Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển sản phẩm và quảng bá du lịch Hà Nội – cần một định hướng chiến lược

      bandohanoi I. Đặt vấn đề

       Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã giúp cho ngành Du lịch có những chuyển biến tích cực, định hướng việc khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc thù của Thủ đô, gồm du lịch MICE, vui chơi giải trí và thương mại tổng hợp chất lượng cao.
    Luật Du lịch định nghĩa: Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Luật Du lịch cũng xác định chính sách phát triển sản phẩm du lịch như sau: Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác;
    Thành phố Hà Nội cũng xác định lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử là điều kiện phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô. Trong chiến lược phát triển, ngành Du lịch đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó sản phẩm du lịch của địa phương cần phải xây dựng những sản phẩm đặc trưng, tạo thương hiệu riêng biệt của vùng, miền. Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy ngày 26/6/2016 cũng xác định quan điểm: “Xây dựng du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân, trọng tâm là: Phát triển du lịch gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, các quy hoạch chuyên ngành liên quan; bảo đảm quốc phòng, an ninh trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố.
    Trong khuôn khổ bài Nghiên cứu – Trao đổi này, định hướng chiến lược phát triển sản phẩm và quảng bá du lịch Thủ đô trong mối tương quan với việc phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô cần được xem xét trên một số khía cạnh như sau: (1) Sản phẩm du lịch đó có điểm độc đáo, thu hút một đối tượng đáng kể khách khám phá, trải nghiệm; (2) có tác động kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng khách du lịch; (3) có sự liên kết chặt chẽ với các ngành, các lĩnh vực khác.

     

       II. Nội dung trao đổi:
       1. Nhận định tổng quan về sản phẩm du lịch Hà Nội
       Hà Nội đã được ngợi ca qua nhiều trang sách, các tác phẩm điện ảnh, hội họa, thơ ca. Đối với khách du lịch nội địa, điểm đến du lịch Hà Nội mang một hình ảnh đậm nét về thủ đô lịch thiệp, hào hoa, tinh tế, lịch sử lâu đời. Đối với khách du lịch quốc tế, Hà Nội là một điểm đến khó bỏ qua trong hành trình khám phá Việt Nam, hình ảnh của Thủ đô gắn liền với hình ảnh của đất nước.
    Thật vậy, Hà Nội là một điểm đến mang lại những xúc cảm mạnh mẽ đối với tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là với những ai chưa từng đặt chân tới Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hà Nội hấp dẫn du khách với những giá trị văn hóa, lịch sử kỳ thú:
    – Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là nơi lưu dấu một triều đại thịnh vượng;
    – Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên vẫn được giữ gìn với dáng vẻ trang trọng, oai nghiêm trong khuôn viên tươi đẹp;
    – Hà Nội luôn gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ về bề dày lịch sử, nền văn hóa đặc sắc của phố nghề. Nhiều làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, đúc đồng Ngũ Xã, lụa Vạn Phúc… với các sản phẩm đa dạng, phong phú, tạo ấn tượng sâu sắc, khó quên cho du khách.
    – Ẩm thực Hà thành với những đặc sản riêng có của Phở Hà Nội, Nem Hà Nội, Bún Thang Hà Nội…
    – Hà Nội cũng đem lại những trải nghiệm khó quên của các khu phố Tây, các con phố nhỏ trong khu phố cổ và cùng với các loại hình nghệ thuật rất Hà Nội và cũng rất Việt Nam như múa rối nước, ca trù, trầu văn… hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước.
    – Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều điểm thực hành tín ngưỡng truyền thống linh thiêng như chùa Trấn Vũ, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ… hòa trong phong cảnh hồ nước trong xanh, những không gian thoáng đãng ngay giữa lòng Thủ đô đông đúc. Ở đây, khách du lịch được tận hưởng không khí trang nghiêm, thanh tịnh và được nghe những câu chuyện và những truyền thuyết lý thú không thể nào quên để kể lại cho gia đình và bạn bè sau chuyến đi.
    – Nhưng Hà Nội cũng là điểm đến tham quan thành phố (city breaks) vì là cửa ngõ giao thông, trung tâm phân phối khách du lịch 3 miền Bắc – Trung – Nam. Giờ đây, Hà Nội hoàn toàn có thể thu hút khách ở lại lâu hơn với phố đi bộ, phố cổ về đêm, bên cạnh những di sản văn hóa quốc gia và thế giới như Trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long, di sản lịch sử – cách mạng, hệ thống chùa chiền, bảo tàng, công viên, nhà hát, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí hiện đại, ẩm thực đặc sắc, phong phú…
    – Cũng giống như các quốc gia khác, khi nhắc tới tên điểm đến quốc gia là khách du lịch nghĩ ngay tới thủ đô của nước đó. Cũng vậy, khi nhắc tới Việt Nam là nhắc tới Hà Nội. Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Vì thế, nói tới du lịch Hà Nội không thể không chú trọng phát triển du lịch MICE với các hoạt động du lịch liên quan tới công vụ, hội họp, khuyến thưởng, hội chợ, triển lãm…
    Rõ ràng, du lịch Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế. Để khai thác tốt sản phẩm du lịch hiện có và xúc tiến quảng bá hiệu quả hơn trong tương lai, cần có sự đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp, có hệ thống.
    2. Trao đổi về định hướng xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm du lịch Hà Nội
    Nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá (XTQB) cho sản phẩm du lịch Hà Nội có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, gồm Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (ĐTTMDL) Hà Nội, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, và các bên liên quan khác. Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, là một trong những điểm đến du lịch mang tính biểu tượng bên cạnh Hạ Long, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, nổi bật với các hoạt động mua sắm, ẩm thực, giải trí, cuộc sống về đêm, văn hóa, nghệ thuật, lễ hội…
    Chúng ta có thể tạo dấu ấn cho một sản phẩm đặc thù trong giai đoạn 1 năm để tạo đà cho việc xây dựng thương hiệu. Thương hiệu của sản phẩm sẽ tạo nên thương hiệu của điểm đến. Đã từng có sự kiện Ngày Phở Việt Nam ở Nhật Bản. Vậy tại sao lại không thể có một ngày Ẩm thực Hà Nội ở chính Thủ đô? Ngày Ẩm thực hàng năm ở Hà Nội sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách du lịch và người dân Thủ đô, dần dần sẽ trở thành sản phẩm du lịch ẩm thực thực sự rõ nét và nảy sinh nhu cầu xây dựng các hoạt động sáng tạo khác xoay quanh du lịch ẩm thực.
    3. Cần một định hướng chiến lược phát triển sản phẩm và quảng bá du lịch Hà Nội
    Chúng tôi xin đề xuất định hướng chiến lược phát triển sản phẩm và quảng bá du lịch Hà Nội như sau: (1) Đánh giá sản phẩm; (2) Xác định thị trường mục tiêu (thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, thị trường gần, thị trường xa, các phân khúc thị trường…); (3) Chiến dịch XTQB; (4) Công cụ marketing: e-marketing; PR; tham gia, tổ chức sự kiện…

     

       1. Đánh giá sản phẩm
    Chất lượng sản phẩm du lịch Hà Nội trong thời gian qua đã được nâng tầm cao hơn, gắn với quá trình xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Điển hình như việc tiếp tục tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận một năm qua, biến nơi đây trở thành không gian trải nghiệm văn hóa độc đáo của Hà Nội dịp mỗi dịp cuối tuần.
    Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của du lịch Thủ đô không ngừng tăng với những sản phẩm du lịch mới ấn tượng, hấp dẫn như: Tuyến du lịch vàng tham quan TP Hà Nội, tour du lịch miễn phí “Cảm xúc Hà Nội”, tour tham quan lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội…
    Sản phẩm du lịch công vụ là một trong những sản phẩm quan trọng của du lịch Hà Nội. Các quầy thông tin du lịch và đặt tour tại các khách sạn hiện đang là một phương pháp hiệu quả phục vụ đối tượng khách này. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có phương pháp tiếp cận và nghiên cứu sản phẩm du lịch phù hợp dành riêng cho khách du lịch công vụ của Hà Nội.
    Ngoài ra, loại hình du lịch tâm linh cũng là một xu hướng phát triển của du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, đây là thị trường tiềm năng đang chờ những nghiên cứu sâu hơn để phát triển, dành cho thị trường khách du lịch nội địa, chủ yếu từ các tỉnh lân cận.
       2. Xác định thị trường mục tiêu:
       Tính hiệu quả của hoạt động du lịch được đo lường dựa trên số lượng và nguồn khách, cơ cấu khách theo quốc tịch, độ tuổi và nhu cầu về loại hình du lịch. Khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam từ hơn 100 quốc gia thì mỗi vùng lãnh thổ gắn với một đối tượng khác nhau. Riêng đối với Hà Nội, thị trường khách du lịch truyền thống là khách Tây Âu với nhu cầu đi du lịch để tìm hiểu văn hóa, lối sống, lịch sử. Năm 2016, thị trường khách Tây Âu và Nga cung cấp 1,5 triệu lượt khách cho Việt Nam và ¼ số khách này đã đến Hà Nội. Với mối quan hệ sâu sắc, Hà Nội luôn hấp dẫn khách Âu, Mỹ, vì vậy cần tập trung xúc tiến mạnh mẽ cho thị trường này. Bên cạnh đó khách Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là thị trường cần quan tâm của Du lịch Hà Nội.
    Thị trường khách du lịch nội địa chính là thị trường ổn định và ít bị ảnh hưởng nhất từ các tác động kinh tế, chính trị và bất ổn khác trong khu vực và trên thế giới. Thị trường khách du lịch nội địa đa dạng trong nhu cầu và khả năng chi tiêu. Người Việt Nam lựa chọn nhiều nhất các cơ sở lưu trú từ nhà nghỉ bình dân cho tới 3 sao, nhưng cũng có một thị trường không nhỏ khách du lịch có khả năng chi trả cho dịch vụ cơ sở lưu trú cao cấp từ 4 đến 5 sao.
       3. Chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch
       Chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch của Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến cả về chất và lượng thông qua nhiều sự kiện, hoạt động trong nước và quốc tế. Căn cứ vào những kết quả đạt được và định hướng về XTQB trong tương lai, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau đây:
    Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố bạn, tăng cường giới thiệu sản phẩm du lịch cho các tỉnh, thành phố lớn như Đà Năng, Nha Trang, Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các tour, tuyến du lịch thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao. Đồng thời, thu hút thị trường khách du lịch các tỉnh lân cận Hà Nội với mức chi tiêu trung bình.
       Coi trọng việc XTQB ở các thị trường Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ. Lưu ý lựa chọn một sự kiện trọng điểm gắn với hình ảnh của Thủ đô 1000 năm Thăng Long – Hà Nội theo giai đoạn từng năm để có thể tập trung nguồn lực cao nhất.
    Xây dựng kế hoạch XTQB sản phẩm du lịch theo giai đoạn từng năm. Kế hoạch cần cụ thể hóa hai nội dung chính là: (1) Nghiên cứu xây dựng thương hiệu và (2) Tổ chức sự kiện xúc tiến, quảng bá.
       4. Công cụ marketing chủ yếu:
    a) E-marketing: trang web, các trang mạng xã hội, blog, PR…
    b) Trung tâm báo chí trong nước và nước ngoài (tại các hội chợ); tổ chức các đoàn FAM, Press khảo sát sản phẩm.
    c) Hội chợ trong nước và quốc tế.
    d) Ấn phẩm quảng bá.
    e) Quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình, xe buýt, pa-nô…
       Trong xu thế chung, ứng dụng e-marketing có vai trò chủ lực. Các nhà hoạch định chiến lược tiếp thị cần lưu ý tới ứng dụng công nghệ thông tin. Đơn giản nhất, việc thực hiện e-marketing trong tham gia hội chợ như sau: Điều cần thiết trước tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, chuẩn bị chu đáo giấy mời, các cuộc hẹn gặp qua email, cập nhật trang web trước sự kiện, các ấn phẩm quảng bá và chương trình quảng cáo trên internet về điểm đến. Sau khi sự kiện diễn ra, công việc quan trọng hơn là tiếp tục thực hiện việc liên hệ và theo dõi tiến triển công việc (follow up) để tiếp cận gần gũi hơn với đối tác./.

     

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục