Phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam – hướng phát triển và hội nhập quốc tế ngành du lịch
1. Vị trí vai trò của du lịch biển trong phát triển kinh tế biển
+ Du lịch là một trong năm ngành kinh tế biển quan trọng
Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200km, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển. Các bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam với khoảng 125 bãi tắm đẹp cả lớn và nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển được xếp hạng trên thế giới. Bờ biển Việt Nam cũng có gần 50 vũng vịnh lớn nhỏ, trong đó có nhiều vịnh được đánh giá cao trên thế giới như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) và vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), vịnh Xuân Đài (Phú Yên). Với 2.773 đảo lớn nhỏ ven bờ, riêng hơn 2.000 thuộc Vịnh Hạ Long với các hình thái địa hình đặc biệt – địa hình karst ngập nước, được du khách quốc tế biết đến như một kỳ quan của tạo hoá. Bên cạnh đó, biển đảo Việt Nam cũng có tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú, đặc biệt như VQG Bái Tử Long, VQG Cát Bà, VQG Côn Đảo VQG Phú Quốc. 6 khu dự trữ sinh quyển nằm ở dải ven biển là những nơi có nguồn tài nguyên sinh thái phong phú, nằm ở rừng ngập mặn Cần Giờ, quần đảo Cát Bà, vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, vùng biển đảo Kiên Giang, Cù Lao Chàm, và VQG Cà Mau. Hệ đa dạng sinh học cũng phong phú ở 29 khu bảo tồn thiên nhiên biển. Ngoài ra, ở dải ven biển còn có 1.013 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 195 lễ hội dân gian truyền thống, trên 150 làng nghề. Các tài nguyên du lịch biển này đang được khai thác, phục vụ phát triển du lịch, thu hút lượng khách đông đảo đến khu vực các tỉnh ven biển Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, du lịch các tỉnh ven biển đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu từ du lịch của cả nước. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch trong vòng 15 năm trở lại đây giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng liên tục và hiện nay chiếm gần 80% tổng lưu lượng khách trên cả nước. Khách du lịch nội địa chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi lại trên toàn quốc.
Trong những năm gần đây, du lịch ngày càng khẳng định sự đóng góp quan trọng cùng các ngành kinh tế biển khác như hàng hải, thủy sản, dầu khí, vận tải biển. Chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định đến 2020, cần“phát triển có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển gồm: khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển”. Chiến lược cũng nêu “trước mắt sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch biển” và một số ngành dịch vụ mũi nhọn khác. Du lịch là một ngành có lợi thế quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu nhập ngoại tệ. Hoạt động du lịch được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ, không chỉ các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí mà còn kích thích tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ các loại hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho du khách, hàng hóa tiêu dùng, sản vật và đồ lưu niệm trong nước tạo ra tính lan tỏa của hiệu ứng kinh tế.
+ Du lịch biển là một trong những hướng ưu tiên phát triển về sản phẩm du lịch trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt coi các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng hàng đầu, trong đó hướng ưu tiên lớn nhất là tập trung phát triển dòng sẩn phẩm du lịch biển, đảo. Với các thế mạnh nổi trội về tiềm năng du lịch biển, các sản phẩm du lịch biển đảo trong tương lai sẽ mang đến cơ hội cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế đến với du lịch Việt Nam.
Chiến lược phát triển du lịch nêu: “Phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch biển cạnh tranh khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển; xây dựng khu du lịch biển có quy mô, tầm cỡ khu vực và quốc tế, chất lượng cao, khu giải trí cao cấp, bổ sung các sản phẩm du lịch thể thao biển và sinh thái biển”. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung chi tiết định hướng phát triển du lịch biển, đảo trên toàn quốc.
+ Du lịch không chỉ là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mà còn được coi là ngành ngoại giao thứ hai có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế
Với đặc điểm về sự giao lưu quốc tế rộng rãi thông qua việc thu hút, đáp ứng thị trường khách du lịch quốc tế đông đảo, phát triển du lịch đi đôi với việc mở rộng, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, đưa các nền văn hóa lại gần với nhau hơn. Hoạt động du lịch giúp tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, giúp khách du lịch hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam. Nhiều giá trị tích cực trong hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được khám phá nhanh chóng thông qua các trải nghiệm du lịch, qua quá trình khách du lịch tham quan thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống cộng đồng các địa phương. Nhiều địa danh du lịch của Việt Nam được các tổ chức, tạp chí quốc tế vinh danh, bầu chọn đã và đang góp phần thúc đẩy nhìn nhận tích cực về đất nước Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Bên cạnh đó, các điểm đến du lịch thông qua phục vụ thị trường khách du lịch quốc tế đang dần trang bị khả năng hội nhập quốc tế.
+ Phát triển du lịch biển kéo theo sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của các địa phương ven biển
Với sự thu hút đầu tư phát triển trong thời gian gần đây, hệ thống các khu nghỉ dưỡng ven biển đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở dải ven biển miền Trung tạo nên một sự biến chuyển về diện mạo đô thị, hình thành dần tiềm lực cung ứng sản phẩm du lịch biển. Nhiều địa phương ven biển từ chỗ hầu như không có năng lực đón tiếp như Phú Yên, Bình, Định, Ninh Thuận…thì nay đang có sức bật nhanh chóng. Các khu nghỉ dưỡng ven biển có đặc điểm so với các khu lưu trú, dịch vụ ở các địa bàn du lịch sinh thái, du lịch văn hóa khác là phục vụ chủ yếu các loại khách du lịch nghỉ dưỡng, khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khách du lịch sự kiện lớn (đặc biệt như Nha Trang, Đà Nẵng) đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ ở đây phải đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc tế. Cũng chính vì vậy, lực lượng lao động phải đảm bảo các kỹ năng về chuẩn nghề quốc tế, đáp ứng hoàn toàn theo các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. Với nhiều địa phương, lao động được thu hút từ cộng đồng và được đào tạo liên tục qua nhiều hình thức, cử đi đào tạo, đào tạo tại chỗ để đảm bảo lực lượng có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu phát triển.
Với một tương lai không xa hệ thống sản phẩm du lịch biển sẽ hình thành năng lực cạnh tranh quốc tế lớn nhất cho du lịch Việt Nam, là hướng hội nhập quốc tế rõ rệt nhất.
2. So sánh các giá trị du lịch biển Việt Nam với cạnh tranh khu vực, nhìn nhận quốc tế
+ Du lịch biển Việt Nam hiện nay đang có những lợi thế về so sánh cạnh tranh trong khu vực
Với nguồn tài nguyên du lịch biển hấp dẫn và trong quá trình đầu tư phát triển thời gian gần đây, các resort ở các khu du lịch biển miền Trung Việt Nam hiện nay có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển nổi tiếng của các nước trong khu vực như Ba Li (Inđônêxia), Pattaya, Phukhet (Thái Lan), các bãi biển Tanjong, Siloso và Palawan trên đảo Sentosa (Singapore) và các khu du lịch biển của Malaysia.
Trên cơ sở kết quả đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế” và cập nhật các tình hình thực tế, một số yếu tố so sánh cạnh tranh giữa sản phẩm du lịch du lịch biển Việt Nam với một số nước có sản phẩm du lịch biển phát triển trong khu vực là Thái Lan và Inđônêxia cho thấy mặc dù hệ thống cơ sở hạ tầng đến các khu vực ven biển Việt Nam là tốt hơn cả so với đến các khu vực du lịch sinh thái núi cao, văn hóa cộng đồng dân tộc… nhưng cũng còn hạn chế hơn nhiều so với hạ tầng đến các điểm du lịch biển ở Thái Lan với 107 sân bay quốc tế và nội địa, 9 cảng biển quốc tế cho du lịch tàu biển, 4.070km đường sắt, 64.000km đường cao tốc, 4.500km đường xa lộ, 4.000km đường sông hoặc ở Inđônêxia với 10 sân bay quốc tế và 700 sân bay nội địa, 8 cảng biển quốc tế, 371.000km đường bộ, 22.000 km đường biển. Tính riêng cho du lịch biển, hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển du lịch nào. Bên cạnh đó thì ngân sách và năng lực xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tuy có được nâng lên một bước nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực. Cũng vậy, với kinh nghiệm phát triển du lịch biển lâu năm, công tác tổ chức và các dịch vụ của các nước này cao hơn so với Việt Nam.
Biểu đồ: So sánh sản phẩm du lịch biển Việt Nam với cạnh tranh trong khu vực
Tuy vậy thì so với các dòng sản phẩm du lịch chính khác ở Việt Nam như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa thì du lịch biển là có lợi thế cạnh tranh cao hơn cả. Kết quả nghiên cứu của đề tài NCKH kể trên (2008) cũng đã có kết luận tương tự.
Kết quả phát triển du lịch biển trong thời gian gần đây cũng một phần thể hiện các định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Mức độ hấp dẫn thu hút đầu tư thời gian gần đây của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung vào khu vực ven biển cũng khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng về cạnh tranh quốc tế của du lịch biển Việt Nam.
Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Việt Nam mới đang trong giai đoạn hình thành nên chu kỳ sống của sản phẩm sẽ khá dài. Chính lợi thế này đã giúp cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Việt Nam hấp dẫn được nhiều khách du lịch quốc tế trong thời gian gần đây trong điều kiện những bất lợi khác đang hiện hữu như cơ sở hạ tầng, mức độ đa dạng và chất lượng của các dịch vụ. Trong khi đó, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Thái Lan và Inđônêxia đã cơ bản bão hoà mặc dù họ thường xuyên tìm cách đổi mới sản phẩm nhằm kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm này.
Sự khác biệt của sản phẩm du lịch Việt Nam và cũng là điểm mạnh lớn nhất, đó là phong cảnh đẹp và tính nguyên sơ của tài nguyên du lịch biển. Các bãi biển tại miền Trung của Việt Nam và di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc và Côn Đảo với phong cảnh thiên nhiên đẹp và các bãi biển đầy cát trắng cũng sẽ tạo nên tính nổi trội cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng giải trí biển của Việt Nam trong tương lai. Đây là lợi thế nổi trội của Việt Nam so với Inđônêxia và Thái Lan cũng như mở rộng hơn là các nước khác trong khu vực.
Những bất ổn chính trị ở Inđônêxia, sóng thần tại Thái Lan thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch của các khu nghỉ dưỡng biển của các nước này. Nhiều khách du lịch đã lựa chọn các khu nghỉ dưỡng biển Việt Nam làm điểm đến thay thế. Với sự đầu tư nhanh chóng của các địa bàn ven biển trong 2,3 năm trở lại đây và liên tiếp gia tăng thị trường khách du lịch đang tạo ra sự sôi động ở khu vực ven biển này. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và vui chơi giải trí được hình thành đang tạo ra sức hấp dẫn lớn cho các sản phẩm du lịch biển. Khu vực biển đảo ven bờ đông bắc với hệ thống khách sạn khu vực Hạ Long, khu vui chơi giải trí Tuần Châu, tới đây là Ha Long Plaza; Khu vực biển đảo miền Trung với sự đầu tư của khu vui chơi giải trí, sinh thái Bà Nà (Đà Nẵng), khu vui chơi giải trí Vinpearland (Khánh Hòa); các resort cao cấp với quy mô lớn đang liên tục được khai trương như Six Sense (Khánh Hòa), Avani (Quy Nhơn), Silver Shore (Đà Nẵng)…, những resort nối tiếp resort ở “Thành phố resort” Mũi Né…; Các đảo lớn với các tiềm năng du lịch phong phú với vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ như Phú Quốc, Côn Đảo ở khu vực miền Nam cũng đang hiện dần lên với những hệ thống tiện nghi và dịch vụ hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ này đang nâng dần vị thế cạnh tranh của sản phẩm du lịch biển Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực và quốc tế.
Về triển vọng, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Việt Nam có thể vươn lên trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có vị thế cạnh tranh cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là vào giai đoạn trưởng thành của chu kỳ sống của sản phẩm du lịch này.
+ Du lịch biển Việt Nam có xu hướng nhìn nhận của thị trường gia tăng nhanh chóng
Quá trình phát triển, đặc biệt ngày một mở rộng khai thác và phát triển các điểm đến du lịch mới, sản phẩm du lịch mới, nhiều điểm đến của du lịch Việt Nam đã được khách du lịch quốc tế khám phá, ưa thích. Nhiều tổ chức quốc tế đại diện cho khách du lịch, cho các hãng lữ hành quốc tế toàn cầu hoặc các tạp chí quốc tế đã có những bầu chọn vinh danh các điểm đến du lịch Việt Nam mà trong đó nhiều điểm đến du lịch biển được đánh giá cao.
Có thể khẳng định tầm quan trọng của Vịnh Hạ Long như một trong những yếu tố nổi bật quan trọng của du lịch biển Việt Nam với hai lần được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và với giá trị địa chất địa mạo, tiếp theo được tổ chức 7news Wonder vinh danh là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Cũng trên các phương diện truyền thông quốc tế, mới đây trang Mymodernmet vừa đưa ra danh sách 7 điểm đến có cảnh sắc non nước tuyệt đẹp trên thế giới và Hạ Long được xếp ở vị trí thứ 4. Kết quả của nhiều cuộc khảo sát thị trường cho thấy 70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều đến thăm Vịnh Hạ Long.
Cùng với Hạ Long, Nha Trang và Lăng Cô cũng đều nằm trong top 30 vịnh đẹp nhất thế giới. Nhiều bãi biển của Việt Nam được các tổ chức bầu chọn là bãi biển đẹp trên thế giới như Mỹ Khê (Đà Nẵng) được Tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh;Tạp chí du lịch Rough Guides của Anh bình chọn Bãi Dài (Phú Quốc-Kiên Giang) xếp thứ 13 thế giới về các bãi biển hoang sơ đẹp nhất; bãi biển Nha Trang cũng được xếp hạng trong số 100 bãi biển đẹp nhất thế giới do tạp chí National Geographic của Mỹ bầu chọn; TripAdvisor cũng mới công bố các bãi biển của Việt Nam ở Đà Nẵng và Hội An xếp lần lượt ở vị trí thứ 23 và 24 về các bãi biển đẹp nhất ở Châu Á.
3. Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch biển Việt Nam – thế mạnh thương hiệu biển – sức mạnh trong hội nhập quốc tế
+ Thương hiệu du lịch biển là yếu tố quan trọng cho phát triển thương hiệu biển Việt Nam
Theo Simon Anholt, một trong những chuyên gia hàng đầu về xây dựng thương hiệu thì thương hiệu quốc gia được cấu thành từ hình ảnh của sáu nhóm nhân tố có tác động qua lại với nhau, được coi là sáu chiều của thương hiệu quốc gia, bao gồm: văn hóa và truyền thống; xuất khẩu; du lịch; đầu tư và di trú; con người và năng lực điều hành của nhà nước.
Như vậy, nếu coi việc phát triển thương hiệu biển Việt Nam là một thương hiệu quốc gia thì thông qua phát triển thương hiệu du lịch biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất để đạt được thành công về phát triển thương hiệu biển Việt Nam. Thông thường, các hình ảnh về một quốc gia được chuyển tải nhanh chóng thông qua các hình ảnh du lịch. Hoạt động du lịch, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch thường sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người đẹp nhất để xây dựng hình ảnh tích cực về các điểm đến du lịch, cũng chính vì vậy mà dễ dàng tạo ra những ghi nhận tích cực nhanh nhất cho một hình ảnh chung cho quốc gia. Bên cạnh đó, các trải nghiệm du lịch của khách du lịch quốc tế mang đến những ghi nhận, đánh giá sâu sắc hơn cũng tạo thuận lợi lớn hơn trong việc xây dựng thương hiệu chung về biển Việt Nam.
Theo các phân tích, đánh giá về vai trò, vị trí, thực trạng và triển vọng phát triển du lịch biển Việt Nam ở các phần trước, có thể thấy rõ là du lịch biển đang là hướng mũi nhọn phát triển của ngành du lịch, thể hiện qua Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, là địa bàn thu hút đa số khách du lịch quốc tế và nội địa. Du lịch biển Việt Nam cũng đang có sự tập trung đầu tư phát triển và có nhiều tiềm lực trong cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Các thế mạnh thương hiệu mà du lịch biển Việt Nam có thể tập trung phát triển theo 4 nhánh thương hiệu sản phẩm du lịch biển gồm:
- Thắng cảnh biển – di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với sự ký bí của hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ
- Các bãi biển phục vụ nghỉ dưỡng ven biển – dải ven biển miền Trung với cát trắng, nước trong phục vụ nghỉ dưỡng biển kết hợp với nhiều hoạt động du lịch khác như tham quan các di sản văn hóa thế giới…
- Thể thao biển với các hoạt động thể thao quốc tế (lặn biển tại Nha Trang, lướt ván dù, ván buồm tại Mũi Né)
- Du lịch đảo – nghỉ dưỡng và khám phá đảo còn hoang sơ (tại Phú Quốc, Côn Đảo).
Với các thế mạnh thương hiệu trên có thể thấy, thương hiệu du lịch biển Việt Nam gắn liền với các giá trị chính là:
“Sự đa dạng sắc thái và đa dạng mục đích sử dụng đường biển, với: Vịnh vũng cảnh quan, dải biển dài với chất lượng bãi tắm, hệ thống đảo ven bờ với nhiều đảo còn nguyên sơ”.
Tập trung vào những giá trị cốt lõi, thế mạnh thương hiệu này, cần có các biện pháp xúc tiến quảng bá phù hợp từ Trung ương đến địa phương, các địa phương ven biển cần đảm bảo việc phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, mang tính tập trung, hình thành rõ nét hơn từng khu vực với từng thế mạnh sản phẩm, thế mạnh thương hiệu.
Phát triển thương hiệu du lịch biển cũng cần dựa vào hiệu ứng các thương hiệu điểm đến, sản phẩm cụ thể đã được thị trường biết đến mà các địa phương ven biển đã từng bước gây dựng.
Vịnh Hạ Long được thị trường biết đến rộng rãi qua một quá trình phát triển, cũng sau hiệu ứng của cuộc bầu chọn kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cần được tiếp tục chiến dịch xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu để tiếp tục duy trì hiệu ứng này. Bên cạnh đó tạo ra cơ sở để mở rộng các giá trị thương hiệu khác về nghỉ dưỡng biển…
Các nhìn nhận quốc tế về các bãi biển, vịnh đẹp Việt Nam cần được các địa phương nhìn nhận như các động lực cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch biển ra nước ngoài. Sự phát triển liên tục và nhanh chóng cùng sự hoàn thiện về cảnh quan, môi trường của các bãi biển đẹp du lịch Việt Nam cũng là những yếu tố tích cực mà cần liên tục thông tin, cập nhật cho thị trường để họ có được sự nhìn nhận về một vùng biển đầy tiềm năng du lịch đang liên tục được khám phá.
Các lễ hội, sự kiện được tổ chức tại các địa phương ven biển có được tiếng vang cũng góp phần tham gia trong quá trình định vị thương hiệu du lịch biển Việt Nam, đó là các lễ hội gắn liền với biển như festival biển Nha Trang; lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Nha Trang; thi thuyền buồm quốc tế tại Nha Trang, Bình Thuận; lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại Bình Thuận…ngoài ra là các lễ hội khác như festival Huế, lễ hội Đêm rằm phố cổ Hội An…
Du lịch biển cũng được góp phần định vị thông qua các đặc trưng văn hóa cùng các tập tục từng vùng miền có biển với sự khác biệt từ bắc đến Nam. Các giá trị ẩm thực truyền thống các vùng ven biển với các loài hải sản được chế biến theo các hương vị truyền thống cũng là những nét nhận biết quan trọng góp phần trong việc phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam.
+ Đẩy mạnh các hướng hội nhập đã và đang triển khai – thế mạnh phát triển và hội nhập thương hiệu du lịch biển Việt Nam
Quá trình hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và quốc tế đã và đang tạo ra những thuận lợi mà Việt Nam có thể tận dụng để phát triển thương hiệu du lịch biển như một trong những động lực cho phát triển thương hiệu biển Việt Nam.
Trong hợp tác với các nước ASEAN có được thuận lợi lớn nhất do các nước đã cùng xây dựng Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012-2015, trong đó du lịch tàu biển được quan tâm phát triển và là hướng hợp tác giữa các nước. Singapore là nước điều phối, Việt Nam là đồng chủ trì phát triển sản phẩm du lịch tàu biển, từ đó Singapore đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ khảo sát cảng biển Việt Nam. Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2014, Philippines cũng đã đề xuất phát triển du lịch tàu biển với Việt Nam, hướng đến hợp tác 3 bên trong thời gian tới để phát triển du lịch tàu biển, mở ra nguồn khách và thúc đẩy phát triển hàng loạt sản phẩm du lịch trên các địa phương ven biển. Theo Cục Du lịch Singapore, các điểm du lịch biển của Việt Nam như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu là những nơi khách du lịch tàu biển muốn đến thăm. Khách du lịch tàu biển là đối tượng khách cao cấp đối với hầu hết các điểm đến du lịch trên toàn thế giới. Thông thường, khách du lịch tàu biển sẽ quay trở lại các điểm đến họ đã ghé thăm. Trong quá trình hợp tác, nếu Việt Nam chủ động, tích cực thì thương hiệu du lịch Việt Nam có thể có vị trí nổi bật trong thương hiệu chung du lịch ASEAN. Từ đó, quá trình hợp tác quốc tế trong ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thương hiệu du lịch biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, để phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam theo hướng đẩy mạnh hội nhập quốc tế, cần phát huy tối đa các lợi thế trong hợp tác quốc tế trong các khuôn khổ song phương và đa phương với các định hướng:
– Đẩy mạnh hoạt động hợp tác du lịch khu vực như: CLMV (Hợp tác với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam), GMS (Hợp tác trong Tiểu vùng Mekong mở rộng), ACMECS (hợp tác trong khối các nước ASEAN gắn liền với lục địa châu Á, gồm 05 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Thái Lan);
– Khai thác tối đa hỗ trợ của các nước lớn, có nhiều tiềm lực hoặc kinh nghiệp phát triển du lịch trong các khuôn khổ hợp tác song phương (với Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Liên minh Châu Âu);
– Tranh thủ tối đa lợi ích từ hợp tác đa phương (ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Trung Quốc) và các tổ chức quốc tế (Tổ chức Du lịch thế giới, APEC…).
Như vậy có thể thấy phát triển thương hiệu du lịch biển hiện nay là hướng đi đúng đắn thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thông qua phát triển du lịch biển và đẩy mạnh thương hiệu du lịch biển Việt Nam chính là cách thức hiệu quả phát triển thương hiệu biển Việt Nam và hướng quan trọng trong hội nhập quốc tế. Tận dụng những lợi thế thương hiệu và các quan hệ hợp tác quốc tế sẽ đẩy mạnh được quá trình xây dựng thương hiệu biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
1. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
3. Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020. Bộ VHTTDL, 2013.
4. Đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”. Đỗ Cẩm Thơ, 2009.
5. Đề tài NCKH cấp Bộ “Giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam”. Đỗ Cẩm Thơ, 2014.
Tham luận tại Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ VI “Thương hiệu biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế”