Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2006 – 2020

    Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010  đã xác định một trong  những nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội  nước ta trong những năm tới là: "Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa….; mở mang du lịch, bảo vệ môi trường; tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển….Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển." (Văn kiện Đại hội Đảng IX, trang 181-182). Việc lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc là nhằm cụ thể hoá nhiệm phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đối với vùng biển Tây Nam Tổ quốc  nói chung và đối với tỉnh Kiên Giang nói riêng.

    Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/7/2002 đã xác định Rạch Giá – Hà Tiên  – Phú Quốc là một trong 7 địa bàn du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam nằm ở khu vực Nam Bộ, trong đó Phú Quốc được xác định là một cực có vị trí đặc biệt quan trọng của địa bàn đồng thời là một trong 17 khu du lịch quốc gia chuyên đề.

    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 307/TTg ngày 24/5/1995 được cụ thể hoá bằng Quy hoạch tổng thể phát triển vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phê duyệt tại quyết định số 199/QĐ-TCDL ngày 5/6/2002 cũng đã xác định Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc là 1 trong 5 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch ở vùng ven biển Việt Nam. Phát triển du lịch Phú Quốc còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với du lịch đồng bằng sông Cửu Long với vị trí là một sản phẩm du lịch đặc sắc của cả vùng trong tiến trình hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế thông qua hoạt động dự án phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, trong đó Phú Quốc được đánh giá là một điểm đến quan trọng.

    Như vậy việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đảo Phú Quốc là rất cần thiết không chỉ đối với địa phương tỉnh Kiên Giang mà còn là yêu cầu bức xúc trong việc triển khai thực hiện Chiến lược và quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đã được phê duyệt nhằm đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch Việt Nam ở khu vực phía Nam ngang tầm với vị trí và tiềm năng.

    Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, việc gắn kết các hoạt động phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia là hết sức quan trọng. Trong nhiều trường hợp, hoạt động kinh tế có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế sẽ là sự thừa nhận và đảm bảo của quốc tế đối với chủ quyền, an ninh của một quốc gia. Phát triển du lịch đảo Phú Quốc không nằm ngoài bối cảnh trên trong xu thế hội nhập hiện nay của Việt Nam với khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Phú Quốc là khu vực nhạy cảm.

    1. Phạm vi của quy hoạch

    Toàn bộ đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (sau đây gọi chung là đảo Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang.

    2. Mục tiêu

    a) Mục tiêu chung: phấn đấu đến năm 2020 phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao, tầm cỡ các quốc gia trong khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ đạo của đảo Phú Quốc; gắn với yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng.

    b) Mục tiêu cụ thể:

    Phấn đấu đạt các mục tiêu như sau:

    – Về khách du lịch:

    + Năm 2010 đạt khoảng 0,3 – 0,4 triệu lượt khách du lịch/năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 30%;

    + Năm 2015 đạt khoảng 1 – 1,2 triệu lượt khách du lịch/năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 30 – 35%;

    + Năm 2020 đạt khoảng 2 – 3 triệu lượt khách du lịch/năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 35 – 40%.

    –  Về thu nhập từ du lịch:

    + Năm 2010 đạt khoảng 45 triệu USD. Trong đó, từ khách du lịch quốc tế là 25 triệu USD; từ khách du lịch nội địa là 20 triệu USD;

    + Năm 2015 đạt khoảng 209 triệu USD. Trong đó, từ khách du lịch quốc tế là 129 triệu USD; từ khách du lịch nội địa là 80 triệu USD;

    + Năm 2020 đạt khoảng 771 triệu USD. Trong đó, từ khách du lịch quốc tế là 478 triệu USD; từ khách du lịch nội địa là 293 triệu USD.

    – Về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch:

    Năm 2010 có khoảng 3.500 buồng lưu trú (trong đó số phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao chiếm khoảng 30 – 35%), năm 2015 là 8.200 buồng lưu trú (trong đó số phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao chiếm khoảng 55 – 60%) và 18.000 buồng lưu trú vào năm 2020 (trong đó số phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao chiếm khoảng 60 – 70% ).

    – Về lao động và việc làm:

    Năm 2010 có khoảng 7.000 lao động trực tiếp và 15.400 lao động gián tiếp trong ngành du lịch, số lao động tương ứng cho năm 2015 là 16.400 và 36.100 và năm 2020 là 36.000 và 79.200.

    3. Các định hướng phát triển chủ yếu

    a) Về thị trường khách du lịch:

    – Khai thác mạnh thị trường nội địa, trong đó chú trọng thị trường từ các đô thị lớn và vùng đồng bằng sông Cửu Long;

    – Mở rộng thị trường du lịch quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu và ASEAN.

    b) Về sản phẩm du lịch:

    Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các loại hình: tắm biển, nghỉ dưỡng; tham quan thắng cảnh và các di tích văn hoá, lịch sử; sinh thái; thể thao; vui chơi giải trí; hội nghị, hội thảo; mua sắm.

    c) Tổ chức không gian phát triển du lịch:

    – Tổ chức hoạt động du lịch đảo Phú Quốc bao gồm:

    + Hoạt động đón tiếp khách du lịch: tại khu vực các đô thị Dương Đông, Dương Tơ và An Thới với các cơ sở dịch vụ, phương tiện phục vụ thiết yếu, và một số dịch vụ giải trí khác;

    + Hoạt động du lịch biển và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực:  Dương Đông, Bãi Bà Kèo, Bãi Trường, Bãi Đất Đỏ, Bãi Khem, Bãi Sao, các bãi biển nhỏ thuộc cụm đảo Nam An Thới, Bãi Vòng, Rạch Vẹm, Gành Dầu, Bãi Dài, Bãi Vũng Bàu, Bãi Cửa Cạn;

    + Hoạt động du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên: ở khu vực phía Bắc đảo gồm phần đất liền và vùng nước ven bờ (Cầu Trắng, đảo Hòn Một, Rạch Tràm); vùng biển ngoài khơi thuộc cụm đảo Nam An Thới;

    + Hoạt động du lịch gắn với bảo tồn cảnh quan bờ biển: tại khu vực từ Cửa Cạn đến Dương Đông và một số bãi biển nhỏ phía Bắc và Đông Bắc đảo (từ mũi Gành Dầu – Bãi Dài; từ mũi Đá Bạc – mũi Hàm Rồng; từ mũi Dương – mũi Trâu Nằm – Bãi Thơm – mũi Đá Chông);

    + Hoạt động du lịch văn hóa: gắn với các di tích lịch sử – văn hoá, lịch sử – cách mạng, các làng chài truyền thống, các điểm lễ hội văn hoá trên đảo Phú Quốc;

    + Hoạt động du lịch bổ trợ: tại các khu vực nuôi trồng thuỷ sản, trang trại, làng nghề truyền thống;

    + Các hoạt động du lịch thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm gắn liền với các khu đô thị trên đảo.

    – Phát triển các cụm du lịch:

    + Cụm du lịch Dương Đông – Dương Tơ và phụ cận:là trung tâm điều hành hoạt động du lịch đảo Phú Quốc.

    Các loại hình du lịch chủ yếu: vui chơi giải trí, mua sắm; thể thao, leo núi, cắm trại; tham quan nghiên cứu các di tích lịch sử, văn hoá; tham quan làng nghề truyền thống, trang trại; hội nghị, hội thảo.

    + Cụm du lịch An Thới và phụ cận:là cụm du lịch tham quan và nghỉ dưỡng cao cấp gồm Bãi Sao và Bãi Khem, khu vực An Thới, di tích lịch sử nhà tù Cây Dừa.

    Các loại hình du lịch chủ yếu:nghỉ dưỡng; thể thao biển; tham quan các di tích lịch sử – cách mạng, làng nghề truyền thống; thăm các đảo và vui chơi giải trí.

    + Cụm du lịch Cửa Cạn và phụ cận (cụm phía Bắc):

    Là cụm du lịch tham quan nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên gắn với vườn quốc gia, các bãi biển, các điểm du lịch vùng Cửa Cạn và phía Bắc đảo.

    Các loại hình du lịch chủ yếu: nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; tham quan vườn quốc gia, sông nước, di tích lịch sử – cách mạng, trang trại; thể thao, chơi golf, đua ngựa, đua chó.

    – Các tuyến du lịch:

    + Hình thành các tuyến du lịch trên đảo trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc trưng;

    + Kết nối Phú Quốc với các trung tâm du lịch quốc gia, các nước trong khu vực và quốc tế.

    d) Về đầu tư phát triển du lịch:

    – Giai đoạn từ nay đến năm 2010: tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và các cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo có đủ điều kiện đón khách du lịch theo mục tiêu đặt ra của năm 2010, trước hết là cơ sở hạ tầng du lịch và các cơ sở dịch vụ tại khu vực chủ yếu Dương Đông, Dương Tơ, An Thới, Cửa Cạn; hình thành được một số khu du lịch và vui chơi giải trí chất lượng cao;

    – Giai đoạn từ 2011 – 2020: tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trên toàn đảo.

    Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành về cơ bản xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch phát triển ở trình độ cao, có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, có khả năng kết nối với các trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới.

    4. Giải pháp thực hiện:

    a) Quy hoạch phát triển du lịch đảo Phú Quốc và các quy hoạch chuyên ngành khác phải được xác định là bộ phận cấu thành của Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc. Việc xây dựng, đầu tư phát triển các khu, điểm phục vụ yêu cầu phát triển du lịch thuộc phạm vi đảo Phú Quốc trước hết phải tuân thủ theo đúng nội dung của quy hoạch này, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc.

    b) Thực hiện các biện pháp, hình thức thích hợp, linh hoạt để huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch theo mục tiêu đã được xác định.

    c) Đầu tư phát triển nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, dịch vụ của đảo Phú Quốc gắn liền với việc tăng cường đầu tư, hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới, đồng thời thể hiện được thương hiệu du lịch Phú Quốc.

    d) Xây dựng, thực hiện kế hoạch, chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đảo Phú Quốc. Gắn các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch đảo Phú Quốc với các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia.

    đ) Cung cấp nguồn nhân lực ngày càng có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của Đảo trong từng thời kỳ và yêu cầu hội nhập với trình độ của khu vực và quốc tế; chú trọng đào tạo để nâng cao tỷ lệ sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Kết hợp việc đào tạo tại chỗ với hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực du lịch.

    Khuyến khích các tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế – xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của đảo Phú Quốc. 

    e) Phát triển du lịch đảo Phú Quốc phải đặt trong mối quan hệ bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, nhất là khi phát triển các dự án du lịch tại các khu vực có liên quan đến an ninh, quốc phòng.

    g) Việc phát triển các dự án du lịch tại đảo Phú Quốc phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường (cả tự nhiên và xã hội), phát triển bền vững. Khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút sự tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, khách du lịch, các cơ quan, đơn vị để đầu tư, tôn tạo, bảo vệ tài nguyên, môi trường của Đảo.

    Bài cùng chuyên mục