Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
1. Sự cần thiết phải lập quy hoạch
Điện Biên Phủ – Pá Khoang thuộc vùng du lịch Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch phong phú và nổi bật đã được Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng phát triển để trở thành khu du lịch quốc gia.
Điện Biên Phủ là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Điện Biên ở Tây Bắc Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu. Tên gọi Điện Biên được đặt từ năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện nghĩa là “kiến lập”, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay được biết đến với quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ nổi tiếng.
Quần thể di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch 56 ngày đêm“khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm,cơm vắt”của quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ“lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Với ý nghĩa to lớn về lịch sử, năm 1962, quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận di tích cấp quốc gia, năm 2009 được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ngoài ý nghĩa to lớn về lịch sử, quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ nằm chủ yếu ở địa phận huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ, nơi có hệ thống giao thông đường bộ (QL 12, QL 279, QL 6), đường không (sân bay Mường Thanh) dễ dàng tiếp cận cũng là yếu tố thuận lợi thu hút lượng khách du lịch.
Hồ Pá Khoang nằm trên địa bàn xã Pá Khoang với diện tích lưu vực 2.400 ha trong đó diện tích mặt nước 600 ha (sức chứa là 37,2 triệu m3 nước) là một trong những tiềm năng du lịch sinh thái có giá trị. Xã Pá Khoang còn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú. Tại đây, các dân tộc thiểu số còn giữ được các phong tục tập quán, nét đặc sắc của vùng Tây Bắc vốn có…Đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn.
Mường Phăng là khu rừng lịch sử – văn hóa nơi có Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên nằm cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía Đông (theo đường chim bay). Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ…Tuy nằm ở vị trí ngoại vi thành phố Điện Biên Phủ nhưng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một điểm tài nguyên du lịch không thể tách rời trong quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngoài giá trị lịch sử – văn hoá, rừng Mường Phăng còn là một trong những khu rừng đặc dụng, bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, hồ Pá Khoang, rừng Mường Phăng thì những di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh khác như thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất, bia tưởng niệm Noọng Nhai, động Pá Thơm, nước nóng U Va, hồ Huổi Phạ, nước nóng Pe Luông…cùng với bản sắc văn hoá đặc trưng của các dân tộc tỉnh Điện Biên trong vùng lòng chảo Mường Thanh tạo thành nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú và đa dạng.
Căn cứ những tiềm năng, lợi thế và khả năng phát triển du lịch, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã định hướng phát triển Điện Biên Phủ – Pá Khoang thành một trong những khu du lịch quốc gia. Phát triển du lịch khu vực Điện Biên Phủ – Pá Khoang sẽ góp phần tăng cường thu hút khách du lịch đến tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho nhân dân địa phương và với sự nghiệp phát triển du lịch quốc gia. Ngoài ra, phát triển du lịch còn góp phần bảo tồn và phá huy giá trị di tích một cách hiệu quả, xứng đáng với tầm vóc to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Để thực hiện được mục tiêu trên của Chiến lược phát triển du lịch quốc gia cần thiết phải lập quy hoạch khu du lịch trên bình diện tổng thể, với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở lập các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch cụ thể, các dự án đầu tư phát triển du lịch góp phần khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch. Vì vậy, việc lập quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cần thiết và cấp bách.
2. Căn cứ lập quy hoạch
2.1. Căn cứ pháp lý
– Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
– Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật Di sản Văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 29/11/2005;
– Luật Đầu tư số 59/2005/QH11ngày 29/11/2005;
– Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;
– Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012;
-Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013;
– Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
– Nghị quyết 37-NQ/TW nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 và Kết luận 26-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương ban hành;
– Nghị quyết số 17/2001/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam về quy hoạch sử sụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia;
– Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 07/6/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) tỉnh Điện Biên;
– Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
– Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;
– Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
– Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
– Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
– Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
– Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;
– Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 -2020;
– Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
– Quyết định 864/QĐ-TTg ngày 09/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020;
– Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
– Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030;
– Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020;
– Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;
– Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020;
– Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII (nhiệm kỳ 2011 – 2015);
– Nghị quyết 251/NQ-HĐND ngày 30/12/2011 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên khoá XIII, kỳ họp thứ 3 về việc thông qua đề án điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 – 2020 và vđịnh hướng đến năm 2030;
– Nghị quyết 253/NQ-HĐND ngày 30/12/2011 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên khoá XIII, kỳ họp thứ 3 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011 – 2015 tỉnh Điện Biên;
-Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 31/01/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020;
– Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 5/8/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn đễn năm 2050;
– Quyết định 423/QĐ-UBND ngày 20/6/2013 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
– Quyết định số 3940/QĐ-BVHTTDL ngày 07/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt nội dung đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
– Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch;
– Thông tư 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
2.2. Các căn cứ khác
– Các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng khác có liên quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên;
– Bản đồ địa hình khu vực nghiên cứu và các tài liệu, tư liệu có liên quan;
– Tiềm năng, nhu cầu và hiện trạng phát triển du lịch khu vực.
3. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ lập quy hoạch
3.1.Quan điểm
Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang là quy hoạch ngành, vì vậy cần đảm bảo các nguyên tắc về quy hoạch được quy định trong Luật Du lịch:
– Phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Điện Biên; Định hướng phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
– Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Bảo vệ, phát triển tài nguyên và môi trường du lịch giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.
– Đảm bảo tính khả thi, cân đối cung và cầu du lịch.
– Phát huy lợi thế khu du lịch, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch.
– Bảo đảm công khai trong quá trình lập và công bố quy hoạch.
3.2. Mục tiêu
– Là bước cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
– Làm cơ sở lập các quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, quy hoạch cụ thể các khu chức năng, lập dự án đầu tư phát triển khu du lịch.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất…của khu du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
3.3. Nhiệm vụ lập quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang bao gồm những nhiệm vụ thực hiện nội dung chính sau:
1) Xác định vị trí, vai trò khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang.
2) Đánh giá tổng hợp tiềm năng và khả năng phát triển du lịch.
3) Đánh giá hiện trạng phát triển khu du lịch.
4) Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch.
5) Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch.
6) Quy hoạch phát triển thị trường và sản phẩm du lịch.
7) Tổ chức không gian hoạt động du lịch.
8) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cung cấp điện, nước, thoát nước thải và xử lý chất thải rắn và các nhu cầu khác…).
9) Định hướng đầu tư phát triển du lịch.
10) Đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
11) Đề xuất giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch.
4. Phương pháp lập quy hoạch
4.1. Phương pháp thu thập tài liệu
Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Đây là phương pháp quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.
4.2. Phương pháp phân tích tổng hợp
Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…
4.3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa
Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng. Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành Du lịch nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình lập quy hoạch.
4.4. Phương pháp dự báo, chuyên gia
Được áp dụng để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành du lịch; những thuận lợi và khó khăn thách thức… có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung và của khu du lịch nói riêng. Trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững; nghiên cứu tổ chức không gian khu du lịch; trong việc đề xuất các dự án, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư; cũng như trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù.
4.5. Phương pháp sơ đồ, bản đồ
Được sử dụng để thể hiện các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên hệ thống bản vẽ quy hoạch.