiến phát triển du lịch tỉnh tạo cơ hội để du lịch tỉnh Lai Châu phát triển ngang tầm với du lịch cả nước.
Du lịch tỉnh Lai Châu xác định giai đoạn từ nay đến năm 2010 là tiền đề hết sức quan trọng cho các năm tiếp theo, đồng thời đây là giai đoạn khởi đầu cho sự nghiệp phát triển du lịch bền vững vì vậy cần có các chương trình, kế hoạch ngắn hạn để thực hiện tốt các định hướng mà Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2006 – 2020 đã đề ra.
Nội dung quy hoạch xin xem trong tập tin đính kèm!