Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết lập quy hoạch
Cao Bằng là tỉnh miền núi Đông Bắc, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại trong đó có du lịch. Ranh giới tỉnh Cao Bằng phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới hơn 333 km, có cửa khẩu chính Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang và các cửa khẩu phụ khác; phía Tây giáp tỉnh Hà Giang; phía Tây Nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía Nam giáp các tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Cao Bằng là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, có độ cao trung bình trên 200 m, vùng sát biên có độ cao từ 600-1.300 m so với mặt nước biển. Núi non Cao Bằng trùng điệp, rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh và hình thành nên 3 vùng rõ rệt: Miền Đông có nhiều núi đá, miền Tây núi đất xen núi đá, miền Tây Nam phần lớn là núi đất có nhiều rừng rậm. Địa hình phong phú và đa dạng đã tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, có giá trị du lịch cao, trong đó nổi bật là thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao huyện Trùng Khánh; hồ Thăng Hen huyện Trà Lĩnh, hang Pác Bó huyện Hà Quảng, rừng Trần Hưng Đạo, Phja Đén, Phja Oắc huyện Nguyên Bình.v.v….
Tỉnh Cao Bằng có hơn 95% đồng bào dân tộc ít người. Mỗi dân tộc có những nét sinh hoạt văn hóa với phong tục tập quán riêng tạo nên vùng đất văn hóa đa sắc tộc hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu thông qua các lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống, văn hóa nghệ thuật .v.v…Văn hóa ẩm thực Cao Bằng mang đậm đặc trưng của các tỉnh cực Bắc đất nước. Các sản vật chủ yếu từ thiên nhiên như ong vò vẽ, giò lợn hầm hạt dẻ, cá chiên sông Gâm… cũng là yếu tố hấp dẫn khách du lịch.
Cao Bằng là vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời, là nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Tại đây có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị du lịch. Tiêu biểu như khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập cho dân tộc từ năm 1941 đến 1945; khu di tích mộ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng; rừng Trần Hưng Đạo-nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam; khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch biên giới 1950.v.v….
Cao Bằng có hệ thống giao thông đường bộ (QL 3, QL 4, QL 34, đường Hồ Chí Minh) nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, đặc biệt Cao Bằng có hệ thống cửa khẩu biên giới đường bộ với CHND Trung Hoa tạo nên những lợi thế nhất định về liên kết vùng và quốc tế để phát triển du lịch.
Trên cơ sở những lợi thế đó, năm 1997, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 1997-2010 được UBND tỉnh phê duyệt với các nội dung quan trọng làm cơ sở pháp lý để chỉ đạo triển khai, quản lý các hoạt động của ngành du lịch trên phạm vi toàn tỉnh thời gian qua.
Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Cao Bằng đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Cao Bằng đang từng bước khẳng định một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đánh giá qua gần 15 năm thực hiện quy hoạch cho thấy du lịch Cao Bằng phát triển còn nhiều hạn chế và bất cập; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững.
Những năm gần đây, tình hình trên thế giới có nhiều biến động phức tạp như thiên tai, dịch bệnh, nạn khủng bố.v.v…trong đó đáng chú ý là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nguồn đối với du lịch.
Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới đang tạo những cơ hội to lớn đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch cả nước nói chung và Cao Bằng nói riêng.
Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam với việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển. Việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào đầu năm 2007 đã tạo ra những cơ hội lớn cho ngành du lịch trong tương lai.
Để nắm bắt những vận hội mới, hòa nhập với khu vực, năm 2011 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và tiếp tục chỉ đạo ngành lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước. Đây là cơ sở quan trọng cho các địa phương lập quy hoạch phát triển ngành phù hợp với tiến trình phát triển chung.
Trước bối cảnh và xu hướng đó, ngành du lịch Cao Bằng cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn mới, dài hạn và mang tính đột phá để làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch tỉnh phù hợp với du lịch cả nước. Theo đó, việc lập quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là cần thiết và cấp bách.
2. Giới hạn, phạm vi lập quy hoạch
2.1. Về không gian: Theo địa giới hành chính tỉnh Cao Bằng.
– Diện tích: 6.707,86 km2. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài hơn 333 km; phía Tây giáp tỉnh Hà Giang; phía Tây Nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía Nam giáp các tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
– Dân số: 513.108 người (Số liệu năm 2010); mật độ: 76 người/km².
2.2. Về thời gian: Quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Các căn cứ lập quy hoạch
3.1. Các căn cứ pháp lý
– Luật Du lịch Việt Nam, số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật Di sản Văn hoá, số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;
– Luật Bảo vệ Môi trường, số 52/2005/QH11ngày 29/11/2005;
– Nghị quyết 37 ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;
– Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định 04/2008//NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định 98/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
– Thông tư 01/2007/TT-BKH ngày 7/2/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
– Thông tư 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP;
– Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/3/2007 về việc ban hành định mức chi phí lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu.
– Quyết định 282/2006/QĐ-TTg ngày 20/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006-2020;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
– Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020;
– Quyết định 184/QĐ-UBND ngày 28/1/2011 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt đề cương dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
3.2. Các căn cứ khác
– Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tháng 10 năm 2010;
– Chương trình số 12-CTr/TU ngày 29/4/2011 của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch 973/KH-UBND ngày 31/5/2011của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015;
– Quy hoạch phát triển các ngành khác có liên quan trong tỉnh;
– Niên giám thống kê tỉnh Cao Bằng các năm 2009, 2010 và một số tài liệu khác có liên quan.
4. Mục tiêu, quan điểm quy hoạch
4.1. Mục tiêu quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là bước cụ thể hoá các định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Quy hoạch phát triển Du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nhằm:
1. Xây dựng được hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển ngành du lịch tỉnh Cao Bằng một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng an ninh và môi trường phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới;
2. Đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, các định hướng và giải pháp phát triển du lịch làm cơ sở để lập các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn, các quy hoạch chi tiết và các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ nay đến năm 2020, 2030 đảm bảo tính khả thi, cân đối cung-cầu, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, phát huy thế mạnh, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù.
4.2. Quan điểm quy hoạch
Quy hoạch cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội Cao Bằng và Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam, của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
– Đảm bảo chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
– Bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
– Bảo đảm tính khả thi cân đối cung và cầu du lịch.
– Phát huy lợi thế địa phương; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; đáp ứng nhu cầu du lịch.
5. Nhiệm vụ và nội dung quy hoạch
1. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 1997-2010, trong đó nhận định những mặt được, những tồn tại và nguyên nhân để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển tiếp theo;
2. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế phát triển du lịch Cao Bằng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn phát triển mới;
3. Phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng tài nguyên du lịch, thị trường du lịch và các nguồn lực phát triển du lịch;
4. Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch;
5. Tổ chức không gian du lịch; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch;
6. Xác định các khu vực ưu tiên đầu tư, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (về quy mô, nhu cầu vốn…); nhu cầu sử dụng đất làm cơ sở xây dựng các quy hoạch chi tiết và các dự án nhằm thu hút vốn đầu tư ở trong và ngoài nước;
7. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường và đề xuất xuất một số vấn đề về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững;
8. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch.
6. Phương pháp lập quy hoạch
6.1. Phương pháp thực địa: Bao gồm các khảo sát, thu thập thông tin tư liệu để đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2010.
6.2. Phương pháp tổng hợp, phân tích: Tổng hợp và phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém và nguyên nhân, các xu hướng phát triển du lịch của khu vực và thế giới trong hoàn cảnh mới từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn tiếp theo phù hợp tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn phát triển mới.
6.3. Phương pháp chuyên gia: Xin ý kiến đánh giá của chuyên gia ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực du lịch cũng như các lĩnh vực liên quan dưới các hình thức hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm.
6.4. Phương pháp kế thừa: Kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề án có liên quan trên địa bàn và mô hình phát triển du lịch của một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự.
6.5. Phương pháp sơ đồ, bản đồ: Sử dụng phần mềm hệ thống thông tin địa lý MapInfo xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch.
Xin vui lòng xem nội dung toàn văn dưới đây.