Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Định trên cơ sở khai thác lợi thế và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch
1. Tổng quan lợi thế và giá trị của tài nguyên du lịch tỉnh Bình Định đối với phát triển du lịch tỉnh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung
Bình Định có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch.
Về vị trí du lịch: Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc – Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009), Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế – xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Theo đó, Bình Định có vị trí du lịch quan trọng và thuận lợi để liên kết vùng phát triển du lịch.
Về cơ sở hạ tầng giao thông: Là một trong số ít địa phương trên cả nước có đầy đủ các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không thuận lợi cho việc tổ chức các tuyến du lịch.
Hệ thống đường bộ có các quốc lộ 1A (AH1), chạy theo dọc chiều dài của tỉnh là một phần của hành lang du lịch xuyên Việt; quốc lộ 19 là cửa ngõ lên vùng Tây Nguyên, tiền đề kết nối du lịch Đông – Tây. Ngoài ra, tuyến đường bộ ven biển và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ phát triển thuận tiện tiếp cận đến các khu vực có tiềm năng du lịch của tỉnh.
Tuyến đường sắt Bắc – Nam với Quy Nhơn là một trong những điểm dừng chân quan trọng trong tuyến du lịch đường sắt xuyên Việt.
Sân bay Phù Cát với định hướng đến năm 2015 máy bay tiếp nhận A320/321 và tương đương, lượng hành khách tiếp nhận 300.000 lượt /năm, lượng hành khách giờ cao điểm 300; đến năm 2025, lượng hành khách tiếp nhận 500.000 lượt/năm, lượng hành khách giờ cao điểm 400 sẽ mở ra cơ hội đón khách du lịch bằng đường không từ các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP, Hồ Chí Minh.v.v…
Đặc biệt, hệ thống giao thông đường biển với cảng biển quốc gia Quy Nhơn, một trong những cửa ngõ quan trọng của du lịch Việt Nam, vùng DHNTB và vùng Tây Nguyên ra biển Đông và các nước trong khu vực.
Dân số Bình Định khá đông (1.489.700 người) với các khu dân cư tập trung; trong đó có 1 thị xã và 1 thành phố. Thành phố Quy Nhơn là đô thị loại I trực thuộc tỉnh là trung tâm du lịch Bình Định phân phối và điều hành các hoạt động du lịch. Với định hướng phát triển thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế – xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đây sẽ là một trong những địa phương có nhu cầu du lịch lớn.
Về tài nguyên: Bình Định là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch khá toàn diện với hệ thống tài nguyên nổi bật về biển, núi và văn hóa.
Đường bờ biển dài 134 km, nhiều vũng, vịnh có những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Quy Nhơn, Phương Mai, Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dại, Tân Phụng, Vĩnh Lợi.v.v…Bình Định là một trong những địa phương giàu tiềm năng về du lịch biển.
Bình Định, nơi núi non hùng vĩ đã ghi dấu bao chiến công hiển hách của người anh hùng dân tộc áo vải, cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ cuối thế kỷ XVIII, của quân và dân các dân tộc tỉnh Bình Định trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Bình Định nơi truyền thống thượng võ, nơi nuôi dưỡng và phát triển tài năng của nhiều danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn.
Là quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi…, các lễ hội truyền thống như lễ hội chợ Gò, lễ hội làng rèn Phương Danh, lễ hội làng đúc đồng Bằng Châu, lễ hội đô thị Nước Mặn, lễ hội cư dân miền biển, lễ hội đâm trâu, lễ hội đổ giàn,..; các làng nghề rượu Bàu Đá, mộc mỹ nghệ, gốm, nón ngựa, làng rèn Phương Danh, bún Song Thằn, bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè.v.v..vì vậy Bình Định cũng là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn.
Với những lợi thế về vị trí và các giá trị to lớn về tài nguyên du lịch, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng Bình Định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; bán đảo Phương Mai là một trong những khu du lịch quốc gia và một số khu, điểm du lịch địa phương quan trọng khác.
2. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Định trên cơ sở khai thác các lợi thế và phát huy những giá trị của tài nguyên du lịch
Những lợi thế về vị trí du lịch và các giá trị tài nguyên du lịch của Bình Định là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch, đòi hỏi quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Định cần tính toán khai thác một cách hợp lý và có hiệu quả tài nguyên để vừa phát huy giá trị của tài nguyên đối với phát triển du lịch tỉnh Bình Định nói riêng và du lịch cả nước nói chung vừa góp phần bảo tồn để phát triển bền vững.
Về quan điểm phát triển
Trong giai đoạn phát triển mới, du lịch Bình Định phải xác định những quan điểm mang tính đột phá phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch cả nước và vùng:
– Phát triển du lịch Bình Định có chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để đảm bảo sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao gắn với đặc trưng tài nguyên của tỉnh.
– Phát triển du lịch Bình Định có trọng tâm, trọng điểm và bền vững trong đó lấy du lịch biển làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng phát triển sản phẩm đặc trưng theo vùng của địa phương.
– Phát triển du lịch Bình Định trong mối liên hệ vùng, cả nước và quốc tế để phát huy vị trí, vai trò của tài nguyên du lịch đối với cả nước và trên trường quốc tế.
– Phát triển du lịch Bình Định vừa truyền thống vừa hiện đại để phát huy các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch xung quanh hệ thống tài nguyên du lịch biển.
– Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương, các thành phần kinh tế trên địa bàn Bình Định.
Về mục tiêu phát triển
Cần đặt mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020, du lịch Bình Định cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang bản sắc văn hoá và dấu ấn Bình Định, thân thiện với môi trường; đưa Bình Định xứng đáng là một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng DHNTB và của cả nước; Phương Mai là khu du lịch quốc gia góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo.
Mục tiêu cụ thể:
– Phát triển được một Khu du lịch quốc gia bán đảo Phương Mai đến năm 2020; Điểm du lịch quốc gia gắn với di tích Khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung sau năm 2020.
– Phát triển được một số khu, điểm du lịch phụ trợ khác để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Bình Định.
Với những quan điểm và mục tiêu trên, những định hướng chủ yếu phát triển du lịch tỉnh Bình Định bao gồm:
Về phát triển loại hình và sản phẩm
1) Tập trung phát triển loại hình Du lịch biển: Do đặc điểm nổi trội của nguồn tài nguyên biển nên loại hình du lịch gắn với biển, đảo sẽ chiếm vị trí hết sức quan trọng và được ưu tiên đối với du lịch Bình Định. Trong du lịch biển cần chú ý những loại sản phẩm sau :
– Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần: Đây là nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo được phát triển trên toàn hành lang ven biển của tỉnh. Tuy nhiên tập trung ở cụm trung tâm và khu vực Hoài Nhơn.
– Du lịch tàu biển: Phát huy lợi thể cảng biển Quy Nhơn để phát triển loại hình du lịch tàu biển nhằm khai thác các giá trị văn hóa địa phương trong không gian cụm trung tâm và cụm phía Tây (Tây Sơn).
– Du lịch thể thao, khám phá biển đảo: Chủ yếu khai thác hệ thống biển, đảo ven bờ như Hòn Ông Cơ, Hòn Khô, Hòn Đất, Cù Lao Xanh. v.v…
2) Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển Du lịch văn hóa và sinh thái để đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và làm nền tảng phát huy tính đặc thù sản phẩm du lịch biển của từng địa phương trong tỉnh và so với các tỉnh khác trong vùng DHNTB: Du lịch sinh thái gắn với cảnh quan núi, hồ tập trung khu vực phía Tây tỉnh Bình Định, du lịch văn hóa gắn với di tích Khởi nghĩa Tây Sơn, di tích văn hóa Chăm cũng như khai thác các hỉnh thức văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu như Võ Bình Định, tuồng. Các loại hình: Tham quan nghiên cứu, giáo dục, tâm linh.v.v…
3) Phát triển Du lịch thư¬ơng mại, công vụ: Phát huy vai trò đô thị loại I của thành phố Quy Nhơn và vị trí địa lý, các đầu mối giao thông để phát triển du lịch MICE:
– Du lịch hội nghị, hội họp và khuyến th¬ưởng, và hội chợ.
– Du lịch kèm theo những sự kiện đặc biệt (như lễ hội, lễ kỷ niệm…).
Về tổ chức không gian lãnh thổ
Căn cứ sự phân bố tài nguyên theo không gian và các đặc điểm về tự nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng, các hành lang kinh tế quan trọng, tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bình Định thành ba địa bàn như sau:
1) Cụm du lịch Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận
Đây là cụm du lịch trọng tâm, nơi hội tụ các dòng khách từ các thị trư¬ờng khác nhau bằng các h¬ướng theo các trục quốc lộ IA, 19, đường sắt Bắc Nam, sân bay và cảng biển. Mặt khác đây là nơi tập trung hệ thống tài nguyên biển đảo được định hướng phát triển thành cụm trung tâm làm động lực cho phát triển du lịch toàn tỉnh và phía Nam vùng KTTĐ miền Trung.
Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đây là địa bàn trọng điểm du lịch của vùng và cả nước.
Không gian cụm du lịch này bao gồm toàn bộ thành phố Quy Nhơn nơi có khu du lịch quốc gia bán đảo Phương Mai và huyện Phù Cát. Hướng phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn bao gồm:
– Du lịch biển, đảo (nghỉ dưỡng, sinh thái biển, thể thao gắn với biển, du lịch tàu biển…).
– Du lịch cuối tuần cho khách du lịch trong tỉnh và Tây Nguyên.
– Hội nghị, hội thảo, thương mại công vụ, liên hoan du lịch và các sự kiện đặc biệt khác…
2) Cụm du lịch Hoài Nhơn
Đây là cụm du lịch biển phía Bắc tỉnh, phụ trợ sản phẩm du lịch biển cho cụm trung tâm và cầu nối với du lịch Quảng Ngãi (Sa Huỳnh) và hành lang du lịch vùng KTTĐ miền Trung cũng như kết nối hành lang Đông – Tây.
3) Cụm du lịch Tây Sơn và phụ cận
Đối với du lịch tỉnh Bình Định đây là cụm du lịch phát triển du lịch văn hóa gắn với di tích khởi nghĩa Tây Sơn, bản sắc văn hóa các dân tộc Đông trường Sơn và sinh thái núi khu vực phía Tây tỉnh.
Hướng phát triển tập trung ở bảo tàng Quang Trung với các loại hình sau :
– Tham quan, nghiên cứu, giáo dục
– Trung tâm luyện võ và các hoạt động du lịch.
– Văn hóa dân tộc.
– Sinh thái Hầm Hô.v.v…
Ngoài ra phát triển cụm phụ trợ Định Bình – Vĩnh Sơn phía Tây Bắc.
4) Trung tâm phát triển du lịch
Thành phố Quy Nhơn, đô thị loại I, trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của tỉnh giữ vai trò là trung tâm du lịch tỉnh và giữ via trò là một trong những trung tâm du lịch của vùng DHNTB.
5) Phát triển tuyến du lịch
Tăng cường liên kết phát triển du lịch với địa phương trong vùng, các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương khác vùng dựa trên hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy.
– Đường bộ: Phát triển các tuyến theo quốc lộ IA, quốc lộ 19; tuyến đường bộ ven biển.
– Đường sắt: Phát triển tuyến Bắc – Nam.
– Đường không: Với các trung tâm du lịch lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
– Đường biển: Tuyến du lịch với các địa phương ven biển trên cả nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh liên kết các cụm du lịch:
Tuyến du lịch Thành phố Quy Nhơn – Tây Sơn để gắn kết du lịch văn hóa với du lịch sinh thái biển và sinh thái núi.
Tuyến du lịch Thành phố Quy Nhơn – Hoài Nhơn – vùng phụ cận để khai thác các điểm du lịch gắn liền với biển, đảo.
Tuyến du lịch Thành phố Quy Nhơn – Tây Sơn – Vĩnh Thanh. Khai thác phát triển du lịch sinh thái phía Tây.
Tuyến du lịch Thành phố Quy Nhơn – Hoài Nhơn – An Lão.
Về giải pháp thực hiện
Để đạt được mục tiêu đề ra, quy hoạch cũng cần đề xuất các nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu. Với quy hoạch phát triển du lịch Bình Định cần thiết phải thực hiện đồng bộ hệ thống các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, về quản lý, về đầu tư, về thị trường, về tuyên truyền quảng bá, về đào tạo nhân lực, về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.v.v…trong đó xác định các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, về đầu tư, về phát triển nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt trong giai đoạn hiện nay.
1) Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách
Trên cơ sở Luật Du lịch và các luật liên quan, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực về đầu tư, về đào tạo nhân lực, thị trường, về xã hội hóa…nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc thù và có tính cạnh tranh cao gắn với biển và đảo.
2) Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư
Tập trung huy động các nguồn vốn thực hiện mục tiêu phát triển du lịch với nhiều hình thức huy động khác nhau trên quan điểm huy động từ nguồn nội lực là chủ yếu, sử dung nguồn vốn ngân sách hợp lý để kích thích các nguồn vốn khác, thực hiện xã hội hóa, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của các ngành liên quan.v.v…
Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước (kể cả ODA) cho phát triển du lịch trong các lĩnh vực như hạ tầng khung các khu du lịch (tập trung cho khu du lịch Phương Mai), đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá…
Huy động tối đa các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế (cả FDI) đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển du lịch. Huy động triệt để nguồn lực tài chính trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước để đảm bảo đủ nguồn vốn với cơ cấu khoảng 90% nhu cầu vốn đầu tư cho du lịch từ khu vực tư nhân.
3) Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, cơ cấu phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch chất lượng cao.
Khuyến khích các lao động có chất lượng về làm việc tại địa phương.
Ngoài ra, trong điều kiện phát triển hiện nay việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng cũng là giải pháp quan trọng đối với du lịch Bình Định nhằm phát huy lợi thế vị trí du lịch của mình./.
Sơ đồ tổ chức không gian du lịch tỉnh Bình Định