Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển thương hiệu du lịch vùng du lịch duyên hải Nam trung bộ, vùng Tây Nguyên và vùng Đông nam bộ tạo sức cạnh tranh và thế mạnh trong liên kết phát triển

    6.1.1    Thương hiệu là sự khẳng định của một quá trình phát triển, về những giá trị tiêu biểu tích cực được thị trường ghi nhận. Hiện nay, phát triển thương hiệu là nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia, điểm đến, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng và tiến trình toàn cầu hoá ngày một sâu rộng. Yêu cầu tạo ra sự nhận diện rõ ràng, sức cạnh tranh cao đòi hỏi các quốc gia, các điểm đến, vùng du lịch, địa phương, doanh nghiệp phải quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển thương hiệu. 

        Du lịch Việt Nam cũng xác định việc phát triển thương hiệu là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn phát triển sắp tới, thể hiện qua các quan điểm và mục tiêu và giải pháp của Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn này. Cũng vậy, thực hiện kế hoạch hành động đã được xác định tại Chiến lược, hiện nay Tổng cục Du lịch cũng đang tiến hành xây dựng Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam. Quá trình phát triển du lịch Việt Nam đã sử dụng nhiều logo và slogan và hiện nay đang sử dụng logo slogan “Vẻ đẹp bất tận” để nhận diện thương hiệu và giới thiệu các giá trị quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Thương hiệu du lịch Việt Nam, có thể gọi là thương hiệu du lịch quốc gia được phát triển trên cơ sở sự phát triển lớn mạnh của nhiều thương hiệu nhánh có vai trò hết sức quan trọng. Đó là thương hiệu các vùng du lịch, các địa phương, địa danh, các doanh nghiệp du lịch.
        Trong giai đoạn phát triển du lịch hiện nay, các vùng du lịch, các địa phương đã dần hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch, định hình dần những hình ảnh về du lịch. Sự liên kết giữa các địa phương trong mỗi vùng cũng được đẩy mạnh và là nhu cầu phát triển hiện nay, phù hợp với bối cảnh và trình độ phát triển của du lịch Việt Nam. Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đã đặt ra các giải pháp phát triển du lịch theo 7 vùng du lịch rõ rệt phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển hiện nay. Điều này cũng phù hợp với việc đẩy mạnh vai trò của các Vùng du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp tại các địa phương để phát triển mạnh thành các điểm đến với các thương hiệu riêng lớn mạnh, tham gia vào như các trụ cột quan trọng của thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung
        Như vậy có thể thấy, vai trò và việc phát triển thương hiệu du lịch Vùng, đối với thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam là rất quan trọng. Một mặt nhằm đẩy mạnh sự phát triển và hình thành rõ nét được các thương hiệu nhánh, định hình rõ các vùng, mặt khác là cột trụ vững chãi cho quá trình phát triển thương hiệu quốc gia.
        1. Định hướng phát triển thương hiệu du lịch Vùng duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên và Đông nam bộ
        Đặc điểm tài nguyên du lịch Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển đã nổi lên tương đối rõ nét các sản phẩm du lịch có tính đặc trưng cho từng vùng du lịch; Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhấn mạnh vào việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng, hoạch định chi tiết việc phát triển du lịch của các vùng. Các quy hoạch vùng xây dựng chi tiết hóa các nội dung phát triển ở mỗi Vùng, một số đã được phê duyệt, một số đang tiến hành xây dựng và trình phê duyệt. Chương trình hành động quốc gia về du lịch cũng đang triển khai xây dựng các đề án phát triển du lịch đặc thù cho từng vùng. Hiện nay, du lịch Việt Nam đang xúc tiến mạnh cho việc phát triển 4 dòng sản phẩm chính trong đó có 3 dòng được xác định tại Chiến lược là du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái và dòng du lịch thành phố mới được bổ sung để xúc tiến xây dựng thương hiệu.
        Tài nguyên tại các vùng du lịch của Việt Nam hết sức phong phú, đa dạng nhưng để thực hiện phát triển thương hiệu, cần được chọn lọc và xác định trên bình diện tổng thể cả nước các giá trị và sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng nhất của từng vùng. Qua những nghiên cứu, đánh giá, qua các định hướng của Quy hoạch, Chiến lược, có thể nhìn nhận về các vùng du lịch duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên và Đông nam bộ như sau:
       – Thương hiệu sản phẩm du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ gắn với các giá trị đặc trưng về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo.
       – Thương hiệu sản phẩm du lịch vùng Tây Nguyên gắn với các giá trị đặc trưng về du lịch sinh thái núi và bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
       – Thương hiệu sản phẩm du lịch vùng Đông Nam Bộ gắn với hình ảnh và giá trị đặc trưng là du lịch đô thị và du lịch MICE.
        Định hướng phát triển thương hiệu du lịch vùng nhằm mục tiêu tổ chức quản lý tại các vùng, địa phương theo cấu trúc vững mạnh, hình thành rõ nét các thương hiệu vùng.
        a) Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
       + Hình ảnh và thương hiệu vùng
        Hình ảnh chủ đạo của vùng: Các bãi biển cát trắng trải dài, nắng trong và biển xanh.
        Giá trị cốt lõi thương hiệu: “Những kỳ nghỉ dài với bờ biển dài, cát trắng, biển xanh đến bất tận”.
       Mặc dù vùng duyên hải Nam trung bộ có nhiều giá trị quan trọng khác, như hệ thống di sản văn hoá thế giới…, nhưng giá trị nổi trội quan trọng nhất, có tính cạnh tranh lớn, tính đại diện và tính nhận diện lớn nhất của vùng để phân biệt với các vùng khác trong cả nước và cả ra quốc tế thì các giá trị lớn về tài nguyên du lịch biển được coi là các giá trị đại diện cho thương hiệu du lịch vùng.
       + Cấu trúc thương hiệu:
       Thương hiệu du lịch biển, đảo của vùng duyên hải Nam trung bộ được hình thành trên cơ sở thương hiệu của các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp (các khu resort ven biển Mỹ Khê, Mũi Né, Nha Trang và các đảo ven bờ…), thương hiệu của các dải nghỉ dưỡng ven biển với các cảnh quan còn hoang sơ và lãng mạn (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận…), của các điểm tổ chức các hoạt động giải trí và thể thao biển (Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hoà..).
        Bên cạnh đó, các giá trị thương hiệu biển, đảo vùng duyên hải Nam Trung bộ còn được nhận biết bởi các giá trị văn hoá, di sản, tập tục và sinh hoạt truyền thống, ẩm thực gắn với biển. Đây là những giá trị nhận biết tiêu biểu nhất hình thành nên thương hiệu du lịch vùng mà mỗi địa phương với vai trò của mình trong mỗi giá trị (nghỉ dưỡng biển cao cấp hay nghỉ dưỡng biển hoang sơ, đô thị biển, thể thao biển hay tìm hiểu văn hoá ven biển) cần định hướng rõ để phát triển thương hiệu du lịch của địa phương nhằm làm rõ được thương hiệu du lịch chung của vùng. Các thương hiệu theo các giá trị chính và bổ trợ là các thương hiệu nhánh hình thành thương hiệu chung của vùng. Các thương hiệu nhánh của vùng gồm:
         Thương hiệu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển: là một thương hiệu quan trọng, đặc biệt với thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Đây cũng là sản phẩm chủ đạo tạo ra động cơ du lịch của khách. Với ba thương hiệu về sản phẩm du lịch biển: nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng khám phá các khu biển hoang sơ và thể thao biển.
        Thương hiệu sản phẩm du lịch di sản: kết hợp tìm hiểu các giá trị di sản phố cổ Hội An, Mỹ Sơn. Sản phẩm này thuộc dòng sản phẩm văn hóa và có tầm quan trọng không kém.
         Thương hiệu du lịch văn hoá -tìm hiểu lối sống: tìm hiểu cuộc sống dân cư ven biển, các làng chài là những phần của sản phẩm du lịch văn hóa.
         Thương hiệu du lịch văn hoá gắn với ẩm thực: thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản, các loại mắm nêm đặc trưng của vùng tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ.

    6.2   

    b) Vùng Tây Nguyên
        + Hình ảnh và thương hiệu vùng
         Hình ảnh chủ đạo của vùng: Người dân tộc Ê Đê trên lưng voi giữa núi rừng xanh ngàn, đất đỏ – sản phẩm du lịch sinh thái núi và bản sắc văn hóa dân tộc.
         Giá trị cốt lõi thương hiệu: “nét văn đặc trưng đậm nét của dân tộc giữa núi rừng Tây Nguyên hung vĩ bạt ngàn”
        + Cấu trúc thương hiệu:
        Thương hiệu du lịch vùng Tây Nguyên được nhận diện tốt nhất bởi những giá trị và hình ảnh về sự phong phú của thiên nhiên trong những bản sắc văn hoá đậm nét của các dân tộc thiểu số. Những giá trị đó cũng được củng cố bởi nhiều giá trị của các thương hiệu về các sản phẩm du lịch tiêu biểu khác.
        Ngoài thương hiệu chính của du lịch vùng, chính hình ảnh và các thương hiệu nhánh trong vùng cần được xây dựng để củng cố các giá trị thương hiệu chung của vùng. Đó là:
         Du lịch sinh thái: hệ sinh thái phong phú tạo ra nhiều hoạt động và trải nghiệm quan trọng về du lịch sinh thái hấp dẫn và khác biệt với các vùng du lịch khác.
         Du lịch tìm hiểu văn hóa, đời sống: các giá trị văn hoá bản địa, không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, hoạt động sinh hoạt cộng đồng của dân tộc thiểu số.
         Nghỉ dưỡng núi: là một thương hiệu quan trọng, đặc biệt với thị trường khách du lịch nội địa. Sản phẩm đặc trưng này đã có quá trình phát triển và hình thành thương hiệu. Cần có những biện pháp duy trì, thúc đẩy để quảng bá cho thương hiệu sản phẩm du lịch này nằm trong hệ thống thương hiệu vùng và đặc trưng trên cả nước.
         Du lịch dựa vào thiên nhiên: đây là một nhánh thương hiệu du lịch sinh thái với hình ảnh hoạt động du lịch tham quan thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
         Du lịch lễ hội: phát huy các giá trị và sức mạnh thương hiệu đã định hình là festival Cà phê, festival hoa Đà Lạt, Festival Cồng chiêng Quốc tế.
         Du lịch sinh thái nông nghiệp: với thiên nhiên trù phú và nhiều sản vật quý, hình ảnh của các sản vật, sản phẩm của địa phương giữa văn hóa, đời sống và thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ là những yếu tố hình ảnh hết sức phong phú và hấp dẫn để hình thành thương hiệu. Mỗi địa điểm sinh thái nông nghiệp là một thương hiệu để hình thành thương hiệu sản phẩm sinh thái nông nghiệp. Thương hiệu sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng sẽ là những thương hiệu nhánh hỗ trợ cho hình ảnh và thương hiệu chính của vùng.
        Hình ảnh và thương hiệu du lịch cũng cần dựa vào các thương hiệu đã thành danh của địa phương: Cà phê Trung Nguyên, Cà phê Buôn Ma Thuột, …
        c) Vùng Đông nam bộ
        + Hình ảnh và thương hiệu vùng
         Hình ảnh chủ đạo của vùng: sức sống hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh và các hoạt động đô thị, MICE.
         Giá trị cốt lõi thương hiệu: “sự năng động và hợp thời của đô thị hiện đại với dáng dấp đầy quyến rũ”
        + Cấu trúc thương hiệu:
        Thương hiệu du lịch vùng Đông nam bộ được hình thành chủ yếu với các giá trị trải nghiệm đô thị và cuối tuần. Thương hiệu vùng cũng được nhìn nhận bởi thương hiệu nhánh về du lịch MICE.
         Sản phẩm du lịch đô thị: là một thương hiệu quan trọng, đặc biệt với thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các sản phẩm vui chơi giải trí, các hoạt động du lịch về đêm, các hoạt động văn hóa đương đại, du thuyền trên sông Sài Gòn.
         Sản phẩm du lịch MICE: hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi về hội họp vào loại bậc nhất ở Việt Nam và có thể cạnh tranh được với nhiều nước trong khu vực về tổ chức loại hình du lịch MICE.
         Sản phẩm du lịch cuối tuần: Vui chơi giải trí ở các trung tâm lớn như Suối Tiên, Đại Nam; tìm hiểu lịch sử cách mạng ở Củ Chi; du lịch tâm linh ở Tây Ninh; du lịch nghỉ biển cuối tuần ở Vũng Tàu.
        2. Vai trò và vị trí của thương hiệu du lịch vùng duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên và Đông nam bộ đối với việc phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam
        a) Vai trò, vị trí của thương hiệu vùng đối với phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam
        Thương hiệu du lịch quốc gia được xây dựng vững mạnh từ việc phát triển tập trung các sản phẩm thể hiện các giá trị cốt lõi thương hiệu và xúc tiến quảng bá nó nhưng cũng từ việc phát triển cấu trúc thương hiệu vững mạnh. Cấu trúc thương hiệu chính là khung định hướng để phát triển thương hiệu theo một thể thống nhất trên cơ sở phát huy có hệ thống các giá trị cốt lõi thương hiệu, Cấu trúc thương hiệu cũng định hướng toàn bộ các kế hoạch truyền thông và quản trị thương hiệu. Cấu trúc thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam bao gồm thương hiệu các vùng du lịch, thương hiệu các địa phương trong mỗi vùng và thương hiệu của các doanh nghiệp lớn ở mỗi địa phương trong vùng.
        Với những định hướng phát triển này thì nên phát triển cấu trúc thương hiệu du lịch Việt Nam trên cơ sở phát triển vùng và phát triển sản phẩm. Trong đó, thương hiệu du lịch mỗi vùng được xác định trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng.

    2.1

        Hướng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam có thể thấy theo sơ đồ dưới đây, các dòng sản phẩm du lịch được xây dựng thương hiệu gắn với các vùng trên không gian lãnh thổ cả nước làm nổi lên thương hiệu du lịch Việt Nam.

    2.2

        Theo đó thì thương hiệu các vùng duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên và Đông nam bộ chiếm những vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung. Cụ thể:
        – Thương hiệu vùng du lịch duyên hải Nam trung bộ:
         Thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng biển là một trụ cột quan trọng của thương hiệu du lịch biển của Việt Nam. Có sự khác biệt hoàn toàn với các thương hiệu sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh biển ở Hạ Long.
        – Thương hiệu du lịch vùng Tây Nguyên:
         Thương hiệu du lịch sinh thái núi rừng Tây Nguyên nằm trong nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái Việt Nam, là một trụ cột quan trọng và là thương hiệu nhánh của thương hiệu du lịch sinh thái của Việt Nam. Là một thương hiệu độc lập chính nằm ngang với thương hiệu du lịch sinh thái núi cao Tây bắc.
         Thương hiệu du lịch văn hóa bản địa các dân tộc Tây Nguyên là thương hiệu độc lập chính nằm ngang với thương hiệu văn hóa dân tộc các tỉnh vùng núi phía Bắc và là một trong những nhánh và hình ảnh quan trọng của hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa của Việt Nam.
        – Thương hiệu du lịch vùng Đông nam bộ:
         Là đại diện chính cho thương hiệu du lịch đô thị và du lịch MICE của Việt Nam.
        3. Một số vấn đề cần quan tâm về phát triển thương hiệu và liên kết phát triển thương hiệu du lịch vùng du lịch duyên hải Nam trung bộ, vùng Tây Nguyên và vùng Đông nam bộ
        Việc phát triển thương hiệu là nhiệm vụ rất mới mẻ trong thực tế quản lý nhà nước ở Việt Nam, đặc biệt là đối với ngành du lịch. Tuy vậy thì đây lại là nhiệm vụ cần thiết trong yêu cầu phát triển của bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy cần có sự tập trung phát triển một cách bài bản và hiệu quả.
        Thương hiệu không thể hình thành một sớm một chiều mà là sự hình thành của cả một quá trình. Thương hiệu là sự hình thành trong nhận thức của thị trường từ trải nghiệm thực tế hoặc thông tin có được. Quá trình hình thành nhận thức này cũng có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng làm cho nhận thức trở thành tích cực hoặc tiêu cực. Với những đặc điểm này thì việc phát triển thương hiệu cần có sự tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng nhất: truyền thông, xúc tiến quảng bá các giá trị thương hiệu và quản lý phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với các giá trị thương hiệu, tránh sự sai lệch về thông tin và ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu. Tiếp nữa, quá trình chuyển tải thông tin, truyền thông, xúc tiến quảng bá cần thực hiện theo các nguyên tắc trung thực – nhất quán – thường xuyên – có lộ trình.
        Đặc biệt, phát triển thương hiệu du lịch vùng cần sự tham gia của các địa phương, đòi hỏi sự cam kết – sự phối hợp – sự thống nhất. Các nguyên tắc đã được nêu về tính nhất quán, thường xuyên và có lộ trình khi triển khai ở từng địa phương để đảm bảo được sự nhất quán và thường xuyên về thông tin truyền thông là hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi sự cam kết, tính phối hợp cao và sự thống nhất chung giữa các địa phương trong vùng.
        Một nội dung cần chú trọng nữa là việc chuyển tải thông tin, thông điệp khi truyền thông, xúc tiến quảng bá, từ nội dung đến phương thức cần phải lưu ý đối với từng đối tượng cần sử dụng khác nhau phù hợp vào tâm lý và thói quen riêng của từng đối tượng, khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa, cộng đồng địa phương.
        Để phát triển thương hiệu thường các địa phương chỉ chú trọng việc xúc tiến quảng bá ra nước ngoài, tức là chủ yếu đối với thị trường và tập trung vào thị trường khách du lịch quốc tế, trong đó thường quên mất thị trường rất quan trọng là thị trường khách du lịch nội địa với xu hướng du lịch rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Một đối tượng quan trọng nữa mà các địa phương thường hoàn toàn bỏ qua, đó là các hoạt động và đối tượng truyền thông nội bộ. Truyền thông nội bộ là việc xây dựng thương hiệu và hiểu biết và tự hào thương hiệu trong chính những người làm du lịch, những người làm các đơn vị liên quan, trong cộng đồng địa phương ở các điểm đến. Bản thân những người làm, bản thân cộng đồng phải hiểu, nhận biết được, tự đánh giá được và tự hào về các giá trị thương hiệu nơi mình sinh sống và sở hữu thì mới tham gia vào việc phát triển được thương hiệu này với thị trường khách. Các hình thức truyền thông nội bộ cũng cần thực hiện khác với truyền thông ra thị trường.
    Một trong những cách làm hiệu quả để phát triển thương hiệu là việc phát huy các thương hiệu đã được định hình của vùng có liên quan đến du lịch để phát huy trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu du lịch vùng. Ví dụ sử dụng những thương hiệu khu vui chơi giải trí (Đại Nam), địa danh (vịnh Nha Trang – vịnh đẹp thế giới), thương hiệu sản vật (Cà phê Trung Nguyên), thương hiệu lễ hội (festival hoa Đà Lạt)… là những thương hiệu đã được thị trường nhìn nhận, đã có một thị trường nhất định làm những điểm nhấn trong quá trình giới thiệu thông tin để có thể lan toả nhanh hơn thông tin, mở rộng thị trường và tạo sự ghi nhận về thương hiệu du lịch vùng.
         Tiếp nữa là cần liên kết với các ngành, lĩnh vực để quảng bá thương hiệu du lịch trong các sự kiện và hoạt động của các ngành lĩnh vực mà có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực cho thương hiệu du lịch, sử dụng tầm ảnh hưởng của những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng như những người nổi tiếng để ủng hộ, giới thiệu cho các giá trị thương hiệu du lịch vùng, tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng có khả năng tạo sức lan toả cho thương hiệu du lịch vùng.
        Cuối cùng là yêu cầu rất quan trọng đối với việc phát triển thương hiệu du lịch, đó là công tác quản trị thương hiệu. Việc quản trị thương hiệu là hoạt động mới mẻ đối với thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về du lịch. Đặc biệt, đối với thương hiệu du lịch vùng mà ở Việt Nam không có cơ quan hành chính quản lý cấp vùng. Chính vì vậy, cần phải bổ sung thêm nhiệm vụ và nâng cao năng lực cho cán bộ của các Trung tâm xúc tiến du lịch hoặc phòng Nghiệp vụ du lịch của các địa phương trong các vùng về công tác quản trị thương hiệu. Quản trị thương hiệu giúp việc giám sát thực hiện các kế hoạch phát triển thương hiệu, nghiên cứu thị trường định kỳ tìm hiểu về các nhận định của thị trường về thương hiệu để có sự điều chỉnh khi cần thiết, lập kế hoạch và ngân sách trong thời gian tiếp theo, phối hợp với các địa phương khác trong vùng để thực hiện phát triển thương hiệu du lịch của địa phương và của cả vùng. Các địa phương trong vùng mỗi vùng cũng cần nghiên cứu các phương án để cùng bàn thảo, thống nhất hình thành cơ quan điều phối du lịch vùng để làm đơn vị đầu mối kết nối các địa phương và thực hiện công tác phát triển thương hiệu du lịch vùng.
        Tóm lại, vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên và vùng Đông nam bộ là các vùng du lịch quan trọng của Việt Nam, có những đặc điểm tài nguyên độc đáo, tiêu biểu, hấp dẫn khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch các vùng này để làm nổi rõ các giá trị tiêu biểu không những có khả năng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ trong mỗi vùng, tạo sức cạnh tranh cao mà còn tạo ra những thế mạnh và cân bằng trong mối liên kết liên vùng, từng bước thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của du lịch Việt Nam./.

     

    TS. Đỗ Cẩm Thơ – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục