Quy hoạch Tổng thể Phát triển Du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020
Cà Mau là một tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những địa phương có nhịp độ phát triển kinh tế cao nhất, và là một điểm sáng về phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của cả vùng. Với sự hình thành và phát triển của cụm khí – điện – đạm, các ngành kinh tế, trong đó có du lịch, dịch vụ đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua.
Với thế mạnh hình ảnh Cà Mau, điểm cực Nam của Tổ quốc và rừng U Minh huyền thoại, du lịch Cà Mau trong những năm qua cũng đã có những bước phát triển khá ổn định và đạt hiệu quả cao. Cùng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch hơn, thu nhập xã hội từ du lịch cũng ngày càng tăng và vị trí của du lịch ngày càng được khẳng định trong cơ cấu nền kinh tế địa phương. Năm 2009 Cà Mau đón gần 700 ngàn lượt khách nội địa, dẫn đầu toàn vùng về khách du lịch có sử dụng dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên tỷ trọng thị trường khách quốc tế và giá trị thu nhập từ hoạt động du lịch của Cà Mau chưa cao. Hạn chế này xuất phát từ thực tế những khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và đặc biệt là chất lượng dịch vụ, tính đa dạng và chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của tỉnh.
Gần đây du lịch Việt Nam nói chung, và Cà Mau nói riêng phải đối diện với những yếu tố bất lợi mới, đó là thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính – tín dụng toàn cầu. Những diễn biến mới này đặt ra những thách thức không nhỏ với sự nghiệp phát triển du lịch. Ở quy mô toàn cầu, sự nóng lên của trái đất cũng như những cảnh báo về mực nước biển dâng cũng là những vấn đề cần được quan tâm để từ đó có thể hoạch định được những chính sách phát triển phù hợp.
Quyết định 492/2009/TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long là một quyết định quan trọng, khẳng định vị trí của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và an ning quốc phòng của cả nước. Thực hiện quyết định này, sự hợp tác phát triển du lịch giữa 4 địa phương Cà Mau, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang đã chính thức được hình thành. Đây là những yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm cũng như của Cà Mau.
Thực hiện Quyết định 15/2009/QĐ-UBND ngày 07/7/2009 của UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Chương trình phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, ngành du lịch Cà Mau cần nhanh chóng khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy có hiệu quả lợi thế về tài nguyên, nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, an ninh chính trị. Với mục tiêu đó, việc xây dựng Quy hoạch Tổng thể Phát triển Du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 là hết sức cần thiết và cấp bách.
Nhiệm vụ chủ yếu của quy hoạch là:
1. Đánh giá các tiềm năng, hệ thống tài nguyên và hiện trạng phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau.
2. Xác định vị trí mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển du lịch Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
3. Quy hoạch phát triển du lịch Cà Mau đến 2020
4. Định hướng phát triển du lịch Cà Mau đến 2030
5. Đề xuất các dự án ưu tiên làm cơ sở gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm đầu tư khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của Cà Mau nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
6. Dự báo tác động đến môi trường từ hoạt động du lịch và đề ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, trật tự và an toàn xã hội.
7. Đề xuất các biện pháp tổ chức và các giải pháp thực hiện quy hoạch
Dự án đã được hoàn thành và phê duyệt tháng 7/2012.
Báo cáo tổng hợp của dự án được đính kèm phần cuối bài viết !