Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển sản phẩm lưu niệm để quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch Việt Nam (Bài 2)

    Không thể phủ nhận những giá trị mà sản phẩm lưu niệm đã mang lại bởi nó cũng thể hiện một phần đặc trưng văn hóa Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta không phát triển để góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.

    > Thị trường lưu niệm còn rất nhiều cơ hội để phát triển

    bupbeluuniemNhư đã trình bày ở bài 1, rất nhiều quốc gia đã lựa chọn hình thức phát triển quà tặng lưu niệm để quảng bá văn hóa, xây dựng hình ảnh đất nước. Với đa dạng các loại hình sản phẩm lưu niệm như hiện nay thì số lượng những sản phẩm có dấu ấn văn hóa mang thương hiệu Việt Nam vẫn còn hạn chế và chưa được khẳng định.

    Dù có không công nhận nhưng trên thực tế đó là sức hút từ các sản phẩm lưu niệm với du khách rất lớn. Người Việt Nam hay du khách quốc tế đều như vậy, mỗi khi đến thăm quan du lịch ở 1 địa danh nào đó, ai ai trong chúng ta cũng đều muốn mang về 1 sản phẩm của địa danh đó. Vừa là để làm quà kỷ niệm cho chuyến đi, vừa là quà tặng tặng cho bạn bè, người thân. Và khi món quà lưu niệm đó được truyền đến tay của bạn bè, người thân, một cách gián tiếp chúng ta đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của vùng đất mà chúng ta đã đến.

    Khi cầm con búp bê gỗ Matryoshka, có ai trong chúng ta không tò mò về đất nước Nga xa xôi nơi có những người thợ tài hoa đã tạo nên sản phẩm mê hoặc cả người lớn lẫn trẻ em? Được nhận món quà có hình ảnh tháp Effiel, có ai không thầm ngưỡng mộ và ao ước một lần được đặt chân đến thành phố tráng lệ này? Cũng như vậy, khi nhìn thấy hình ảnh núi Phú Sĩ, lật đật Durama, có ai lại không nghĩ về văn hóa của xứ sở mặt trời mọc?…

    Việt Nam chúng ta có rừng vàng, biển bạc với 1 kỳ quan thế giới mới là Vịnh Hạ Long; 17 di sản thế giới gồm cả di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và di sản phi vật thể đã được Unesco công nhận, con số này dự kiến sẽ còn tăng gấp nhiều lần bởi tiềm năng văn hóa và di sản của Việt Nam vô cùng lớn. Không chỉ có vậy, bờ biển Mỹ Khê của Đà Nẵng được xếp vào danh sách 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Phố cổ Hội An dẫn đầu danh sách những thành phố du lịch đáng mơ ước năm 2013. Mai Châu Hòa Bình mới đây lại được xếp vào danh sách những điểm du lịch hấp dẫn mới năm 2013…Và 8 khu dự trữ sinh quyển được Unesco công nhận, Việt Nam đứng vào danh sách những đất nước có số lượng khu dự trữ sinh quyển nhiều nhất thế giới. Khu danh thắng Tràng An đang trong quá trình chờ quyết định của Tổ chức Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và quần đảo Cát Bà nếu được công nhận sẽ là Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của chúng ta.

    Chưa hết, tính trên địa bàn cả nước hiện nay, Việt Nam còn có tới khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ, trong số đó hơn 7.000 lễ hội dân gian. Theo số liệu thống kế năm 2012, cả nước có hơn 40.000 di tích văn hóa, trong đó 23 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt, trên 6.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nếu để kể hết ra thì còn nhiều, rất nhiều những giá trị văn hóa khác nữa nhưng chỉ cần những con số khái quát như vậy, có thể nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch Việt Nam, cũng như thị trường lớn để phát triển sản phẩm lưu niệm.

    >> Kế hoạch dài hạn cho việc phát triển

    Tuy nhiên cho đến nay, thị trường lưu niệm vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm với tài nguyên văn hóa vốn có mặc dù đã có nhiều những kế hoạch, chiến lược phát triển.

    Năm 2009, Tổng Cục Du lịch khuyến kích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng về quà, đồ lưu niệm mang đặc trưng và in đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Ví dụ như Hà Nội có Hồ Gươm, Văn Miếu, Chùa Một Cột; Huế có kinh thành Huế, Đài đài lăng tẩm, Sông Hương, Cầu Trường Tiền; Quảng Nam có Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn; Thành phố Hồ Chí Minh có Chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng…Vậy nhưng kết quả thu được chẳng là bao, bởi nhiều nguyên nhân có thể do thiếu kinh phí, do chưa nhận thức đầy đủ sự quan trọng trong việc tìm kiếm sản phẩm lưu niệm đặc trưng và bởi những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc vừa rẻ vừa nhiều lựa chọn…

    Năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm di sản thế giới” ở làng nghề mộc Kim Bồng, Thành Hà, đất nung Lê Đức Hạ và lồng đèn Duy Quá.

    Năm 2012, Tỉnh Bình Thuận đã đặt hàng Trường Cao đẳng Cộng đồng nghiên cứu để tài “Sản xuất Sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận để phục vụ du lịch”

    Ngày 24/5 mới đây, Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng thực hiện Quyết định 55/2012/QĐ-UBND ngày 05/12/2012 về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Sau cuộc phát động đã có hơn 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí, trang sức lưu niệm với hình Cầu Rồng, Sông Hàn và nhiều sản phẩm khác có logo của Đà Nẵng. Tuy nhiên về hình thức, kiểu dáng cũng như sự chắt lọc hình ảnh của các sản phẩm đều chưa tinh xảo và toát lên đặc trưng của tỉnh.

    Thành phố Hà Nội thì sau nhiều lần phát động các cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, cuối cùng cũng đã chọn biểu tượng “Khuê Văn Các” tại Văn Miếu làm biểu tượng du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, do chưa có kế hoạch dài hơi cũng như chiến lược tuyên truyền sâu rộng về các làng nghề nên những sản phẩm lưu niệm có hình Khuê Văn Các cho đến nay vẫn đơn điệu và thiếu sự đa dạng.

    >>>Hàng Trung Quốc đang tràn lan

    Bên cạnh những chương trình nhỏ lẻ được thực hiện chưa thực sự quy mô, cũng như chưa có kế hoạch dài hơi thì thì trường quà lưu niệm Việt Nam còn đang gặp phải 1 vấn đề đó là: hàng Trung Quốc tràn lan

    Dạo quanh những thành phố lớn và phát triển về du lịch sẽ thấy rất rõ vấn đế này. Ví dụ như ở Hà Nội những tuyến phố bán hàng lưu niệm lớn như Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Trống, Chợ Đồng Xuân…các sản phẩm lưu niệm Trung Quốc có mặt hầu hết ở các cửa hàng. Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc chỉ đơn giản là những móc khóa; tượng trưng bày bằng gỗ, sứ; các sản phẩm phụ kiện như cà vạt, khăn quàng…thì nay, Trung Quốc sản xuất luôn các mặt hàng sơn mài, thủ công mỹ nghệ nhái theo sản phẩm của Việt Nam. Các chủ cửa hàng thay vì nhập hàng Việt Nam từ các làng nghề truyền thống thì nay lại chọn nhập hàng Trung Quốc nhái bởi đa dạng hơn và giá cả rẻ hơn nhiều.

    Đến ngay cả làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nổi tiếng với sản phẩm lụa  và là một điểm đến thu hút khách quốc tế khi đến Hà Nội nay cũng đã ngập tràn hàng Trung Quốc. Các cơ sở sản xuất hàng tơ, lụa ở Vạn Phúc nay chẳng còn có mấy, những gia đình mấy đời dệt lụa nay cũng đã bỏ ngề truyền thống để đi buôn..lý do đơn giản vì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc vừa rẻ, vừa đa dạng.

    Với danh hiệu “Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”, Vịnh Hạ Long ngày càng thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Nhưng sẽ không thể không thất vọng khi dạo quanh thị trường quà lưu niệm ở thành phố biển này. Theo như khảo sát của Hiệp hội làng nghề thì có đến hơn 80% sản phẩm được bày bán ở đây có xuất xứ từ Trung Quốc.

    Quảng Nam nổi tiếng là vùng đất hội tụ các di sản, thế nhưng ngoài sản phẩm đèn lồng đã được đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu và các sản phẩm may mặc thì còn lại 80% hàng lưu niệm cũng là hàng Trung Quốc và từ các địa phương khác nhập về…

    >>>>Phát triển sản phẩm lưu niệm để quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội

    Nguồn tài nguyên di sản, tài nguyên văn hóa đã quá rõ ràng, đây chính là nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm lưu niệm. Nhưng không chỉ có vậy, khả năng, kỹ năng sản xuất hàng lưu niệm của chúng ta cũng rất lớn. Với lịch sử lâu đời, cuộc sống của người dân Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước và gắn với những làng nghề truyền thống. Cho đến nay mặc dù nhiều làng nghề truyền thống đã bị mai một và mất đi nhưng theo thống kế của Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam thì trên cả nước hiện vẫn còn khoảng hơn 3.000 làng nghề, trong đó gần 400 làng nghề truyền thống thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gồm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt lụa, tranh dân gian, trạm khắc…Chỉ riêng ở Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của cả nước đã có đến gần 1.000 làng nghề trong số đó có hàng trăm làng nghề thủ công, mỹ nghệ, sơn mài, dệt lụa truyền thống..

    Các làng nghề đang thu hút gần 12.000 lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn lúc nông nhàn. Sản phẩm do thợ thủ công các làng nghề góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 1 tỷ USD/năm.

    Tại Hội thảo “Nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch” trong khuôn khổ Fesival nghề truyền thống Huế 2013 , ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL  tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Trong năm 2012, tại địa phương, các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động, nâng cao đời sống người dân ở vùng có làng nghề truyền thống lên từ 3 – 5 lần so với sản xuất thuần nông. Thực tế cũng cho thấy, các làng nghề truyền thống hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động tại địa phương, thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

    Chỉ một ví dụ đơn giản như vậy để thấy rằng, những sản phẩm lưu niệm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống không những giải quyết hàng trăm, hàng nghìn lao động ở các làng quê mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân nhờ vào nguồn thu nhập từ việc sản xuất những mặt hàng này.

    Nhìn vào số lượng hàng quà tặng lưu niệm trên cả nước hiện nay thì có đến hơn 50% là hàng Trung Quốc. Nếu chúng ta có thể xây dựng những chiến lược dài hạn để hạn chế tình trạng này và phát triển sản phẩm lưu niệm mang thương hiệu “made in VietNam”. Theo đó sẽ giải quyết được  hàng chục nghìn lao động có công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ vào thu nhập ổn định.Từ những sản phẩm lưu niệm ấn tượng độc đáo chúng ta sẽ có thể thu hút thêm khách du lịch. Bởi thực tế, khách du lịch ở Việt Nam hiện nay có rất ít lựa chọn cho sản phẩm lưu niệm. Khi mà sản phẩm lưu niệm của Việt Nam đã định hình với dấu ấn văn hóa đặc trưng mang thương hiệu Việt Nam thì gián tiếp nền văn hóa của chúng ta sẽ được nhân rộng cả trong nước và trên thế giới. Tất nhiên, theo sau đó là sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn của ngành du lịch. Phát triển du lịch cũng đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống xã hội.

    Một sản phẩm quà tặng lưu niệm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa. Phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm góp phần quảng bá văn hóa, thúc đẩy tăng trưởng du lịch, kinh tế. Tại sao chúng ta lại không bắt đầu thực hiện ngay từ hôm nay.

    Nguyễn Hương


    Nguồn: Cinet

    Bài cùng chuyên mục