Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung trong liên kết phát triển vùng

            Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phân định duyên hải miền Trung thành (1) vùng du lịch Bắc Trung bộ (gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) và (2) vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ (gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận). Nét tương đồng và đặc trưng cơ bản của duyên hải miền Trung là du lịch biển, đảo gắn với các di sản văn hóa đặc sắc và hệ sinh thái đa dạng. Vốn là vùng đất có nhiều khó khăn, xa xôi, thiên tai triền miên, nhưng từ cuối những năm 90, khi chính sách được đổi mới, điều kiện hạ tầng được cải thiện, đầu tư mở rộng… du lịch duyên hải miền Trung trở lên hấp dẫn thị trường du lịch gần, xa và đang nổi lên là điểm sáng của du lịch Việt Nam. Ngành du lịch của nhiều tỉnh như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận đã khẳng định vị trí then chốt trong cơ cấu kinh tế địa phương. Các tỉnh khác cũng định hướng du lịch là ngành kinh tế quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu tăng trưởng vừa qua bộc lộ nhiều yếu kém thể hiện trong chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch, quản lý tài nguyên và phát triển bền vững. Vì vậy, liên kết giữa các tỉnh đang trở lên cấp bách và là giải pháp then chốt để thúc đẩy cùng phát triển du lịch đảm bảo mục tiêu hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao. Quy hoạch phát triển du lịch ở mỗi tỉnh và liên tỉnh trong Vùng được đặt ra là yếu tố nền tảng cho liên kết phát triển Vùng.

    1. Quan điểm phát triển du lịch
              Quan điểm chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thập kỷ tới là chuyển hướng từ phát triển theo chiều rộng sang tập trung phát triển theo chiều sâu đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, bền vững có trọng điểm và thương hiệu cạnh tranh, thể hiện:
    a) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
    b) Phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh.
    c) Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
    d) Phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.
    đ) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các vùng, miền trong cả nước. 
              Dựa vào tiềm năng và nguồn lực phát triển du lịch, quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung không nằm ngoài xu hướng chung của cả nước đồng thời cụ thể hóa đối với phát triển các điểm đến và sản phẩm du lịch theo hướng trọng tâm sau: 
    –       Thứ nhất, tạo điểm nhấn: trong vùng và mỗi tỉnh cần tạo điểm nhấn về quy mô và tính chất các hoạt động du lịch.
    Vùng Bắc trung bộ cần làm nổi bật là trung tâm du lịch di sản về văn hóa và sinh thái với cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, thành Nhà Hồ, khu di tích Kim Liên là những điểm nhấn về du lịch văn hóa, lịch sử; vườn quốc gia Phong nha-Kẻ bàng, Bạch Mã, biển Cửa Tùng-Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm là những điểm nhấn về du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo với các đô thị du lịch Huế, Sầm Sơn, Cửa Lò.
    Vùng Duyên hải Nam trung bộ cần tập trung phát triển trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với văn hóa miền biển, di sản văn hóa Chăm, văn hóa Sa Huỳnh với các điểm nhấn như biển Non Nước, Mỹ Khê, Xuân Đài, Phương Mai, Nha Trang, Vân Phong, Đại Lãnh, Mũi Né, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Tháp Chàm, Mỹ Sơn; các đô thị du lịch tập trung như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan thiết.
    Mặt khác, mỗi khu du lịch, điểm du lịch trong Vùng cần được thiết kế quy hoạch, tập trung có ưu tiên đầu tư phát triển tạo thành những điểm nhấn du lịch chuyên đề về văn hóa và sinh thái kết nối với các trung tâm, đô thị du lịch. Sự nổi bật và tính đặc thù cần được khai thác trong yếu tố văn hóa địa phương tạo dấu ấn cho mỗi địa danh du lịch và hình thành thương hiệu điểm đến và thương hiệu du lịch chung của Vùng.
    –       Thứ hai, phong cách đặc trưng: phát triển ý tưởng sản phẩm theo phong cách đặc trưng riêng, tạo sự khác biệt dựa vào thế mạnh nổi trội và đặc thù về yếu tố tự nhiên và văn hóa của mỗi địa phương. Sản phẩm du lịch được hình thành và thiết kết theo ý tưởng riêng đối với từng phân khúc thị trường. Giữa các tỉnh trong vùng cần có sự xem xét thống nhất và phân công khi xác định sản phẩm đặc trưng của tỉnh mình và của các khu du lịch cụ thể. Những yếu tố tương đồng về tài nguyên cần phát huy trở thành chi tiết sản phẩm bổ trợ, tránh sự trùng lặp và sao chép lẫn nhau. Yếu tố đặc trưng của sản phẩm du lịch có thể tìm thấy trước hết trong văn hóa bản địa, sản vật địa phương, sinh thái đặc thù và phong cách phục vụ; Cần có sự xem xét đánh giá về sự tương thích giữa sản phẩm du lịch với yếu tố bản địa (locality) và với thị trường mục tiêu. Trên cơ sở đó mỗi tỉnh xây dựng chuỗi các sản phẩm đặc trưng và bổ trợ cho các tỉnh bạn hình thành những sản phẩm đặc trưng của vùng.   
    –       Thứ ba, sản phẩm liên hoàn: Nhấn mạnh quy trình kết nối giữa các yếu tố của sản phẩm du lịch và giữa các sản phẩm du lịch độc lập để tạo thành hệ thống sản phẩm du lịch liên hoàn. Các tuyến du lịch đặc sắc, liên hoàn kết nối các khu, điểm du lịch trong Vùng trong chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ của các chuyến du lịch trong Vùng. Những yếu tố tương đồng về sản phẩm du lịch được thiết kế có khả năng thay thế nhau; những yếu tố khác biệt về sản phẩm du lịch được thiết kế bổ sung cho nhau. Quy hoạch phân cụm, nhóm sản phẩm du lịch vừa đảm bảo khả năng thay thế vừa đảm bảo tính bổ sung định dạng thành những chuỗi sản phẩm liên hoàn với khả năng thay đổi và làm mới liên tục tùy thuộc nhu cầu thị trường. Chẳng hạn du lịch văn hóa Cung đình Huế, tham quan Cố đô có thể thay thế với Đền tháp Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ đồng thời được bổ sung làm mới và liên hoàn với nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng, Lăng Cô; Nghỉ dưỡng biển Nha Trang có thể thay thế với Mũi Né nhưng được bổ sung làm mới bằng văn hóa Chăm, nặn biển, du thuyền trên các đảo và các sự kiện… Sự liên hoàn trong quy hoạch phát triển sản phẩm đòi hỏi sự liên kết để tạo nên sự phong phú, luôn luôn mới, hấp dẫn, làm tăng giá trị sản phẩm và thu hút khách đến nhiều lần, lưu lại dài ngày và sử dụng nhiều dịch vụ.
    –       Thứ tư, tính phân biệt: kết hợp cả hai quan điểm phát triển sản phẩm đặc trưng và liên hoàn đặt ra yêu cầu đảm bảo sự phân biệt xuất phát từ sự khác biệt trong nhu cầu các phân đoạn thị trường khác nhau. Quan điểm “thị trường nào sản phẩm ấy” vừa có yếu tố đặc trưng vừa đảm bảo tỉnh liên hoàn nhưng trong cùng một loại hình du lịch, cùng một không gian du lịch cần thiết quy hoạch các khu, điểm, dịch vụ khác nhau phục vụ các đối tượng khách khác nhau. Sự phân biệt thể hiện trong chi tiết thiết kế sản phẩm, phong cách phục vụ, phương thức tiêu dùng dịch vụ, chất lượng và giá dịch vụ. Quan điểm phân biệt thể hiện trong quy hoạch du lịch cả về không gian và thời gian, chẳng hạn khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp không thể lẫn lộn đan xen trong khu dịch vụ bình dân, ồn ào, xô bồ; khu tập trung đón khách cao tuổi nghỉ dài ngày không thể bị phá vỡ bởi sự “hip hop” của giới trẻ; phong cách sinh thái phải phân biệt với kiểu du lịch đại chúng; thiết kế quy hoạch khu tâm linh không thể chộn lẫn với các loại hình dịch vụ đa tạp…

    2. Mục tiêu phát triển
    a) Mục tiêu chung
    – Tăng thu nhập từ hoạt động du lịch: lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế là trọng tâm, coi trọng chất lượng tăng trưởng, không chạy theo số lượng mà kiểm soát số lượng tương xứng với quy mô, sức chứa đảm bảo chất lượng ổn định, và bền vững về xã hội và môi trường; Đối với các tỉnh duyên hải miền Trung hiệu quả thu nhập từ hoạt động du lịch phải mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư đồng thời góp phần gìn giữ tài nguyên biển và văn hóa bản địa.
    – Đảm bảo sự hài lòng của khách du lịch: hoạt động du lịch đặt mục tiêu hướng đến việc gia tăng giá trị trải nghiệm của khách trong từng hoạt động du lịch làm phương châm hành động để xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch, tổ chức dịch vụ đón tiếp phục vụ đáp ứng nhu cầu, mong đợi của khách. Phát triển các công trình, dịch vụ du lịch gắn liền với việc từng bước không ngừng nâng cao chất lượng thụ hưởng, giá trị trải nghiệm du lịch của du khách. Chỉ số hài lòng của khách du lịch là mục tiêu cần đạt được của mỗi tỉnh, mỗi khu, điểm du lịch và doanh nghiệp du lịch.
    Tạo dựng thương hiệu du lịch cạnh tranh: chỉ tiêu tổng thể của phát triển đánh giá bằng sức cạnh tranh của Vùng và thể hiện ở những thương hiệu nổi bật về điểm đến, sản phẩm, khu, tuyến, điểm du lịch và trên cơ sở đó hình thành thương hiệu du lịch Vùng duyên hải Miền Trung. Những thương hiệu điểm đến cần tập trung bồi dưỡng và phát triển như Huế, Hội An, Bà Nà, Nha Trang, Mũi Né, Vinpealand…
    Trong quy hoạch phát triển du lịch của từng địa phương cần xác định mục tiêu phát triển cụ thể dựa trên tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng dân cư của tỉnh và phù hợp với mục tiêu phát triển chung của Vùng.
    b) Một số chỉ tiêu phát triển
    Về khách du lịch: Dự báo đến năm 2015, vùng Bắc trung bộ sẽ đón tiếp và phục vụ 1,64 triệu lượt khách quốc tế và 11,44 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2020 đạt 2,27 triệu lượt khách quốc tế và 15 triệu lượt khách nội địa chiếm 8,1% trong cơ cấu ngày khách quốc tế và 11,6% trong cơ cấu ngày khách du lịch nội địa.
    Vùng Duyên hải Nam trung bộ đến năm 2015 đón tiếp và phục vụ 3,3 triệu lượt khách quốc tế và 11,40 triệu lượt khách nội địa; năm 2020 đạt 4,7 triệu lượt khách quốc tế và 14,9 triệu lượt khách nội địa, chiếm 22% thị phần cơ cấu  ngày khách quốc tế và 10,9% cơ cấu ngày khách nội địa.
    – Về tổng thu du lịch: mục tiêu đến năm 2015, tổng thu từ du lịch của vùng Bắc trung bộ ước đạt trên 22 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,028 tỷ USD) đến năm 2020 ước đạt gần 40 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,88 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân 13,1%/năm giai đoạn 2011-2015 và 12,8%/năm giai đoạn 2016-2020.
    Vùng Duyên hải Nam trung bộ đến năm 2015 tổng thu từ du lịch ước đạt trên 35 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,77 tỷ USD); đến năm 2020 đạt trên 65 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,1 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân 14,1%/ năm giai đoạn 2011-2015 và 11,6%/năm giai đoạn 2016-2020.
    –       Về cơ sở lưu trú và lao động: đến năm 2015, vùng Bắc trung bộ sẽ có trên 38 ngàn buồng lưu trú với trên 50 ngàn lao động trực tiếp; đến năm 2020 số buồng lưu trú tăng lên 46.700 và số lao động trực tiếp tăng lên 70.000 người.
              Vùng Duyên hải Nam trung bộ đến năm 2015 sẽ có 87 ngàn buồng lưu trú và sử dụng trên 138 ngàn lao động trực tiếp; đến năm 2020 số buồng lưu trú tăng lên 127 ngàn buồng tương ứng với số lao động trực tiếp là 191 ngàn người.
     
    Bảng 1. Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ


    TT

    Các chỉ tiêu

    2010

    2015

    2020
    1 Số lượt khách quốc tế (lượt người) 1.177.000 1.640.000 2.276.000
      Ngày lưu trú trung bình (ngày) 2.41 2,54 2,66
      Mức chi tiêu bình quân (USD) 70,0 88,0 105,0
    2 Số lượt khách nội địa (lượt người) 8.920.000 11.443.000 14.980.000
      Ngày lưu trú trung bình (ngày) 1.61 1,65 1,70
      Mức chi tiêu bình quân (USD) 25,0 35,0 49,0
    3 Tổng thu du lịch (triệu USD) 557 1.028 1.883
    4 Lao động trực tiếp (người) 29.240 50.500 70.000
    5 Số lượng buồng lưu trú (buồng) 34.251 38.800 46.700

     
    Bảng 2. Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
     


    TT

    Các chỉ tiêu

    2010

    2015

    2020
    1 Số lượt khách quốc tế (lượt người) 2.240.000 3.310.000 4.726.000
      Ngày lưu trú trung bình (ngày) 3.20 3,45 3,50
      Mức chi tiêu bình quân (USD) 75,0 96,5 112,0
    2 Số lượt khách nội địa (lượt người) 8.440.000 11.400.000 14.900.000
      Ngày lưu trú trung bình (ngày) 1.52 1,55 1,60
      Mức chi tiêu bình quân (USD) 28,0 38,0 51,0
    3 Tổng thu du lịch (triệu USD) 914 1.773 3.068
    4 Lao động trực tiếp (người) 63.560 138.400 191.400
    5 Số lượng buồng lưu trú (buồng) 36.817 87.000 127.600

       Nguồn: Viện NCPT Du lịch
     
    3. Một số định hướng chính
    a) Định hướng sản phẩm và không gian phát triển
    *Vùng Bắc trung bộ
    –  Định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng của vùng du lịch Bắc trung bộ là du lịch di sản gắn với du lịch biển đảo. Khai thác di sản cố đô Huế, Phong Nha-Kẻ Bàng, Thành Nhà Hồ, di tích Kim Liên, di tích Quảng Trị gắn với biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Cừa Tùng-Cửa Việt, Cồn Cỏ, Lăng Cô-Cảnh Dương. Hệ thống sản phẩm hình thành trên nền văn hóa, lịch sử, lối sống địa phương; sản vật địa phương và ẩm thực miền biển.
    – Các địa bàn trọng điểm: 
    + Thanh hóa- Nghệ An- Hà Tĩnh gắn với Thành Nhà Hồ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Kim Liên, biển Thiên Cầm, cửa khẩu Cầu Treo, núi Hồng-sông Lam, Xuân Thành…
    + Quảng Bình-Quảng Trị gắn với Phong Nha-Kẻ Bàng, biển Cử Tùng-Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, cửa khẩu Lao Bảo và hệ thống di tích chiến tranh chống Mỹ.
    + Thừa Thiên-Huế gắn với hệ thống di sản văn hóa cố đô Huế và cảnh quan thiên nhiên Lăng Cô-Cảnh Dương, Bạch Mã, Tam Giang…
    – Hệ thống khu, điểm, đô thị du lịch:
    + Khu du lịch quốc gia: Thiên Cầm, Phong Nha-Kẻ Bàng, Lăng Cô-Cảnh Dương
    + Điểm du lịch quốc gia: Thành Nhà Hồ, Di tích Kim Liên, Thành cổ Quảng Trị, TP Đồng Hới, Lưu niệm Nguyễn Du, vườn quốc gia Bạch Mã
    + Đô thị du lịch: Thành phố Huế, Sầm Sơn, Cửa Lò
    Ngoài ra, chú trọng phát triển các điểm Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng bình), Địa đạo Vịnh Mốc, Cồn Cỏ (Quảng Trị).v.v…
    * Vùng Duyên hải Nam Trung bộ
    – Sản phẩm đặc trưng của vùng Duyên hải Nam trung bộ là du lịch biển, đảo gắn với hệ thống di sản. Khai thác du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo Non Nước, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Nha Trang, Xuân Đài, Phương Mai, Mũi Né, Cù Lao Chàm, Sơn Trà, Lý Sơn gắn với hệ thống di sản Hội An, Mỹ Sơn, tháp Chàm, Lễ hội nghinh ông, liên kết với Huế và văn hóa Tây Nguyên. Hệ thống sản phẩm được hình thành trên nền văn hóa Chăm, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa miền biển gắn với các sản vật và ẩm thực miền biển cùng các sự kiện, lễ hội, du lịch MICE.
    – Các địa bàn trọng đểm du lịch
    + Đà Nẵng-Quảng Nam gắn với Sơn Trà, Non Nước, Hải Vân, Hội An, Mỹ Sơn…
    + Bình Định-Phú Yên-Khành Hòa gắn với các bãi biển Phương Mai, Đầm Ô Loan, vịnh Nha Trang, Cam Ranh…
    + Bình Thuận gắn với biển Mũi Né, đảo Phú Quý…
    – Hệ thống khu, điểm, đô thị du lịch
    + Khu du lịch quốc gia: Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định), vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Bắc Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận)
    + Điểm du lịch quốc gia: Ngũ Hành Sơn, Mỹ Sơn, Lý Sơn, Trường Lũy, Trường Sa, Phú Quý.
    + Đô thị du lịch: Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết
    b) Định hướng chung về đầu tư phát triển
    – Đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo “cú hích” cho du lịch toàn dải ven biển Miền Trung phát triển; tạo ra “hình ảnh du lịch của Miền Trung”; Tránh đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ… Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt ở các địa bàn trọng điểm.
    – Huy động đồng thời nhiều nguồn vốn đầu tư (ngân sách nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh liên kết, cổ phần, tư nhân…), trong đó ưu tiên thu hút và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án lớn cần nhiều vốn, coi trọng thu hút nguồn đầu tư trong nước, trong dân, phát huy tối đa nguồn nội lực để đầu tư phát triển du lịch. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở những khu du lịch trọng điểm quốc gia.
    – Tập trung đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng của Vùng; phát triển các khu du lịch trọng điểm quốc gia; Xây dựng đồng bộ các khu du lịch tổng hợp có quy mô, tầm cỡ lớn để tạo hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Miền Trung
     – Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch ở các khu du lịch trọng điểm theo quy hoạch (hệ thống nhà ga, cảng biển, đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy, hệ thống cấp điện, cấp-thoát nước, hệ thống xử lý chất thải…).
    – Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ và có chất lượng cao (khách sạn, nhà hàng; cơ sở dịch vụ giải trí, thể thao; khu hội nghị, hội thảo quốc tế; phương tiện vận chuyển du lịch; các cơ sở dịch vụ du lịch khác). Trong đó ưu tiên xây dựng các khách sạn, công trình dịch vụ cao cấp có đủ khả năng tổ chức các hội nghị, sự kiện quốc tế lớn.
    – Đầu tư bảo tồn các di sản, di tích; khôi phục và phát triển các lễ hội, các làng nghề truyền thống; đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường cả tự nhiên và nhân văn.
    + Đầu tư cho nghiên cứu thị trường, thông tin, quảng bá, xúc tiến và phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển thương hiệu du lịch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải Nam trung bộ, các thương hiệu điểm đến và thương hiệu sản phẩm du lịch nổi bật.

    4. Giải pháp liên kết phát triển
    Trên cơ sở đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của du lịch mỗi tỉnh đồng thời theo quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển chung của Vùng, một số nội dung liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung cần xem xét:
    –       Liên kết trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển du lịch: chiến lược, quy hoạch và các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch của mỗi tỉnh cần tham khảo và lồng ghép với các tỉnh khác trong Vùng; phát huy hợp lý kinh nghiệm của nhau nhưng đồng thời hạn chế sự ghanh đua, trùng lắp, sao chép máy móc giữa các tỉnh. Quy hoạch phát triển du lịch của mỗi tỉnh cần phải được tham vấn ý kiến các tỉnh khác trong Vùng, hướng tới xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của Vùng.
    –       Liên kết xây dựng sản phẩm đặc trưng Vùng và phát triển thương hiệu du lịch Vùng; liên kết trong huy động nguồn lực, định hướng đầu tư để có sự phân công trong phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, địa bàn du lịch trọng điểm, điểm đến du lịch nổi trội, thương hiệu du lịch cạnh tranh và thương hiệu du lịch Vùng Bắc trung bộ và Vùng Duyên hải Nam trung bộ. 
    –       Liên kết trong triển khai các chương trình, dự án chung của Vùng: nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá, thông tin du lịch (vận hành website chung); phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ các hoạt động liên tỉnh và các sự kiện lớn của Vùng.
    –       Liên kết trong triển khai các chương trình hành động của mỗi tỉnh gắn kết với các tỉnh khác trong Vùng về: phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức thân thiện du lịch.
    –       Liên kết trong kiểm tra, giám sát thực thi chính sách, quy định, tiêu chuẩn của Ngành: giám sát thực hiện quy hoạch, kiểm soát chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn và môi trường; liên kết xử lý những vi phạm và tôn vinh những điển hình có hiệu ứng chung cả Vùng.       
    *Các hình thức, bước đi trong liên kết:
    –       Thành lập Ủy ban liên kết phát triển du lịch Vùng Bắc trung bộ và Vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Thành phần của Ủy ban là lãnh đạo cấp cao của các tỉnh trong Vùng và vai trò định hướng, kết nối của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch).
    –       Thành lập cơ quan điều phối phát triển Vùng làm chuyên trách tham mưu cho Ủy ban liên kết và tổ chức triển khai chương trình hành động liên kết. Cơ quan điều phối có các đầu mối là phòng nghiệp vụ du lịch thuộc các sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.
    –       Ra đời Hiệp hội du lịch Vùng để làm cầu nối liên kết các doanh nghiệp du lịch trong Vùng.
    –       Thành lập Quỹ phát triển du lịch chung của Vùng (là bộ phận cấu thành của Quỹ phát triển Vùng) để huy động nguồn lực tập trung cho triển khai những chương trình, dự án hợp tác liên kết.
    –       Hội nghị thường niên liên kết phát triển du lịch miền Trung là diễn đàn cung cấp thông tin, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tổng kết, đánh giá những mô hình, thành công cần phổ biến nhân rộng.
    –       Hình thành giải thưởng tôn vinh thương hiệu du lịch mạnh của Vùng. 
     
    Kết luận
              Các tỉnh duyên hải Miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Vùng du lịch Bắc trung bộ và Duyên hải Nam trung bộ tập trung nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc và đa dạng cho phép phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đặc trưng nổi bật về nghỉ dưỡng biển, đảo, sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch di sản, du lịch sự kiện và ẩm thực miền biển.
    10 năm trở lại đây, du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung đã chứng kiến bước phát triển vượt bậc trong bối cảnh chung của du lịch cả nước. Các chỉ tiêu về khách, thu nhập, tạo việc làm… đều tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên độ dài ngày lưu trú ngắn và chi tiêu du lịch còn thấp dẫn tới hiệu quả không cao; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lắp giữa các địa phương; quản lý khai thác tài nguyên du lịch chưa thống nhất và hiệu quả thấp, môi trường du lịch chưa thực sự an toàn, hấp dẫn.
             Những thế mạnh phát triển du lịch của duyên hải miền Trung cần phải được phát huy đồng thời với việc khắc phục những điểm yếu hiện tại do vậy đã vượt xa tầm quản lý và nguồn lực của một tỉnh. Từ đó, việc liên kết tạo sức mạnh trong huy động nguồn lực và triển khai các chương trình hành động chung của Vùng trở thành yếu tố quyết định để giải bài toán phát triển du lịch cho duyên hải miền Trung. Liên kết từ trong chiến lược, quy hoạch, chính sách cho tới các chương trình, dự án và hoạt động cụ thể là giải pháp thúc đẩy du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung cùng phát triển./.

    Bài cùng chuyên mục