Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

    MỞ ĐẦU
    1. Sự cần thiết phải quy hoạch
    Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.
    Nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ và cả nuớc, trên “Tuyến du lịch xuyên Việt”, điểm đầu của tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Đông – Tây”, với hệ thống giao thông đường bộ (QL 1A, QL 8, QL12, QL 15, đường Hồ Chí Minh), đường sắt và đường thủy nối với các trung tâm du lịch lớn và các tỉnh trong cả nước, với nước bạn Lào qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình).v.v…Với vị trí đó, xét về mặt địa lý du lịch, Hà Tĩnh có vị trí thuận lợi trong mối liên kết vùng để phát triển du lịch trong đó đặc biệt là mối liên kết Đông – Tây với CHDCND Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước khác trong khối ASEAN.
    Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch khá toàn diện. Với gần 137 km bờ biển, Hà Tĩnh có những bãi tắm giá trị như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con.v.v…Biển Hà Tĩnh là nơi cung cấp nhiều đặc sản như cá, tôm, cua, mực…là thế mạnh để phát triển du lịch biển, đảo.
    Các di tích danh thắng nổi tiếng ở Hà Tĩnh như núi Hồng – sông La, bến Tam Soa – Tùng Lĩnh, suối Tiên – Thiên Tượng, đèo Ngang – Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, Quỳnh Viên – Nam Giới… bên cạnh đó là những đặc sản được thiên nhiên ban tặng như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây.v.v…có giá trị phục vụ khách du lịch cao.
    Hà Tĩnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng. Đây là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử – văn hoá như khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khu lưu niệm Tổng bí thư Trần Phú, khu lưu niệm Tổng bí thư Hà Huy Tập, khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc.v.v… Vì vậy, từ bao đời nay Hà Tĩnh luôn nổi tiếng là vùng “địa linh, nhân kiệt”.
    Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hoá dân gian hết sức phong phú được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ, lễ hội, làng nghề thủ công như  hát phường vải Trường Lưu, Trường Nga; ca trù Cổ Đạm; hát ví dặm đò đưa dọc sông Lam múa sắc bùa ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê; hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng; hò Thạch Khê; làng nghề mộc Thái Yên.v.v…;các đình, chùa nổi tiếng như chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, Quỳnh Viên – Chiêu Trưng, đền bà Bích Châu, Sơn phòng Hàm Nghi.v.v… luôn hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và thưởng thức.
    Con người Hà Tĩnh cần cù, thân thiện, mến khách, sống nghĩa tình, thủy chung luôn để lại tình cảm sâu lắng cho khách du lịch sau mỗi chuyến đi qua góp phần làm cho Hà Tĩnh trở thành một trong những điểm đến ấn tượng.
    Hà Tĩnh cũng là một trong những tỉnh biên giới. Với 145 km đường biên giới với nước bạn Lào, có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trên quốc lộ 8 là lợi thế để phát triển du lịch biên giới, mở mang phát triển du lịch với các nước trong khu vực ASEAN.
    Nhằm phát huy những tiềm năng và lợi thế đó, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 1997 – 2010, điều chỉnh định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt với các nội dung cơ bản làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành du lịch trên phạm vi toàn tỉnh.
    Nội dung quy hoạch đã có những định hướng quan trọng cho phát triển du lịch tỉnh thời gian qua. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Du lịch Hà Tĩnh đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương góp phần  xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng.
    Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đánh giá qua hơn 10 năm thực hiện quy hoạch cho thấy du lịch Hà Tĩnh phát triển còn nhiều hạn chế và bất cập; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phát triển nhưng thiếu tầm nhìn tổng thể nên còn ẩn chứa những nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững.     
    Những năm gần đây với xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới đang tạo những cơ hội to lớn đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
    Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam với việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển.
    Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 là tiền đề cho các địa phương trong đó có Hà Tĩnh nắm bắt cơ hội đưa du lịch phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò của mình.
    Đối với Hà Tĩnh, kinh tế thời gian gần đây đang được chuyển mình nhanh chóng. Cùng với chiến lược phát triển bền vững, toàn diện các vùng và các lĩnh vực, đến nay Hà Tĩnh đã hội tụ đầy đủ mọi điều kiện cho những bước đột phá lớn. Các dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, gắn với tổ hợp luyện cán thép và công nghiệp cơ khí; Trung tâm nhiệt điện và Cụm cảng quốc tế nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương; thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo.v.v…đang thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước, người lao động và nhu cầu dịch vụ đi kèm mở ra một thị trường lớn tại chỗ cho hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, các dự án phát triển mới về hạ tầng giao thông tạo nên những hướng mở quan trọng và hết sức thuận lợi trong việc kết nối du lịch. Điển hình như cầu Bến Thủy 3 nối Cửa Lò (Nghệ An) với Xuân Thành và các khu du lịch biển Hà Tĩnh theo tuyến giao thông ven biển; tuyến đường bộ từ cảng Vũng Áng sang CHDCND Lào qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) tạo nên những hướng mở quan trọng để khai thác dòng khách từ các nước ASEAN…Đây là những tiền đề, động lực để Hà Tĩnh tăng tốc và chuyển dịch nhanh hơn, mạnh hơn cơ cấu kinh tế nói chung và du lịch nói riêng thực hiện thành công mục tiêu đưa Hà Tĩnh sớm trở thành một tỉnh có Công nghiệp, dịch vụ phát triển, phấn đấu đến năm 2015 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của khu vực miền Trung.
    Năm 2015, Hà Tĩnh kỷ niệm 250 năm ngày sinh và năm 2020 kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới; năm 2018 kỷ niệm 50 năm ngày 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc, bản trường ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; năm 2021 kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.v.v…Đây là những sự kiện văn hóa, lịch sử trọng đại và là cơ hội để du lịch Hà Tĩnh quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
    Trước những bối cảnh thuận lợi và xu hướng phát triển mới, ngành du lịch Hà Tĩnh cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn và mang tính đột phá để làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch tỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển và với du lịch cả nước, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2011 – 2015 là “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, dịch vụ phát triển” với “tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm 40,3% trong cơ cấu kinh tế” vào năm 2015….
    Từ những lý do đó, việc lập quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những việc làm cần thiết và cấp bách.
    2. Mục tiêu, nhiệm vụ và  nội dung quy hoạch
    2.1.Mục tiêu
    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là bước cụ thể hoá các định hướng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XVII, Chiến lược phát triển ngành Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm:
    1. Xây dựng được hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển ngành du lịch tỉnh Hà Tĩnh một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường;
    2. Đề xuất các chỉ tiêu cụ thể, các định hướng và giải pháp phát triển du lịch mang tính đột phá làm cơ sở để lập các kế hoạch, quy hoạch chi tiết và các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020, 2030 đảm bảo tính khả thi, cân đối cung – cầu, khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát huy thế mạnh, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù góp phần đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển ngang tầm của khu vực.

    2.2. Nhiệm vụ và nội dung
    Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ và nội dung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh bao gồm :
    1. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2000 – 2011;
    2. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế phát triển du lịch Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn phát triển mới;
    3. Phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng tài nguyên du lịch, thị trường du lịch và các nguồn lực phát triển du lịch;
    4. Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch;
    5. Tổ chức không gian du lịch; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch;
    6. Xác định các khu vực ưu tiên đầu tư, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; nhu cầu sử dụng đất làm cơ sở xây dựng các quy hoạch chi tiết và các dự án nhằm thu hút vốn đầu tư ở trong và ngoài nước về phát triển du lịch;
    7. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường và đề xuất một số vấn đề về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững;
    8. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp tổ chức quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch.
    3. Căn cứ lập quy hoạch
    3.1. Các căn cứ pháp lý
    – Luật Du lịch Việt Nam số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
    – Luật Di sản Văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/06/ 2009;
    – Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11ngày 29/11/2005;
    – Nghị định số 92/2006/NĐ – CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
    – Nghị định 92/2007/NĐ – CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
    – Nghị định 04/2008//NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
    – Nghị định 98/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa;
    – Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
    – Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
    – Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
    – Thông tư 01/2007/TT-BKH ngày 7/2/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
    – Thông tư 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP;
    – Quyết định 281/2007/QĐ-BKH của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/3/2007 về việc ban hành định mức chi phí lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;
    – Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hà Tĩnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011 – 2015;
    – Quyết định số 1869/QĐ-UB ngày 14/6/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và lựa chọn nhà thầu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
    3.1. Các căn cứ khác
    – Định hướng phát triển Du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
    – Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế có liên quan trong tỉnh;
    – Niên giám thống kê Hà Tĩnh các năm 2010, 2011 và các tài liệu khác.
    – Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Hà Tĩnh.
    4. Nguyên tắc lập quy hoạch
    Căn cứ điều 18, Luật Du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến 2020, tầm 2030 cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
    – Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội Hà Tĩnh và Chiến lược phát triển ngành Du lịch Việt Nam.
    – Đảm bảo góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
    – Bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
    – Bảo đảm tính khả thi cân đối cung và cầu du lịch.
    – Phát huy lợi thế địa phương, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; đáp ứng nhu cầu du lịch.
    – Bảo đảm công khai trong quá trình lập và công bố quy hoạch.
    5. Phương pháp lập quy hoạch
    Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng dựa trên việc sử dụng tổng hợp các phương pháp sau:
    5.1. Phương pháp thực địa: Bao gồm các khảo sát, thu thập thông tin tư liệu để kiểm kê, đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2010.
    5.2. Phương pháp tổng hợp, phân tích: Tổng hợp và phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém, các xu hướng phát triển du lịch của khu vực và thế giới trong hoàn cảnh mới từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn tiếp theo phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới.
    5.3. Phương pháp chuyên gia: Xin ý kiến đánh giá của chuyên gia ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực du lịch cũng như các lĩnh vực liên quan dưới các hình thức hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm.
    5.4. Phương pháp kế thừa: Kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề án có liên quan trên địa bàn và mô hình phát triển du lịch của một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự.
    5.5. Phương pháp sơ đồ, bản đồ: Sử dụng phần mềm hệ thống thông tin địa lý MapInfo xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch.

    Xin vui lòng xem nội dung toàn văn dưới đây.

     

    Bài cùng chuyên mục